Ở vùng biển Việt Nam có rất nhiều loài thủy hải sản có khả năng tạo ra độc tố, trong đó phổ biến 6 loại: tetrodotoxin - độc tố thần kinh, ciguatera, DSP - độc tố gây tiêu chảy, PSP - độc tố gây chứng liệt cơ, NSP - độc tố gây loạn thần kinh, ASP - độc tố gây chứng mất trí nhớ.
Cùng Đất Việt điểm mặt những loại thủy hải sản chứa độc tính:
Cá Nóc
Cá Nóc thuộc họ Tetraodontidae, đa số sống ở biển nhưng cũng có vài loại sống ở vùng nước ngọt và nước lợ. Đây là loại cá kịch độc đã làm tử vong nhiều người tại Việt Nam và một số nước trên thế giới (Nhật Bản), nhưng lại là món ăn khoái khẩu của người dân vùng biển.
Cá Nóc là một loại cá kịch độc đã làm tử vong nhiều người tại Việt Nam. |
Cá Nóc trung bình có chiều dài khoảng 15 cm đến 40 cm khi trưởng thành, với trọng lượng từ 0,45 – 2 kg và có hình dáng tròn bầu như trái lê.
Loài cá này không tự cấu tạo độc tố trong cơ thể, mà được tích tụ và truyền qua bởi những vi khuẩn có tên Pseudomonas, một loại vi khuẩn độc hại, hình dạng dài như chuỗi hạt dài. Độc tố của cá nóc biến động khá phức tạp theo mùa vụ và theo cá thể. Trong cùng một loài, có thời điểm trong năm mang độc tính cao (ví dụ mùa mang trứng, cá nóc sẽ trở nên độc hơn) và sẽ có những cá thể độc nhiều hoặc ít độc.
Lượng độc tố trong cá phần lớn tích tụ trong phần nội tạng của cơ thể, nhiều nhất là ở buồng trứng, gan, tụy tạng, ruột …và một phần nhỏ trong máu, da và bắp thịt. Chất độc tố này có tên gọi Tetrodotoxin, độc hại gấp 1200 lần cyanua. Người ăn cá khi bị trúng độc, bắp thịt bị co cứng, đầu óc cảm thấy choáng váng, cơ thể rã rời, nhức đầu, nôn mửa, khó thở. Khoảng 60 – 80 % nạn nhân sẽ tử vong trong vòng 4 – 6 giờ và hiện nay, khoa học chưa tìm ra thuốc giải. Biện pháp chữa trị chỉ là súc rửa dạ dày hoặc dùng than hoạt tính (active charcoal) để thải loại bớt chất độc, hô hấp nhân tạo, truyền dịch nhằm tăng cường sức chống chịu của cơ thể...
Theo nghiên cứu của Viện Hải dương học Nha Trang, trong tổng số 17 loài cá Nóc đặc trưng ở vùng biển Việt Nam, có 8 loài có chất độc; trong đó có 5 loài chứa độc tính cao gây nguy hiểm cho tính mạng con người gồm: cá Nóc răng mỏ chim, cá Nóc đầu thỏ chấm tròn, cá Nóc tro, cá Nóc vằn vện, cá Nóc răn rùa; và 3 loài cá nóc còn lại gồm: cá Nóc vàng, cá Nóc chuột vân bụng và cá Nóc chuột Mappa.
Hiện, chưa có một công trình khoa học nào công bố về những giá trị dinh dưỡng đặc biệt của thịt cá nóc như những lời đồn đại, còn mức độ thơm ngon thì hoàn toàn tùy thuộc cảm nhận cá nhân. Song, thực tế là việc ăn cá nóc rất nguy hiểm cho sức khoẻ và tính mạng con người, nhưng ngư dân ở các vùng biển vẫn tin rằng nọc độc của cá nóc chủ yếu nằm ở da và cơ quan nội tạng, nếu loại bỏ những bộ phận này thì việc ăn thịt cá nóc không có gì phải quan ngại và nhiều người đã phải trả giá đắt bằng sinh mạng cũng vì suy nghĩ nông cạn này.
Ghi nhận mới đây cho thấy, vào ngày 28/8 vừa qua, khi một tàu cá đánh bắt cách cửa biển Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu khoảng 100 hải lý thì xảy ra vụ ngộ độc do ăn cá nóc làm 1 người chết là ông Lư Mới (quê Kiên Giang, chủ tàu cá) và 4 người đưa đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Bạc Liêu trong tình trạng sức khỏe nguy kịch.
Ngao sò
Ngao sò có thể chứa tới 38 loài tảo độc, trong đó có 4 loại độc tố cực kỳ nguy hiểm gây tiêu chảy, liệt cơ, mất trí nhớ và nhũn não…
Ngao, sò có thể chứa tới 38 loài tảo độc. |
TS Nguyễn Tử Cương, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Dịch vụ thủy sản Việt Nam cho biết trên báo Khoa học và Đời sống: Ngao, sò là nhuyễn thể hai vỏ, lấy thức ăn từ phù du thực vật và động vật nên ngoài việc nhiễm vi khuẩn, nhất là vi khuẩn Vibrio gây tiêu chảy cấp thì nguy cơ lớn nhất ở ngao, sò chính là độc tố từ tảo biển - có 75 loài, trong đó có tới 38 loài chứa độc tố. Ngao sò hút nước, ngậm ép nước lọt qua, giữ lại các chất cặn bã - phù du, trong đó có tảo. Trường hợp tảo chứa chất độc sẽ không thoát ra được, tích lũy trong thịt, đặc biệt là ruột của nhuyễn thể. Nếu ăn phải nhuyễn thể có hàm lượng độc tố cao, sẽ gây nguy hiểm, thậm chí mất mạng.
Theo TS Cương, độc tố nguy hại chứa trong ngao, sò đối với con người là: DSP, ASP…, được sinh ra do nhuyễn thể ăn phải tảo độc nhóm Dinoflagellate. Loài này chỉ gây rối loạn đường ruột, tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng, nếu điều trị kịp thời thì sau 3 – 4 ngày sẽ khỏi.
Nguy hiểm nhất là độc tố PSP gây bại liệt, xuất hiện 30 phút sau khi ăn gồm: cảm giác tê ở môi, cổ, mặt, cùng cảm giác như có kiến bò trong các ngón tay và ngón chân, nhức đầu, chóng mặt và buồn nôn, nói năng không còn mạch lạc, mạch đập nhanh, thở khó… Trường hợp nặng có thể chết vì bị liệt hô hấp.
Độc tố ASP, NSP gây nhũn não, mất trí nhớ, sau khi gây buồn nôn, tiêu chảy bắt đầu tác động đến dạ dày, thần kinh gây hoa mắt, choáng ngất, nồng độ cao sẽ phá hủy tế bào thần kinh tạm thời hoặc vĩnh viễn gây mất trí nhớ và tử vong.
Các chuyên gia đều khuyên, người dân phải thường xuyên cập nhật thông tin báo hiệu tảo độc, nếu thấy tảo độc xuất hiện ở vùng nào thì tạm ngừng ăn các loại nhuyễn thể vùng đó. Để loại bớt độc tố, khi ăn nên bỏ ruột. Thông tin mới nhất về ngộ độc món hải sản này là hồi đầu tháng 4/2011, anh Nguyễn Văn T. (Nam Định) được chuyển tới bệnh viện trong tình trạng nôn mửa, đau bụng, đi ngoài, suy hô hấp… sau khi ăn ngao nướng. Bác sĩ kết luận anh bị ngộ độc gây tiêu chảy cấp do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus. Nguy hiểm hơn, trước đó, chị Trần Thị N. ăn phải ngao chứa tảo độc PSP gây mất trí nhớ. May mắn chị tới cấp cứu kịp, nếu không đã tử vong.
Hiện, những món ngon và bổ được chế biến từ thịt ngao là: ngao nướng, ngao hấp, ngao nấu cháo... Tuy nhiên, ăn ngao hấp, cháo ngao sẽ ngon, ngọt và an toàn hơn ngao nướng vì dù sao, ở món ăn này, thịt ngao vẫn tai tái, chưa chín kỹ.
Bạch tuộc
Bạch tuộc được Đông y coi là món ăn bổ dưỡng, thích hợp với những người mệt mỏi, thiếu máu, kém tiêu hóa hay phụ nữ suy nhược sau khi sinh nhờ tác dụng ích khí, dưỡng huyết, thông sữa, sinh cơ. Tuy nhiên, không phải cả 300 loài bạch tuộc đều ăn được và bạch tuộc cũng là một trong những loại hải sản dễ gây độc nhất. Món hải sản khoái khẩu này có thể khiến người ăn bị liệt cơ, ngừng thở, thậm chí tử vong nếu ăn nhầm phải bạch tuộc đốm xanh.
Nếu ăn phải bạch tuộc đốm xanh, người ăn có thể bị liệt cơ, ngừng thở, thậm chí tử vong. |
Bạch tuộc đốm xanh có tên khoa học là Hapalochlaena, gọi chung là bạch tuộc hay mực tuộc; có những vòng xanh lốm đốm rất đẹp trên da. Đây là loài mực nhỏ, cân nặng trung bình khoảng 50gr, thân dài không quá 50 mm, có 8 tay bám dài chừng 8-10 cm. Loài này sống ở các vùng triều san hô chết và các rạn san hô ven bờ vùng Bình Thuận, Khánh Hòa, Côn Đảo. Trong cơ thể chúng có một độc tố thần kinh rất mạnh là Tetrodotoxin.
Tetrodotoxin có chủ yếu trong tuyến nước bọt của loài thủy sản này và trên các phần mềm khác của thân bạch tuộc. Theo các nhà khoa học Viện Hải dương học Nha Trang, cứ 100 gam thịt và râu loại bạch tuộc này có thể giết hai người; còn 100 gam tuyến nước bọt của nó có thể giết chết đến 23 người.... Do vậy, dù có sấy khô, nấu chín cũng không thể loại bỏ nó.
Nạn nhân bị ngộ độc có thể qua đường ăn uống và đường da (do bạch tuộc cắn). Thời kỳ nung bệnh qua đường ăn uống có thể từ 30 phút đến 3 giờ sau khi ăn. Qua đường da, sau 1-5 phút có thể xuất hiện triệu chứng nhiễm độc và có thể tử vong trong vòng 10-20 phút.
Khi bị ngộ độc, nạn nhân có triệu chứng tương tự như ngộ độc cá nóc: lúc đầu là cảm giác khó chịu, mặt đỏ và xị ra, đồng tử co rồi giãn ra, có thể buồn nôn, nôn, tiêu chảy, tay chân mỏi rũ, có khi rét run, đầu ngón tay ngón chân tê dại. Trường hợp nhiễm độc nặng xuất hiện liệt toàn thân, người mềm ra, chân tay mất khả năng vận động, da tím tái, nhiệt độ và huyết áp giảm, khó thở, sau cùng là liệt cơ hô hấp, ngừng thở, trụy tim mạch và chết rất nhanh trong vòng 4 - 24 giờ.
Năm 2004, tại tỉnh Bình Thuận có hơn 80 người dân bị ngộ độc do ăn bạch tuộc đốm xanh, trong đó 2 người đã tử vong.
Sứa biển
Sứa biển là động vật không có xương sống, sống ở biển hay những nơi nước mặn. Và không biết từ bao giờ, loài thủy sản này đã trở thành đặc sản ở khắp các vùng biển ba miền Bắc Trung Nam. Nếu ở Thái Bình là gỏi sứa, Quảng Ninh có nộm sứa, lẩu sứa, miền Trung có canh sứa cá rô, Nha Trang – Khánh Hòa có bún sứa…
Theo các nhà dinh dưỡng, sứa biển không chỉ là món ăn lạ, ngon miệng, mà còn rất tốt cho cơ thể, giải nhiệt, chữa chóng mặt, nhức đầu nhất là trong cái nắng sớm đầu hè. Đặc biệt đối với phụ nữ có thai, người đang cho con bú thì đây là liều thuốc hữu hiệu chống lại chứng nóng trong do căng sữa gây ra.
Tuy nhiên, khi còn sống, sứa biển lại chứa rất nhiều độc tố. Nếu sứa vồ phải người hoặc vô tình chạm phải, con người sẽ bị dị ứng. Ở thể tối cấp, tai biến xảy ra tức thì sau khi độc tố của sứa biển xâm nhập vào máu nạn nhân. Nạn nhân nôn nao, nhức đầu, tức ngực, tím tái, vã mồ hôi, khó thở nhanh, buồn nôn, nôn khan, đau bụng và tiêu lỏng nhiều lần, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt. Nạn nhân đi vào trạng thái lơ mơ, nhiều khi co giật, có thể hôn mê.
Ở thể cấp hay bán cấp, sau chừng 15 phút chạm phải sữa, nạn nhân ngứa ở bàn tay, bàn chân, trên da nổi ban đỏ từng vùng, nổi mày đay toàn thân, phù Quineke ở mắt, môi, mặt, thanh quản nên ngạt thở, mạch nhanh, yếu. Tim đập nhanh đều, huyết áp hạ thấp, ho khan, khó thở khò khè. Thanh quản phù gây khó thở. Nạn nhân buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, chảy nước mắt, chảy nước mũi, vã mồ hôi. Còn ở thể nhẹ, nạn nhân chỉ có phản ứng ngoài da, tại chỗ nổi rát, mẩn đỏ và ngứa nhiều. Toàn thân chỉ cảm thấy khó chịu, không nên quá lo lắng.
Như vậy, để có thể chế biến thành công món ngon sứa biển, theo các chuyên gia, chất độc của loài vật này chỉ có thể được tiết ra ngoài khi ngâm qua ba lần trong nước muối và phèn. Khi đó, thịt sứa sẽ chuyển sang màu đỏ nhạt hoặc vàng nhạt. Sứa chỉ nên sử dụng khi thịt đã trở nên dai hơn và không bị chảy nước khi bóp mạnh vào thịt.
Trang Anh (tổng hợp)
Đăng nhận xét