Thuốc hay từ cây lưỡi rắn

suckhoedoisong.vn - Ngày 31 tháng 12, 2012 | 09:16


Con rắn là một dược liệu quý từ lâu đời đã được sử dụng làm thuốc chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe. Trên thực tế, có những loại cây mang tên con vật này cũng có tác dụng phòng chữa nhiều bệnh. Nhân năm Quý Tỵ sắp đến, xin giới thiệu đến bạn đọc về cách dùng cây lưỡi rắn - xà thiệt làm thuốc.

Cây lưỡi rắn còn có tên khác là nọc sởi, xương cá, vương thái tô, đơn đòng, xà thiệt thảo, mai hồng.  Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây, thu hái vào mùa hè thu khi có hoa. Dùng tươi hoặc khô. Cây lưỡi rắn chứa chất corymbosin, scandosid, asperulosid, asperglavcid, acid geniposidic và một số chất khác. Theo Đông y, cây lưỡi rắn có tác dụng thanh nhiệt giải độc. Dùng chữa rắn cắn, sốt rét.
Thuốc hay từ cây lưỡi rắn 1
Cây lưỡi rắn (xà thiệt thảo).
Cách dùng xà thiệt thảo làm thuốc:
Chữa rắn cắn: Khi bị rắn cắn lập tức buộc garô phía trên vết cắn để nọc khỏi lan theo hệ tuần hoàn; dùng sợi tóc kéo căng gạt qua gạt lại trên bề mặt vết cắn để làm bật phần ống nọc còn cắn vào da thịt. Hút máu qua giác hút hay ống hút. Lấy 1 nắm cây lưỡi rắn (khoảng 100g) rửa sạch, nhai nuốt lấy nước, bã còn lại đắp lên vết cắn. Sau 5 - 7 phút có thể cởi bỏ garô. Sau 2 - 3 giờ uống lại nước sắc cây lưỡi rắn 1 lần.
Chữa sốt rét: Cây lưỡi rắn 6g, mã tiên thảo (cỏ roi ngựa) 6g, thường sơn 6g. Sắc uống.
Thuốc hay từ cây lưỡi rắn 2
Cây lưỡi rắn hoa trắng (bạch hoa xà thiệt thảo).
Cỏ lưỡi rắn hoa trắng
Cỏ lưỡi rắn hoa trắng còn có tên bạch hoa xà thiệt thảo. Tên khoa học: Hedyotis diffusa Willd. Cỏ lưỡi rắn và bạch hoa xà thiệt thảo tương đối giống nhau. Nhưng có điểm khác biệt là bạch hoa xà thiệt thảo ít phân cành hơn. Lá mọc đối, gốc và đầu lá nhọn, dài 1-3,5cm, rộng 1-3mm. Hoa mọc đơn độc hoặc đôi ở kẽ lá, hoa màu trắng, cuống hoa ngắn. Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây, thu hái vào mùa hè thu khi có hoa. Dùng tươi hoặc khô. Cây bạch hoa xà thiệt thảo cũng chứa một số chất như trong cây cỏ lưỡi rắn, ngoài ra còn có stigmasterol, B-sitosterol, sitosterol-o-glucose… Theo Đông y, bạch hoa xà thiệt thảo vị ngọt hơi đắng, tính hàn; vào kinh vị, đại tràng và tiểu tràng, được dùng ở nước ta để chữa rắn cắn, chữa sởi, đậu… Ở Trung Quốc, dùng làm thuốc chữa viêm họng, viêm amidan, viêm đường tiết niệu, viêm vùng chậu; chữa phế nhiệt, hen suyễn; hỗ trợ ung thư dạ dày trực tràng, ung thư gan thời kỳ đầu.
Cách dùng bạch hoa xà thiệt thảo làm thuốc:
Lợi mật, bảo vệ gan: Bạch hoa xà thiệt thảo 10g, hạ khô thảo 10g, cam thảo 5g. Sắc uống trong ngày.
Trị rắn cắn: Bạch hoa xà thiệt thảo 20g (tươi 60g). Sắc với 200ml rượu. Gạn nước chia  uống 3 lần. Bã đắp vào vết rắn cắn.
Chữa sỏi mật, viêm ống mật: Bạch hoa xà thiệt thảo 30g, nhân trần 30g, kim tiền thảo 30g. Sắc uống trong ngày.
Chữa viêm thận cấp: Bạch hoa xà thiệt thảo 15g, xa tiền thảo 15g, bạch mao căn 30g, chi tử 9g, tô diệp 6g. Sắc uống.
Trị ho do viêm phổi: Bạch hoa xà thiệt thảo tươi 40g, trần bì 8g. Sắc uống.
Chữa viêm amidan cấp: Bạch hoa xà 12g, xa tiền thảo 12g. Sắc uống.
TS. Nguyễn Đức Quang

Tránh nhầm lẫn bạch hoa xà với bạch hoa xà thiệt thảo

suckhoedoisong.vn - Ngày 10 tháng 3, 2012 | 15:06

Rất nhiều người thường nhầm lẫn giữa hai vị thuốc bạch hoa xà và bạch hoa xà thiệt thảo. Đây lại là những vị thuốc thường được sử dụng trong y học cổ truyền. Do vậy, cần phân biệt kỹ trước khi dùng. Xin giới thiệu để bạn đọc hiểu rõ về hai loại cây này.

Vị thuốc bạch hoa xà, là rễ và lá của cây bạch hoa xà (Plumbago zeylanica L.), họ đuôi công (Plumbaginaceae). Bạch hoa xà là loại cây thảo, chỉ cao độ 50 - 70cm. Thân ít nhiều bị hóa gỗ, khúc khuỷu, có đốt và có khía dọc. Lá so le, dài 5 - 7cm, rộng 3 - 5cm, hình trứng hay bầu dục thuôn, mép lượn sóng, đầu lá nhọn, mặt trên màu lục, mặt dưới trắng nhạt, cuống lá như ôm vào thân. Cụm hoa mọc thành bông ở ngọn, gồm nhiều hoa màu trắng, đài hoa hình trụ có cạnh rõ, phủ đầy lông tuyến dính. Hoa màu trắng, 5 cánh hình trứng ngược. Cây được trồng làm cảnh và làm thuốc ở nhiều nơi, chủ yếu ở vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ nước ta.
Bạch hoa xà có các thành phần flavonoid, phenol, triterpen, các hợp chất plumbagin 0,91%, chitranon, zeylenon, matrinon…; axít hữu cơ: acid palmitic, linoleic… Bạch hoa xà trên thực nghiệm có tác dụng chống viêm, ức chế nhiều chủng vi khuẩn: tụ cầu vàng, trực khuẩn than, trực khuẩn đại tràng, trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn mủ xanh…; còn có tác dụng kháng nấm: Penicillium canadense,  Penicillium  notatum, tác dụng chống đông máu, chống bệnh bạch cầu lympho, chống khối u, chống sự làm tổ của trứng. Do đó, bạch hoa xà cấm dùng cho phụ nữ có thai. Và do vị thuốc này có độc tính mạnh nên chủ yếu chỉ được dùng ngoài. Sau đây là một số cách dùng bạch hoa xà làm thuốc:

 Bạch hoa xà.
Chữa đinh nhọt, tràng nhạc, phong hủi, lở ngứa
: lấy lá tươi hay rễ non, giã nát, đắp vào chỗ bị bệnh, cũng có thể lấy rễ tươi, giã nát, băng vào chỗ bị chai chân với thời gian khoảng 2 giờ. Lưu ý: lá và rễ của cây này dễ  gây rộp da nên khi đắp cần gói thuốc trong miếng vải gạc rồi băng bên ngoài, khi có cảm giác nóng thì bỏ ra.
Chữa thấp khớp, đau đớn, nhức mỏi: chỉ lấy phần thân trên mặt đất, bỏ hết lá, rửa sạch, phơi khô, thái mỏng, sao vàng, ngâm rượu (100g dược liệu với 500ml rượu 35 độ) trong 2 - 3 tuần lễ, uống ngày 2 lần, mỗi lần 20ml trước bữa ăn.
Có thể dùng rễ bạch hoa xà ngâm rượu để xoa bóp khi bị đau nhức xương. Ngoài ra có thể dùng rượu ngâm rễ bạch hoa xà để chữa hắc lào, ghẻ lở.
Cây bạch hoa xà thiệt thảo (Hedyotis difusa Will.), họ cà phê (Rubiaceae) là loài thân thảo, chỉ cao độ 20-25cm. Thân vuông màu nâu nhạt. Lá mọc đối, hình mác, thuôn, đầu lá nhọn, dài 1 - 1,3cm, rộng 1 - 3mm, gốc và đầu lá nhọn, có gân giữa nổi rõ. Hoa màu trắng, có cuống, có 4 cánh, ống tràng dài 1,5mm, mọc đơn độc hoặc đôi một ở kẽ lá. Bạch hoa xà thiệt thảo mọc hoang ở nhiều nơi trong nước ta, thu hái vào mùa hạ, nhổ toàn cây, rửa sạch đất cát, phơi khô, khi dùng sao qua là được. Trong cây chủ yếu chứa iridoid: asperulosid, scandosid, feruscandosid…, các axít: asperulosidic, oleanolic, p. coumaric… Stigmasterol, beta - sistosterol…
Trên thực nghiệm, bạch hoa xà thiệt thảo có tác dụng ức chế  hiện tượng gây đột biến do aflatoxin B1 tạo nên, khi dùng chủng vi khuẩn Samonella tiphymorium TA 100. Còn có tác dụng chống viêm, đặc biệt ức chế mạnh tế bào ung thư lympho, tế bào ung thư bạch cầu hạt và bạch cầu đơn nhân, với nồng độ 0,5 - 1g dược liệu/ml, còn có tác dụng ức chế tế bào báng ehrlich và tế bào carcinom. Do đó, người ta thường dùng bạch hoa xà thiệt thảo phối hợp với cây bán chi liên (Scutenlaria barbata) để trị ung thư.
 Bạch hoa xà thiệt thảo.
Theo y học cổ truyền, bạch hoa xà thiệt thảo có vị ngọt đắng, tính hàn, quy kinh vị, đại tràng, tiểu tràng, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu u, tán ứ, lợi thấp. Có thể dùng liều 15- 60g, sắc uống. Một số cách dùng bạch hoa xà thiệt thảo làm thuốc:
Trị các bệnh thận cấp tính, nước tiểu có albumin: bạch hoa xà thiệt thảo 15g, bạch mao căn 30g, chi tử 9g, tô diệp 6g, sắc uống.
Chữa sỏi mật: bạch hoa xà thiệt thảo, kim tiền thảo, nhân trần mỗi thứ 30g, xa tiền tử 16g. Sắc uống ngày 1 thang.
Trẻ em bị sốt cao, co giật: bạch hoa xà thiệt thảo tươi, khoảng 30g, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt, uống mỗi lần 1 thìa canh, ngày 2-3 lần.
Ngoài ra, cần tránh nhầm lẫn giữa cây bạch hoa xà thiệt thảo với cây lưỡi rắn, còn gọi là cây xương cá hay cây vương thái tô [Hedyotis corymbosa (L.) Lamk.]  vì chúng cùng chi (Hedyotis), lại cùng họ cà phê (Rubiaceae). Về hình thái thực vật trông hao hao giống nhau, cũng là loài cỏ, độ cao tương tự nhau, thân cũng vuông, lá cũng mọc đối, hoa cũng màu trắng… Chỉ khác là cụm hoa của lưỡi rắn mọc ở kẽ lá thành xim, gồm 2 - 5 hoa. Khác với bạch hoa xà thiệt thảo, cây lưỡi rắn chủ yếu dùng trị rắn cắn: sau khi xử lý vết rắn cắn, như garô, nặn máu…, dùng 100g cây tươi  giã nát, lấy nước cốt uống, bã đắp vào vết thương. Có thể dùng cây này nấu nước rửa vết thương, mụn nhọt… 
GS.TS. Phạm Xuân Sinh
Cây lưỡi rắn (nguồn ảnh: trongraulamvuon.com)

Loài Hedyotis diffusa Willd. (Cây Lưỡi Rắn Trắng)

Tên
Tên khác: Bạch hoa xà thiệt thảo, An điền lan, Bòi ngòi bò, Cỏ lưỡi rắn hoa trắng
Tên khoa học: Hedyotis diffusa Willd.
Tên đồng nghĩa: Oldenlandia diffusa (Willd.) Roxb.
Họ: Cà phê (Rubiaceae)
Tên nước ngoài: Bai hua she she cao, Snake-needle grass.
Mẫu thu hái tại: Đồng nai, tháng 05-2009.
Số hiệu mẫu: LRT 0509

Thân cỏ, mọc bò, có đốt thưa. Thân non 4 cạnh, màu xanh hay nâu nhạt; thân già tiết diện tròn, màu nâu tím, thân càng già càng nâu đậm, bề mặt có nhiều nốt sần. đơn, mọc đối. Phiến lá thuôn hẹp, đầu nhọn; dài 1.5-3 cm, rộng 1-3 mm, mặt trên màu xanh lục đậm và có nhiều chấm lốm đốm, mặt dưới nhạt hơn. Bìa lá nguyên, hơi cuộn xuống phía dưới. Lá có một gân giữa nổi rõ ở mặt dưới, các gân bên không rõ. Không có cuống lá. Lá kèm là một phiến màu xanh nhạt, cao 1.5-2 mm; đỉnh chia 2-3 răng không đều, màu nâu nhạt. Hoa riêng lẻ hiếm khi 2 hoa ở nách lá. Hoa nhỏ, đều, lưỡng tính, mẫu 4. Cuống hoa 1-5 mm, màu nâu. Bao hoa: Lá đài 4, màu xanh, mép và gân giữa màu nâu tím, hơi dính ở đáy; 4 thùy hình tam giác hay hình trứng nhọn ở đầu, dài 1 mm, bìa có rìa lông; tiền khai van. Cánh hoa 4, màu trắng hay phớt tím; ống tràng cao 2 mm, loe ở họng, bên trong không có lông; 4 thùy ngắn hơn ống tràng, hình bầu dục, đầu nhọn; tiền khai van. Nhị 4, đính ở gần họng tràng, xen kẽ cánh hoa; chỉ nhị màu trắng, ngắn; bao phấn dài bằng chỉ nhị, màu trắng ngà, 2 ô, nứt dọc, đính giữa, hướng trong. Hạt phấn rời, màu vàng nhạt, hình cầu, đường kính 30-32 mm, có 1-3 lỗ nảy mầm, bề mặt có nhiều chấm tròn, chiết quang. Lá noãn 2, bầu dưới, 2 ô, mỗi ô nhiều noãn, đính noãn trung trụ, giá noãn rất lồi. Vòi nhụy 1, màu vàng nhạt, nhẵn, dài 2 mm, đính trên đỉnh bầu. Đầu nhụy 2, màu trắng, thuôn dài, nằm sát nhau, dài tương đương vòi nhụy, có nhiều gai nạc. Quả nang; cuống màu tím ở gốc, màu xanh ở ngọn. Quả hình bán cầu hơi hẹp lại ở đỉnh, có 2 thùy cạn, cao 2-2.5 mm, rộng 3 mm, các lá đài tồn tại hơi tỏa ra nhưng không vuông góc với quả. Vỏ quả khi non màu xanh, khi già màu vàng nâu. Hạt nhiều, nhỏ, màu nâu vàng, hình dạng khác nhau: đa giác, trứng hay bầu dục có góc cạnh, kích thước 0.3x0.2 mm. Dưới kính hiển vi độ phóng đại 100 lần thấy bề mặt hạt có nhiều vân đậm hình đa giác.
Hoa thức và Hoa đồ:


Tiêu bản:
Đặc điểm giải phẫu:
Vi phẫu thân trưởng thành gần tròn. Biểu bì là những tế bào hình vuông hay hình chữ nhật, kích thước to và khá đều, có lỗ khí rải rác. Mặt ngoài biểu bì có lớp cutin răng cưa mỏng; lông che chở đơn bào to, ngắn, đầu tù, bề mặt có vết lấm tấm. Mô mềm vỏ là mô mềm đạo, gồm 3-4 lớp tế bào, hình tròn hay hình bầu dục nằm ngang, kích thước không đều, vách mỏng, có các tinh thể calci oxalat hình kim tập trung thành từng bó trong tế bào. Nội bì tạo thành vòng liên tục, tế bào hình chữ nhật hay đa giác, kích thước không đều, thân già thấy rõ đai Caspary, lớp nội bì phát quang khi soi bằng ánh sáng huỳnh quang. Tế bào trụ bì kích thước nhỏ hơn nội bì. Libe 1 xếp thành từng cụm, tế bào nhỏ, vách uốn lượn. Libe 2 gồm 2-3 lớp tế bào hình chữ nhật, dẹp, xếp khá đều. Vùng gỗ 2 gồm từ 5-7 lớp tế bào, mạch gỗ 2 to, hình đa giác, nằm rải rác; tia gỗ nhiều, tia libe tế bào có kích thước khá lớn. Bó gỗ 1 thường cấu tạo bởi 2-3 mạch gỗ, phân hóa ly tâm rõ; ít nằm phía dưới các mạch gỗ 2 mà thường có ở dưới vùng mô mềm gỗ cấp 2. Mô mềm tủy là những tế bào tròn hay hơi đa giác, kích thước không đều, xếp chừa những đạo nhỏ. Tinh thể calci oxalat hình khối hiếm.Vi phẫu lá: Gân giữa: Mặt trên hơi lõm, tế bào biểu bì hình bầu dục đứng, cutin có răng cưa cạn. Biểu bì dưới tế bào gần tròn, nhỏ hơn tế bào biểu bì trên; lông che chở đơn bào ngắn, rộng, đầu hơi thuôn, bề mặt có nhiều chấm. Tế bào mô mềm to, hình đa giác, không đều, xếp chừa những đạo nhỏ. Cung libe gỗ hướng về phía dưới: gỗ ở trên, mạch gỗ hình đa giác, tia gỗ rõ; libe ở dưới. Mô dày góc nằm trên gỗ và phía dưới libe.
Phiến lá: Tế bào biểu bì trên rất to, hình vuông, bầu dục hay đa giác có cạnh. Mô mềm giậu gồm 2 lớp tế bào, lớp trên là những tế bào thuôn dài, lớp dưới xếp xen kẽ và có kích thước bằng 1/2 lớp trên. Mô mềm khuyết là những tế bào hình bầu dục hay tròn xếp chừa những khuyết nhỏ. Tế bào biểu bì dưới hình bầu dục hẹp, kích thước rất nhỏ so với tế bào biểu bì trên, có nhiều lỗ khí. Tinh thể calci oxalat hình kim và hình khối ít.
Vi phẫu rễ: Bần gồm 2-3 lớp tế bào hình chữ nhật, kích thước nhỏ. Mô mềm vỏ đạo, hình tròn hay bầu dục nằm ngang, có tinh thể calci oxalat hình kim thành từng bó nằm trong tế bào nhưng không nhiều. Libe 1 rõ, libe 2 ít. Gỗ 2 chiếm tâm, mạch gỗ to, hình bầu dục hay đa giác nhưng không nhiều.
Đặc điểm bột dược liệu:
Bột toàn cây gồm các thành phần sau: Mảnh biểu bì thân gồm những tế bào hình đa giác thuôn dài, mang lỗ khí kiểu song bào. Mảnh biểu bì trên của lá tế bào hình đa giác, hơi dài, không có lỗ khí. Mảnh biểu bì dưới của lá, tế bào có vách uốn lượn, mang lỗ khí kiểu song bào, khe lỗ khí hẹp. Mảnh mô mềm. Hạt phấn hoa tròn, có 1-3 lỗ nảy mầm. Mảnh vỏ quả trong. Mảnh vỏ hạt tế bào hình đa giác. Mảnh nội nhũ. Mảnh mạch gồm các loại: mạch xoắn, mạch vạch, mạch mạng. Tinh thể calci oxalat hình kim, hình khối ít.
Phân bố, sinh học và sinh thái:
Đông Nam và Tây Nam Trung Quốc, các nước nhiệt đới ở vùng Châu Á. Cây mọc ở nhiều nơi, thường gặp ở các bờ ruộng, vùng trung du và đồng bằng, nhất là vào tháng 6. Ra hoa quanh năm nhưng chủ yếu vào mùa hè-thu, tháng7-9.
Bộ phận dùng:
Toàn cây (Herba Hedyotidis diffusae) thường được gọi là Bạch hoa xà thiệt thảo. Thu hái vào mùa hè, thu. Rửa sạch, phơi khô để dùng.
Thành phần hóa học:
Cây có các flavonoid như: kaempferol, kaempferol 3-O-beta-D-glucopyranosid, kaempferol3-O-(6"-O-L-rhamnosyl)-beta-D-glucopyranosid, quercetin 3-O-beta-D-glucopyranosid và quercetin 3-O-(2"-O-beta-D-glucopyranosyl)-beta-D-glucopyranosid. Ngoài ra còn có acid urolic, b-sitosterol, stigmasterol, các iridoid glucosid như: 6-O-p-coumaroyl, 6-O-p-methoxycinnamoyl và 6-O-feruloyl ester của scandosid methyl ester.
Tác dụng dược lý - Công dụng:
Tác dụng bảo vệ thần kinh trên chuột thử nghiệm. Cây có tác dụng ức chế mạnh tế bào ung thư lympho, tế bào ung thư bạch cầu hạt và bạch cầu đơn nhân. Với nồng độ 0.5-1 g dược liệu/ml có tác dụng ức chế tế bào báng Ehrlich và tế bào carcinom. Cây còn có tác dụng ức chế hiện tượng gây đột biến do aflatoxin B1 tạo nên, khi dùng chủng vi khuẩn Salmonella typhymurium TA 100 làm thí nghiệm. Ngoài ra, cây cũng kích thích sự tăng sinh của tế bào lách chuột, do đó người ta cho rằng dược liệu có khả năng điều hòa miễn dịch. Về tác dụng chống viêm, nước sắc H. diffusa tăng cường khả năng thực bào của hệ thống mô lưới - nội mô (reticulo endomethelium) và của tế bào bạch cầu.
Công dụng
Rất thông dụng với tên Bạch hoa xà thiệt thảo (Việt nam) hay Bai hua she she cao (Trung Quốc). Cây được sử dụng ở nước ta từ thời Tuệ Tĩnh, dùng chữa rắn cắn, sởi đậu, chống ung thư; trị lậu, máu xấu, thiếu mật, bao tử bị ung nhọt và bệnh, trị bệnh gan, hạch, ung thư... Ở Trung Quốc được dùng làm thuốc chống viêm, chữa phế nhiệt, hen suyễn, viêm họng, viêm amygdale, viêm đường tiết niệu, viêm vùng chậu. Dùng ngoài, chữa vết thương, rắn cắn, côn trùng đốt, đau lưng, đau khớp. Còn dùng điều trị hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư dạ dày, trực tràng, ung thư gan thời kỳ đầu. Ở Ấn Độ, cây dùng trị bệnh về gan mật, vàng da, sốt, lậu, máu xấu.
H. diffusa còn kết hợp với H. corymbosaMollugo pentaphylla dưới tên Peh-Hue-Juwa-Chi-Cao như một tác nhân chống khối u và dùng cho bệnh nhân ung thư sau xạ trị.
Bài thuốc có Bạch hoa xà thiệt thảo:
- Chữa viêm thận cấp có phù, nước tiểu có albumin: Bạch hoa xà thiệt thảo, Xa tiền thảo mỗi thứ 15 g, Mao căn 30 g, Sơn chi tử 9 g, Tô diệp 6 g. Sắc nước uống.
- Chữa sỏi mật, viêm ống mật: Bạch hoa xà thiệt thảo, Nhân trần, Kim tiền thảo mỗi thứ 30 g, làm thành thuốc uống.
- Chữa mụn nhọt, vết thương sưng đau: Bạch hoa xà thiệt thảo 30-60 g. Sắc nước uống.
- Chữa trẻ em kinh nhiệt (sốt, co giật), khó ngủ: Bạch hoa xà thiệt thảo tươi, giã nát, vắt lấy nước, uống mỗi lần một thìa canh, ngày 2-3 lần.
- Thuốc tiêm Bạch hoa xà thiệt thảo: Mỗi ống 2 ml, dung dịch trong, vàng đậm, dùng tiêm bắp, mỗi lần 2-4 ml, ngày 2 lần. Dùng chữa viêm nhiễm đường hô hấp trên, viêm amygdale, viêm phổi, viêm túi mật, viêm ruôt thừa, còn dùng trị ung thư.

Loài Hedyotis corymbosa (L.) Lam. (Cây Lưỡi Rắn)

Tên
Tên khác: Cóc mẵn, Lưỡi rắn, Bòi ngòi ngù, Vỏ chu, Vương thái tô, Đơn dòng, Đơn thảo, Xương cá, Nọc sởi, Mai hồng, An điền, Xà thiệt thảo, Tán phòng hoa nhĩ thảo
Tên khoa học: Hedyotis corymbosa (L.) Lam.
Tên đồng nghĩa: Oldenlandia corymbosa L.
Họ: Cà phê (Rubiaceae)
Tên nước ngoài: Hedyotis à fleur diamant, Flat-top mille graines, Diamond flower
Mẫu thu hái tại: thành phố Hồ Chí Minh, tháng 4-2009
Số hiệu mẫu: LR 0409

Thân cỏ, hơi mập, mọc sà, phân nhánh nhiều, dài 30-40 cm, không lông. Thân non tiết diện vuông, màu xanh hay nâu tím; thân già tiết diện tròn, màu nâu. đơn, mọc đối. Phiến lá thuôn hẹp, hai đầu nhọn, dài 2-4 cm, rộng 4-8 mm, mặt trên màu xanh đậm, mặt dưới nhạt hơn; bìa lá nguyên. Gân lá hình lông chim, chỉ có gân chính nổi rõ, các gân phụ khó thấy bằng mắt thường nhưng có thể thấy được qua kính lúp. Cuống lá ngắn, mép lá men dần xuống cuống. Lá kèm là một phiến mỏng, màu trắng trên chia 4-5 tơ, trong đó 2 tơ bìa dài khoảng 1.5-2 mm, các tơ giữa ngắn hơn.Cụm hoa là xim mang 2-4 hoa ở nách lá đôi khi ở ngọn cành. Hoa màu trắng hay tím nhạt. Hoa đều, lưỡng tính, mẫu 4. Cuống hoa dài 2-10 mm. Lá bắc và lá bắc con màu xanh, dạng vảy dài 0.5 mm. Lá đài 4, màu xanh, hơi dính nhau ở phía dưới, trên chia 4 thùy hình tam giác hẹp, dài khoảng 1 mm, tiền khai van. Cánh hoa 4, ống tràng cao 1-2 mm; 4 tai thuôn dài, đầu nhọn dài bằng ống tràng; tiền khai van. Phía trong họng tràng có nhiều lông dài, màu trắng. Nhị 4, rời, đính ở đáy ống tràng, xen kẽ cánh hoa. Chỉ nhị dài bằng bao phấn; bao phấn hình bầu dục, màu nâu, 2 ô, đính giữa, hướng trong, nứt dọc. Hạt phấn rời, nhỏ, tròn, đường kính 20-25 μm, màu trắng ngà, có 1-3 lỗ nảy mầm. Lá noãn 2, bầu dưới, 2 ô, mỗi ô chứa nhiều noãn, đính noãn trung trụ, giá noãn rất lồi. Vòi nhụy 1, rất ngắn, màu trắng; đầu nhụy 2, màu vàng có nhiều gai nạc.Quả nang, cao 1.5-2 mm, rộng 2-3 mm, có 2 thùy cạn, mặt ngoài có 4 gân, đài tồn tại. Quả lúc non màu xanh, lúc già màu vàng nhạt.Hạt nhiều, nhỏ, màu nâu vàng, kích thước 0.4x0.3 mm. Quan sát dưới kinh hiển vi độ phóng đại 100 lần thấy hạt hình bầu dục hơi có góc cạnh hay hình nón, trên bề mặt hạt có nhiều vân hình đa giác.
Hoa thức và Hoa đồ:


Tiêu bản:
Đặc điểm giải phẫu:
Vi phẫu thân có 4 cạnh, 2 cạnh phẳng và 2 cạnh hơi lồi. Tế bào biểu bì hình chữ nhật, có lỗ khí rải rác; lớp cutin khá dày, có răng cưa cạn. Mô dày tròn ít, nằm ở 4 góc thân. Mô mềm vỏ là mô mềm đạo, gồm 6-8 lớp tế bào hình bầu dục, nằm ngang, kích thước không đều, vách mỏng; rải rác có các tinh thể calci oxalat hình kim riêng lẻ hay tập trung thành bó. Nội bì là một lớp tế bào hơi dẹp, khá đều ở thân non và trưởng thành; đai Caspary chỉ thấy rõ được ở đoạn thân già. Trụ bì gồm 1 lớp tế bào kích thước nhỏ, xếp xen kẽ nội bì; tuy nhiên có một vài vị trí lớp trụ bì không rõ, khi đó các cụm libe 1 áp sát nội bì. Libe 1 xếp thành từng cụm, tế bào có kích thước nhỏ, không đều, vách uốn lượn. Libe 2 gồm 3-4 lớp tế bào hình chữ nhật, xếp khá đều. Gỗ 2 khá nhiều, mạch gỗ gần tròn hay bầu dục, tập trung ở 2 cạnh phẳng, 2 cạnh lồi chỉ có một vài mạch gỗ; tia gỗ nhiều, 1-2 dãy tế bào. Gỗ 1 rất nhiều, phân hóa ly tâm rất rõ, nằm phía dưới vùng có nhiều mạch gỗ 2, mỗi bó gồm 2-3 mạch gỗ. Các tế bào mô mềm tủy tròn hay bầu dục, kích thước không đều, càng vào trong càng to dần, xếp chừa những đạo nhỏ; tinh thể calci oxalat hình khối ít.Vi phẫu lá: Gân giữa: Mặt trên lõm, tế bào biểu bì gần vuông hay bầu dục đứng, xếp sát nhau. Mặt dưới lồi và tròn, kích thước tế bào biểu bì không đều, hơi lớn hơn tế bào biểu bì trên, cutin có răng cưa cạn, đôi khi có lông che chở đơn bào ngắn, rộng. Tế bào mô mềm to, hình đa giác hay gần tròn, xếp chừa những đạo hoặc khuyết nhỏ. Cung libe gỗ hướng về phía dưới, libe ở dưới, gỗ ở phía trên. Các dãy mạch gỗ xen kẽ với mô mềm gỗ vách còn cellulose. Phía trên gỗ và phía dưới libe có một ít mô dày góc.
Phiến lá: Tế bào biểu bì trên rất to, hình chữ nhật hay gần vuông, tròn ở cạnh dưới, cutin mỏng; rải rác có lông che chở đơn bào ngắn. Mô mềm giậu có 1 lớp tế bào, hình bầu dục, ngắn, phía dưới mỗi tế bào biểu bì có khoảng 4-7 tế bào mô mềm giậu. Mô mềm khuyết cấu tạo bởi những tế bào thuôn, hơi có góc cạnh, kích thước không đều, xếp chừa những khuyết to; rải rác có các bó tinh thể calci oxalat hình kim nằm trong tế bào. Tế bào biểu bì dưới nhỏ, bằng 1/5-1/10 tế bào biểu bì trên, lỗ khí nhiều.
Vi phẫu rễ: Bần gồm 2-3 lớp tế bào hình chữ nhật xếp xuyên tâm. Mô mềm vỏ đạo, 4-5 lớp tế bào hình bầu dục, nằm ngang, các bó tinh thể calci oxalat hình kim và tinh thể calci oxalat hình khối nằm rải rác. Libe 1 rõ, thành từng cụm, tế bào nhỏ, vách hơi uốn lượn. Libe 2 nhiều, 6-7 lớp tế bào hình chữ nhật xếp xuyên tâm. Gỗ 2 chiếm tâm; mạch gỗ rất nhiều, kích thước không đều, hình tròn hay bầu dục.
Đặc điểm bột dược liệu:
Bột toàn cây gồm các thành phần sau: Mảnh biểu bì thân tế bào hình đa giác hơi thuôn dài. Mảnh biểu bì trên tế bào hình chữ nhật hay đa giác vách hơi uốn lượn. Mảnh biểu bì dưới tế bào có vách uốn lượn nhiều, mang lỗ khí kiểu song bào. Mảnh mô mềm. Hạt phấn hoa tròn, có 1-3 lỗ nảy mầm. Mảnh vỏ quả trong. Mảnh vỏ hạt, tế bào nhỏ, vách hơi uốn lượn. Mảnh nội nhũ. Mảnh mạch gồm nhiều loại: mạch xoắn, mạch vòng, mạch vạch, mạch mạng. Tinh thể calci oxalat hình kim, hình khối. Mảnh bần là những tế bào hình chữ nhật xếp xuyên tâm.
Phân bố, sinh học và sinh thái:
Loài phân bố khắp nơi, thường gặp ở sân vườn, đất nghèo, bình nguyên đến độ cao 300 m. Trên thế giới vùng phân bố của cây bao gồm hầu hết các nuớc trong khu vực có khí hậu nhiệt đới ở Nam Á và Đông Nam Á như Ấn Độ, Xri Lanka, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Campuchia, Lào và đảo Hải Nam, Trung Quốc; còn có ở Châu Phi và Châu Mỹ. Cây ưa sáng và ẩm, thường mọc thành đám trên các bãi đất hoang, vườn, ruộng cao và nương rẫy. Cây có thể sống được trên nhiều loại đất, sinh trưởng và phát triển nhanh trong vụ hè thu và tàn lụi trước mùa đông. Cây ra hoa nhiều, khi quả già tự mở để phát tán hạt ra xung quanh.
Bộ phận dùng:
Toàn cây (Herba Hedyotidis corymbosae). Rửa sạch, dùng tươi, phơi khô hay sao vàng.
Thành phần hóa học:
Phần trên mặt đất chứa deacetylasperulosid, asperulosid, acid asperulosidic, acid deacetylasperulosidic, 10-O-benzoyldeacetyl asperulosidic methyl ester, scandosid methyl ester, 10-O-benzoyl scandosid methyl ester, 10-O-p. hydroxylbenzoyl scandosid methyl ester, 10-O-pcoumaroyl scandosidmethyl ester (Otsuka Heideoki và cs, 1991). Theo "Trung dược từ hải", tập I, 1993 cây có chứa corymbosin, asperulosid, acid geniposidic, scandosid, asperglavcid. Ngoài ra trong lá còn chứa rất nhiều vitamin C.
Tác dụng dược lý - Công dụng:
Toàn cây có tác dụng thanh nhiệt, giải độc; acid geniposidic trong cây có tác dụng tẩy xổ.
Công dụng
Theo kinh nghiệm dân gian, cây được dùng tươi để giải độc, chữa rắn cắn rất có hiệu quả. Khi bị rắn độc cắn, lập tức đặt garô phía trên vết rắn cắn cho nọc độc khỏi lan nhanh vào tuần hoàn của cơ thể, tiếp đó lấy một sợi tóc căng thẳng gạt đi gạt lại trên bề mặt vết thương để làm bật những răng phụ của rắn còn cắm trong da, nặn cho máu chảy ra. Sau đó lấy 100 g cây tươi rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt cho uống, dùng bã đắp lên vết thương, băng lại, khi uống thuốc nên cởi dây garô. Ngày uống 2-3 lần. Những lần sau tăng liều lượng lên 200 g. Sau khi uống thuốc, người bị nạn thấy đỡ đau nhức, ngủ được.
Ngoài tác dụng chữa rắn cắn, cây còn chữa sốt cao, sốt cách nhiệt, đau nhức xương, thấp khớp. Ở Đài Loan, cây cũng được dùng làm thuốc hạ sốt. Ở Philipines, dùng làm thuốc kiện vị, bổ thần kinh và chữa đau răng. Ở Malaysia, cây được giã nát, đắp ngoài để là lành vết thương. Ở Trung Quốc và Ấn Độ, cây được dùng như một vị thuốc cổ truyền để chữa các rối loạn về gan, đau lá lách và sưng gan, vàng da. Các nghiên cứu gần đây cho thấy H. corymbosa có tác dụng bảo vệ gan chống lại sự ngộ độc paracetamol. Ngoài ra, cây còn chữa sốt rét, ung thư ruột, bỏng, trị lãi; rễ trị đau dạ dày.

Loài Plumbago zeylanica L. (Cây Bạch Hoa Xà)

Tên
Tên khác: Đuôi công hoa trắng, Nhài công, Lài dưa, Bươm bướm, Cây mộng mắt, Cây lá đinh, Bạch tuyết hoa, Pít pì khao (Tày), Co nhả cam (Thái).
Tên khoa học: Plumbago zeylanica L.
Họ: Đuôi công (Plumbaginaceae)
Tên nước ngoài: Ceylon leadwort, white leadwort, smart waterbossic, white-flowered leadwort (Anh); dentelaire de Ceylan (Pháp).
Mẫu thu hái tại: Thảo cầm viên, Thành phố Hồ Chí Minh tháng 06/2010.
Số hiệu mẫu: BHX0610, được lưu tại Bộ môn Thực vật-Khoa Dược

Bụi cao 0,5-1 m, cành yếu gần như mọc leo. Thân non tiết diện đa giác, thân già tiết diện gần tròn. Thân màu xanh lục, có nhiều sọc dọc màu xanh nhạt hơn hoặc màu đỏ, gốc thân màu tía nhạt. đơn, mọc cách, phiến lá hình trứng đầu nhọn, màu xanh lục, mặt dưới nhạt hơn và phủ 1 lớp bột màu trắng, kích thước 6-8 x 4-4,5 cm, men dần theo cuống. Gân lá hình lông chim, 8-9 cặp gân phụ mọc cách, nổi rõ ở mặt dưới. Cuống lá ngắn hình lòng máng, kích thước 0,3x1 cm, màu xanh lục nhạt hơn phiến, có nhiều gân dọc. Trên phiến lá và cuống lá đôi khi có một vài lông dài, trắng. Cụm hoa: Chùm ở ngọn cành gồm 12-32 hoa. Trục cụm hoa hình trụ, màu xanh lục, dài 6-9 cm, có nhiều sọc dọc màu xanh nhạt và nhiều lông ngắn đầu tròn, màu xanh. Hoa đều, lưỡng tính, mẫu 5. Cuống hoa hình trụ ngắn, màu xanh lục nhạt, dài 0,15-0,2 cm. Lá bắc hình trái xoan, đầu thuôn nhọn, màu xanh lục, có 1 gân giữa, kích thước 0,8-1x 0,35-0,4 cm. Lá bắc con giống lá bắc nhưng kích thước nhỏ hơn 0,6-0,7 x 0,1-0,15 cm. Lá đài 5, đều, dính, tồn tại, nhiều lông dài đầu tròn, màu xanh; ống đài hình trụ hơi phình to ở đáy, màu xanh lục, cao 1,2-1,3 cm, đường kính 0,2 cm, trên chia 5 răng hình tam giác nhọn, cao 0,15 cm, trên ống đài có 5 rãnh nông màu xanh nhạt hơn, tiền khai van. Cánh hoa 5, đều, màu trắng, dính; ống tràng hình trụ cao 2,2-2,5 cm, có 5 rãnh nông; 5 thùy hình trứng ngược, đầu nhọn, có những vân dọc, kích thước 0,8-0,9 x 0,4-0,5 cm, 1/2 ống tràng nằm trong ống đài. Tiền khai hoa vặn ngược chiều kim đồng hồ. Nhị 5, rời, gần đều. Chỉ nhị dạng sợi màu trắng, dài 1,4-1,6 cm, đứng trước cánh hoa, nhị không thò ra khỏi ống tràng; ở hoa non bao phấn hình bầu dục màu tím nhạt, ở hoa già đáy bao phấn hơi choãi ra 2 bên. Bao phấn dài 0,1 cm, 2 ô, nứt dọc, hướng trong, đính giữa. Hạt phấn hình bầu dục, có rãnh dọc, màu vàng nhạt, kích thước 55 x 45 µm. Lá noãn 5, bầu trên, 1 ô, 1 noãn, đính noãn đáy. Bầu noãn hình tháp, màu xanh lục, có 5 gân dọc màu xanh đậm. 1 vòi nhụy dạng sợi, phía dưới hơi phình to, màu trắng, dài 1,5-1,6 cm. 5 đầu nhụy dạng sợi dài 0,1 cm, có những nốt màu trắng. Quả nang, hình trụ, mang đài tồn tại, kích thước 0,8-0,9 cm x 0,15-0,2 cm, quả non màu xanh, quả già màu nâu, mặt ngoài có nhiều nếp nhăn. Hạt 1, hơi dẹp, màu nâu sáng, mép sắc bén, có 4-5 gân hơi lồi, kích thước 0,5 x 0,1 cm.
Hoa thức và Hoa đồ:


Tiêu bản:
Đặc điểm giải phẫu:
Vi phẫu rễ hình tròn. Thụ bì 2-3 lớp tế bào hình chữ nhật hoặc đa giác. Bần 1-2 lớp tế bào hình chữ nhật xếp xuyên tâm. Nhu bì 1-2 lớp tế bào hình chữ nhật xếp xuyên tâm với bần. Mô mềm vỏ đạo, 10-12 lớp tế bào hình đa giác hoặc bầu dục, một số ít tế bào hóa sợi. Libe 1 phân bố từng cụm, tế bào đa giác nhỏ, vách uốn lượn, xếp lộn xộn. Libe 2, 3-5 lớp sát gỗ tế bào hình chữ nhật, các lớp bên ngoài tế bào hình gần đa giác, xếp thẳng hàng. Gỗ 2 chiếm tâm, mạch gỗ 2 hình tròn, đa giác hoặc bầu dục. Mô mềm gỗ 2 tế bào hình đa giác, xếp xuyên tâm. Tia tủy 1-3 dãy tế bào đa giác rộng hoặc hẹp. Hạt tinh bột hình tròn hay đa giác, kích thước từ 5-10 µm, xếp thành từng đám hoặc riêng lẻ, có nhiều trong mô mềm vỏ.
Thân:
Vi phẫu thân hình đa giác. Biểu bì 1 lớp tế bào hình bầu dục hoặc đa giác, lớp cutin dày, rải rác có lỗ khí và tế bào biểu bì có hình dạng đặc biệt. Mô dày góc không liên tục, tế bào hình bầu dục hoặc đa giác, phân bố nhiều ở góc lồi, 6-11 lớp, ở cạnh 1-2 lớp. Mô mềm vỏ đạo, 3-6 lớp tế bào thường hình bầu dục, một số tế bào hình đa giác, kích thước không đều, xếp lộn xộn. Ngay bên ngoài cụm libe 1 là 2-3 lớp tế bào hình đa giác xếp lộn xộn vách cellulose, kế đến là 2-7 lớp tế bào hình đa giác, hóa sợi thành 1 vòng gần như liên tục; giữa những cụm sợi là một vài tế bào mô cứng. Hệ thống dẫn cấu tạo cấp 2 theo kiểu hậu thể gián đoạn gồm nhiều bó libe-gỗ, mỗi bó gồm: libe 1 tế bào nhỏ hình đa giác, vách uốn lượn, xếp từng cụm; libe 2, 2-5 lớp tế bào hình chữ nhật, xếp xuyên tâm; gỗ 2 gồm 4-16 mạch gỗ 2 hình tròn, bầu dục hoặc đa giác, xếp thành 1-2 dãy hoặc xếp lộn xộn; mô mềm gỗ 2 tế bào hình đa giác, xếp xuyên tâm; gỗ 1 phân hóa ly tâm, 1-2 bó, mỗi bó gồm 1-2 mạch gỗ hình tròn, mô mềm gỗ 1 tế bào hình đa giác vách tẩm chất gỗ, một số vách còn cellulose. Khoảng gian bó 6-10 dãy tế bào hình đa giác vách tẩm chất gỗ trong vùng gỗ, vách cellulose trong vùng libe. Mô mềm tủy đạo, tế bào hình tròn hoặc đa giác, kích thước to, hóa mô cứng; 2-4 lớp mô mềm tủy sát gỗ 1 hình bầu dục hoặc đa giác, kích thước nhỏ, hóa mô cứng vách dày hơn.
:
Gân giữa: Vi phẫu lồi ở cả 2 mặt, mặt dưới lồi và uốn lượn nhiều hơn. Biểu bì 1 lớp tế bào hình chữ nhật, ít khi đa giác, tế bào biểu bì trên kích thước to và lớp cutin dày hơn, lỗ khí ở cả 2 mặt. Mô dày góc, tế bào hình đa giác, kích thước không đều, xếp lộn xộn. Mô dày trên 6-7 lớp chỉ có ở chỗ lồi, mô dày dưới 2-5 lớp. Mô mềm giậu, 2 lớp tế bào hình bầu dục rộng có ở 2 bên cụm mô dày trên. Mô mềm đạo, đa số tế bào hình tròn ít khi hình đa giác, kích thước to. Hệ thống dẫn cấu tạo cấp 1 gồm 10-11
(4 bó lớn), mỗi bó gồm: gỗ ở trên, 4-18 mạch gỗ 1 hình tròn, bầu dục hoặc đa giác, kích thước không đều xếp lộn xộn; libe ở dưới, 1-4 lớp sát gỗ tế bào hình chữ nhật, xếp xuyên tâm, các lớp còn lại tế bào hình đa giác nhỏ, vách uốn lượn, xếp lộn xộn; xung quanh bó libe-gỗ là 3-4 lớp tế bào mô mềm hình đa giác hoặc bầu dục, kích thước nhỏ.
Phiến lá: Biểu bì giống ở gân giữa, lỗ khí nhiều ở cả 2 mặt. Mô mềm giậu 1-2 lớp tế bào hình bầu dục rộng. Mô mềm khuyết tế bào hình tròn, đa giác hoặc bầu dục, khuyết nhỏ. Bó gân phụ rải rác với gỗ ở trên, libe ở dưới.
Ở vi phẫu lá cũng có những tế bào biểu bì có hình dạng đặc biệt như ở thân.
Cuống lá:
Hình dạng, cấu tạo cuống lá giống cấu tạo gân giữa của vi phẫu lá. Hai bên có
cánh cấu tạo như sau: Biểu bì 1 lớp tế bào hình chữ nhật, lớp cutin dày, tế bào biểu bì dưới kích thước nhỏ hơn, lỗ khí có ở 2 mặt. Mô dày góc có ở biểu bì dưới, 2-3 lớp tế bào hình đa giác, xếp lộn xộn. Mô mềm khuyết tế bào hình tròn, bầu dục hoặc đa giác, khuyết nhỏ. Rải rác có bó gân phụ với gỗ ở trên, libe ở dưới.
Đặc điểm bột dược liệu:
Bột lá: Bột hơi mịn, màu xanh lục đậm. Thành phần: Mảnh biểu bì mang lỗ khí kiểu dị bào hay hỗn bào (nhìn từ trên xuống), mảnh mô mềm giậu (nhìn ngang), mảnh mô mềm, mảnh biểu bì có tế bào đặc biệt, mảnh mạch xoắn, vạch.
Bột rễ: Bột thô, có ít xơ, màu nâu đậm. Thành phần: Mảnh bần, hạt tinh bột hình tròn hay đa giác, kích thước từ 5-9 µm, mảnh mô mềm, mảnh mô mềm chứa tinh bột, sợi, mảnh mạch xoắn, vạch, mạng, vòng.
Phân bố, sinh học và sinh thái:
Bạch hoa xà mọc hoang và được trồng ở Ấn Độ, Tây Bengal và các nước ở vùng Đông Nam Á, bao gồm Malyasia, Philippin, Lào, Campuchia, Thái Lan, Indonesia. Còn gặp ở một số nước thuộc vùng nhiệt đới châu Phi.
Ở Việt Nam, Bạch hoa xà vừa là cây hoang dại, vừa được trồng ở một số nơi. Cây mọc rải rác ở các tỉnh miền Trung và đồng bằng trung du Bắc bộ. Tuy nhiên hiện nay chưa phát hiện thấy cây thuốc này ở các tỉnh miền núi có độ cao trên 1000 m.
Bạch hoa xà là cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể chịu bóng. Sau khi bị chặt đến sát gốc, phần còn lại tiếp tục tái sinh thành cây mới.
Bộ phận dùng:
Rễ và lá (Radix et Folium Plumbaginis). Rễ và lá thu hái quanh năm. Rễ đào về, rửa sạch, cắt thành từng đoạn ngắn rồi phơi khô để dùng dần. Lá thường được dùng tươi.
Thành phần hóa học:
Toàn cây Bạch hoa xà có flavonoid, hợp chất phenol, triterpen, acid hữu cơ, 0-cloroplumbagin, 3,3'-biplumbagin, chitranon, zeylenon, matrinon, 2-methyl napthazarin, plumbazeylanon, methylen-3,3'-diplumbagin, các acid plumbagic và vanilic. Rễ chứa plumbagin 0,91%. Hoa có 13 thành phần, plumbagin 81,85 %.
Tác dụng dược lý - Công dụng:
Tác dụng kháng khuẩn đối với các chủng: Staphylococcus aureus, Bacillus antracis, Proteus mirabilis, Shigella flexneri, Enterobacter cloaceae, Salmonella typhi, S. paratyphi, Pseudomonas aeruginosa, Klebsiella aerogenes, E. coli, Nesseria gonorrhea, Samonella Dublin, mycobacterium pheli.
Tác dụng chống viêm, trị mụn cóc, lang ben và hói đầu.
Chế phẩm Bạch hoa xà có khả năng làm giảm đáng kế các rối loạn vi tuần hoàn; các tổn thương gan thận.
Tác dụng chống sinh sản, chống sự làm tổ của trứng thụ tinh.
Tác dụng chống đông máu ở chuột cống trắng.
Hoạt tính chống nấm đối với Entomophthora floccosum, Metarrhizium nana, Penicillium canadense, P.notatum, Rhinotrichum nigricans.
Tác dụng chống peroxy hóa lipid trong in vitro và in vivo trên chuột trắng.
Tác dụng tiêu diệt nhiều loài sinh vật độc hại: Acalymma vittata, Achaea janata, Mythimma separata, Corcyra cephalonica, Dysdercus cingulatus, Dysdercus cingulatus, Pectinophora gossypiella, Dysdercus koenigii, Heliothis virescens, Heliothis zea, Spilosoma oblique, Trichoplusiani.
Lá sao vàng sắc uống trừ hàn lãnh, huyết ứ của sản phụ. Dùng ngoài, chữa đinh nhọt, hắc lào, sưng vú (dùng lá, rễ tươi giã nát đắp).
Chữa chai chân đau không đi được (rễ tươi rửa sạch giã đắp, sau 2 giờ bỏ ra).
Nhân dân thường dùng rễ hay lá tươi giã nhỏ với cơm thành một thứ bột nhão, đắp lên những chỗ sưng đau. Có nơi người ta sắc rễ lấy nước bôi ghẻ, dùng lá Bạch hoa xà giã nát đắp lên đầu chốc lở đã rửa sạch đến khi thấy nóng thì bỏ ra.
Theo kinh nghiệm dân gian Trung Quốc, rễ khô Bạch hoa xà sắc uống chữa phong thấp đau xương, sưng khớp, gan lách sưng to, tâm vị đau tức. Giã lá hoặc rễ tươi đắp vết thương sưng đau, rắn cắn.

Bạch hoa xà

bach hoa xa Bạch hoa xà
Plumbago zeylanica L. (Nguồn ảnh:tuelinh.vn)

Tên khác:

Cây đuôi công.

Tên khoa học:

Plumbago zeylanica L., họ Đuôi công (Plumbaginaceae).
Cây mọc hoang nhiều nơi ở Việt Nam, có ở các nước Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc…

Bộ phận dùng:

Rễ, lá.

Thành phần hoá học chính:

Plumbagin (metyl-2-hydroxy-5-naphtoquinon-1-4).

Công dụng:

Làm thuốc chữa bệnh ngoài da, mụn nhọt ghẻ lở.

Cách dùng, liều lượng:

Rễ, lá giã nhỏ đắp lên nơi sưng đau. Sắc rễ lấy nước bôi ghẻ.

Ghi chú:

Ở nước ta còn có cây mang tên Đuôi công hay Xích hoa xà (Plumbago rosea L.), cùng họ, mọc hoang ở nhiều nơi, nhân dân sử dụng như cây Bạch hoa xà.
Cần phân biệt với cây Bạch hoa xà thiệt thảo – Cỏ lưỡi rắn hoa trắng (Hedyotis diffusa Willd.), họ Cà phê (Rubiaceae).
Xem thêm (liên quan bài thuốc có Bạch hoa xà thiệt thảo và Bán chi liên chữa ung thư):

Thời gian gần đây, tại Bệnh viện (BV) Ung bướu (TP.HCM) có người phát tán một bài thuốc cho rằng chữa được bệnh ung thư. Sự thật về bài thuốc này thế nào?  Mời nghe đọc bài

Lần phát tán trước về bài thuốc chữa được bệnh ung thư là vào giữa năm 2009, và trong những ngày gần đây lại xuất hiện tờ giấy in bài thuốc này. Mặc dù hình thức và nội dung có khác một chút, nhưng chung quy bài thuốc gồm có các vị: hồng táo (6 quả lớn, hoặc 10 quả nhỏ), lá thiết thụ (lá đu đủ - một ngọn, nếu không có thì thay bằng thiên niên kiện một nắm), bán chi liên (1 lạng), bách hoa xà thiệt thảo (2 lạng), bồ công anh (2 lạng). Trước khi nói về thành phần các vị thuốc, thì phía trên toa thuốc có đoạn nội dung: "Thang thuốc này do một người trước khi chết một ngày, sợ thất truyền mới tiết lộ bí mật gia truyền này. Từ đó đến nay biết bao người đã nhờ đó mà được cứu mạng. Mong mọi người truyền lại rộng rãi để làm từ thiện và để cứu nhân tích đức". Ngoài ra còn hướng dẫn cách sắc (nấu) thuốc, và nói về công dụng chữa được nhiều căn bệnh ung thư. Tờ giấy không ghi địa chỉ cụ thể của nơi bán thuốc, hay phòng chẩn trị bắt mạch, bốc thuốc nào.
Một nhân viên của BV Ung bướu cho biết, cách nay vài tháng, cũng xuất hiện một tờ giấy được photocopy chuyền nhau trong một số bệnh nhân, trong đó có ghi một số cây cỏ, vị thuốc khác và cũng nói chữa được bệnh ung thư.
Các lương y nói gì?
Theo lương y Phạm Như Tá (Hội Đông y Q.Bình Thạnh, TP.HCM) thì: "Khoảng năm 1971, 1972, tại Đài Loan, Hồng Kông, có một số vị trong bài thuốc nói trên như bán chỉ liên, bách hoa xà thiệt thảo được dư luận cho rằng dùng để chữa bệnh ung thư. Thực chất bài thuốc trên chỉ có tác dụng chính yếu là thanh nhiệt, giải độc, chữa ung nhọt... chứ không thể chữa hết được ung thư như nhiều người đồn thổi. Nhiều người nhầm lẫn giữa ung nhọt và ung thư".

"Cần lưu ý, đối với bệnh ung thư, một số thuốc mặc dù có công dụng bồi bổ, nhưng nhiều trường hợp chính thuốc bổ đó sẽ kích hoạt tế bào ung thư - những tế bào này lâu nay nằm im đó trong cơ thể, làm cho bệnh bộc phát, thêm trầm trọng" - Bác sĩ Phạm Xuân Dũng

Còn lương y Vũ Quốc Trung (hội viên Hội Đông y VN) thì cho biết: "Từ lâu nay, không có bài thuốc cổ phương nào trong y học cổ truyền nói về chữa bệnh ung thư mà bao gồm những vị thuốc y chang như bài thuốc nói trên. Mà cái chính là người ta thường nói về hai vị thuốc được sử dụng gọi là "hỗ trợ trong điều trị ung thư" gồm bán chi liên và bạch hoa xà thiệt thảo. Bạch hoa xà thiệt thảo có tác dụng khử phong, giảm đau, tán ứ, tiêu thũng, giải độc, sát trùng; bán chi liên có tác dụng thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết, khử ứ, tiêu thũng, giảm đau, chống ung thư".
Người bệnh chớ cả tin
Ở những người mắc bệnh ung thư, tâm lý họ suy sụp, lo lắng, hễ nghe ở đâu có cách chữa trị là họ tìm đến. Bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Phó giám đốc BV Ung bướu TP.HCM cho biết: "Tại BV cũng từng có một số bệnh nhân đang điều trị, nhưng xin thôi không tiếp tục điều trị nữa. Sau đó vài tháng có người quay trở lại xin điều trị tiếp, lúc này họ mới nói thật là mình đã đi uống thuốc ở một cơ sở nào đó tận tỉnh Long An theo rỉ tai của người khác. Có một số bệnh nhân sau khi quay trở lại thì bệnh tình đã nguy kịch hơn; một số người để lỡ mất việc chữa trị đúng, cơ hội chữa trị sớm".
"Trong thực tế, có một số bài thuốc có công dụng bồi bổ, hỗ trợ trong điều trị cho rất nhiều loại bệnh, chứ không riêng gì về bệnh ung thư. Tuy nhiên, cần lưu ý, đối với bệnh ung thư, một số thuốc mặc dù có công dụng bồi bổ, nhưng chính nó sẽ kích hoạt tế bào ung thư (những tế bào này lâu nay nằm im đó trong cơ thể) làm cho bệnh bộc phát, thêm trầm trọng. Chính vì vậy, trong lúc đang chữa trị ung thư với Tây y, nếu có muốn dùng thêm thuốc Đông y thì người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị", bác sĩ Dũng khuyến cáo.
GS-BS Nguyễn Chấn Hùng (Chủ tịch Hội Ung thư TP.HCM, nguyên Giám đốc BV Ung bướu) cho rằng: "Thuốc y học cổ truyền có nhiều công dụng hay của nó. Tuy nhiên, với bệnh ung thư thì không phải dễ. Một số người đã lợi dụng cái gọi là "hỗ trợ trong điều trị ung thư" của một số bài thuốc cổ truyền, người bệnh cần cảnh giác".
Tương tự, lương y Vũ Quốc Trung cũng nhận định, ở một số bài thuốc cổ phương, cổ truyền có công dụng với những u bướu trong thời kỳ đầu, hoặc dùng để hỗ trợ sau phẫu thuật, hay trong lúc xạ trị, hóa trị chữa ung thư, nhằm nâng tổng trạng, giúp kéo dài thêm thời gian sống của người bệnh, chứ một khi đã xác định ung thư ở giai đoạn muộn, có di căn... thì hiện nay, cả Đông và Tây y không ai dám nói chữa hết được bệnh. Lương y Phạm Như Tá, cũng cho biết thêm, trước đây cũng từng có thời gian đồn thổi về bài thuốc chữa ung thư, bao gồm những vị thuốc: địa long (trùn đất), đậu đen, đậu xanh (sao vàng), rau bồ ngót (sao vàng) đem nấu uống... nhưng đều không có cơ sở khoa học.
Thanh Tùng

Đăng nhận xét