5h chiều, hàng nghìn con cò chia thành nhiều tốp ào ào bay về uốn lượn chật kín cả một vuông trời quanh vườn cây rậm rạp của gia đình anh Vũ Văn Ngân và chị Phan Thị Ánh (xã Lý Thanh, Yên Thành, Nghệ An). Đang làm việc ở quán sửa xe, anh Ngân vội khóa cửa trở về nhà để làm công việc thường ngày là theo dõi đàn cò đi ăn trở về.
"Cứ tờ mờ sáng thì cò bắt đầu vỗ cánh bay đi kiếm ăn và đến sẩm tối lại bay về ngủ, ngày mưa cũng như nắng. Dù không thể đếm mỗi ngày cò đi ăn trở về có bị thiếu hay không, nhưng lâu rồi thành quen, mỗi ngày mà không được trông thấy chúng đi về là tôi lại thấy bồn chồn", anh Ngân chia sẻ.
Ngắm đàn cò sà dần xuống các cành cây quanh nhà, anh Ngân bảo không có tài liệu ghi lại đàn cò xuất hiện năm nào, chỉ biết ông nội kể cò về từ trước những năm 1960. Đến giờ chúng đã gắn bó với ba thế hệ trong gia đình anh.
Anh Vũ Văn Ngân, chủ nhân của vườn cò. Ảnh: Hải Bình.
Anh Ngân được ông nội và bố kể rằng, lần đầu tiên cò xuất hiện chỉ vài trăm con, sau đó đến hàng chục nghìn và tiếp tục phát triển. Chủng loại cũng đa dạng, nhiều nhất là cò trắng, tiếp đó là vạc, sếu và một số ít chim chóc. Vào mùa sinh sản tháng 3-4 âm lịch, cò tập trung về nhiều nhất, lên đến vài chục nghìn con.
Để loài chim trời gắn bó với gia đình mấy chục năm qua, theo anh Ngân ngoài yếu tố mà mọi người vẫn đánh giá là "đất lành chim đậu" thì lý do quan trọng là gia đình anh luôn xem cò như người thân ruột thịt, ăn ở cùng cò. Những đêm giá rét, ngày mưa bão đi kiểm tra thấy cò ốm hay cò non bị ướt, vợ chồng anh Ngân lại mang vào bếp sưởi ấm rồi sau đó thả ra. Gia đình chưa bao giờ làm thịt cò ăn.
Ngồi bên cạnh tiếp lời chồng, chị Phan Thị Ánh nói rằng, từ lúc lấy chồng rồi về làm dâu được vài chục năm, những hình ảnh chiều tà, cò gọi nhau trở về, nửa đêm tiếng cò gáy đã trở thành âm thanh quen thuộc. "Bây giờ đi đâu xa nhà một ngày là tôi thấy khó chịu, lo lắng vì không được thấy đàn cò", chị Ánh nói.
Điều khiến vợ chồng anh Ngân lo lắng nhất là tình trạng săn bắt cò. Mặc dù vợ chồng anh luôn giải thích, khuyên can những người có ý định săn bắt, nhưng vẫn không thể tránh khỏi. 2 năm trước, trong một lần anh vắng nhà, đàn cò bị nhóm người lạ dùng súng hạ hàng chục con. Sau lần truy sát đó, cò bỏ đi khá nhiều và gần đây mới quay trở lại đông đúc.
"Có lần bắt gặp tốp người lạ đi săn, vì khuyên can không được, lại sợ họ bắn hạ nhiều cò nên tôi đành thương lượng bắt cho họ mấy con cò con. Đến bây giờ mỗi khi nghĩ lại vẫn cảm thấy thương cò ứa nước mắt", người đàn ông ngoài 40 tuổi kể lại.
Cũng vì giữ cò mà có lần anh Ngân to tiếng, suýt ẩu đả với những người săn bắt. Những đêm đang ngủ ngon giấc, nghe tiếng kêu lạ hay tiếng vỗ cánh của cò là vợ chồng gia chủ lại dậy bấm đèn đi xem chừng. Hay như có lần đang đi chợ nửa đường thấy có người mang súng là chị Ánh vòng xe trở về. Cũng vì bị săn bắt mà cò bây giờ mỗi khi thấy người lạ là vỗ cánh bay đi.
Anh Ngân cho biết, cũng vìsăn bắt nhiều nên cò bây giờ hễ thấy người lạ là vỗ cánh bay đi. Ảnh: Hải Bình. |
Kinh tế gia đình không mấy khá giả, để nuôi hai con ăn học ngoài làm ruộng, anh Ngân mở thêm quán sửa xe máy, xe đạp gần nhà để kiếm thêm thu nhập. Gần chục năm trước, có người ở tỉnh khác tìm tới nhà đặt vấn đề mua lại cơ ngơi kèm theo khu vườn cò với giá cả tỷ đồng, nhưng vợ chồng anh không bán.
"Họ có trả bao nhiêu thì vợ chồng tôi cũng không đồng ý. Đây là lộc trời gửi tại gia đình mình qua mấy thế hệ nên tôi phải kế tục ông cha để làm tròn nghĩa vụ. Chỉ mong cò mỗi ngày một sinh sôi và không bị ai phá hoại", anh Ngân tâm sự và cho hay hàng năm vợ chồng đều mua thêm bạch đàn, trồng thêm tre nứa để cò có chỗ ở.
Ông Nguyễn Đức Thiện, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Yên Thành cho biết, từ trước tới nay đã 5 lần tổ chức đoàn về vườn cò để khảo sát đánh giá. "Việc làm của gia đình anh Ngân là rất tốt. Chăm sóc và bảo vệ đàn cò để bảo vệ môi trường sinh thái", ông Thiện nói.
Về việc hỗ trợ gia đình bảo vệ đàn cò, Phòng Tài nguyên huyện đã tham mưu với địa phương tuyên truyền xử lý nghiêm những người săn bắt ở khu vực này. Nói về kế hoạch lâu dài, ông trưởng phòng cho biết một số khu đất nằm sát vườn cò sẽ được đề xuất cho gia đình anh Ngân nhận khoán để tiện chăm sóc, phát triển đàn chim trời.
Theo VnExpress
Kỳ lạ vườn cò vạn con bên sông Cầu
Họ chấp nhận một cuộc đời kham khổ dưới mái nhà cũ kỹ, dột nát, xiêu vẹo để giữ cho đàn cò có nơi trú ngụ, sinh sôi…
Một góc vườn cò ông Bé. |
Nơi ở của ông Ngô Văn Bé và bà Vũ Thị Gái (thôn Vụ Nông, xã Bắc Lý, Hiệp Hòa, Bắc Giang) là một doi đất rộng vài ha cạnh bờ đê sông Cầu. Bốn bề là thùng vũng, ao chuôm lổm nhổm bên những lò gạch đổ nát. Cả khu chỉ có vài nếp nhà thấp lè tè nép dưới màu xanh rì của cơ man cây cối.
Chủ nhà kể, nhà ông được 3 người con trai. Chỉ có một người con ở trong làng còn lại hai đứa ở hai đầu vườn cò. Ba nhà sống quần tụ cùng bầy cò ríu ran suốt ngày.
Hơn 20 năm về trước, nơi đây là một khu đất hoang sơ, ngoài một số ít bụi tre, trúc thì phần lớn là các loại cây cỏ cao ngang bụng người. Mùa đông, gió gào rít quẩn quanh mái tôn bạc thếch. Mùa hè, nước lũ ngập nửa vườn. Thế mà không biết tự bao giờ, những đàn cò đã về đây trú ngụ. Cứ vào khoảng trung tuần tháng Ba hàng năm là hàng nghìn con di cư về làm náo động cả vùng quê yên ả. Lúc đầu, vườn cò được giao cho Hợp tác xã nông nghiệp địa phương quản lý nhưng rồi cha chung không ai khóc, vườn cò gần như bỏ hoang.
Một con cò bị bắn ở vườn nhà ông Bé. |
Hợp tác xã đành phải tính đến việc đấu thầu vườn cò để cho hộ gia đình quản lý. Nhìn thấy hàng nghìn con cò chao lượn nơi đây, ông bà Bé đã mê tít cộng với lúc ấy, cũng chả có mấy người bỏ thầu vụ làm ăn thiếu thực tế này nên hai ông bà trúng thầu trở thành chủ vườn cò từ đó cho đến nay. Có người bảo, ông bà có gàn dở mới bỏ làng ra đây. Rồi chẳng mấy lúc mà lại phải bỏ về thôi.
Thế mà đến bây giờ, cả vườn cò của ông rộng hơn 2 ha, mỗi năm có hàng vạn con cò bay về quấn quít với vợ chồng ông.
Nhà cò học
Dẫn tôi thăm vườn cò, ông Bé khẽ khàng vạch từng cành tre cho khách đi. Ông dặn tôi, chớ có ngước lên nhìn nhiều và phải cẩn thận kẻo cò nôn vào người.
Rồi ông giải thích: Cò là loài làm tổ khá đơn giản. Tổ cò thường là những cành cây nhỏ đan trên những cây tre cao lởm chởm gai sắc nhọn. Cũng chính vì thế mà mỗi lúc cò mẹ cho cò con ăn, chỉ cần một cơn gió nhẹ cũng khiến cho việc đút mồi trở nên vô ích.
Có thể cò con bị lắc lư mà nôn ra cả đống tôm tép mà bố mẹ chúng đi kiếm về. Cũng có thể là bố mẹ vụng về mà mớm cả ra ngoài. Vào mỗi buổi chiều khi đàn cò đi kiếm ăn về thì cả khu vườn tanh lựng mùi tôm tép. Lũ gà, vịt nhà ông ăn nhiều quá, say mà chết. Bây giờ ông cũng chả thể nuôi được con vật gì dưới những tổ cò ấy.
Ngôi nhà tồi tàn của vợ chồng ông Bé trong vườn cò. |
Gần tối cò về, cả khu vườn nhộn nhịp tiếng cò gọi nhau. Trong khu vườn ấy, hầu như mỗi bụi tre, trúc đều có đến vài tổ cò.
Theo ông Bé tính toán thì hiện có khoảng gần 1 vạn con cò đang sinh sống ở đây với đủ loại: cò bợ, cò hương, cò ốc, cò trắng, cò mỏ đỏ, cò nghênh… Có cả một số con vạc cũng về đây sinh sống. Giống cò tinh lắm, thấy động là chúng nháo nhác bay lên, kêu inh ỏi thông báo cho nhau. Nghe nhiều, bây giờ ông Bé, bà Gái có thể phân biệt được đâu là tiếng cò gọi nhau, đâu là tiếng cò báo có chim cắt đến phá tổ, đâu là tiếng cò hoảng loạn khi có người đến săn bắn…
Chăm cò như chăm con
Ngoài khu vườn trồng tre, trúc cho cò làm tổ, ông bà Bé còn trồng hẳn một khu vườn bạch đàn để làm sân chơi cho lũ cò. Đây là nơi cò đến rỉa lông, rỉa cánh, nghỉ ngơi sau một ngày kiếm ăn mệt nhọc. Cành khô của cây được cò tận dụng để làm tổ. Lại nói về chuyện làm tổ cho cò thì bà Gái luôn là người quan tâm nhất. Mỗi đợt cò về đông, bà lại phải đi bẻ những cành cây nhỏ bằng chiếc đũa, dài khoảng 25cm, gánh đi rải ở phía dưới để lũ cò nhặt về làm rong trong tổ của mình. Mỗi năm, số rong này chất đống cũng phải bằng cái bếp của ông bà. Nhiều lúc, thương lũ cò phải đi xa, dễ trở thành mồi cho những kẻ săn bắn, bà phải huy động cả con cháu đi nhặt rong mới đủ.
Bà Gái tìm rong cho cò làm tổ . |
Tổ cò sơ sài vậy nên ông bà Bé rất lo trời mưa, bão, gió to. Những lúc như thế, những cành tre đập vào nhau lập cập có thể dễ dàng phá vỡ tổ cò mong manh. Những con cò con chưa bay được bị cành cây đập cho tả tơi rơi xuống đất. Có buổi sáng sau trận bão, hai ông bà đi nhặt được cả một xô cò chết mà lòng đau như cắt. Ngoài ra, chỉ một vài sơ sẩy nhỏ cũng khiến lũ cò con rơi xuống đất. Mà đã rơi khỏi tổ là coi như cò đã không có cơ hội sống do thiếu thức ăn, bị côn trùng tấn công… Ngày bình thường cũng có đến 1-2 con bị chết vì những lý do như thế.
Ai đuổi cò đi?
Hơn 20 năm trông giữ vườn cò nhưng ông Bé cho biết, đến nay ông chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào của các cơ quan chức năng. Chính quyền địa phương cũng chưa giao hẳn đất cho ông mà vẫn để ông đấu thầu 10 năm một lần.
Tuy nhiên, ông cũng không quan tâm nhiều lắm đến điều đó. Việc khiến ông đau đầu nhất là làm sao ngăn chặn được những người luôn có dã tâm giết hại những con cò vô tội. Những đêm mưa gió, ông phải huy động cả mấy người con trai ra để canh giữ vườn cò bởi kẻ xấu thường lợi dụng lúc này để đến bắt cò con.
Ông Bé trong vườn cò. |
Trưa, hầu như 2 ông bà không ngủ. Chó, ông luôn nuôi vài con để đánh động khi người lạ đến. Ti vi, hầu như không bao giờ ông mở to quá đặng còn nghe tiếng cò kêu để biết xem có ai đến phá hoại vườn cò hay không. Nhưng còn một điều là ông không thể ngăn chặn được những người vác súc săn, loại súng đạn ghém luôn rình rập để bắn đàn cò. Những người này không đứng ở vườn nhà ông mà đứng cách khu vườn một đoạn, đúng điểm cò sà xuống chuẩn bị về tổ để bắn. Mỗi phát súng nổ có đến hàng chục con dính đạn.
Khi ông bà biết được chạy đến thì những kẻ săn trộm đã chạy đi tự lúc nào. Cũng có khi bắt gặp thì những người này chống chế: Tôi bắn cò trên trời chứ có bắn cò nhà ông đâu? Trước đây cũng vì thế mà đàn cò thưa hẳn đi. "Thời điểm gần đây, tôi thấy số người sở hữu súng săn, súng tự chế ngày càng nhiều lên mà rõ ràng nhà nước đã cấm sử dụng loại súng này. Hay phải chăng là luật chưa đến được vùng quê tôi?" – Ông Bé băn khoăn.
Nguyễn Trường
Hiệp sỹ cò Đặng Đình Quyển. |
Phần lớn, ở những nơi "đất lành chim đậu" ấy, những ông chủ vườn, những người dân trong làng đều muốn cưu mang, bảo vệ đàn cò. Nhưng ngày nay, "cò tặc" hoạt động rất mạnh với nhiều thủ đoạn tinh vi. Không ít vườn cò đang đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt.
Sống chết với cò
Đến thăm ông Đặng Đình Quyển, chủ vườn cò Đào Mỹ từ hai năm trước, giờ thấy nhiều nơi chim trời đang bị săn giết, tôi tìm về quê ông "hiệp sĩ cò" để xem tình hình giờ ra sao. Ông Quyển bảo: Cò tặc chưa bao giờ hết hoành hành. Tiếng súng vẫn vang lên.
Tiếng súng không chỉ làm người rờn rợn, mà cánh cò cũng xào xạc chẳng yên. Trong khu vườn rộng hơn 3 ha của ông Đặng Đình Quyển (thôn Tân Phúc - Đào Mỹ - Lạng Giang - Bắc Giang) có đến hơn 12.000 cò và khoảng 3.000 vạc.
Mỗi khi chiều về, khu vườn bị phủ kín bởi một màu trắng của đàn cò đi kiếm ăn trở về. Cảnh tượng đó thật đẹp, thật tuyệt. Nhưng rồi sẽ ra sao, nếu một ngày, cuộc sống không còn tiếng cò vạc nữa. Đó là điều trăn trở của ông Quyển.
Ông say sưa kể về những kỷ niệm với cò với vạc. Năm 1982, khu vườn trồng tre và vải của ông xuất hiện một đàn cò trắng muốt chừng vài trăm con.
Ông tự nhủ "đất lành chim đậu", đất nhà mình có gì đó thì chúng mới về, cho nên ông đã không đuổi mà tiếp tục trồng thêm cây mới. Bất ngờ thay, cò và vạc về ngày càng đông, chúng tụ tập thành đàn lớn. Cho đến năm 1984 thì số lượng đã lên đến khoảng 4.000 con.
Khi đó, những kẻ săn bắt đã "đánh hơi" được. Không ít cánh cò đã rụng xuống. Ông Quyển ra tay bảo vệ, cưu mang chúng. Vì thế ông được gọi là "hiệp sĩ cò". Đã có lần ông suýt bị dính đạn của kẻ săn trộm.
Lũ cò trở về làm tổ ở vườn ông Quyển vì ông đã bảo vệ chúng, cho chúng có quyền đậu trên những cây mà ông đã trồng. Dân vùng này này người thì ủng hộ, người thì dè bỉu. Nhưng ông Quyển đã tự nhủ với lòng mình là "cò chọn đất" vậy thì phải có trách nhiệm bảo vệ.
28 năm qua, ông có biết bao kỷ niệm vui buồn với cò. Chẳng ngày nào ông không đi một vòng, như để xem lũ cò có về đủ hay không. Và cũng là thời gian ông quan sát, hiểu tính tình của chúng hơn. Ông còn kể một chuyện khá lạ:
"Vườn nhà tôi thì cạnh vườn nhà khác. Cũng cùng là cây, nhưng cò chỉ đậu ở cây của nhà tôi thôi mà không có bất kỳ một con đậu ở cây nhà khác, dù hai cây đó có sát vào nhau. Làm tổ thì càng không. Hai cây sát nhau, nhưng cây nhà tôi có đến 6 tổ, còn cây nhà kia chẳng có lấy một tổ".
Tôi biết, nếu ông Quyển cũng nghe theo một số người xúi giục, bắn giết đàn cò vì mối lợi trước mắt thì làm sao có ngày hôm nay, để ông được tự hào. Sự hy sinh về vật chất và sức lực, lẫn tinh thần của ông Quyển là quá lớn.
Ông có vợ và bốn con, nhưng chẳng cậu con nào ủng hộ bố, chịu giúp ông chăm sóc, gìn giữ đàn cò. Vợ ông cũng chẳng ưa gì đàn cò vì bà nghĩ nó chẳng có lợi cho gia đình, lại làm chồng bà mệt xác. Can ngăn cũng không được, bà chỉ đành im lặng, rồi có lúc lại an ủi ông khi ông vò đầu bứt tai lo lắng cho cò.
Ông nói: "Đàn cò mỗi ngày lại đông thêm do chúng sinh sản. Khu vườn đồi trở nên chật hẹp với chúng. Tôi cũng trồng bổ sung nhiều cây mới để thay cho những cây bị phân cò làm cho chết khô, nhưng nguy cơ thiếu đất cho cò vẫn là một nỗi lo khôn nguôi. Tôi đã về hưu, và giờ sẽ sống chết với vườn cò. Phải bảo vệ đến cùng".
Không hiểu sao, vườn cò này vẫn không được đưa vào chương trình bảo vệ của Nhà nước. Hai năm trước, đã có lúc, ông Quyển chán nản mà nói rằng:
"Có ai đó trả 500 triệu, tôi bán. Với điều kiện người đó phải có tâm huyết, mở khu du lịch và giữ lấy đàn cò". Rất may, sau đó, một người có tiền và giàu lòng thương cò ở tận Củ Chi đã đến gặp ông Quyển. Người này đầu tư tiền để giúp "hiệp sĩ cò" Đặng Đình Quyển an tâm mà giữ vườn, giữ cò.
Tất nhiên, ông Quyên rất vui và nhận lời. Cùng với đó, ông thấy trách nhiệm của mình lớn hơn. Rồi thấy mình đau đớn hơn, khi những con cò lại bị "cò tặc" phục bắn, bẫy và giết thịt. Bọn chúng còn tháo dỡ cả hàng rào dây thép gai để xông vào vườn. Rồi nạn trẻ em vô ý thức cắt trộm dây thép, bán cho đồng nát với giá... bèo.
Tất cả những khó khăn, chật vật mà ông Quyển phải chịu, phải hy sinh để đảm bảo an toàn cho vườn cò, đã giúp ông được nhận Giải thưởng Vì môi trường. Nhưng điều đó cũng chẳng xứng với công lao ông đã bỏ ra.
"Giờ, tôi chỉ mong mọi người hãy thương lấy cò. Đừng bắn giết, loại chúng ra khỏi đời sống chúng ta" - Đó là tâm nguyện của ông "hiệp sĩ cò".
Bẫy cò |
Vườn cò Đông Xuyên: Dân thương nhưng bất lực!
Vườn cò được đánh giá là lượng cò, vạc nhiều nhất xứ Bắc là Đông Xuyên (xã Đông Tiến - Yên Phong - Bắc Ninh). Nhiều người đến thăm, đều tỏ ra tiếc, rằng Bắc Ninh đã bỏ qua một khu du lịch sinh thái đầy tiềm năng. Quả thật, xã Đông Tiến hoàn toàn có địa thế tốt để phát triển du lịch.
Chúng tôi về thăm vườn cò (hay đúng hơn là đầm cò) Đông Xuyên, vào một buổi chiều đẹp. Lũ vạc chưa đi kiếm ăn đêm và lũ cò đang bay về trong chiều hoàng hôn rực rỡ. Dầu vậy, ở một quầy nước nhỏ ngay cạnh vườn cò, tôi đã gặp cùng lúc nhiều cán bộ xã, là con dân của làng, đang trăn trở về vườn cò.
Các anh Trần Ngọc Nghinh - Cán bộ môi trường xã; anh Trương Đình Hảo - Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp; anh Nguyễn Thanh Hân - Bí thư chi bộ xã; anh Nguyễn Đắc Phiên - Phó chủ nhiệm HTX...
Trên khuôn mặt họ, nỗi buồn rầu hiện lên. Hỏi, họ chỉ ra vườn cò: "Cò rất đông, nhưng không có chỗ ở. Chúng phải sống chen chúc, rất khổ sở. Bà con thương chúng quá!".
Tôi nhìn theo tay các anh chỉ, chợt thấy mủi lòng. Những khóm tre, vốn là chuồng cho cò trú ngụ thì nay cũng đã già cỗi. Đàn cò vừa đứng trước nguy cơ bị săn bắt, vừa gặp phải nỗi lo vì không có tổ. Anh Hảo lái thuyền cho tôi đi thăm đầm cò.
Những khóm tre được trồng trên những gò đất giữa đầm là nơi hàng chục năm qua, đàn cò trú ngụ, sinh con đẻ cái. Anh Hảo bảo: "Cò và vạc ở đây có đến gần chục vạn con. Nếu như năm 2006 và 2007, không bị cò tặc săn mất một nửa số cò năm đó, thì tới giờ chúng tôi có gần 2 chục vạn".
Qua quan sát, tôi thấy những khóm tre phần nhiều đã bị cụt ngọn, vì cò vạc đậu nhiều, phân của chúng làm thui chột các ngọn tre và măng non, nên các khóm tre lụi dần. Có những khóm tre đã trơ gốc, xơ xác, hoặc chết.
Tôi hỏi anh Hảo: "Dân làng không nghĩ đến chuyện trồng thêm cây cối cho chúng ở sao? Vì chẳng mấy chốc nữa mà những khóm tre kia sẽ khô quắt. Làm sao còn chỗ cho cò trú?". Anh Hảo buồn rầu: "Chúng tôi có nghĩ đến chuyện này rồi, nhưng lực bất tòng tâm. Vì để giúp chúng, phải có kinh phí mà dân chúng tôi làm gì có kinh phí".
Anh Nguyễn Đức Thanh, trưởng làng Đông Xuyên cũng bày tỏ: "Dân chúng tôi sống chủ yếu là dựa vào nông nghiệp. Rất bí. Nhiều chuyện khác cần phải làm mà đã làm được đâu. Vì động đến thứ gì cũng cần phải có tiền, dù thương cò, yêu cò thì cũng khó có cơ hội đầu tư cho chúng. Chúng tôi thương thì rất thương, nhưng bất lực". anh Thanh đã nói vậy, vườn cò biết trông vào ai?
Vườn cò có từ năm 1994, đàn cò đậu trĩu nặng trên những ngọn tre. Cứ chiều về, khi hoàng hôn xuống, trước cửa đình tại vườn tre, cò đi kiếm ăn các nơi tìm về tổ, chúng bay lượn thành đàn trắng xóa trên những ngọn tre xôn xao.
Người dân đã huy động tiền và sức dân đắp thêm đất, trồng thêm tre lấy chỗ cho cò, vạc trú ngụ. Họ cũng tự nguyện hiến 3 mẫu đất ruộng (hơn 1ha) để đào ao, trồng tre phát triển vườn cò. Thế nhưng, những kẻ săn bắn cò vạc đã nghĩ ra trăm phương nghìn kế. Chỉ trong khoảng 3 năm, từ 2007 đến 2009, đã có gần chục vạn cò, vạc bị giết.
Cùng với đó, lượng cò vạc non còn ở trong tổ cũng chết theo, vì không còn bố, mẹ chăm sóc. Dù người dân vẫn thường xuyên bắt được những kẻ hại cò, nhưng nạn diệt cò không thuyên giảm được là bao. Bởi cò và vạc còn phải bay đi kiếm ăn. Người dân chỉ có thể bảo vệ được chúng ở trong địa bàn thôn làng, ra xã khác, ai bắn giết cũng chịu.
Anh Thanh cho biết: "Đối tượng săn bắn thì rất nhiều, nhưng tất cả đều ở các thôn khác trong xã và các xã lân cận. Đối tượng săn sử dụng súng hơi, đạn ghém, đạn chùm… có tính hủy diệt cao để đánh bắt chim. Đối tượng bẫy thì thuê trắng ruộng của nông dân với thù lao cao hơn năng suất thực, để dựng bẫy chim.
Hiện trường bẫy chính là mặt phẳng của khu ruộng được cắm đầy que tre, đầu que dính nhựa thông, dưới mặt ruộng thả vạc mồi, khi đàn cò vạc đi kiếm ăn trở về bay qua khu ruộng đặt bẫy, các thợ săn điều khiển cho vạc mồi kêu.
Nghe tiếng kêu của vạc mồi thì vạc đang bay trên cao sà xuống ruộng là dính bẫy. Những con cò được đánh bẫy vẫn còn sống, giá bán khoảng 70 ngàn. Vậy là bọn cò tặc thắng đậm rồi".
Cũng không ít người dân trong làng đã nản lòng, vì mình ra sức bảo vệ chim thì bọn săn bắn lại thỏa thuê phá hoại. Quyết tâm thì có, nhưng quyền hạn thì không, người dân chẳng biết làm sao để cứu cò một cách tốt nhất. Vườn cò Đông Xuyên đang đứng trước nguy cơ hủy diệt. Nếu các cơ quan chức năng không vào cuộc, thì ngàn vạn con cò con vạc ở vùng đất này sẽ biến thành mồi cho "cò tặc".
Cò bị bẫy và giết thịt |
Cò là con mẹ, mẹ thương
Mẹ Vũ Thị Khiêm, chủ vườn cò Hải Lựu, thực sự là người phụ nữ cần mẫn, chăm chỉ và thương cò hết mực. 50 năm qua, vườn cò Hải Lựu, thuộc thôn Dừa Lẽ, xã Hải Lựu (Lập Thạch - Vĩnh Phúc) được bình yên là vì có bàn tay mẹ. Một người mẹ già cả, nhưng đã nổi tiếng vì sự hào hiệp với các thân phận con cò.
Mẹ Khiêm coi cò là bạn, là con và không tiếc công sức để bảo vệ. Có người từng gạ mẹ trói cò đi bán. Rồi có người còn gạ bán đồi cò với giá 10 tỷ đồng, hoặc đổi một ngôi biệt thự. Nhưng mẹ không đang tâm.
Niềm vui của mẹ là nhìn thấy đàn cò ríu rít, bay lượn. Ít người biết, mẹ Khiêm sống cuộc đời rất vất vả. Chồng mẹ hy sinh năm 1968 để lại cho mẹ hai người con. Người con trai mất năm 40 tuổi để lại cho mẹ ba đứa cháu, người con gái bỏ chồng, đi làm ăn nơi khác để lại cho bà hai đứa cháu.
Gần 70 tuổi, bảo vệ vườn cò là việc không dễ dàng gì với mẹ. Mới đây, tỉnh đã động viên, mỗi tháng trợ cấp cho mẹ mấy trăm ngàn. Ai đến, mẹ Khiêm cũng trò chuyện. Mẹ bảo đời mình cũng là một thân cò thân vạc. Vậy thì phải bảo vệ cò vạc thôi.
Đàn cò trong vườn của mẹ Khiêm đúng là một tặng vật quý giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho không chỉ mẹ Khiêm mà còn là tài sản của xã Hải Lựu. Những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã chú ý tới việc nghiên cứu, có các biện pháp bảo vệ vườn cò Hải Lựu.
Việc bảo vệ đàn cò rất cần có những tấm lòng của những người biết yêu quý thiên nhiên. Chỉ cần sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm và cách làm thiếu tính khoa học thì hậu quả sẽ là làm mất một tài sản quý không bao giờ lấy lại được.
Nói thì dễ, nhưng làm khó lắm thay. Người ta bảo không ai hiểu con bằng mẹ. Ở Hải Lựu, không ai hiểu và có thể tận tụy với vườn cò bằng mẹ Khiêm. Mẹ bảo: "Cò là con mẹ, mẹ thương".
Vâng, mẹ đúng là một người mẹ nhân hậu. Kể từ khi mẹ nghe lời di huấn của cha mình, là phải bảo vệ cò, thì từ đó, không ngày nào mẹ xa cò. Không bút nào tả hết dáng mẹ tất tả khi cò lâm nạn, bị "cò tặc" ác độc tấn công. Người mẹ ấy nhỏ bé, nhưng vô cùng quyết liệt. Nếu có kẻ nào dám hại cò, mẹ sẵn sàng lao tới, đuổi chúng đi.
Hưởng lộc từ... cò
Nếu không có bóng dáng của cò vạc, thì khu du lịch hồ An Dương (Chi Lăng Nam - Thanh Miện - Hải Dương) đã chẳng hấp dẫn và đẹp đến thế. Với khoảng 20.000 con cò, vạc và nhiều loài chim, cộng với hệ sinh thái, động, thực vật phong phú, Đảo cò Chi Lăng Nam đã trở thành khu du lịch thiên nhiên, hữu tình xanh rợp bóng cây. Thu hút nhiều du khách đến thăm.
Khoảng hơn 20 năm trước, những cánh cò, vạc bay đi, bay về, phủ kín cả khoảng không mặt hồ, tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Từ năm 1994, huyện Thanh Miện đã đầu tư, bảo tồn và đưa vào khai thác du lịch đảo, hàng năm thu hút hơn 40.000 du khách tham quan. Nhờ sự tài trợ của Quỹ môi trường toàn cầu, Đảo cò đã được mở rộng và trồng thêm nhiều cây xanh.
Năm 2003, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương đã triển khai Dự án "Bảo tồn, phát triển khu vực hệ sinh thái tự nhiên Đảo Cò, phục vụ du lịch sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng". Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương cũng đã phê quyệt Dự án quy hoạch tổng thể Khu du lịch và bảo tồn sinh thái Đảo Cò, đến năm 2015.
So với các vườn cò khác, Đảo cò này có địa thế đẹp và rộng hơn cả. Có thể nói, tỉnh Hải Dương nói chung và xã Chi Lăng Nam nói riêng đã được hưởng lộc từ đàn cò. Cò chẳng những mang lại vẻ đẹp cho nơi đây, lại còn mang về nguồn lợi về du lịch.
Một lão nông chia sẻ: "Đảo cò này là may mắn của cả làng tôi. Từ khi cò về ở ngày càng đông thì trẻ nhỏ trong làng học hành tấn tới, người già ít đau bệnh, nhà nào cũng ăn nên làm ra, vì thế chúng tôi kiên quyết bảo vệ đảo cò".
Đảo cò trường cao đẳng Nông Lâm |
Ai bốc thuốc cứu nạn "cò tặc"?
Ngoài những vườn cò lớn kể trên, miền Bắc vẫn còn những vườn cò nhỏ nữa. Như vườn cò ở trường Cao đẳng Nông Lâm (Bắc Giang). Với lượng cây xanh lớn, nơi đây đã được các thầy, các cô và sinh viên cưu mang, bảo vệ. Trường đã có vườn cò, đảo cò rất đẹp mắt, với những cánh cò chấp chới mỗi khi chiều về, hay buổi bình minh lên.
Rồi vườn cò nhỏ ở thị trấn Xuân Mai (Hà Nội), nhưng vườn cò này không có ai quản lý, chẳng mấy chốc đã bị cò tặc diệt gọn. Ở những ngôi làng ven thị xã Phủ Lý (Hà Nam) cũng có những cánh cò về hội tụ. Nhưng tiếng súng và cả sự tham lam của những kẻ săn cò, đã làm chúng gục ngã.
Một số ít thoát chết đã bay đi. Mới đây, người ta thấy ở một ngôi vườn nhỏ, thuộc huyện Phù Cừ (Hưng Yên) có cò về. Nhưng "cò tặc" đã dùng súng săn đuổi chúng. Con thì chết, con thì dạt về nơi khác.
Thật đáng buồn, đến đâu cũng thấy cò tặc hoành hành. Người ta dùng súng, bẫy, nhựa thông, lưới... để diệt cò và bất cứ loài chim nào khác, miễn là có lợi.
Mấy năm qua, dư luận vẫn lên tiếng bất bình về ông chủ vườn cò Ngọc Nhị (làng Ngọc Nhị, xã Cẩm Lĩnh, Ba Vì, Hà Nội) về việc sát hại đàn cò. Người ta nói rằng, ông chủ vườn cò này đã bị lợi lộc làm mờ mắt, nên bất chấp thủ đoạn.
Ông sẵn sàng thịt cò để phục vụ bất cứ du khách nào đến với nhà hàng của ông, ở ngay rìa vườn. Một hệ thống hàng, quán mà ông chủ tên Phùng Đoài Học này xây dựng, phục vụ mấy trăm khách mỗi ngày. Tương đương với mấy trăm con cò bị diệt. Lại có tin, ông Học còn đến một số vườn cò khác, gạ người ta bắt cò bán cho ông để ông kinh doanh.
Tôi tự hỏi rằng, nếu mẹ Khiêm, ông Quyển, hay những người dân của làng Đông Xuyên đều bắt cò làm thịt, bán cho khách, thì trên đất nước bình yên này, có còn một cánh cò? Chim, cò, vốn được dân nhậu coi là một đặc sản quý hiếm. Vì thế, có hàng ngàn người đã nhẫn tâm hành nghề cò tặc, đi săn bắt, tận diệt chim trời.
Tại sao chúng ta không thể yêu thiên nhiên, các loài vật đặc biệt là những con cò, đang trang điểm cho cuộc sống chúng ta, làm cho cuộc sống ngày càng thêm ý nghĩa? Không thể chỉ là giáo dục, thuyết phục, mà cần phải sớm có những chế tài và lực lượng chuyên trách để bảo vệ và phát triển các làng cò trước khi chúng bị tiêu diệt.
Một góc vườn cò ông Quyển. Ảnh : PV |
Nỗi lòng bà chủ vườn cò…
Trước đây, thấy chồng mình được nhận Giải thưởng môi trường, bằng khen của tỉnh, của trung ương; hết đoàn này đến đoàn khác, hết báo trung ương đến báo địa phương ra vào tấp nập để xem vườn cò, viết về vườn cò thì bà Minh – vợ ông Quyển cũng vui vui trong lòng.
Bà giúp chồng tiếp khách, hướng dẫn khách thăm cò và cũng đã nhiều năm cùng chồng gác cửa, bảo vệ đàn cò khỏi tầm ngắm của những thợ săn luôn rình rập... Nhưng cách đây mấy tháng, khi tôi và một đồng nghiệp đến thăm vườn cò, phải nhiều lần gọi cửa, bà Minh mới uể oải chào đón.
Bà mệt mỏi đưa chúng tôi lên vườn. Trên diện tích tới hơn 3 ha, những cây bạch đàn xơ xác vì cò đậu, phía dưới chủ yếu là những cây dứa, cây vải đều phủ trắng phân cò. Mùi hôi và tanh nồng bủa vây kín không gian rộng lớn. Buổi trưa, vườn cò vắng hơn rất nhiều, chỉ còn lại mấy chục con đang ấp, đẻ là ở trong tổ hoặc kiếm mồi gần đó.
Chia sẻ nỗi niềm với bà Minh, tôi hiểu rằng sự phiền toái của cò mang đến cho gia đình bà là rất lớn. Vườn rộng mà chẳng thể trồng được cây gì cho ra tiền. Vải không ra vải, dứa chẳng ra dứa, bạch đàn keo dù đã lớn nhưng không dám chặt.
Cò đậu nhiều còn làm chết cây, phải trồng thêm, dặm thêm cây cho cò đậu. Suốt ngày này qua tháng nọ, năm này qua năm khác vợ chồng bà thay phiên nhau mà hít hà không khí tanh nồng khủng khiếp. Con cái đã lớn nên đi làm đi học cả, nhà có hai ông bà thì mỗi người một nơi. Ông về nhà ngoài thì bà vào nhà trong để trông cò.
Ngủ trưa không được, ngủ tối chẳng yên vì một tiếng súng bắn "toạch" của kẻ săn trộm đã làm hàng trăm con cò giật mình nháo nhác. Cò vạc nháo nhác thì người sao yên được. Bà Minh bảo, cái giống cò vạc nó cũng khôn lắm. Bị săn bắn nhiều là chúng bỏ đi hết đấy. Biết vậy, chẳng ít lần bà Minh có tâm lý buông xuôi, kệ cho người ta săn bắn, kệ cho chúng bỏ đi cho rảnh nợ...
Cũng có lần giận chồng vì suốt ngày cò cò vạc vạc, nửa đêm bà cầm cây sào ra vườn khua lên cành cây để đuổi cò đi. Đàn cò thấy động bay tán loạn nhưng chỉ lúc sau lại chiu chít trên cành… Hết giận lại thương, bà Minh lại cùng ông Quyển xua đuổi những kẻ săn trộm. Nhưng thương cò thì ai thương mình, suy nghĩ ấy làm bà Minh lại giận dỗi đàn cò, lũ vạc…
Ngóng cò về. Ảnh : PV |
Hơn hai tháng trước, tôi ngạc nhiên khi nhận được tin ông Quyển có ý định rao bán vườn cò. Dù đã biết mọi sự phiền toái mà đàn cò gây nên cho ông và vợ con nhưng tôi vẫn thảng thốt. Mấy hôm trước, tôi lại đến thăm vườn cò. Bà Minh lẳng lặng. Tôi chẳng biết bà vui hay buồn.
Bà bảo: "Cũng có vài người hỏi, nhưng nào đã bán được đâu. Thương cò mãi rồi, cò nó có thương mình đâu. Mà ông nhà tôi cũng già rồi, khổ lắm… Quyết định rồi, cứ bán đi cho rảnh!".
Tôi chẳng biết nói thế nào cho phải. Mấy năm trước, khi dịch cúm gia cầm bùng phát ổ dịch đầu tiên tại Bắc Giang, vườn cò của gia đình bà Minh đã nằm trong tầm ngắm cần phải tiêu huỷ. Làng trên xóm dưới lo sợ đàn cò ở vườn ông Quyển sẽ mang dịch H5N1 về. Bà Minh và các con lo lắm. Ông Quyển điện hỏi Sở KH&CN thì cán bộ phụ trách bảo, tốt nhất là bác và "gia đình cứ tạm lánh đi đâu đấy, kệ cò ở đó!".
Vậy là, người lánh đi để cho cò ở. Cán bộ thú y đến đọc lệnh tiêu diệt đàn cò. Khi ấy, dù mấy hôm trước bà Minh vẫn rất giận dỗi cò nhưng nghĩ đến hàng ngàn con cò bị tiêu diệt thì bà lại rưng rưng. Cuối cùng, đàn cò cũng qua được mùa dịch.
Năm 2001, một chú cò bị hụt bẫy kéo cả dây lòng thòng về tổ, dây mắc vào cành cây làm nó cứ bay loạn xạ. Cả đàn cò hàng vạn con hoảng hốt, tán loạn. 3 ngày sau chúng bỏ đi sạch. Cả nhà ông Quyển ngơ ngác. Vườn không bóng cò hiu hắt, chống chếnh. Chờ mãi không thấy chúng về, ông Quyển phóng xe đi khắp nơi để tìm. Cứ tưởng cò sẽ đi mãi nhưng gần hai tháng sau, chúng lại ùn ùn kéo về. Vườn cò lại náo nhiệt ồn ã. Và bà chủ vườn cò lại cằn nhằn chuyện cò chuyện vạc…
Tâm sự với chúng tôi, bà Minh có ý rằng, thực tâm bà cũng thương đàn cò vì chúng chịu thương chịu khó, lam lũ, cực nhọc y như con người vậy. Từ mờ đất đã nháo nhào rời tổ lặn lội kiếm mồi, nuôi con. Thương nhất là những đêm mưa bão, cò non rơi bình bịch xuống vườn nghe mà xót ruột… Con nào rơi xuống đất mà vẫn còn khỏe, bà dùng cây sào trả chúng về tổ; những con non bị chết, bà gom lại ngậm ngùi đem chôn.
Ừ thì giải thưởng môi trường, ừ thì bằng khen, ừ thì trông nom bảo vệ sớm hôm không công nhưng mấy héc ta vườn đồi không ra sản phẩm thì Nhà nước cũng phải xem xét hỗ trợ tí chút chứ. Không tiền hỗ trợ, vườn không cho quả, cây lớn không được lấy gỗ thì lấy gì để mà sống mà chăm cò, chăm vạc?
Có người xui ông Quyển bán vé vào vườn cò để lấy kinh phí tái đầu tư. Có người xui bà Minh cứ bắt cò mà bán vụng, hoặc cứ làm ngơ cho mấy tay ưa săn chim săn cò vào bắn rồi cũng kiếm được ít tiền… Tất cả những phương cách ấy ông Quyển bà Minh đều không làm được.
"Tôi không bán cò!"
Từ hôm có tin ông Quyển rao bán vườn cò, đã có mấy người đến ướm hỏi, có người nói sẽ mua vườn cò rồi chặt hết cây cũ để làm trang trại mới. Một người ở Hà Nội thẳng thừng đặt hàng ông Quyển sẽ mua cò theo đợt, càng nhiều càng tốt. Chỉ mua cò, không mua vườn. Cò bợ tám nghìn, cò trắng mười nghìn, vạc mười lăm nghìn một con. Cò chết cũng được, nhưng phải thịt rồi cho vào tủ lạnh... Ông Quyển không đồng ý.
Chặt cây thì cò đi đâu? Nếu chặt cây mà bán để có vài trăm triệu thì ông Quyển, bà Minh cũng chặt được nhưng gia đình ông không nỡ làm thế. Bán cò lại càng không dám bán. Ông bà muốn bán trọn vẹn cả vườn cả cò… Nói vậy, tức là vợ chồng ông Quyển muốn bán cho người nào đó có ý định tiếp tục chăm chút, bảo vệ đàn cò.
Tôi đặt tình huống, nếu người mua vườn cứ khăng khăng sẽ chặt sạch cây để làm cái họ muốn hoặc bắt hết cò thì sao? Ông Quyển lặng người trong giây lát. "Không thể nào đâu! Chẳng ai lại làm thế đâu. Này nhé, nếu tôi có điều kiện, nói thực tôi sẽ cải tạo, quy hoạch lại khu vườn, trồng cây, đào rộng ao, làm đường đi lối lại.
Tôi sẽ bố trí thêm một số chuồng thú ở xung quanh. Tôi sẽ… Vườn cò sẽ khác mà, tôi tính mãi rồi. Nhưng nếu họ cứ chặt cây, cứ bắt cò thì… tôi cũng phải chịu vì tôi đã cầm tiền rồi. Tôi chỉ có thể nói với theo, hãy giữ vườn cò được thôi. Chỉ nói với theo vậy thôi! Tôi không bán và cũng không muốn bán cò".
Ai mua cả vườn cả cò?
Hoàng hôn đã phủ lên những tán cây sâm sẫm. Đàn cò đã về rợp trời. Người bạn đồng nghiệp của tôi lặng lẽ ngồi nghe từ lúc mới vào, giờ mới nói: "Nếu có tổ chức, cá nhân nào đó đồng ý mua vườn cò của bác với giá thỏa thuận, sau đó họ lại nhờ hai bác trông nom bảo vệ thì có được không?". Bạn tôi chưa dứt lời, những nếp nhăn trên khuôn mặt của cả ông Quyển, bà Minh dãn ra: "Đấy, chính thế đấy. Thế thì còn gì bằng nữa. Chúng tôi đồng ý ngay".
Hóa ra, ông Quyển, bà Minh không ghét cò. Họ khó khăn quá! Khó khăn từ chuyện cả bốn anh con trai không anh nào chịu về ở chung với bố mẹ vì… cò. Khó khăn vì tuổi già sức yếu mà ông ở nhà trong, bà ở nhà ngoài… Khó khăn vì họ không thể cứ lấy lương hưu giáo viên để nuôi cò, chăm vạc. Những khó khăn của gia đình ông Quyển không phải cấp ủy, chính quyền địa phương không biết. Thực tế, gia đình ông Quyển đã và sẽ tiếp tục nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ.
Tuy nhiên, những chia sẻ hỗ trợ ấy có giải quyết được những khó khăn mà gia đình ông gặp phải khi bảo vệ chăm sóc đàn cò hay không, chỉ có ông Quyển, bà Minh là người hiểu rõ nhất. Tôi hiểu rằng, quyền sử dụng đất cho phép ông được bán khu vườn theo quy định của pháp luật.
Và sẽ chẳng có chuyện gì để ầm ĩ nếu không có hàng vạn con cò trú ngụ nơi vườn nhà ông. Nghĩ tới điều ấy tôi bỗng liên tưởng tới câu chuyện cổ tích nói về văn tự mua đất mà con cò nào cũng có ở sau gáy… Dù là chuyện cổ tích, nhưng quyền được tồn tại của con cò trên đất của con người là đương nhiên.
Nhưng nếu ông Quyển vẫn quyết bán vườn, những con cò có văn tự liệu rằng còn được tồn tại bình yên trên đất ấy hay không?
Ngoài Giải thưởng môi trường, vườn cò của gia đình ông Quyển được tổ chức DED của Đức hỗ trợ 45 triệu đồng để làm hàng rào, chòi canh… Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang Hoàng Thanh Khiết đã lên tận vườn cò trao 8 triệu đồng hỗ trợ gia đình; ông Nguyễn Mạnh Cường - Nguyên Bí thư Huyện ủy Lạng Giang cũng đã trao 6 triệu đồng để hỗ trợ gia đình công chăm sóc, bảo vệ… Mới đây, khi biết chuyện ông Quyển có ý bán vườn cò, trao đổi với PV Tiền phong, ông Nguyễn Đăng Khoa - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh sẽ có kế hoạch tiếp tục hỗ trợ gia đình ông Quyển để bảo vệ vườn cò. Bí thư Huyện ủy Lạng Giang cũng nói với PV, từ tháng 9/2008 đến hết năm 2009, huyện sẽ trích ngân sách hỗ trợ công chăm sóc bảo vệ đàn cò cho gia đình ông Quyển mỗi tháng 450.000 đồng và sẽ hỗ trợ kinh phí sửa chữa hàng rào bảo vệ vườn cò khi có dự án hợp lý… |
Đăng nhận xét