Hình ảnh Xquang sỏi niệu quản làm tắc gây ứ nước bể thận. |
Thế nào là đái khó?
Đái khó gồm các trường hợp đái rắt, đái buốt, bí đái và vô niệu. Đái rắt là đi đái nhiều lần trong một ngày (bình thường đi đái 5 - 6 lần trong một ngày), nhưng mỗi lần chỉ đái được rất ít nước tiểu. Đái rắt xảy ra trong các trường hợp viêm bàng quang do vi khuẩn, kí sinh trùng, sỏi; u xơ tuyến tiền liệt ở người già thường đái rắt về đêm; lao thận; lo lắng xúc động nhiều, phụ nữ có thai gần ngày sinh.
Đái buốt là bệnh nhân thấy đau buốt khi đái, do viêm bàng quang, niệu đạo, sỏi bàng quang hay niệu đạo, viêm tuyến tiền liệt.
Bí đái là bệnh nhân mót đái nhưng nước tiểu không tống ra ngoài được, trong đó bí đái cấp tính xảy ra đột ngột, bàng quang căng lên gây đau bụng, bí đái mạn tính xảy ra từ từ không đau bụng. Bí đái gặp trong các trường hợp: dị dạng bàng quang (không có lỗ niệu đạo), trẻ em bị sa bàng quang, hẹp niệu đạo, ung thư tiền liệt tuyến, hẹp niệu đạo sau bệnh lậu, nhiễm khuẩn sau đẻ, u xơ tử cung, chảy máu não, tổn thương tủy, dập đứt niệu đạo...
Vô niệu là bệnh nhân không đi đái nhiều giờ hoặc nhiều ngày, thông bàng quang cũng không có nước tiểu hoặc có rất ít nước tiểu (dưới 100ml/24 giờ). Vô niệu có thể do sỏi niệu quản làm tắc niệu quản nên nước tiểu không xuống bàng quang được; do khối ung thư chèn ép vào niệu quản cũng làm cho nước tiểu không xuống bàng quang được; do viêm thận nhiễm độc, do trụy tim mạch, suy tim nặng...
Các nguyên nhân gây đái khó?
Viêm tiết niệu, sinh dục: viêm âm đạo, theo một nghiên cứu, viêm âm đạo chiếm từ 10 - 15% các trường hợp đái khó. Viêm niệu đạo do vi khuẩn, virut, trùng lông, trùng roi hoặc nấm. Ở phụ nữ bị đái khó cấp tính thì 20% được ghi nhận là có viêm niệu đạo do Chlamydia. Viêm bàng quang, viêm thận, bể thận cũng do nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới gây ra. Xét nghiệm nước tiểu thấy mủ niệu, khuẩn niệu, trụ bạch cầu. Viêm niệu đạo do Chlamydia: không có đái máu, dịch cổ tử cung mủ nhày. Viêm niệu đạo do lậu cầu. Đái khó không do nhiễm khuẩn, gồm: phản ứng dị ứng, tác dụng của hóa chất và tác nhân kích thích, xà phòng; Thuốc tránh thai, mỡ bôi trơn âm đạo; Băng vệ sinh có chất khử mùi; Chế phẩm vệ sinh cho phụ nữ; Chấn thương; Lạm dụng tình dục; Vật lạ đường tiết niệu, sinh dục; Phụ nữ bị thiếu hụt estrogen sau mãn kinh.
Đái khó tái phát: tái nhiễm khuẩn mới. Sau khi giao hợp, nồng độ vi khuẩn trong bàng quang tăng lên tạm thời gấp 10 lần. Vì vậy nên đi tiểu sớm sau khi giao hợp có thể làm giảm nồng độ vi khuẩn trong bàng quang xuống nhanh và do đó làm giảm khả năng nhiễm khuẩn. Một lời khuyên khác cho bệnh nhân đái khó tái phát là đi tiểu nhiều lần và uống nhiều nước.
Đái khó ở nam giới
Ở nam giới, đái khó do viêm niệu đạo là nguyên nhân hay gặp nhất. Vi khuẩn Chlamydia gây ra từ 50 - 60% trường hợp viêm niệu đạo ở nam không do lậu. Bệnh lậu thường đái khó nặng và dịch xuất tiết niệu đạo màu vàng, trong khi viêm niệu đạo không do lậu thì dịch xuất tiết thường trong, trắng và đái khó nhẹ hơn. Một nguyên nhân nữa của đái khó ở nam giới là viêm tuyến tiền liệt với các triệu chứng: mệt mỏi, đau bụng dưới, đau thắt lưng hoặc cảm giác đè nén trực tràng, to tuyến tiền liệt, đau nhẹ.
Điều trị
Tốt nhất là làm kháng sinh đồ và điều trị bằng kháng sinh thích hợp. Ở bệnh nhân có nguy cơ thấp thì mủ niệu và khuẩn niệu thường do viêm bàng quang. Chỉ cần cấy nước tiểu nếu bệnh nhân đã bị viêm bàng quang 3 lần hoặc hơn trong 1 năm. Cần chú ý rằng viêm âm đạo do nấm Candida monilia là biến chứng hay gặp sau khi điều trị kháng sinh. Do đó các bệnh nhân có tiền sử nhiễm nấm khi dùng kháng sinh đều phải dùng miconazole hoặc clolrimazole đồng thời với kháng sinh hoặc dùng khi thấy khởi phát ngứa âm đạo.
BS. Trần Tất Thắng
Đăng nhận xét