Khi nào phụ nữ cần làm xét nghiệm cổ tử cung?

2013-01-24
Ung thư tử cung được coi là một trong những ung thư gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ, nhất là tại các nước đang phát triển.
Photo: N.C.T./giaoducsuckhoe
Siêu âm định kỳ cũng giúp phát hiện sớm ung thư cổ tử cung


Tuy nhiên đây cũng là căn bệnh có thể được điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm qua xét nghiệm Papsmear mà ở Việt Nam thường gọi là phết mỏng cổ tử cung nhưng hiện vẫn còn nhiều người chưa hiểu rõ lúc nào thì phải làm xét nghiệm này và xét nghiệm bao lâu.

Khi nào cần làm xét nghiệm PAP Smear
Xét nghiệm định kỳ phát hiện sớm ung thư cổ tử cung từ lâu đã khá phổ biến ở các nước và được coi là biện pháp hữu hiệu để phát hiện sớm và ngăn ngừa bệnh. Tuy nhiên đối với nhiều phụ nữ, thông tin về khi nào phải xét nghiệm và xét nghiệm ở mức độ ra sao vẫn còn chưa rõ ràng thống nhất.
Chị Phương, một phụ nữ 37 tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết:
Chị Phương: em thấy chẳng có ai khám cái đấy… phụ nữ thường cho việc đó rất là kín nên chẳng ai nói chuyện với nhau trừ khi là bạn thân…. sức khỏe tình dục của phụ nữ ở đây mình cảm giác là không được quan tâm lắm và tự bản thân họ cũng không quan tâm lắm.
Bản thân chị Phương từ năm 30 tuổi đến nay vẫn định kỳ đi thử papsmear mỗi năm một lần theo hướng dẫn của bác sĩ.
Theo hướng dẫn về xét nghiệm papsmear của Tổ chức Y tế thế giới, phụ nữ từ 25 tuổi trở lên nên bắt đầu làm xét nghiệm này. Tùy từng quốc gia mà hướng dẫn về xét nghiệm này khác nhau, lý do là vì nguồn lực của mỗi quốc gia là khác nhau. Tại Hoa Kỳ, hướng dẫn mới đây khuyến nghị xét nghiệm nên được bắt đầu đối với phụ nữ tuổi từ 21 trở lên. Bác sĩ Mona Saraiya, thuộc phòng ngăn ngừa và kiểm soát ung thư của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh dịch Hoa Kỳ (CDC) cho biết về những điểm mới trong hướng dẫn của Mỹ như sau:
Em thấy chẳng có ai khám cái đấy… phụ nữ thường cho việc đó rất là kín nên chẳng ai nói chuyện với nhau trừ khi là bạn thân…sức khỏe tình dục của phụ nữ ở đây mình cảm giác là không được quan tâm lắm và tự bản thân họ cũng không quan tâm
chị Phương
Bác sĩ Mona Saraiya: điểm mới của hướng dẫn năm 2012 là cả 3 tổ chức ở Mỹ đều đồng ý với nhau lần đầu tiên về tất cả mọi điểm. Đó là thứ nhất. Thứ hai là tất cả các hướng dẫn đều thống nhất ở điểm là tất cả phụ nữ đều không cần phải làm xét nghiệm ung thư cổ tử cung cho đến khi họ 21 tuổi. Bước tiếp theo là từ 21 đến 30 thì họ bắt đầu làm xét nghiệm
Xét nghiệm Pap Smear
Xét nghiệm Pap Smear. Wikipedia
cứ 3 năm 1 lần, tức làm pap test, họ không cần làm xét nghiệm gì khác hơn kể cả HPV test, và họ không cần làm đều đặn mỗi năm mà chỉ làm 3 năm một lần, đến tuổi 30 và lớn hơn, tức là 64 tuổi, họ có thể hoặc làm pap test đơn lẻ hoặc kết hợp cả hai test là pap test và HPV test. Nếu cô ấy làm pap test thì có thể làm 3 năm một lần, và nếu cô ấy làm cả hai xét nghiệm kết hợp thì sẽ an toàn hơn thì họ có thể làm sau 5 năm. Cả 3 hướng dẫn cho rằng khi người phụ nữ được xét nghiệm đầy đủ thì cô ấy có thể ngừng làm xét nghiệm ở tuổi 65. Tất nhiên có định nghĩa thế nào xét nghiệm đầy đủ. Cả 3 hướng dẫn đều thống nhất là những phụ nữ đã mổ bỏ phần phụ vì lý do lành tính thì không cần làm xét nghiệm này.
3 tổ chức được bác sĩ Saraiya nói tới là Preventive Services Task Force, American College of Obstestricians and Gynecologists, và American Cancer Society.
Hướng dẫn mới cũng nói rõ những phụ nữ đã qua phẫu thuật bỏ phần phụ không phải do nguyên nhân ác tính thì cũng không cần phải làm xét nghiệm pap smear.
Tuy nhiên, một báo cáo mới được công bố gần đây của CDC cho thấy vẫn còn khá đông những phụ nữ dưới 21 tuổi vẫn đi xét nghiệm pap smear, và những phụ nữ lớn tuổi đã qua phẫu thuật bỏ phần phụ cũng vẫn đi kiểm tra pap smear gần đây.
Vậy tại sao hướng dẫn mới tại Mỹ lại quy định số lần xét nghiệm pap smear ít hơn cho phụ nữ? Bác sĩ Saraiya giải thích:
Bác sĩ Mona Saraiya:Các số liệu mới cho thấy trước hết ung thư cổ tử cung là rất hiếm tại Mỹ cho phụ nữ ở độ tuổi dưới 21, thực tế chỉ có khoảng 125 trường hợp một năm đối với phụ nữ ở độ tuổi dưới 25. Nhiễm HPV có thể xảy ra khi người phụ nữ bắt đầu có quan hệ tình dục nhưng phải mất rất
Định kỳ khám Pap smear được chỉ định theo yêu cầu của bác sĩ
Định kỳ khám Pap smear được chỉ định theo yêu cầu của bác sĩ (minh hoạ)
nhiều năm cho đến khi tiền ung thư hay ung thư phát triển. cho nên phải mất thời gian dài. Đó là lý do của hướng dẫn xét nghiệm này là bạn nên bắt đầu xét nghiệm ở tuổi 21 trở lên. Và có khi bạn tìm thấy dấu hiệu bệnh ở tuổi 21 nhưng sau đó mọi cái lại bình thường. và điều quan trọng nhất mà chúng tôi thấy là có những nguy hiểm trong việc xét nghiệm sớm nhất là đối với những phụ nữ trẻ sẽ sớm có con. Ví dụ nếu bạn có một kết quả pap không bình thường nhưng sau đó nó có thể tự quay lại bình thường thì tại sao phải điều trị ngay, bởi nhiều phụ nữ qua điều trị mà họ không thực sự cần đối với các trường hợp điều trị tiền ung thư thì nó có thể dẫn đến sinh con thiếu tháng, và các ảnh hưởng khác nữa đối với sức khỏe sinh sản.HPV và ung thư cổ tử cung
Từ 21 đến 30 thì họ bắt đầu làm xét nghiệm cứ 3 năm 1 lần, tức làm pap test, họ không cần làm xét nghiệm gì khác hơn kể cả HPV test, và họ không cần làm đều đặn mỗi năm mà chỉ làm 3 năm một lần
Bác sĩ Mona Saraiya
Ung thư cổ tử cung là một trong hai loại ung thư gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ tại các nước có thu nhập thấp và trung bình. Số liệu thống kê trên toàn thế giới cho thấy căn bệnh này gây tử vong cho khoảng 500,000 người mỗi năm. Còn tại Việt Nam, con số thống kê được đưa ra trong một hội thảo của ngành y tế vào năm 2011 cho thấy mỗi năm có hơn 5,100 trường hợp ung thư cổ tử cung mắc mới và khoảng 2,400 người chết vì căn bệnh này.
Nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung là do virut papilloma ở người hay còn gọi là HPV. Theo CDC, HPV là loại virut khá phổ biến, phần lớn mọi người đều có thể bị nhiễm virut này một lần trong đời. Chính vì vậy việc xét nghiệm HPV và phát hiện sớm các dấu hiệu tiền ung thư do HPV gây ra ở phụ nữ là điều cần thiết để điều trị bệnh kịp thời. Bác sĩ Saraiya giải thích:
Bác sĩ Mona Saraiya: xét nghiệm Pap smear, xét nghiệm HPV và VIA phát hiện những dấu hiệu tiền ung thư và ung thư để có thể tránh bệnh tiến triển thành ung thư sau này. Xét nghiệm này khác hẳn với nhiều xét nghiệm khác khi bạn chỉ xác định bệnh nhân khi đã có ung thư còn xét nghiệm này phát hiện tiền ung thư. Và càng phát hiện sớm bao nhiều thì khả năng sống sót của người phụ nữ càng lớn bấy nhiêu.
Khi bị phát hiện có dấu hiệu tiền ung thư hay ung thư ở giai đoạn đầu, người phụ nữ sẽ được điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ. Sau đó có thể được điều trị bằng xạ trị hoặc hóa trị.
Xét nghiệm Pap smear, xét nghiệm HPV và VIA phát hiện những dấu hiệu tiền ung thư và ung thư để có thể tránh bệnh tiến triển thành ung thư sau này...
Bác sĩ Mona Saraiya
Tất nhiên không phải ai nhiễm HPV cũng có thể tiến triển thành ung thư. Tạp chí sức khỏe của Viện Sức Khỏe Quốc gia Mỹ trích lời của bác sĩ Mark Einstein, chuyên gia về ung bướu thuộc Trung Tâm y tế Montefiore ở New York cho biết chỉ có một số người nhiễm HPV sau đó bị ung thư. Đó là lý do khiến việc phát hiện bệnh ung thư này dễ dàng hơn.
Thêm vào đó là kể từ khi người bệnh nhiễm HPV đến khi phát triển thành ung thư cũng mất một thời gian dài, khoảng từ 5 đến 7 năm để trở thành tiền ung thư. Trong thời gian đó, rất có thể hệ thống miễn dịch của cơ thể đã khống chế được virut và bất cứ tế bào bất thường nào mà không cần có sự can thiệp của y học. Kể cả trong trường hợp tế bào tiền ung thư tồn tại trong cơ thể thì cũng phải mất ít nhất 5 năm để biến thành ung thư. Theo các chuyên gia thì những phụ nữ trẻ khỏe mạnh có thể tự hết virut mà không cần điều trị.
Cũng bởi ung thư cổ tử cung tiến triển chậm nên phần lớn các ca bệnh ung thư cổ tử cung được phát hiện ở độ tuổi trung bình từ 40 trở lên.
Phòng ngừa
Theo Giáo sư Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, Phó Chủ tịch Hội ung thư thành phố Hồ Chí Minh, các yếu tố tạo thuận lợi cho ung thư phát sinh là phụ nữ sinh đẻ nhiều, viêm cổ tử cung mãn tính, lấy chồng sớm, có nhiều bạn tình. Việc quan hệ tình dục không được bảo vệ với người nhiễm HPV có thể gây lây nhiễm HPV.
Bác sĩ khuyên phụ nữ ở độ tuổi từ 30 trở lên nên định kỳ đi khám bác sĩ mỗi năm một lần để phát hiện bệnh sớm.
Ngoài ra, thế giới cũng đã phát triển vacxin phòng ngừa ung thư cổ tử cung hiện đang được dùng rộng rãi ở nhiều nước trong đó có Việt Nam. Ở Việt Nam có hai loại vacxin được dùng phổ biến là vacxin Gardasil của công ty Merck and Co, Inc được khuyến khích sử dụng cho phụ nữ từ độ tuổi 9 đến 26, và vacxin  Cervarix của GlaxoSmithKline. Cả hai vacxin này đều dùng để phòng hai dạng HPV nguy hiểm gây ung thư là dạng 16 và 18. Các chuyên gia y tế cũng khuyến khích phụ nữ trẻ nên nên tiêm phòng.

Cuba bào chế thành công vắcxin phòng ung thư phổi

Cuba bào chế thành công vắcxin phòng ung thư phổi Cuba tuyên bố bào chế thành công vắcxin phòng ung thư phổi.

laodong.com.vn - Thứ ba 01/01/2013 12:49

Trung tâm Miễn dịch học phân tử Cuba (CIM) ngày 31.12 thông báo, đã bào chế thành công một loại vắcxin mới phòng ung thư phổi.
Theo nhà nghiên cứu Ana Maria Vazquez thuộc trung tâm này, vắcxin còn có tên gọi Racotumomab này đã được thử nghiệm lâm sàng trong suốt năm nay và minh chứng khả năng tăng cường tỉ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư, cũng như cho thấy khả năng an toàn và mức độ chịu được thuốc.
Vắcxin mới này giúp chống ung thư biểu mô phổi bằng việc thúc đẩy tiêu diệt các tế bào ung thư và hạn chế sự xuất hiện khối u.
Racotumomab là dòng vắcxin thứ hai mà CIM phát triển nhằm ngăn chặn bệnh ung thư phổi - sau dòng CIMAvax EGF đã được minh chứng hiệu quả trong việc điều trị bệnh nhân ung thư ở Cuba.
Ung thư phổi là dạng ung thư phổ biến thứ hai ở Cuba, với khoảng 5.000 ca ở giai đoạn tiền mắc căn bệnh này.
Nguồn: TTXVN

Phát hiện dòi ăn thịt sống dưới da người

Phát hiện dòi ăn thịt sống dưới da người Ấu trùng của ruồi trâu xâm nhập vào da người sống ký sinh thông qua vết thương do côn trùng đốt. (Ảnh: Health News)

laodong.com.vn - Thứ tư 16/01/2013 09:13


Cơn ác mộng đối với mọi du khách đã trở thành sự thực với một cặp đôi người Australia khi đi nghỉ dưỡng ở Nam Mỹ: Những con dòi ăn thịt bắt đầu làm tổ dưới da họ.
Báo New Zealand Herald đưa tin, Bryan Williams và Ally Vaag đang chu du vùng lòng chảo Amazon thì bị muỗi đốt. Tuy nhiên, vào thời gian họ đặt chân tới Bolivia, các vết muỗi cắn trên da họ bắt đầu phát triển thành mụn mủ rỉ nước, đòi hỏi phải có sự can thiệp y tế để loại bỏ những con dòi sống bên trong vết thương.
Những con dòi gây hại trên được xác định là ấu trùng của loài ruồi trâu Dermatobia hominis, sống chủ yếu Trung và Nam Mỹ- theo Viện Khoa học nông nghiệp và thực phẩm thuộc Đại học Florida (Mỹ). Bất chấp khả năng làm trầm trọng hóa vết thương, những sinh vật này dễ bị tiêu diệt hoặc loại bỏ.
Vòng đời của ruồi trâu Dermatobia hominis khá dị thường. Con cái bám vào một côn trùng hút máu, thường là muỗi hoặc rệp và đẻ trứng lên cơ thể của động vật trung gian này trước khi bỏ đi. Khi muỗi hoặc rệp cắn người hoặc động vật có vú, máu nóng khác, trứng của ruồi trâu sẽ phản ứng với sự thay đổi nhiệt độ và nở thành những ấu trùng tí hon (dòi), xâm nhập vào da của vật chủ thông qua vết thương do côn trùng cắn.
Mặc dù bọn dòi ăn mủ bên trong da, nhưng chúng vẫn cần phải thở thông qua những lỗ chân lông nhỏ trên bề mặt da. Chỗ chúng làm tổ dưới da sẽ sưng tấy, tiết ra mủ và dịch gây đau nhức.
Sau khoảng 8 tuần, các ấu trùng trưởng thành sẽ rời bỏ vết thương để xuống đất, nơi chúng phát triển thành ruồi trâu có cánh.
Cho đến nay, người ta chưa phát hiện ruồi trâu làm lây lan bất kỳ dạng nhiễm trùng nào. Trong thực tế, có thể dễ dàng loại bỏ sinh vật gây hại bằng nhiều cách, chẳng hạn như chỉ cần bôi kem dưỡng ẩm phủ kín vết thương để làm ngạt thở các con dòi, sau đó dùng nhíp gắp chúng ra.
Tiến sĩ Marc Shaw thuộc Trung tâm Tiêm chủng và Sức khỏe khách du lịch quốc tế của New Zealand cho biết, cách tốt nhất để ngăn chặn nhiễm trùng ruồi trâu là tránh bị muỗi đốt: Luôn mặc áo, quần dài tay; dùng thuốc diệt côn trùng để khiến lũ ruồi trâu phải tránh xa.
Theo VietnamNet

Phát hiện mới giúp người bị tiểu đường không cần tiêm insulin hằng ngày

Phát hiện mới giúp người bị tiểu đường không cần tiêm insulin hằng ngày

laodong.com.vn - Chủ nhật 13/01/2013 15:12


Nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Walter và Eliza Hall (WEHI), ở Melbourne (Australia) ngày 10.1 cho biết, đã phát hiện chính xác cách cơ thể con người xử lý insulin và điều này có thể giúp tìm ra các phương pháp điều trị tích cực và hiệu quả hơn cho những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường.
Kết quả nghiên cứu này hiện đã được công bố trên tạp chí Nature (Anh).
Các nhà khoa học Australia đã làm việc với các nhà nghiên cứu quốc tế đến từ Mỹ, Anh và Prague (Cộng hòa Czech). Họ đã phát hiện ra cách các phân tử insulin kết hợp với 1 protein trong các tế bào của cơ thể người- điều mà các nhà khoa học đã cố gắng giải quyết suốt hai thập kỷ qua.
Nhóm nghiên cứu đã vui mừng tiết lộ lần đầu tiên quan sát được 3 thứ nguyên của phân tử insulin kết hợp với cơ quan nhận cảm của nó.
Khi hiểu được cách thức insulin kết hợp với cơ quan thụ cảm, sẽ tạo ra cơ sở phát triển insulin mới để điều trị bệnh tiểu đường
Hiện có khoảng 1 triệu người Australia bị bệnh tiểu đường, trong đó có tới khoảng 100.000 trường hợp mới/năm.
Phát hiện mới có thể giúp hàng trăm ngàn người Australia bị bệnh tiểu đường không cần tiêm insulin hằng ngày, vì có thể một liệu pháp insulin mới sắp ra đời.
Theo Vietnam+

Aspirin giúp người ung thư ruột kết sống lâu hơn?

Aspirin giúp người ung thư ruột kết sống lâu hơn?

(LĐ) - Số 3 - Thứ sáu 04/01/2013 07:06


Những người lớn tuổi bị bệnh ung thư ruột kết mỗi ngày uống một liều nhỏ aspirin sẽ sống lâu hơn những người không uống aspirin.
Đó là kết quả nghiên cứu của Trung tâm Y tế Đại học Leiden ở Hà Lan vừa được công bố trên Tạp chí American Geriatrics Society, sau khi theo dõi hơn 500 người bệnh trên 70 tuổi ở Hà Lan.

Trong khoảng thời gian từ năm 1997 – 2007, số người có  sử dụng aspirin bị chết chỉ bằng một nửa số người không dùng. Hiệu quả này còn cao hơn với những người không dùng phương pháp hóa trị trong việc chống lại bệnh ung thư. Hiện ngành y tế đang ủng hộ việc dùng một liều thấp aspirin để ngăn ngừa bệnh tim, nhưng không nói gì đến tác dụng của nó với bệnh ung thư. Nhưng  một nghiên cứu công bố trên New England Journal of Medicine cũng cho rằng aspirin có thể kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân ung thư đại tràng có khối u do đột biến di truyền đặc biệt.

Dù vậy, TS Gerit Jan Liefers - người tham gia nghiên cứu - cho rằng, đây chỉ là kết quả dựa trên quan sát thực tế, mặc dù “chúng tôi khá chắc chắn là aspirin có gây hiệu ứng với người bệnh”, nhưng  theo cơ chế nào và tác dụng cụ thể đến đâu thì cần có những nghiên cứu sâu hơn trên lâm sàng người bệnh. Bởi cũng rất có thể, aspirin với tác dụng ngăn ngừa bệnh tim như đã được áp dụng – cũng là một nguyên nhân góp phần làm cho người bệnh sống lâu hơn. Mặt khác, một mình nó (aspirin) không thể giải thích được sự khác biệt lớn trong tỉ lệ tử vong.

Trong khi đó, Boris Pasche - GĐ bộ phận huyết học và ung thư tại ĐH Alabama ở Birmingham - cho biết: Nghiên cứu này là một gợi ý cho việc người bệnh ung thư ruột kết dùng aspirin hằng ngày để kéo dài sự sống, tất nhiên là với sự xem xét của bác sĩ điều trị. Bởi, dù được coi là một loại thuốc khá lành tính, nhưng aspirin cũng gây những tác dụng phụ ở một số trường hợp như chảy máu ở đường tiêu hóa hay não.
Theo Reuters

Thông tư 30 của Bộ Y tế về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn chưa đi vào cuộc sống

Thông tư 30 của Bộ Y tế liệu có khả thi?

Người dân chọn thức ăn hè phố vì... tiện lợi (Ảnh: KT)
(VOV) -Không phải những người kinh doanh đường phố, vỉa hè nào cũng thực hiện được những điều kiện như trong Thông tư.

Ngày 20/1, Thông tư 30 của Bộ Y tế quy định điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố sẽ có hiệu lực. Đây được coi là hành lang pháp lý cơ bản để quản lý hiệu quả hơn các cơ sở kinh doanh ăn uống đường phố, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhiều người đang băn khoăn về tính khả thi của Thông tư khi đi vào cuộc sống.
Hiện nay thành phố Hà Nội có khoảng 47.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó loại hình dịch vụ ăn uống đường phố chiếm tới hơn 26.000 cơ sở. Ăn uống ở các quán ăn vỉa hè được nhiều người lựa chọn vì sự tiện lợi và giá cả phù hợp với nhu cầu của đại đa số người tiêu dùng.
Chính vì thế, các quán ăn vỉa hè mọc lên ngày càng nhiều, tuy nhiên vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm thì lại chưa đảm bảo khiến số người bị ngộ độc thức ăn ngày càng gia tăng. Do vậy, Thông tư 30 của Bộ Y tế ra đời nhận được sự đồng thuận rất cao từ phía người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Khánh Đức, ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, công nhân xây dựng, cho biết: “Chúng tôi là những người dân lao động. Khi được tham khảo Thông tư 30 của Bộ Y tế, chúng tôi rất đồng tình vì qua đó, mọi điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mọi hàng quán ăn vỉa hè sẽ được đảm bảo tốt hơn cho những người tiêu dùng như chúng tôi. Nhưng nếu muốn Thông tư có hiệu quả thì Bộ Y tế cần tuyên truyền rộng rãi để những người kinh doanh hàng ăn đường phố hiểu rõ và phải có thời gian để họ thay đổi và làm theo”.   
Đối với những người kinh doanh đường phố, vỉa hè, Thông tư 30 ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của họ, vì không phải hộ dân nào cũng thực hiện được những điều kiện trong Thông tư. Chẳng hạn như: quy định kinh doanh thức ăn đường phố phải có khoang chứa đựng, bảo quản thức ăn, đồ uống đảm bảo vệ sinh; phải chống được bụi bẩn, mưa, nắng, ruồi nhặng và côn trùng gây hại; có đủ trang thiết bị, dụng cụ để chế biến, bảo quản, bày bán riêng biệt thực phẩm sống và thức ăn chín; hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ thực phẩm…
Không chỉ người dân mà ngay cả lực lượng thực thi Thông tư 30 là chính quyền các phường, xã hiện cũng đang thấy khó khăn và bất cập khi triển khai. Ông Phạm Chi Linh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm cho biết, đến thời điểm này, các lực lượng chức năng của phường chưa được tập huấn hay phổ biến về nội dung thanh tra, kiểm tra theo Thông tư 30, cũng chưa biết các chế tài xử phạt đối với các cơ sở vi phạm sẽ như thế nào. Theo ông, chỉ còn ít ngày nữa Thông tư 30 có hiệu lực, việc triển khai sẽ rất khó khăn.
Những quy định trong Thông tư 30 của Bộ Y tế là cụ thể hóa những nội dung quy định tại Luật An toàn thực phẩm. Đây là những quy định cần thiết để quản lý hiệu quả hơn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, việc thực thi cần phải có lộ trình cụ thể theo từng giai đoạn; phải có biện pháp quản lý thực phẩm ngay từ khâu sản xuất và nhập khẩu hàng hoá./.
 _____



BỘ Y TẾ

Số:   30  /2012/TT - BYT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày  05  tháng  12  năm 2012
THÔNG TƯ
Quy định về điều kiện an toàn thực phẩm

đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố

Căn cứ Luật an toàn thực phẩm năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật an toàn thực phẩm;
Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 08 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục An toàn  thực phẩm;
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố.

Chương I
 QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này quy định điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố (sau đây gọi tắt là cơ sở).
2. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này các thuật ngữ được hiểu như sau:
1. Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống là cơ sở tổ chức chế biến, cung cấp thức ăn, đồ uống để ăn ngay có địa điểm cố định bao gồm cơ sở chế biến suất ăn sẵn; căng tin kinh doanh ăn uống; bếp ăn tập thể; bếp ăn, nhà hàng ăn uống của khách sạn, khu nghỉ dưỡng; nhà hàng ăn uống; cửa hàng ăn uống; cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín.
2. Kinh doanh thức ăn đường phố là loại hình kinh doanh thực phẩm, thức ăn, đồ uống để ăn ngay, uống ngay được bán rong trên đường phố hay bày bán tại những địa điểm công cộng (bến xe, bến tầu, nhà ga, khu du lịch, khu lễ hội) hoặc ở những nơi tương tự.

Chương II
 ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM
ĐỐI VỚI CƠ SỞ KINH DOANH DỊCH VỤ ĂN UỐNG

Điều 3. Đối với cơ sở chế biến suất ăn sẵn
1. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ và người trực tiếp chế biến suất ăn sẵn tuân thủ theo các yêu cầu quy định tại Điều 1, 2, 3 và Điều 4 Thông tư số 15/2012/TT-BYT ngày 12 tháng 09 năm 2012 của Bộ Y tế quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
2. Số lượng suất ăn của cơ sở chế biến suất ăn sẵn trong thực tế phải phù hợp với công năng thiết kế dây chuyền chế biến suất ăn sẵn của cơ sở.
3. Nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thực phẩm bao gói sẵn phải có hợp đồng về nguồn cung cấp theo quy định và còn hạn sử dụng; phụ gia thực phẩm trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng do Bộ Y tế ban hành.
4. Nước đá sử dụng trong ăn uống phải được sản xuất từ nguồn nước phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về chất lượng nước ăn uống số 01:2009/BYT.
5. Có đầy đủ sổ sách ghi chép việc thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước theo hướng dẫn của Bộ Y tế; có đủ dụng cụ lưu mẫu thức ăn, tủ bảo quản mẫu thức ăn lưu và bảo đảm chế độ lưu mẫu thực phẩm tại cơ sở ít nhất là 24 giờ kể từ khi suất ăn sẵn được chế biến xong.
6. Bảo đảm an toàn thực phẩm trong vận chuyển suất ăn sẵn, thực phẩm ăn ngay:
          a) Thiết bị chứa đựng suất ăn sẵn, thực phẩm ăn ngay phải ngăn cách với môi trường xung quanh, tránh sự xâm nhập của bụi, côn trùng và phù hợp với kích thước thực phẩm được vận chuyển;
          b) Thiết bị vận chuyển chuyên dụng, dụng cụ, bao bì chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với suất ăn sẵn, thực phẩm ăn ngay phải được chế tạo bằng vật liệu không làm ô nhiễm thực phẩm và dễ làm sạch; phải bảo đảm vệ sinh sạch sẽ trước, trong và sau khi vận chuyển suất ăn sẵn, thực phẩm ăn ngay;
c) Đủ thiết bị kiểm soát được nhiệt độ, độ ẩm, thông gió và các yếu tố ảnh hưởng tới an toàn thực phẩm theo yêu cầu kỹ thuật để bảo quản đối với suất ăn sẵn, thực phẩm ăn ngay trong suốt quá trình vận chuyển;
d) Phải có nội quy quy định về chế độ bảo đảm an toàn thực phẩm trong vận chuyển suất ăn sẵn, thực phẩm ăn ngay; duy trì và kiểm soát chế độ bảo quản theo yêu cầu trong suốt quá trình vận chuyển;
đ) Trang thiết bị, dụng cụ vận chuyển suất ăn sẵn, thực phẩm ăn ngay không được chứa cùng với hàng hoá độc hại hoặc gây nhiễm chéo ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn thực phẩm.
e) Thời gian bảo quản, vận chuyển suất ăn sẵn, thực phẩm ăn ngay từ khi chế biến xong đến khi ăn không quá 4 giờ (nếu thực phẩm không thể bảo quản nóng, lạnh hay đông lạnh); thời gian từ khi vận chuyển suất ăn sẵn đến khi ăn trong trường hợp không có trang thiết bị bảo quản chuyên dụng (ủ nóng, tủ đông lạnh) không quá 2 giờ. Nếu quá thời gian trên phải có biện pháp gia nhiệt, thanh trùng bảo đảm an toàn thực phẩm trước khi sử dụng để ăn uống.

Điều 4. Đối với căng tin kinh doanh ăn uống; bếp ăn tập thể; bếp ăn, nhà hàng ăn uống của khách sạn, khu nghỉ dưỡng; nhà hàng ăn uống
1. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ và người trực tiếp chế biến, phục vụ ăn uống tại căng tin kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng ăn uống tuân thủ theo các yêu cầu quy định tại Điều 1, 2, 3 và Điều 4 Thông tư số 15/2012/TT-BYT ngày 12 tháng 09 năm 2012 của Bộ Y tế quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
2. Thiết kế có khu sơ chế nguyên liệu thực phẩm, khu chế biến nấu nướng, khu bảo quản thức ăn; khu ăn uống; kho nguyên liệu thực phẩm, kho lưu trữ bảo quản thực phẩm bao gói sẵn riêng biệt; khu vực rửa tay và nhà vệ sinh cách biệt. Đối với bếp ăn tập thể sử dụng dịch vụ cung cấp suất ăn sẵn chuyển đến phải bố trí khu vực riêng và phù hợp với số lượng suất ăn phục vụ để bảo đảm an toàn thực phẩm.
3. Nơi chế biến thức ăn phải được thiết kế theo nguyên tắc một chiều; có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống và thực phẩm đã qua chế biến; có đủ dụng cụ chia, gắp, chứa đựng thức ăn, dụng cụ ăn uống bảo đảm sạch sẽ, thực hiện chế độ vệ sinh hàng ngày; trang bị găng tay sạch sử dụng một lần khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn; có đủ trang thiết bị phòng chống ruồi, dán, côn trùng và động vật gây bệnh.
4. Khu vực ăn uống phải thoáng mát, có đủ bàn ghế và thường xuyên phải bảo đảm sạch sẽ; có đủ trang thiết bị phòng chống ruồi, dán, côn trùng và động vật gây bệnh; phải có bồn rửa tay, số lượng ít nhất phải có 01 (một) bồn rửa tay cho 50 người ăn; phải có nhà vệ sinh, số lượng ít nhất phải có 01 (một) nhà vệ sinh cho 25 người ăn.
5. Khu trưng bày, bảo quản thức ăn ngay, thực phẩm chín phải bảo đảm vệ sinh; thức ăn ngay, thực phẩm chín phải bày trên bàn hoặc giá cao cách mặt đất ít nhất 60cm; có đủ trang bị và các vật dụng khác để phòng, chống bụi bẩn, ruồi, dán và côn trùng gây bệnh; có đủ dụng cụ bảo đảm vệ sinh để kẹp, gắp, xúc thức ăn.
6. Nước đá sử dụng trong ăn uống phải được sản xuất từ nguồn nước phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về chất lượng nước ăn uống số 01:2009/BYT.
7. Có đủ sổ sách ghi chép thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước theo hướng dẫn của Bộ Y tế; có đủ dụng cụ lưu mẫu thức ăn, tủ bảo quản mẫu thức ăn lưu và bảo đảm chế độ lưu mẫu thực phẩm tại cơ sở ít nhất là 24 giờ kể từ khi thức ăn được chế biến xong.
8. Có đủ dụng cụ chứa đựng chất thải, rác thải và bảo đảm phải kín, có nắp đậy; chất thải, rác thải phải được thu dọn, xử lý hàng ngày theo quy định; nước thải được thu gom trong hệ thống kín, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường.

Điều 5. Đối với cửa hàng ăn uống
1. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ và người trực tiếp chế biến, phục vụ ăn uống tại cửa hàng ăn uống tuân thủ theo các yêu cầu quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 6 và 12  Điều 5, khoản 1, 2 và 3 Điều 6, khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 7, khoản 1, 2, 4, 5, 7 và 8 Điều 4 Thông tư số 15/2012/TT-BYT ngày 12 tháng 09 năm 2012 của Bộ Y tế quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
2. Cơ sở được thiết kế có nơi chế biến thức ăn, nơi bày bán hàng, nơi rửa tay cho khách hàng; nơi chế biến thức ăn, đồ uống; nơi ăn uống sạch sẽ, cách biệt nguồn ô nhiễm; khu vực trưng bày thức ăn phải cách biệt giữa thực phẩm sống và thức ăn chín.
3. Có đủ dụng cụ chế biến, chia, chứa đựng thức ăn và dụng cụ ăn uống bảo đảm vệ sinh; trang bị găng tay sạch sử dụng một lần khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn; vật liệu, bao gói thức ăn phải bảo đảm an toàn thực phẩm.
4. Nước dùng để nấu nướng thức ăn phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) số 01:2009/BYT; nước sử dụng để sơ chế nguyên liệu thực phẩm, vệ sinh dụng cụ, cho khách hàng rửa tay phải có đủ số lượng và phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) số 02:2009/BYT và phải được định kỳ kiểm nghiệm ít nhất 1 lần/năm theo quy định; nước đá để pha chế đồ uống phải được sản xuất từ nguồn nước phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) số 01:2009/BYT.
5. Nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thực phẩm bao gói sẵn phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; phụ gia thực phẩm trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng do Bộ Y tế ban hành.
6. Thức ăn ngay, thực phẩm chín phải được trưng bày trên bàn hoặc giá cao cách mặt đất ít nhất 60cm; để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản, che đậy hợp vệ sinh, chống được ruồi, nhặng, bụi bẩn, mưa, nắng và côn trùng, động vật gây hại.
7. Cơ sở có đủ dụng cụ chứa đựng chất thải, rác thải; dụng cụ chứa đựng chất thải, rác thải phải kín, có nắp đậy và được chuyển đi trong ngày; nước thải được thu gom trong hệ thống không gây ô nhiễm môi trường.

Điều 6. Đối với cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín
1. Cơ sở bố trí ở địa điểm cách xa các nguồn ô nhiễm.
2. Nơi chế biến, nơi bán thức ăn ngay, thực phẩm chín phải sạch sẽ, thoáng mát, tách biệt nhau để dễ vệ sinh và không gây ô nhiễm cho môi trường xung quanh.
3. Nước sử dụng để chế biến thức ăn ngay, thực phẩm chín phải đủ và phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) số 01:2009/BYT; nước để sơ chế nguyên liệu, vệ sinh dụng cụ, rửa tay phải đủ và phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) số 02:2009/BYT; nước đá sử dụng trong pha chế đồ uống phải được sản xuất từ nguồn nước phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) số 01:2009/BYT.
4. Có đủ dụng cụ chế biến, chia, gắp, chứa đựng, bảo quản thức ăn ngay, thực phẩm chín và phải được rửa sạch, lau khô trước khi sử dụng; trang bị găng tay sử dụng một lần khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn ngay, thực phẩm chín; vật liệu, bao gói thức ăn ngay, thực phẩm chín phải bảo đảm an toàn thực phẩm.
5. Nguyên liệu dùng để chế biến, thức ăn ngay, thực phẩm chín phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, bảo đảm an toàn theo quy định; chỉ sử dụng phụ gia thực phẩm trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng do Bộ Y tế ban hành.
6. Thức ăn ngay, thực phẩm chín phải được để trong tủ kính, thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, chống được ruồi nhặng, bụi bẩn, côn trùng, động vật gây hại và phải cao hơn mặt đất ít nhất 60cm.
7. Đối với chủ cơ sở, người trực tiếp kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín tuân thủ theo các yêu cầu quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 7 Thông tư số 15/2012/TT-BYT ngày 12 tháng 09 năm 2012 của Bộ Y tế quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
8. Cơ sở phải có đủ dụng cụ chứa đựng rác thải và được chuyển đi trong ngày; nước thải được thu gom vào hệ thống cống rãnh công cộng và không được gây ô nhiễm môi trường.

Chương III
 ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM
ĐỐI VỚI KINH DOANH THỨC ĂN ĐƯỜNG PHỐ

Điều 7. Địa điểm, trang thiết bị, dụng cụ
1. Bố trí kinh doanh ở khu vực công cộng (bến xe, bến tầu, nhà ga, khu du lịch, khu lễ hội, khu triển lãm), hè đường phố; nơi bày bán thực phẩm cách biệt các nguồn ô nhiễm; bảo đảm sạch sẽ, không làm ô nhiễm môi trường xung quanh.
2. Trường hợp kinh doanh trên các phương tiện để bán rong phải thiết kế khoang chứa đựng, bảo quản thức ăn ngay, đồ uống bảo đảm vệ sinh, phải chống được bụi bẩn, mưa, nắng, ruồi nhặng và côn trùng gây hại.
3. Nư­ớc để chế biến đơn giản đối với thức ăn ngay, pha chế đồ uống phải đủ số lượng và phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) số 01:2009/BYT; nước để sơ chế nguyên liệu, vệ sinh dụng cụ, rửa tay phải đủ và phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) số 02:2009/BYT; có đủ nước đá để pha chế đồ uống được sản xuất từ nguồn nước phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) số 01:2009/BYT.
4. Có đủ trang thiết bị, dụng cụ để chế biến, bảo quản, bày bán riêng biệt thực phẩm sống và thức ăn ngay; có đủ dụng cụ ăn uống, bao gói chứa đựng thức ăn bảo đảm vệ sinh; có đủ trang bị che đậy, bảo quản thức ăn trong quá trình vận chuyển, kinh doanh và bảo đảm luôn sạch sẽ; bàn ghế, giá tủ để bày bán thức ăn, đồ uống phải cách mặt đất ít nhất 60 cm.
5. Thức ăn ngay, đồ uống phải để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh và phải chống được bụi bẩn, mưa, nắng, ruồi nhặng và côn trùng xâm nhập.
6. Người bán hàng phải mang trang phục sạch sẽ và gọn gàng; khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, đồ uống ăn ngay phải dùng găng tay sử dụng 1 lần.
7. Nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thực phẩm bao gói, chế biến sẵn bảo đảm có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định.
8. Trang bị đầy đủ, sử dụng thường xuyên thùng rác có nắp, túi đựng để thu gom, chứa đựng rác thải và phải chuyển đến địa điểm thu gom rác thải công cộng trong ngày; nước thải phải được thu gom và bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường nơi kinh doanh.

Điều 8. Đối với người kinh doanh thức ăn đường phố
1. Ng­ười kinh doanh thức ăn đường phố phải tập huấn và được cấp Giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định.
2. Người kinh doanh thức ăn đường phố phải được khám sức khoẻ và cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện sức khoẻ theo quy định. Việc khám sức khoẻ và cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện sức khoẻ do các cơ quan y tế từ cấp quận, huyện và tương đương trở lên thực hiện.
3. Người đang mắc các bệnh hoặc chứng bệnh thuộc danh mục các bệnh hoặc chứng bệnh truyền nhiễm mà người lao động không được phép tiếp xúc trực tiếp trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm đã được Bộ Y tế quy định thì không được tham gia kinh doanh thức ăn đường phố.

Chương IV
KIỂM TRA CƠ SỞ KINH DOANH DỊCH VỤ ĂN UỐNG
VÀ KINH DOANH THỨC ĂN ĐƯỜNG PHỐ

Điều 9. Kiểm tra định kỳ
Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn quản lý. Tần xuất kiểm tra:
1. Không quá 02 (hai) lần/năm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do đơn vị chức năng được Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương ủy quyền cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
2. Không quá 03 (ba) lần/năm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do đơn vị chức năng được Ủy ban nhân dân huyện/quận ủy quyền cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
3. Không quá 04 (bốn) lần/năm đối với đối tượng kinh doanh thức ăn đường phố do Uỷ ban nhân dân cấp xã/phường quản lý hoặc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. 
Điều 10. Kiểm tra đột xuất
Cơ quan nhà nước tiến hành kiểm tra đột xuất nếu xảy ra vi phạm về an toàn thực phẩm, sự cố an toàn thực phẩm liên quan, các đợt kiểm tra cao điểm theo chỉ đạo của cơ quan cấp trên.

Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
           
Điều 11. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 01 năm 2013.
2. Bãi bỏ Quyết định số 41/2005/QĐ-BYT ngày 8 tháng 12 năm 2005 của Bộ Trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Quy định điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh, dịch vụ, phục vụ ăn uống kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

Điều 12. Tổ chức thực hiện 
1. Cục An toàn thực phẩm có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Thông tư này trong phạm vi cả nước.
2. Sở Y tế, Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Thông tư này và phân cấp quản lý đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố cho các cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn theo Khoản 3, Điều 23 Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật an toàn thực phẩm.

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (Công báo, Vụ KGVX, Cổng TTĐTCP);
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra VBQPPL);
- Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT;
- Bộ trưởng Bộ Y tế (để b/cáo);
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cổng TTĐT BYT;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ;
- Lưu: VT, PC, ATTP.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG






Nguyễn Thanh Long