Gia tăng bệnh nhân nhiễm khuẩn liên cầu lợn

Gia tăng bệnh nhân nhiễm khuẩn liên cầu lợn Những bệnh nhân nhiễm khuẩn liên cầu lợn thường có biểu hiện đặc trưng là hoại tử chi, ảnh hưởng thính lực.

(LĐ) - Số 38 - Thứ sáu 22/02/2013 07:03
 
Nguy cơ nhiễm khuẩn liên cầu lợn từ việc ăn tiết canh và giết mổ gia súc không an toàn đã được cảnh báo rất nhiều lần; nhưng trong dịp Tết Quý Tỵ, bệnh nhân nhiễm khuẩn do liên cầu lợn lại liên tiếp nhập viện. Có trường hợp đã tử vong.
16 người liên tiếp nhập bệnh viện

Chị Nguyễn Thị Hạnh (46 tuổi, ở Tản Lĩnh, Ba Vì, Hà Nội) đã 30 năm bán thịt lợn, thỉnh thoảng chị cũng ăn tiết canh. Đang dở dang chuyến hàng cuối năm, từ chiều 30 tết chị đã bị sốt cao liên tục, đau đầu, buồn nôn và được BV huyện chẩn đoán viêm màng não mủ. Khi được chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới TƯ, chị bắt đầu có biểu hiện lơ mơ, mất bình tĩnh. Đến nay, sau 1 tuần điều trị, sức khỏe chị Hạnh đã tốt hơn, tinh thần tỉnh táo nhưng vẫn đau đầu, chưa đi lại được, ăn uống phải có người phục vụ. Không có các nốt hoại tử ở tứ chi như thông thường, nhưng chị Hạnh cũng không tránh được tai bị nghễnh ngãng. Theo các BS, liên cầu lợn ngoài việc làm tắc mạch máu gây hoại tử chi, tấn công lên não gây viêm màng não mủ, còn gây tổn thương tiền đình ốc tai, khiến bệnh nhân có thể bị ù tai, nghễnh ngãng, thậm chí điếc.

Chị Hạnh là trường hợp bệnh nhân nữ duy nhất bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn trong số 16 trường hợp nhập viện trong vòng gần 2 tháng từ đầu năm đến nay tại BV Bệnh nhiệt đới TƯ. Theo ThS Nguyễn Hồng Hà - PGĐ BV: Vài năm gần đây, mỗi năm BV tiếp nhận khoảng 100 – 120 trường hợp nhiễm khuẩn liên cầu lợn. Cứ 9 bệnh nhân nam bị bệnh thì mới chỉ có 1 bệnh nhân nữ. Phần lớn các ca bệnh đều liên quan đến ăn tiết canh hoặc làm công việc tiếp xúc với thịt lợn như giết mổ, pha chế, mua bán thịt.

Miếng ăn, miếng bệnh!

Những dịp cuối năm với những cuộc liên hoan tổng kết, nhu cầu thực phẩm tăng cao, vì thế việc giết mổ gia súc cũng nhiều hơn. Kèm theo đó, người ta ăn tiết canh cũng nhiều hơn. Và bệnh nhân bị liên cầu lợn cũng tăng đột biến trong dịp này. Những lò mổ thủ công vẫn là phổ biến, người tham gia mổ thường không mang các trang thiết bị bảo hộ nên nguy cơ lây nhiễm liên cầu từ lợn sang người là rất cao.

BS Hà cho biết: Từ 5 – 7 năm gần đây, bệnh nhân nhiễm khuẩn liên cầu lợn vẫn xuất hiện rải rác các tháng trong năm. Bệnh không xảy ra thành dịch lớn, nhưng ở tỉnh nào cũng ghi nhận các bệnh nhân. Việc lây nhiễm bệnh qua giết mổ không an toàn, qua ăn tiết canh đã có bằng chứng và được cảnh báo nhiều lần. Nhưng rồi, thói quen ăn tiết canh vẫn tồn tại, cũng như việc giết mổ không an toàn vẫn diễn ra khắp nơi và sự phát tán của khuẩn liên cầu lợn dường như ngày càng rộng hơn. Có những bệnh nhân bị liên cầu lợn mà không có nguy cơ nào rõ ràng, không giết mổ lợn, không ăn tiết canh, điển hình là một bà cụ 90 tuổi năm 2012 đã được chữa khỏi bệnh.

Trong 16 ca ghi nhận gần đây, có 4 ca đã bị sốc nhiễm khuẩn, và 2 trường hợp quá nặng đã tử vong. Theo BS Hà, những trường hợp đến được các BV để điều trị chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ, bởi không phải tỉnh nào cũng đã có thể làm các xét nghiệm sinh học phân tử để tìm ra khuẩn liên cầu lợn trong bệnh phẩm. Ngay cả việc chẩn đoán ở y tế địa phương, nếu BS có kinh nghiệm từng gặp bệnh nhân như vậy thì mới kịp thời phát hiện bệnh, điều trị kháng sinh tiêm sớm. Trong khi đó, đặc trưng của bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn là tình trạng nhiễm độc và nhiễm trùng huyết diễn biến rất nhanh. Chỉ sau nửa ngày hoặc một vài ngày tiếp xúc với nguy cơ, bệnh nhân đã có những tiến triển bệnh- từ là sốt rất cao, nôn mửa, đau bụng chuyển sang xuất huyết ban trên da, mặt và lan dần ra cơ thể, tắc mạch máu gây hoại tử các chi, mê sảng vật vã, tiểu ít, suy thận.

Đăng nhận xét