Nước mắm Chinsu, mì Tiến Vua và sự thật cà phê thật

Cập nhật lúc 11:38, 22/03/2013

(ĐVO) - "Tuyên xưng cà phê thật là chiêu cũ dùng lại của Masan. Một điều dễ nhẫn thấy là cách làm này cũng giống với cách Masan đã làm với nước mắm Chinsu, Nam Ngư, mì Tiến Vua"  Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc một hãng cà phê hàng đầu Việt Nam khẳng định với báo Đất Việt.

Chứng minh cà phê thật, chiêu cũ dọa người tiêu dùng

Liên tiếp tung ra quảng cáo và giao lưu trực tuyến khẳng định "Vinacafe mới đúng là café thật", tuy nhiên sự thật thông điệp của Vinacafe Biên Hòa (Công ty do tập đoàn Masan mới nắm phần lớn cổ phần) đã được các nhà quản lý và khoa học chỉ rõ.

Không những thế, những doanh nghiệp cà phê lớn ở Việt Nam cảm thấy buồn vì cách làm không lành mạnh này.

Nhận xét về cách làm này Tổng Giám đốc một hãng cà phê hàng đầu Việt Nam cho biết: "Đó là chiêu cũ dùng lại của Masan. Một điều dễ nhẫn thấy là cách làm này cũng giống với cách Masan đã làm với nước mắm Chinsu, Nam Ngư, mì Tiến Vua.

Vẫn là bài học cũ Masan lại ra sức chứng minh cà phê của mình mới là thật bằng khẩu ngữ "Vinacafe mới đúng là cà phê thật", cũng giống như Masan đã từng cố gắng chứng minh nước mắm Chinsu sạch, không có vi khuẩn gây hại, không phụ gia độc hại... hay cũng với mì Tiến Vua vì sức khỏe người tiêu dùng, không chất bảo quản E102...

Với nước mắm, bằng hình thức quản cáo nước mắm sạch, không có vi khuẩn gây hại Masan đã thành công khi giết chết ngành nước mắm thủ công của bà con nước nhà.

Masan giới thiệu là nước mắm sạch, không có vi khuẩn, người thông minh sẽ hiểu đó là điều vô lý. Trong suốt cả truyền thống ngàn đời, việc sản xuất nước mắm ở ta làm sao có chuyện đó. Chỉ có Masan pha hóa chất vào thì mới có khuẩn chứ.

Cũng vì chiêu quảng cáo lập lờ đánh tráo khái niệm rồi để cuối cùng nước mắm nguyên chất đã bị thay thế bằng một sản phẩm nước chấm pha chế, với những chất phụ gia.
 

Thí nghiệm Vinacafe chứng minh cà phê thật
Thí nghiệm Vinacafe Biên Hòa chứng minh cà phê thật nói dối người tiêu dùng vì không có cơ sở khoa học.


Đến mì Tiến Vua Masan quảng cáo là không không có chất E102, chất Transfat  nhưng kết quả kiệm định đã chứng minh ngược lại. Và giờ là đến Vinacafe làm thí nghiệm chứng minh cà phê thật.

Masan lấy tiêu chuẩn phương Tây để đưa ra quy chuẩn cho Việt Nam là hoàn toàn không hợp lý. Vì định nghĩa cà phê với phương Tây vô cùng đơn giản, chính vì cái đơn giản đó mà Vinacafe trong quá khứ không thể chinh phục được người tiêu dùng nào. Và giờ là đến lượt lôi trò cũ ra xài. Mượn cái tâm lý lo sợ của người tiêu dùng về hóa chất, chất phụ gia mà càn quét, đánh lận con đen, thực ra có thể nhận thấy đó là chiêu bài rất quen mà Masan vẫn làm.

Đừng có đánh tráo khái niệm chỉ vì lợi ích riêng, điều đó là rất nguy hiểm. Việc Vinacafe đưa ra thí nghiệm chứng minh café thật café giả, cái đó cũng phải xem lại. Thế nào là thật, thế nào là giả. Không có một cơ sở khoa học nào cả, thí nghiệm đó là hết sức vớ vẩn".

Long Khánh trồng cao su, Chư Sê là vùng hồ tiêu, sao lại nói cà phê ở đây ngon nhất?

"Hàm lượng caffeine trong hạt cà phê robusta của VN khoảng 2 – 4%/1kg, trong khi ở cà phê arabica chỉ khoảng 1,5%/1kg. Một ly cà phê tan phải có 20-25g mới được một ly. Riêng phương Tây uống kiểu espresso chỉ cần 5-7g đã được một ly.

Điều đó, chứng minh một điều Vinacafe Biên Hòa cố gắng chứng minh café thật 100% như vậy đồng nghĩa với việc hàm lượng cà phê quá cao với cơ thể người Việt. Cộng thêm hàm lượng, số lượng nhiều hơn quy định thì sẽ dẫn đến điều gì?

Café Việt Nam pha chế đơn giản nhưng pha trộn để cho ra nguyên liệu thì vô cùng phức tạp theo đủ nghĩa của nó. Đó là cả một công trình khoa học, nhằm dung hòa tổng lượng cà phê để tạo ra một ly cà thứ thiệt.

Thí nghiệm chứng minh cà phê thật của Vinacafe Biên Hòa, thật là thật cái gì? Phải chăng Vinacafe Biên Hòa đang suy luận theo kiểu sử dụng những chất khác để trung hòa hàm lượng và số lượng café là giả? Nếu đúng như vậy thì đúng là nói bậy bạ, vô căn cứ không biết gì về cà phê.

Hay Vinacafe Biên Hòa đưa ra thí nghiệm là để ám chỉ sản phẩm của mình là tốt, còn sản phẩm cà phê khác trên thị trường đều là hàng rởm, hàng không tốt. Lựa chọn những hạt tốt nhất ở Long Khánh, Chư Sê, Đồng Đồ  không phải là những vùng có cà phê ngon nhất.

Tại Buôn Mê Thuột không phải cà phê khu vực nào cũng ngon. Chư Đồng, Chư Sê chỉ có hạt tiêu là tốt, Long Khánh có cao su, nếu nói là được tuyển chọn từ những hạt cà phê ngon nhất việt Nam là không hiểu gì, không biết gì về cà phê

Khẳng định cà phê của mình là thật, phải chăng Vincafe Biên Hòa đang ám chỉ cà phê Việt Nam tất cả không ra gì, dẹp hết nên thay thế bằng mấy loại đồ uống của nước ngoài cho chắc. Làm như vậy là vô trách nhiệm, thiếu hiểu biết, tạo điều kiện cho các sản phẩm của phương Tây thâm nhập, chiếm lĩnh và thay thế sản phảm trong nước.

Một sản phẩm tốt phải là nguyên liệu tốt. Nhưng có thể thấy nguyên liệu của Vinacafe là nguyên liệu tồi nhất chưa không phải tốt nhất. Nếu nguyên liệu tốt mà vào đầu bếp tồi thì sản phẩm cũng thành tồi.

Nhưng nếu nguyên liệu đã tồi lại vào tay đầu bếp tồi nữa thì rõ ràng sản phẩm của anh không được đón nhận, không bán được hàng. Chỉ vì không bán được hàng mà đi rêu rao, chứng minh mình là thật, là thiên nhiên, là 100% café thì chỉ là chiêu tào lao, lừa người tiêu dùng".

Dìm hàng đối thủ, không phải văn hóa doanh nghiệp lớn

"Những doanh nghiệp lớn thì hãy tạo ra những giá trị chuyên ngành, tạo ra những giá trị cạnh tranh giữa quốc gia mình với thế giới.

Còn nếu muốn thiết lập một chuẩn mực nào đó thì cũng cần phải đàng hoàng, bài bản và thể hiện trách nhiệm của mình. Nếu chỉ vì lợi ích cá nhân, vì mục đích dìm hàng đối thủ để nâng tầm của mình thì đó không phải là văn hóa ứng xử của những doanh nghiệp lớn.

Không có đạo đức tối thiểu của một nhà kinh doanh đàng hoàng. Làm như vậy không khác nào chà đạp lên chính mình.

Thí nghiệm chứng minh café thật - giả là rất vớ vẩn, không có cơ sở khoa học, vậy mà không hiểu sao các cơ quan chức năng vẫn để những chuyện như vậy xảy ra.

Nhiều lần, áp dụng với nhiều sản phẩm nhưng vẫn bằng một chiêu cũ, quen thuộc là luôn đưa ra những thí nghiệm không có cơ sở khoa học, thậm chí còn không đúng với sự thật quảng cáo, động cơ của Masan là gì? Làm cái gì. Vì cái gì? Vì ai? Muốn gì thông qua những thí nghiệm này?".

60 triệu USD

Bắt đầu chiến dịch chứng minh cà phê của mình là thật, Vinacafe Biên Hòa tung ra những clip quảng cáo mở đầu với lời tựa "Thế nào là cà phê thật. Tuyển chọn từng trái, chỉ làm từ cà phê của 8 vùng đặc sản Buôn Ma Thuột, Cầu Đất, Đăk Hà, Đăk Mil, Khe Sanh, Chiềng Ban, Long Khánh, Chư Sê thật ngon của Việt Nam, hoàn toàn không dùng phụ gia tổng hợp tạo mùi café... và lời khẳng định cuối cùng "Vinacafe mới đúng là café thật". - Quảng cáo không đúng sự thật và có dấu hiệu phạm luật Sở hữu trí tuệ được phát trên VTV.

Trong hai buổi giao lưu trực tuyến liên tiếp, Phó tổng giám đốc Vinacafe Biên Hòa Nguyễn Thanh Tùng đã làm tiếp một thí nghiệm phân biệt cà phê thật và cà phê giả.

Ngoài ra, Vinacafé Biên Hòa còn hướng dẫn người tiêu dùng cách phân biệt café đã pha, café hòa tan dựa vào màu sắc, hương, vị…

Thí nghiệm trên không chỉ bị doanh nghiệp, nhưng người làm cà phê lâu năm phản đối, mà các nhà khoa học cũng chỉ ra điểm vô căn cứ của nó.

Sau thí nghiệm trên, ông Nguyễn Thanh Tùng còn khẳng định, thực trạng café giả đã ở mức báo động đỏ. Theo ước tính của hãng này café Việt Nam hiện chỉ đạt khoảng 10% giá trị thật của mình. Trong khi đó, tính tới giữa năm 2012, Vinacafe Biên Hòa chiếm 31% thị phần cà phê hàa tan 3 trong 1 trong nước - theo báo cáo nghiên cứu của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen.

Vinacafe đã được MasanConsumer thâu tóm từ năm 2012, với giá khoảng 60 triệu USD. Như vậy, Masan, vốn đã nắm trong tay 50,11% cổ phần Vinacafe Biên Hòa, vẫn tiếp tục mua cổ phiếu VCF.

 

Nguyễn Vũ (ghi)

 
Cập nhật lúc 11:44, 21/03/2013

Vinacafe Biên Hòa nói sai trong clip phân biệt cafe thật–giả

(ĐVO) - Trên các trang báo mạng vừa tung một đoạn clip hướng dẫn phân biệt cafe thật – giả, do lãnh đạo và chuyên gia của Công ty cổ phần Vinacafe Biên Hòa thực hiện để khẳng định sản phẩm của mình là thật. Tuy nhiên, các nhà khoa học lại chỉ ra một sự thật khác.


Cafe Việt chỉ 10% giá trị thật, trong khi vinacafe chiếm 31% thị phần?

Thí nghiệm được thực hiện như sau: Đổ nước nguội đầy 2/3 ly thủy tinh, sau đó rắc nhẹ khoảng 1 muỗng canh bột cafe lên trên mặt nước trong ly và quan sát. Cafe nguyên chất sẽ nổi rất lâu trên mặt nước. Sau khoảng 10 phút, bột café bắt đầu chìm từ từ từng ít một. Khi cafe chìm, màu nâu mới phai ra nước và tạo thành một dung dịch màu nâu nhạt trong suốt (do các chất tan chỉ được lấy ra hết khỏi bột cafe bằng nước nước sôi).

Ngược lại, cafe pha độn chìm nhanh hơn, lâu nhất cũng chỉ khoảng 5 phút. Pha độn càng nhiều, bột càng nhanh chìm xuống đáy ly và khi chìm cũng chìm xuống cả mảng lớn. Màu nâu đen phai ra trong nước nhanh hơn và nước đục, không trong.

Ngoài ra, Vinacafé Biên Hòa còn hướng dẫn người tiêu dùng cách phân biệt cafe đã pha, cafe hòa tan dựa vào màu sắc, hương, vị…

Sau thí nghiệm trên, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng Giám đốc Vinacafe Biên Hòa còn khẳng định, thực trạng café giả đã ở mức báo động đỏ. Theo ước tính của hãng này cafe Việt Nam hiện chỉ đạt khoảng 10% giá trị thật của mình. Trong khi đó, tính tới giữa năm 2012, Vinacafé chiếm 31% thị phần café hóa tan 3 trong 1 trong nước - theo báo cáo nghiên cứu của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen.

Không có chuyện cafe thì nổi còn ngũ cốc lại chìm

Nhận xét về thí nghiệm này TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho rằng, thí nghiệm được thực hiện không hề dựa trên một cơ sở khoa học nào, người thực hiện chỉ dựa vào chút ít kinh nghiệm của mình để làm. Cafe thật chỉ có thể phân biệt khi chưa xay, hoặc dùng các xét nghiệm phân tích thành phần hóa học.

TS. Thịnh phân tích, hạt cafe hay hạt ngũ cốc khi được rang lên thì tính chất cơ học cơ bản không khác nhau nhiều, khả năng hấp thụ nước ở nhiệt độ thường cũng vậy. Vì vậy, nếu hạt cafe và hạt ngũ cốc được xay ở cùng độ mịn thì hầu như sẽ ngậm nước trong thời gian như nhau, nên sẽ chìm cùng nhau, không có chuyện cafe thì nổi còn ngũ cốc lại chìm.

Nếu trộn cafe với ngũ cốc rồi mới xay thì hạt ngũ cốc sẽ dễ bị xay mịn hơn, khi đổ vào nước sẽ chìm nhanh hơn bột café, nhưng nếu xay cafe và ngũ cốc riêng ở cùng kích cỡ sau đó mới trộn hai loại bột với nhau thì độ ngậm nước gần như nhau.

"Nên không thể phân biệt cafe thật - giả theo cách trên", TS. Thịnh khẳng định.

Hướng dẫn phân biệt cafe thật - giả không có cơ sở khoa học, lừa dối người tiêu dùng. (Ảnh cắt từ clip của Vinacafe Biên Hòa đăng trên các trang báo)
Hướng dẫn phân biệt cafe thật - giả không có cơ sở khoa học, lừa dối người tiêu dùng. (Ảnh cắt từ clip của Vinacafe Biên Hòa đăng trên các trang báo)

Theo TS. Thịnh, cách phân biệt cafe thật giả bằng cách đổ vào cốc nước chỉ phân biệt được cafe có trộn thêm caramen, vì caramen có tính chất khác nên dễ tan trong nước.

Về phân biệt cafe bằng màu sắc, hương, vị theo TS. Thịnh cũng không thể đúng, vì hiện nay có những chất phụ gia tạo màu, hương, vị giống hệt cafe, thậm chí mùi, vị còn đậm đặc hơn.

"Nếu cafe có trộn ngũ cốc hoặc dùng các chất phụ gia tốt, ở liều lượng cho phép thì không hại gì cho sức khỏe người uống, nhưng nó là hành vi gian dối trong kinh doanh nếu không ghi rõ trên bao bì", TS. Thịnh cho biết thêm. Vì vậy, ở nước ngoài nhiều cửa hàng bán cafe còn nguyên hạt, khi người mua lựa chọn xong cửa hàng mới xay tại chỗ cho người mua chứng kiến.
 

Người làm lâu năm bức xúc

Một số chủ quán cafe có tiếng tại Hà Nội, như cafe Giảng, Nhân… cũng cho rằng cách phân biệt cafe thật – giả như trên của Vinacafe Biên Hòa hướng dẫn là không có cơ sở khoa học.

Ông Nguyễn Trí Hòa (con trai út của cụ Nguyễn Văn Giảng), chủ quán café Giảng (39 Nguyễn Hữu Huân, Hà Nội) cho rằng, ông chưa bao giờ phân biệt cafe thật giả theo cách trên, nhưng theo ông Hòa, "Nên nhớ rằng giờ cafe rất nhiều, có đủ loại, không ai hơi đâu đi làm giả, nếu làm giả thì chỉ làm giả bằng tinh dầu chứ không làm bằng bột, nhiều người không hiểu về cafe cứ nghĩ đó là giả".

Ông Hòa lý giải, người Bắc uống cafe không cần độ sánh, còn gu cafe của người Sài Gòn thường thích có độ sánh, nên muốn có độ sánh các hàng quán phải pha thêm bột ngũ cốc vào bột cafe, bột ngũ cốc khi chín sẽ làm cho cafe sánh lại. Còn bột café không thì không nở, không sánh.

"Đấy không phải là người ta làm cafe giả, mà là cái gu của người uống cafe thế. Điều quan trọng là phải nói rõ trên sản phẩm hoặc khi bán hàng". Ông Hòa khẳng định, ngày xưa khi còn đói kém người ta mới cần làm cafe giả, giờ nước ta cafe nhan nhản nên không cần làm giả, làm giả có khi còn quá tiền mua cafe thật, chả khác gì "chở gỗ về rừng".

Và chính ông Nguyễn Thanh Tùng cũng thừa nhận, để tạo gu riêng, một số phụ gia như rượu, bơ, hạt cau, thậm chí cả nước mắm được cho vào cafe. Còn việc sử dụng đậu nành trộn với hóa chất không rõ nguồn gốc để làm cafe như ông Tùng nói cũng chỉ dựa vào cơ sở là: "Như các báo đã đưa".

 

Lê Việt

Đăng nhận xét