Từng đỗ đầu cả tỉnh Nam Định trong kỳ thi đại học, được nhận thẳng vào trường đại học danh tiếng, được đi học ở nước ngoài, nhưng chẳng bao lâu sau, bất hạnh liên tiếp giáng xuống khiến chàng trai thủ khoa Phạm Việt Liêm đã trở thành một con người hoàn toàn khác.
Ông Liêm đang làm toán.
Tuổi thơ dữ dội
Sinh năm 1956, khi Liêm lên 2 thì cha bị bệnh hiểm nghèo, rồi qua đời. Vì còn trẻ nên người mẹ cũng chỉ nuôi cậu đến năm lên 4 tuổi thì để Liêm lại cho bà nội nuôi dưỡng, rồi lấy chồng lên tận vùng cao tỉnh Hòa Bình. Sớm mồ côi cha, nay lại phải xa vòng tay của mẹ, ở nhà chỉ có hai bà cháu "một già, một trẻ" chăm nhau vượt qua sóng gió cuộc đời.
Khi lên 5 - 6 tuổi, Liêm đã sớm ý thức được những khó khăn của hai bà cháu. Dù sức khỏe yếu nhưng bà nội vẫn một nắng hai sương, tất bật với công việc đồng áng làm lụng vất vả nuôi cháu khôn lớn. Ở nhà Liêm luôn biết giúp bà công việc quét dọn nhà cửa, lớn hơn một chút là lo cơm nước đỡ đần bà được khá nhiều việc. "Lúc đó, dù biết hoàn cảnh 2 bà cháu vô cùng khó khăn, nhưng gia đình nhà ai cũng vậy, không như thời buổi bây giờ nên có muốn cũng chẳng giúp được gì nhiều cho hai bà cháu" - ông Phạm Việt Hùng (72 tuổi, chú họ Liêm) kể lại.
Khi đến tuổi đi học, cậu bé Liêm đã sớm bộc lộ những năng khiếu trong việc học tập cùng với sự chăm chỉ, hiếu học nên trong tất cả các năm học Liêm đều đứng đầu. Được chọn đi thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh năm nào cậu cũng đoạt giải. "Sau này tôi mới hiểu vì sao người bà ốm yếu mà vẫn miệt mài lao động để cháu bà có thể theo học. Có lẽ từ những kết quả học tập của Liêm đã giúp 2 bà cháu đứng vững trong những giai đoạn khó khăn nhất" - cụ Văn (hàng xóm) nhớ lại.
"Ngày ấy, hai bà cháu còn nhận trâu hợp tác xã để nuôi lấy công điểm, cứ một buổi đi học thì một buổi cậu bé lại giúp bà thả trâu, trên lưng trâu lúc nào cũng kèm theo những quyển sách - khi là sách toán, lúc là sách văn... Rồi những bài toán khó, cậu lại tranh thủ dùng que vạch trên đường làm bài. Buổi tối sau khi cơm nước, vì chưa có điện nên phải dùng đèn dầu, Liêm xỏ chân vào bao tải tránh muỗi đốt và có khi học bài tới khuya. Lúc đó, Liêm luôn là tấm gương sáng để lũ trẻ trong thôn như chúng tôi học tập, noi theo" - một người bạn đồng niên với Liêm kể lại.
Bù lại những cố gắng đó là những phần thưởng trong các kỳ thi học sinh giỏi của huyện, tỉnh. Lúc đó, người dân trong thôn Nhì Giáp ai cũng khẳng định: "Lớn lên, nhất định cậu bé Liêm sẽ thành đạt trên con đường học vấn, làm rạng danh gia đình, dòng họ".
Đứng đầu kỳ thi
Với những cố gắng vượt bậc, sau kỳ thi tốt nghiệp lớp 10 (lớp cuối cùng hệ phổ thông hồi bấy giờ), Liêm mạnh dạn đăng ký thi vào Đại học Y khoa, niên khóa 1975 - 1976. Có điều khác sau này là khi đó đất nước vừa bước vào giai đoạn khôi phục kinh tế sau chiến tranh. Để giảm bớt chi phí cho các thí sinh đăng ký thi đại học nên việc thi tuyển được tổ chức ngay tại các tỉnh. Trong kỳ thi năm đó, Liêm đạt 27/30 điểm, đứng đầu toàn tỉnh Nam Định lúc bấy giờ và chính thức trúng tuyển vào Trường Đại học Y khoa.
Thế nhưng niềm vui của hai bà cháu chẳng được bao lâu thì bà nội phát bệnh rồi mất, Liêm mất đi người thân yêu duy nhất đã trở thành chỗ dựa cho cậu trải qua bao sóng gió cuộc đời. Vì quá thương nhớ bà nên Liêm cũng có những xáo trộn về tâm lý. Lo đám tang cho bà xong, cậu tất tả lên trường theo học. Học đến năm thứ ba thì Liêm được cử đi học ở nước ngoài và lại phải theo học chuyên ngành thú y vốn không phải là thế mạnh của cậu. Vui vẻ lên đường du học, Liêm cũng nhanh chóng cho thấy mình có thể theo học được cả ngành trái với sở trường.
Gần 3 năm sau, thời điểm Liêm sắp được về nước đem những kiến thức đã được học phục vụ đất nước, thì mọi thứ như sụp đổ với gia đình khi nhận được thông tin Liêm phải về nước trước thời hạn do bị bệnh, không thể tiếp tục theo học. "Lúc đó chúng tôi cũng chỉ nghĩ có thể do việc học hành quá sức mà cơ thể bị suy nhược, chứ không ai nghĩ Liêm bị bệnh như vậy" - người chú của Liêm cho biết.
Sau khi về nhà Liêm chẳng nói chuyện với ai, chỉ ngồi bất động một chỗ, vài tháng sau, được sự động viên của mọi người cùng với thuốc thang, Liêm đã có những thay đổi và nhà trường tiếp tục đón lên để theo học, nhưng cũng chỉ vài tháng sau thì bệnh tình lại tái phát. Cực chẳng đã nhà trường buộc phải "chuyển trả" Liêm về quê.
Cuộc đời bất hạnh
Sau lần trả về này, bệnh tình của Liêm càng ngày càng nặng hơn, không chỉ có những hành động khác thường mà việc ăn uống Liêm cũng chẳng thiết, không có người bên cạnh trông nom là lại lùi lũi bỏ đi không về. Nhiều lần người chú phải đi tìm Liêm lang thang ở tận Ý Yên, Hà Nam, Ninh Bình... để đưa cháu về. Dù gia đình hoàn cảnh cũng khó khăn, nhưng trước việc người thân của Liêm chẳng còn ai, người chú họ phải đưa Liêm đi chữa trị ở khắp các bệnh viện. Thế nhưng bệnh tình vẫn không hề thuyên giảm, ông phải đưa Liêm lên bệnh viện tâm thần ở Thường Tín (Hà Nội). Tại đây các bác sĩ cho biết Liêm bị "tâm thần phân liệt", không thể chữa khỏi vì bệnh đã quá nặng. Còn nguyên nhân dẫn đến căn bệnh trên thì không một ai biết, vì lúc phát bệnh Liêm đang học tập ở nước ngoài. Sau một thời gian chữa bệnh, Liêm đã được cho về và từ đó đến nay thì không còn bỏ đi lang thang nữa, chỉ quanh quẩn ở nhà rồi đi vòng vòng quanh xóm.
Hiện nay người chú họ duy nhất tuổi cũng đã cao nên Liêm được các em con chú nhận trông nom giúp. "Tôi tuổi cũng đã cao, sức khỏe lại yếu nên cũng không thể chăm sóc được Liêm nữa, thôi cũng đành phải bảo các cháu một giọt máu đào hơn ao nước lã, các con phải trông nom anh ấy tử tế" - ông Hùng buồn rầu nói. Được biết người mẹ của ông Liêm vẫn còn sống trên Hòa Bình (cũng đã ngoài 80 tuổi), nhưng do cuộc sống khó khăn, nên cũng chẳng mấy khi về quê. Nay tuổi lại đã cao, cho dù biết người con của mình bị bệnh như vậy cũng không giúp gì được cho Liêm.
Khi về thôn Nhì Giáp, xã Liên Minh, hỏi về ông Liêm ai cũng biết, bởi mọi người đều thương cho số phận bất hạnh của ông. "Ngày trước nghe nói ông Liêm học giỏi lắm, thế mà tội nghiệp, chẳng biết ra nước ngoài học nó cho ăn "bùa mê, thuốc lú" gì mà bị như vậy. Nếu không, với nghị lực vượt khó và tài học của ông ấy thì bây giờ chẳng làm lãnh đạo cũng phải là nhà khoa học rồi" - một người dân nói. Có điều lạ lùng là đã hơn 30 năm mang trên mình bệnh tật, nhưng mỗi khi có ai hỏi về các bài toán nâng cao, ông Liêm vẫn ngồi lấy giấy bút làm một mạch và cho kết quả chính xác.
Ông Phạm Văn Quý - Trưởng thôn Nhì Giáp - cho biết: "Địa phương đã đưa ông vào diện được hỗ trợ với mỗi tháng 180 nghìn đồng. Đây cũng chỉ là sự chia sẻ phần nào, bởi bản thân ông Liêm luôn cần phải có người chăm sóc, trông nom, chứ một mình ông thì không thể nào sống được".
Theo Doãn Kiên
Lao Động
Đăng nhận xét