> Chống ung thư bằng... kem chống nắng
> 'Thời gian biểu' cho làn da trắng đẹp
TP - Các nghiên cứu chỉ ra có nhiều loại ung thư có thể di căn lên não, trong đó ung thư phổi di căn lên não thường chiếm tỷ lệ cao nhất. Trong các phương pháp chẩn đoán hình ảnh thì PET/CT là hệ thống thiết bị có khả năng phát hiện sớm và phân loại u lành hay ác tính.
Bệnh nhân đang được chụp bằng kỹ thuật PET/CT. Ảnh: T.Hà. |
Tại Hà Nội, cứ 100.000 người có 40 người được chẩn đoán là ung thư phổi, tỷ lệ này tại TP Hồ Chí Minh là 30 người. PGS,TS Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đặc điểm của ung thư phổi giai đoạn tiến triển là thường di căn vào não, xương, tuyến thượng thận…
Nhiều nghiên cứu cho thấy, các loại ung thư khác cũng di căn vào não với tỷ lệ lớn như ung thư vú, ung thư vòm, ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày, thực quản nhưng ung thư phổi di căn lên não thường chiếm tỷ lệ cao nhất.
Hầu hết bệnh nhân đều được phát hiện khi đã bước vào giai đoạn muộn nên hiệu quả điều trị không cao. Một phần là do các kỹ thuật chẩn đoán thông thường (CT, MRI, X-quang, siêu âm..) không thể phát hiện sớm các tế bào ung thư hoặc các tổn thương (ở giai đoạn phân tử, tế bào).
Việc ghi hình khối u bằng PET/CT có độ nhạy, độ đặc hiệu và độ chính xác cao hơn CT và MRI đơn thuần, đặc biệt là khả năng phát hiện các khối u ở giai đoạn rất sớm.
Đáng chú ý, PET/CT rất có giá trị trong chẩn đoán ung thư phổi, có giá trị trong phát hiện u nguyên phát và hạch di căn. Kết quả nghiên cứu của Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, khoảng 89% bệnh nhân có được các quyết định phương pháp điều trị đúng, 45-60% bệnh nhân đã được thay đổi phương pháp điều trị sau khi chụp hình PET/CT.
Điểm đặc biệt của PET/CT mô phỏng xạ trị điều biến liều là diệt trúng đích tế bào ung thư chứ không đánh bao vây các cơ quan xung quanh và gây biến chứng toàn thân như điều trị hóa chất.
Ghi hình PET/CT còn giúp chẩn đoán, theo dõi các bệnh thần kinh, tim mạch, nội tiết chuyển hóa. Theo PGS.TS Mai Trọng Khoa, với những ưu thế vượt trội trên, PET/CT được chỉ định rộng rãi trong chẩn đoán các bệnh như thăm dò chức năng của các tuyến nội tiết, chẩn đoán các bệnh hệ thống thần kinh - tâm thần, phát hiện sớm các tổn thương não.
Theo Hiệp hội Ung thư Việt Nam, ước tính có khoảng 150.000 trường hợp được chẩn đoán ung thư, trong đó tỷ lệ tử vong là 75.000 trường hợp mỗi năm.
PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, tuy ung thư gây tử vong rất lớn nhưng có tới 40% trường hợp mắc ung thư có thể phòng ngừa được và một số các ung thư phổ biến nhất, kể cả ung thư vú, đại trực tràng và cổ tử cung, có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm.
Thời gian gần đây, có hàng chục bệnh viện và trung tâm ung bướu đã được xây mới và đưa vào hoạt động, nhiều kỹ thuật cao đã được triển khai, trong đó phải kể đến chương trình sàng lọc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư khoang mũi họng ở hàng loạt các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng... Tuy nhiên, công tác phòng chống ung thư tại Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu thực tế.
Thái Hà
Đăng nhận xét