Thứ bảy, 14/8/2010, 10:05 GMT+7
vnexpress.net
Ảnh: Topnews. |
Một người đàn ông Bỉ được ghi nhận là trường hợp đầu tiên chết do "vi khuẩn siêu kháng thuốc" có nguồn gốc từ Nam Á. Trong khi đó, nhiều chuyên gia khuyến cáo vi khuẩn có thể lây lan ra toàn cầu.
> Vi khuẩn siêu kháng thuốc đã xuất hiện tại VN
> Vi khuẩn siêu kháng thuốc đã xuất hiện tại VN
Theo ABCnews, bệnh nhân này bị nhiễm khuẩn trong khi nằm viện ở Pakistan và đã tử vong vào hồi tháng 6, một bác sĩ từ một bệnh viện của Bỉ, nơi điều trị sau cùng cho bệnh nhân này cho biết.
"Trong chuyến du lịch đến Pakistan, người đàn ông này bị tai nạn ô tô và phải nhập viện vì chấn thương ở chân. Sau đó, ông trở về Bỉ điều trị tiếp tuy nhiên, ông đã bị nhiễm loại 'vi khuẩn siêu kháng thuốc'", vị bác sĩ này cho biết.
Cũng theo người bác sĩ này, mặc dù đã được điều trị bằng colistin, một loại kháng sinh mạnh nhưng bệnh nhân không qua khỏi.
Một người Bỉ khác cũng được xác định nhiễm vi khuẩn siêu kháng thuốc này sau khi nhập viện do một tai nạn giao thông ở Montenegro. Tuy nhiên, bệnh nhân này sau khi về nước đã được điều trị khỏi.
Trước đó, các nhà khoa học Anh đưa ra lời cảnh báo về một nhóm vi khuẩn xuất xứ Ấn Độ tạo ra một enzyme được gọi là NDM-1, có khả năng kháng lại hầu hết các loại thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế Ấn Độ thì enzyme tạo ra tính kháng thuốc cực mạnh "có mặt trong môi trường, có thể là trong đường ruột của người và động vật ở khắp mọi nơi", chứ không chỉ tại quốc gia này.
Tại Việt Nam, cũng đã xuất hiện vài loại vi khuẩn kháng thuốc mang gene tương tự NDM-1 như vi khuẩn mang gen IMP, VIM...
Phương Trang
vnexpress.net - Thứ năm, 12/8/2010, 18:55 GMT+7
Theo các nhà khoa học không có loại thuốc nào ngăn chặn loại "siêu vi khuẩn". Ảnh: Reuters. |
"Nước ta hiện cũng ghi nhận không chỉ một mà vài loại 'siêu vi khuẩn' kháng lại mọi loại thuốc kháng sinh, tương tự với loại vi khuẩn tiết ra enzym NDM-1 được phát hiện tại Anh", bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết.
> 'Siêu vi khuẩn' kháng thuốc lây lan toàn cầu
> 'Siêu vi khuẩn' kháng thuốc lây lan toàn cầu
Mới đây, các chuyên gia y tế thế giới có cảnh báo về một nhóm "siêu vi khuẩn" - có khả năng kháng nhiều loại thuốc kháng sinh, thậm chí là nhóm kháng sinh mạnh nhất - đã lây lan từ Ấn Độ, Pakistan sang Anh.
Trước thông tin này, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu, điều trị tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, loại “siêu vi khuẩn” vừa được các nhà khoa học trên thế giới phát hiện là một loại vi khuẩn tiết ra men (enzym) NDM-1. Loại men này có thể kháng lại hầu hết mọi loại thuốc kháng sinh, kể cả nhóm kháng sinh mạnh nhất là carbapenem.
"Do đặc tính chung của vi khuẩn có thể lây truyền rất mạnh qua giao lưu, tiếp xúc nên nguy cơ loại 'siêu vi khuẩn' này lan rộng ra thế giới, vào Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, tại nước ta hiện cũng đã ghi nhận một vài loại vi khuẩn tương tự có khả năng kháng tất cả loại kháng sinh. Phổ biến nhất là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột", bác sĩ Cấp cho biết.
Theo ông, các loại vi khuẩn này tiết ra một chất men phân hủy gọi chung là carbapenemase, làm giảm tính nhạy cảm của nhóm kháng sinh carbapenem. Men này có rất nhiều loại, trong đó men NDM -1 vừa phát hiện ở Ấn Độ.
"Nước ta chưa có nghiên cứu nào giải mã trình tự gene của tất cả các vi khuẩn kháng thuốc để xem đó có phải là NDM-1 hay không. Nhưng chúng ta đã phát hiện loại vi khuẩn kháng thuốc mang gen tương tự NDM-1 như vi khuẩn mang gen IMP, VIM... cũng kháng thuốc họ carbapenem", bác sĩ Cấp cho biết.
Một số nghiên cứu tại các bệnh viện cho thấy, vi khuẩn kháng thuốc nhóm carbapenem chiếm tỷ lệ khá cao, khoảng 1-4% chủng vi khuẩn gây bệnh đường ruột. Bệnh viện nhiệt đới Trung ương thi thoảng vẫn tiếp nhận những ca nhiễm loại vi khuẩn này. Trong những trường hợp này, các bác sĩ phải chọn cách "chữa đường vòng", áp dụng nhiều biện pháp, chọn các loại kháng sinh còn nhạy cảm, phối hợp nhiều kháng sinh, điều chỉnh liều thuốc..., tuy nhiên chi phí điều trị tăng cao và hiệu quả điều trị không đảm bảo.
Theo quy luật chọn lọc tự nhiên, mỗi một loại kháng sinh mới khi đưa vào sử dụng một vài năm lại xuất hiện chủng vi khuẩn đột biến, kháng loại kháng sinh đó. Tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, sử dụng tràn lan không theo kê đơn của bác sĩ… là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng vi khuẩn kháng thuốc ngày càng gia tăng, xuất hiện ngày càng nhiều loại “siêu vi khuẩn” đa kháng thuốc.
Hải Phong
Đăng nhận xét