http://suckhoedoisong.vn/2010123010257356p0c14/dung-thuoc-trong-viem-phe-quan-man.htm
Chủ Nhật, 02/01/2011 09:14
Viêm phế quản mạn có biểu hiện: ho và khạc đờm, mỗi năm ít nhất 3 tháng (nhưng không nhất thiết liên tục), kéo dài ít nhất 2 năm (nhưng không phải do lao, do nấm phổi, apxe, giãn phế quản). Có những đợt cấp tính dẫn đến hậu quả giãn phế quản, tắc nghẽn phế quản (gọi là viêm phế quản mạn tính tắc nghẽn) làm giảm thông khí, giãn phế nang, thiểu năng hô hấp, tim phổi mạn...
Nguyên nhân chủ yếu gây tăng tiết ở phế quản là do Syntyal respiratory virus (SRV), Myxovius in fluluenze (MVI), Mycoplama pneumoniae. Tuy nhiên các vi khuẩn từ các ổ nhiễm khuẩn ở đường hô hấp trên, răng, miệng, xoang, có thể gây bội nhiễm, tạo nên biến chứng thứ phát của một đợt tăng tiết phế quản cấp tính của viêm phế quản mạn.
Các thuốc chữa triệu chứng
-Thuốc long đờm: Chất tiết ứ đọng ở phế quản làm trở ngại ở đường dẫn khí. Thuốc long đờm tạo điều kiện để phản xạ ho tống chất tiết ra ngoài làm thông đường dẫn khí. Nếu chất tiết ít nhưng đặc khó tống ra ngoài thì dùng thuốc làm loãng chất tiết như natri benzoat, terpinhydrat. Nếu chất tiết nhiều, đặc, việc làm loãng sẽ tăng thể tích gây khó khăn cho việc thông khí thì dùng các chất khử chứa lưu huỳnh như acetylstein, carboxystein. Các chất này tác dụng lên pha gel của chất tiết, làm đứt các cầu nối disulfure của các glycoprotein làm thay đổi cấu trúc và hủy chất tiết. Có thể dùng thuốc làm giảm ho nhưng với liều thích hợp, vì liều quá cao sẽ làm mất hết phản xạ ho, nghĩa là cho việc tống chất tiết bị trở ngại.
- Thuốc kháng viêm: Viêm làm cho việc thông khí bị trở ngại. Dùng corticoid uống, xông hay hít, trường hợp nặng dùng dạng tiêm để kháng viêm. Lưu ý: với dạng uống và tiêm chỉ dùng liều vừa đủ hiệu lực trong thời gian ngắn (không quá 10 ngày) để tránh tác dụng phụ toàn thân (gây ứ nước, giảm khả năng đề kháng). Với dạng hít thường ít khi gây tác dụng phụ toàn thân, có thể dùng kéo dài hơn, tuy nhiên dùng kéo dài có thể gây bội nhiễm nấm nên sau mỗi lần dùng cần súc miệng họng thật sạch.
- Thuốc chống tắc nghẽn phế quản: Dùng thuốc làm giãn phế quản nhằm giảm sự tắc nghẽn đường dẫn khí.
*Theophylin: Tác dụng chính làm giãn phế quản nên giảm sự khó thở. Tác dụng phụ làm lợi tiểu, tim đập nhanh, kích thích thần kinh. Dùng liều điều trị vừa đủ sẽ tận dụng tác dụng chính, dùng liều cao sẽ bị các tác dụng phụ. Khoảng cách giữa liều có hiệu lực và liều độc ngắn, nếu dùng không khéo dễ bị ngộ độc.
Các thuốc kháng cholinergic (thường dùng là ipratropium): Ipatropium kháng cholinergic không chọn lọc trên cả thụ thể M1-M2-M3, gắn với các thụ thể này trong thời gian ngắn, thời gian bán hủy ngắn (01giờ) nên hiệu lực chỉ kéo dài 6 giờ. Tùy theo mức nghẽn phế quản (dài hay ngắn) mà dùng, nhưng nếu nghẽn phế quản kéo dài thì phải dùng mỗi ngày 4 lần. Thường dùng loại xông, hít hay khí dung. Vì là thuốc kháng cholinergic nên ipratropium gây khô miệng, triệu chứng tiền liệt tuyến (hay gặp), có thể bị biến chứng tim mạch, tăng huyết áp (nhưng ít gặp hơn).
Các thuốc chủ vận beta 2:
Kích thích thụ thể beta- 2 adrenergic dẫn đến giãn cơ trơn, chống co thắt phế quản, làm thông đường thở. Loại tác dụng ngắn như salbutamol, terbutalin, fenoterol (khởi phát hiệu lực sớm,ít độc). Loại có tác dụng dài như salmeterol, formoterol (làm giãn phế quản chắc chắn, tiện vì dùng ít lần trong ngày). Tùy theo mức nghẽn phế quản (dài hay ngắn) mà chọn một trong hai loại. Dùng dạng hít xông qua mũi miệng (khởi phát hiệu lực nhanh, kịp thời cắt cơn nghẽn phế quản). Nhóm này có tác dụng phụ: làm tăng nhu cầu tiêu thụ oxy khi nghỉ, gây nhịp tim nhanh lúc nghỉ, rối loạn nhịp tim, run tay, hạ kali máu. Không nên dùng loại uống vì hấp thu chậm, khởi phát hiệu lực muộn (không đáp ứng kịp thời cắt cơn nghẽn phế quản), phải dùng liều cao hơn, dễ gây kích thích tim mạch, kích động, run cơ, nhức đầu.
Các thuốc kháng vi khuẩn
Tùy mức nguy hiểm và độ nặng do chủng vi khuẩn gây ra mà có thể dùng kháng sinh thông thường hay kháng sinh mạnh, dùng một hay phối hợp 2 kháng sinh. |
Tùy mức nguy hiểm và độ nặng do chủng vi khuẩn gây ra mà có thể dùng kháng sinh thông thường hay kháng sinh mạnh, dùng một hay phối hợp 2 kháng sinh. Mỗi đợt dùng nếu thể nhẹ 8-15 ngày, nếu thể nặng kéo dài 4-6 tuần.
+ Nếu mầm bệnh là S. pneumoniae (đây là vi khuẩn gram dương, kị khí) là nguyên nhân chính gây viêm phổi đồng thời gây ra nhiều bệnh khác, nhất là viêm màng não nhiễm khuẩn thì chọn theo thứ tự độ mạnh một trong 3 kháng sinh sau tùy sự đáp ứng: benzylpenicilin, ceftriazon, và imipenem.
+ Nếu mầm bệnh là H . influenzae (vi khuẩn hình que, thuộc gram âm, hiếu khi, nhưng cũng có thể sống trong môi trường kị khí): đây không phải là nguyên nhân gây ra cúm, nhưng thường gây bội nhiễm khi bị cúm và chịu nhiều trách nhiệm trong việc gây ra triệu chứng khi bị cúm. Sau S. pneumonia, nó là vi khuẩn chủ yếu thứ hai gây viêm phổi. Dùng ampicilin (tiêm tĩnh mạch) hoặc dùng augmentin (amoxicilin + acidclavulani) dùng uống. Acid clavulanic ức chế enzym gây kháng thuốc và tăng hiệu lực của amoxicilin.
+ Nếu mầm bệnh là Branhamella (Mo raxella) catarrhalis: Là vi khuẩn gây nên viêm phế quản, viêm phế quản-phổi, viêm thanh quản, viêm xoang. Với người hút thuốc lá nó là tác nhân phối hợp quan trọng gây COPD. Dùng augmentin (như với trường hợp H. Influenzae) phối hợp với erythromycin (truyền tĩnh mạch) hoặc dùng augmentin (như trên) phối hợp với cefaclor (uống). Cefaclor thuộc nhóm cephalsporin thế hệ 1.
+ Nếu mầm bệnh là Enterobacteriaceae; Dùng gentamycin (tiêm bắp) phối hợp với norfloxacin (uống).
+ Nếu mầm bệnh là Pseudomonas aeruginosa: Đây là trực khuẩn mủ xanh, thuộc Gram âm (-) hiếu khí, song có thể tùy nghi tồn tại tăng sinh trong điều kiện kị khí. Nó có thể tăng sinh trong điều kiện yếm khí bằng cách sử dụng nitrat như là chất nhận điện tử cuối cùng, nhưng ngay cả khi thiếu nitrat chúng cũng có thể lên men arginin bằng cách phosphoryl hóa ở mức cơ chất. Vì thế nó có thể sống ở mọi nơi kể cả ở dụng cụ y khoa, có thể nhiễm vào da hay các bề mặt các bộ phận khác khác trong cơ thể động vật, người (kể cả trường hợp bị viêm phổi xơ nang, vi khuẩn bị lớp anginat dày bao lấy). Vi khuẩn này sinh sống nhờ vào chất dinh dưỡng của cơ thể và làm suy giảm miễn dịch cơ thể, gây viêm nhiễm và nhiễm khuẩn huyết. Nếu xâm nhập vào cơ quan thiết yếu của cơ thể như phổi, thận, đường tiết niệu, sẽ gây ra hậu quả chết người. Vì vậy cần dùng gentamycin (tiêm bắp) phối hợp với ticarcillin (truyền tĩnh mạch) hoặc dùng gentamycin (như trên) phối hợp với imipenem (truyền chậm tĩnh mạch). Ticarcillin là carboxypenicilin có phổ kháng khuẩn rộng hơn và mạnh hơn peniclicillin. Imifenem là một kháng sinh thuộc nhóm kháng sinh phổ rộng mạnh carbapenem, chống lại các vi khuẩn hiếu khí và kị khí thuộc cả gram âm và gram dương, được dùng khi bị nhiễm các vi khuẩn đa kháng, là một kháng sinh chống P aeruginosa hiệu quả.
+ Nếu mầm bệnh là Klebsiella pneumonia: Là vi khuẩn Gram âm (-), kỵ khí, thường có ở ruột, da, miệng, khi có điều kiện thì phát triển gây viêm phế quản, viêm phổi. Nó có mặt nhiều trong bệnh viện, là vi khuẩn gây nên viêm phổi mắc phải bệnh viện. Bị nhiễm Klebsiella pneumoniae được coi là nguy hiểm, cần dùng gentamycin (tiêm bắp) phối hợp với ceftriaxom (tiêm tĩnh mạch). Ceftriaxon là kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin thế hệ 3.
+ Nếu mầm bệnh là staphylococcus aureus (tụ cầu vàng): Gây ra nhiều bệnh trên các hệ cơ thể, riêng hệ hô hấp gây viêm phế quản, viêm phổi hoại tử, apxe phổi biến chứng tràn khí màng phổi, tràn khi trung thất, tràn khí dưới da, tràn mủ màng phổi. Đặc biệt còn gây ra nhiễm khuẩn máu, chúng tiết vào ruột các loại độc tố và độc tố này vững bền không bị phá hủy bởi nhiệt độ cao. Chúng tiết ra enzym betalactamase có khả năng phá hủy các kháng sinh betalactam thế hệ đầu như penicilin. Do đó cần dùng các loại kháng sinh bền vững như methicilin, oxaciclin không bị enzym betalactamase phá hủy. Cụ thể dùng methicilin hay oxaciclin (tiêm tĩnh mạch) phối hợp với gentamycin (tiêm bắp). Trước khi dùng thuốc, cần lấy mẫu bệnh phẩm làm kháng sinh đồ. Sau khi dùng 3-4 ngày, nếu thấy đáp ứng tốt thì tiếp tục dùng các thuốc này, nhưng nếu thấy không đáp ứng thì dùng theo kết quả kháng sinh đồ .
Viêm phế quản mạn khá nguy hiểm, nhất là những đợt bị bội nhiễm, cần được điều trị tích cực.
DSCKII. Bùi Văn Uy
Viêm phế quản mạn tính ở người cao tuổi
suckhoedoisong.vn - Chủ Nhật, 30/01/2011 08:11
-
Viêm phế quản mạn tính - Tuổi càng cao, bệnh càng nặng
-
Phòng ngừa viêm phế quản
-
Tự xoa bóp phòng ngừa viêm khí phế quản mạn
Viêm phế quản mạn tính (VPQMT) là một bệnh thuộc đường hô hấp dưới. Bệnh hay gặp ở người trưởng thành trên 40 tuổi mà trong đó chủ yếu ở người cao tuổi (NCT), nam giới gặp nhiều hơn nữ giới.
Nguyên nhân của bệnh VPQMT
Có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh VPQMT ở NCT, trong đó do sự giảm chức năng đề kháng của cơ thể. Sức khỏe nói chung bị sa sút bởi tuổi tác cao và sự xâm nhiễm của vi sinh vật gây bệnh đóng vai trò hết sức quan trọng. Một số nguyên nhân thuận lợi như: nghiện thuốc lá, thuốc lào; sống trong môi trường có nhiều bụi, dùng bếp than lâu ngày như: đun than tổ ong, than củi, rơm rạ; cơ địa hay bị dị ứng đường hô hấp như: hen suyễn, viêm phế quản nhiễm khuẩn mạn tính, kéo dài ngay từ lúc còn nhỏ tuổi; hoặc có một số dị dạng về khung xương sườn, cột sống như: gù vẹo cột sống…
|
Trong bệnh VPQMT thường có 3 hiện tượng: ho, khạc đờm nhầy hoặc mủ và khó thở. Giai đoạn đầu của bệnh VPQMT là người bệnh ho và khạc ra đờm vào buổi sáng. Ho thường xảy ra từng đợt, nhất là khi thời tiết thay đổi (nóng, lạnh đột ngột, chuyển mùa từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại), mỗi đợt kéo dài từ một tuần đến vài tuần, mỗi năm có khi xảy ra ho đến 5 - 6 lần. Tính chất của đờm thường có màu trắng, lỏng hoặc đặc quánh, đôi khi có bọt. Bệnh càng kéo dài thì gây ho càng nhiều, đờm ngày càng đặc hơn và đổi màu (thường là màu vàng). Khối lượng đờm do ho, khạc ra trong một ngày có khi lên tới 100ml hoặc hơn thế nữa. Những tháng sau, năm sau ho ngày càng tăng lên và số lượng đờm cũng tăng dần lên và bệnh cũng càng nặng hơn: mỗi đợt ho sẽ kéo dài hơn vài tuần và số lần ho cũng tăng lên một cách đáng kể. Ở giai đoạn muộn hơn của VPQMT thường có khó thở. Lúc đầu người bệnh chỉ mới cảm thấy nặng ngực, dần dần là khó thở thực sự. Bệnh càng lâu và càng nặng thì sự thiếu hụt không khí càng nhiều, gây rối loạn chức năng hô hấp một cách đáng kể. Do đó, người bệnh luôn thiếu dưỡng khí gây nên mệt mỏi, sụt cân, ảnh hưởng đến nhiều chức năng khác của cơ thể, nhất là hệ tuần hoàn và hệ thần kinh trung ương (tim đập nhanh, mệt mỏi, buồn ngủ…).
VPQMT ở NCT thường có 2 loại: loại lành tính và loại ác tính. VPQMT lành tính là loại chỉ xảy ra ở phần thân của các phế quản lớn (khí quản, phế quản gốc, thùy và phân thùy) nếu hiện tượng viêm nhẹ thì ít khi gây suy hô hấp, loại VPQMT lành tính chiếm tỷ lệ cao nhất (khoảng 90%). VPQMT thể ác tính chiếm tỷ lệ thấp hơn rất nhiều (khoảng 10%) thường xảy ra ở các tiểu phế quản và gây nên hội chứng tắc nghẽn thở ra dẫn đến suy thở và rất dễ dẫn đến tâm phế mạn ở NCT.
Khám thực thể khi nghe phổi sẽ thấy có ran rít và ran ẩm nhỏ hạt ở 2 phế trường. Trong những đợt tiến triển cấp tính thì khi nghe phổi có thể thấy nhiều ran hơn khắp 2 phế trường. Khi bệnh có xu hướng tiến triển xấu đi (hình thành bệnh khí phế thũng) thì khám thấy rì rào phế nang giảm rõ rệt.
Các loại cận lâm sàng như xét nghiệm công thức máu sẽ thấy đa hồng cầu (một thời gian vài năm sau khi bị VPQMT); lưu lượng hô hấp khi gắng sức sẽ giảm; dung tích sống, thể tích thở ra tối đa giảm; Pa02 và PaC02 giảm (khi đo khí trong máu). X-quang có thể thấy mạng lưới phế - huyết quản tăng đậm.
Phòng bệnh VPQMT ở NCT
Một số thói quen như nghiện thuốc lá hoặc thuốc lào nên bỏ càng sớm càng tốt. Nếu chưa có điều kiện dùng bếp ga, bếp điện thì cần cải thiện việc dùng bếp than, củi, rơm rạ bằng cách dùng loại bếp ít khói. Nhà ở cần thông thoáng để tránh hiện tượng khói bếp ứ đọng nhiều giờ, không khí không được lưu thông. Cùng với cộng đồng tích cực tham gia hoặc vận động mọi người trong gia đình, làng xóm, dân phố vệ sinh môi trường sống càng sạch, càng ít bụi càng tốt.
Nếu bị viêm đường hô hấp (hô hấp trên và hô hấp dưới) cần được khám và điều trị dứt điểm không để bệnh trở thành mạn tính.
Cần tập thể dục thường xuyên để điều hòa nhịp thở như: hít thở, đi bộ, chơi thể thao. Tập thể dục và chơi thể thao là phải tùy theo sức của mình, không nên gắng sức tập quá khả năng hoặc quá sức lực của mình và phải tập theo bài bản.
PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU
Viêm phế quản mạn tính - Tuổi càng cao, bệnh càng nặng
suckhoedoisong.vn - Thứ Tư, 06/10/2010 08:10
Viêm phế quản mạn tính là bệnh lý thuộc đường hô hấp dưới. Bệnh gặp nhiều ở người cao tuổi. Đôi khi viêm phế quản mạn tính và khí phế thũng kết hợp với nhau hình thành bệnh phế quản - phổi tắc nghẽn không đặc hiệu. Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hiện là nguyên nhân gây tử vong và tàn phế đứng hàng thứ 4 trên thế giới với khoảng 50 triệu người mắc và 3 triệu người chết hàng năm. Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở những người trên 40 tuổi là 5,2% (miền Bắc) và có khoảng 4 triệu người trong nước mắc bệnh này.
Vì sao bị viêm phổi mạn tính?
Viêm phế quản mạn tính là hiện tượng viêm toàn bộ phế quản gây ho và khạc đờm kéo dài ít nhất 3 tháng trong 1 năm và kéo dài trong 2 năm liên tiếp mà không phải do một bệnh hô hấp nào khác gây nên như áp-xe phổi, lao phổi, giãn phế quản...
Có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh viêm phế quản mạn tính ở người cao tuổi, trong đó do sự giảm chức năng đề kháng của cơ thể, sức khoẻ nói chung bị sa sút bởi tuổi tác cao và sự xâm nhiễm của vi sinh vật gây bệnh đóng vai trò hết sức quan trọng. Một số nguyên nhân thuận lợi như nghiện thuốc lá, thuốc lào; sống trong môi trường có nhiều bụi, dùng bếp than lâu ngày như đun than tổ ong, than củi, rơm rạ; cơ địa hay bị dị ứng đường hô hấp như hen suyễn, viêm phế quản nhiễm khuẩn mạn tính, kéo dài ngay từ lúc còn nhỏ tuổi hoặc có một số dị dạng về khung xương sườn, cột sống như gù vẹo cột sống...
|
Hệ lụy của viêm phế quản mạn tính
Trong bệnh viêm phế quản mạn tính thường có 3 hiện tượng: ho, khạc đờm nhày hoặc mủ và khó thở. Giai đoạn đầu của bệnh viêm phế quản mạn tính là người bệnh ho và khạc ra đờm vào buổi sáng. Ho thường xảy ra từng đợt, nhất là khi thời tiết thay đổi (nóng, lạnh đột ngột, chuyển mùa từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại), mỗi đợt kéo dài từ 1 tuần đến vài tuần, mỗi năm có khi xảy ra ho 5 - 6 lần. Tính chất của đờm thường có màu trắng, lỏng hoặc đặc quánh, đôi khi có bọt. Bệnh càng kéo dài gây ho càng nhiều, đờm càng ngày càng đặc hơn và đổi màu (thường là màu vàng), khối lượng đờm do ho, khạc ra trong 1 ngày có khi lên tới 10ml hoặc hơn thế nữa. Những tháng sau, năm sau ho càng ngày càng tăng lên và số lượng đờm cũng tăng dần lên, bệnh cũng càng nặng hơn: mỗi đợt ho sẽ kéo dài hơn vài tuần và số lần ho cũng tăng lên một cách đáng kể. Ở giai đoạn muộn hơn của viêm phế quản mạn tính thường có khó thở. Lúc đầu người bệnh chỉ cảm thấy nặng ngực, dần dần khó thở thực sự. Bệnh càng lâu và càng nặng thì sự thiếu hụt không khí càng nhiều, gây rối loạn chức năng hô hấp một cách đáng kể, do đó người bệnh luôn thiếu dưỡng khí gây nên mệt mỏi, sụt cân, ảnh hưởng đến nhiều chức năng khác của cơ thể, nhất là hệ tuần hoàn và hệ thần kinh trung ương (tim đập nhanh, mệt mỏi, buồn ngủ...). Viêm phế quản mạn tính thường có 2 loại: loại lành tính và loại ác tính. Viêm phế quản mạn tính lành tính là loại chỉ xảy ra ở phần thân của các phế quản lớn (khí quản, phế quản gốc, thuỳ và phân thuỳ). Nếu hiện tượng viêm nhẹ thì ít khi gây suy hô hấp, loại viêm phế quản mạn tính lành tính chiếm tỷ lệ cao nhất (khoảng 90%). Viêm phế quản mạn tính thể ác tính chiếm tỷ lệ thấp hơn rất nhiều (khoảng 10%), thường xảy ra ở các tiểu phế quản và gây hội chứng tắc nghẽn thở ra (syndrome obstructif expiratoire) dẫn đến suy thở và rất dễ dẫn đến tâm phế mạn ở người cao tuổi.
Khám thực thể, khi nghe phổi sẽ thấy có ran rít và ran ẩm nhỏ hạt ở 2 phế trường. Trong những đợt tiến triển cấp tính thì khi nghe phổi có thể thấy nhiều ran hơn khắp 2 phế trường. Khi bệnh có xu hướng tiến triển xấu đi (hình thành bệnh khí phế thũng) thì khám thấy rì rào phế nang giảm rõ rệt. Các loại cận lâm sàng như xét nghiệm công thức máu sẽ thấy đa hồng cầu (một thời gian vài năm sau khi bị viêm phế quản mạn tính); lưu lượng hô hấp khi gắng sức sẽ giảm; dung tích sống, thể tích thở ra tối đa giảm; PaO2 và PaCO2 giảm (khi đo khí trong máu). Xquang có thể thấy mạng lưới phế - huyết quản tăng đậm.
Để không bị mắc viêm phế quản mạn tính
Một số thói quen như nghiện thuốc lá hoặc thuốc lào nên bỏ càng sớm càng tốt. Nếu chưa có điều kiện dùng bếp ga, bếp điện thì cần cải thiện việc dùng bếp than, củi, rơm rạ bằng cách dùng loại bếp ít khói. Nhà ở cần thông thoáng để tránh hiện tượng khói bếp ứ đọng nhiều giờ, không khí không được lưu thông. Cùng với cộng đồng, tích cực tham gia hoặc vận động mọi người trong gia đình, làng xóm, dân phố vệ sinh môi trường sống càng sạch, càng ít bụi càng tốt. Nếu bị viêm đường hô hấp (hô hấp trên và hô hấp dưới) cần được khám và điều trị dứt điểm, không để bệnh trở thành mạn tính. Cần tập thể dục thường xuyên để điều hoà nhịp thở như hít thở, đi bộ, chơi thể thao. Tập thể dục và chơi thể thao phải tuỳ theo sức của mình, không nên gắng sức tập quá khả năng hoặc quá sức lực của mình và phải tập theo bài bản.
PGS.TS.TTƯT. Bùi Khắc Hậu
Phòng ngừa viêm phế quản
suckhoedoisong.vn - Thứ Hai, 20/09/2010 07:10
Tôi bị ho có đờm dai dẳng hai năm nay, nhất là khi giao mùa, đã uống nhiều thuốc nhưng không hết. Tôi rất lo lắng, mong được bác sĩ tư vấn giúp.
Hoàng Xuân Hiến (Nam Định)
Rất có thể bạn bị viêm phế quản mạn tính tắc nghẽn. Nguyên nhân chủ yếu do nghiện thuốc lá, ngoài ra còn do ô nhiễm môi trường ở thành thị hoặc do thời tiết. Đầu tiên, bệnh mới ở giai đoạn thiểu năng thông khí, chưa có rối loạn các khí trong máu. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh tiến triển đến suy hô hấp mạn tính, với thiếu ôxy máu, rồi kết hợp với ưu thán, sau có tăng áp lực động mạch phổi, cuối cùng là bệnh tim - phổi mạn tính với suy tâm thất phải.
Bạn nên đi khám chuyên khoa tai - mũi - họng, chuyên khoa hô hấp để tìm đúng nguyên nhân gây bệnh. Tự ý uống thuốc trị ho sẽ không khỏi bệnh mà đôi khi còn khiến cho việc điều trị sau này sẽ khó khăn hơn. Đối với bệnh viêm phế quản, muốn điều trị có hiệu quả, trước tiên người bệnh nếu có hút thuốc lá thì cần phải bỏ thuốc lá, đồng thời, tránh nơi ô nhiễm môi trường. Bệnh nhân nên tập thể dục thể thao thường xuyên, đặc biệt là phương pháp thở khí công, Yoga để tăng dung lượng thở (tập luyện đúng phương pháp). Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ là một trong những điều quan trọng nhất. Hạn chế dùng thuốc ngủ hoặc thuốc chống lo âu vì sẽ làm giảm hô hấp.
BS. Nguyên Diễn
Tự xoa bóp phòng ngừa viêm khí phế quản mạn
suckhoedoisong.vn - Chủ Nhật, 05/09/2010 09:18
Bệnh viêm khí quản mạn tính thường gặp khi thời tiết đổi mùa. Nguyên nhân do người bệnh khi bị viêm họng, viêm khí quản cấp tính nhưng không điều trị kịp thời hoặc điều trị không dứt điểm nên chuyển thành mạn tính; hoặc do bị cảm cúm mà chuyển thành viêm khí phế quản.
Day huyệt đản trung. |
1. Day huyệt đản trung: dùng ngón cái hoặc ngón giữa tay phải day huyệt đản trung trong khoảng 2 phút.
Day huyệt hợp cốc. |
2. Day huyệt khuyết bồn: dùng ngón giữa day huyệt khuyết bồn hai bên trong khoảng 2 phút.
3. Day huyệt nhũ căn: dùng ngón cái hoặc ngón giữa day huyệt nhũ căn cả hai bên trong khoảng 2 phút.
4. Xoa ngực: Trước hết, dùng lòng bàn tay phải xoa từ ngực bên phải sang bên trái. Sau đó đổi tay, dùng tay trái xoa ngực từ bên trái sang bên phải. Khi xoa, tay đưa đi đưa lại theo một đường thẳng. Bàn tay xoa có lực nhưng không nên ép mạnh quá gây tổn thương da. Động tác phải đều đặn, hít thở đều. Tốc độ xoa khoảng 100 - 120 lần/phút tới khi ngực nóng lên thì thôi.
5. Day huyệt phong môn: Trước hết, tay phải đưa về phía sau vai trái, ngón tay giữa áp vào huyệt phong môn day trong khoảng 2 phút. Sau đó đổi tay trái đưa về phía sau vai phải, ngón tay giữa áp vào huyệt phong môn day trong khoảng 2 phút.
6. Day huyệt phế du: Tay phải đưa về phía sau vai trái, ngón giữa áp vào huyệt phế du day trong 2 phút. Sau đó đổi tay trái đưa về phía sau vai phải, ngón giữa áp vào huyệt phế du và day trong 2 phút.
7. Bấm huyệt hợp cốc: Dùng ngón cái hoặc ngón trỏ, ngón giữa bấm vào huyệt hợp cốc mỗi bên khoảng 10 lần. Khi bấm, động tác theo nhịp một mạnh, một nhẹ.
8. Day huyệt túc tam lý: Dùng ngón cái tay phải bấm vào huyệt túc tam lý bên chân phải và day trong 1 phút. Lặp lại tương tự với chân trái. Cũng có thể bấm đồng thời cả hai bên.
Dù là day, bấm hay vuốt vào huyệt vị, nếu thấy cảm giác tê tức là được.
Để phòng bệnh, cần thực hiện những điều sau:
- Bỏ hút thuốc.
- Phòng chống nhiễm khuẩn đường hô hấp trên bằng súc họng, nhỏ mũi. Nên tiêm vaccin phòng bệnh cúm. Đeo khẩu trang khi ra ngoài trời và khi phải tiếp xúc với người bị ho hoặc hắt hơi.
- Uống nhiều nước, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung các loại vitamin để tăng cường thể lực.
- Nhà ở phải thoáng mát về mùa hè và ấm về mùa đông. Đối với người già và trẻ em, cần giữ ấm chân, cổ, ngực, nhất là khi ngủ và lúc ra ngoài trời. Mùa rét không tắm nước lạnh, nơi tắm phải kín, không có gió lùa dễ gây viêm họng, viêm khí phế quản.
- Điều trị tốt các bệnh ở tai mũi họng. Khi có bội nhiễm cần kết hợp dùng thuốc theo y học hiện đại.
Vị trí huyệt - Huyệt đản trung: Ở điểm gặp nhau của đường dọc giữa xương ức với đường đi qua 2 núm vú (nam giới) hay đường đi ngang qua bờ trên 2 khớp xương ức thứ 5 (nữ giới). - Huyệt khuyết bồn: Huyệt ở chỗ lõm chính giữa mép trên xương đòn, thẳng xuống dưới là đầu vú. - Huyệt nhũ căn: Ở giữa gian sườn 5, thẳng dưới đầu vú, cách đường giữa ngực 4 tấc. - Huyệt phong môn: Dưới mỏm gai đốt sống lưng 2 đo sang ngang 1,5 tấc. - Huyệt phế du: Dưới mỏm gai đốt sống lưng 3, đo sang ngang ra 1, 5 tấc. - Huyệt hợp cốc: Huyệt nằm ở điểm giữa xương bàn tay 1 và 2 về phía mu tay. Hoặc khép ngón trỏ và ngón cái sát nhau, huyệt ở điểm cao nhất của cơ bắp ngón trỏ ngón cái. - Huyệt túc tam lý: Úp lòng bàn tay vào giữa đầu gối, đầu ngón tay giữa chạm vào xương ống chân (xương chày), từ đó ngang ra phía ngoài 1 tấc là huyệt. |
Lương y Đình Thuấn
Đăng nhận xét