Đường fructose là một loại đường đơn, mà cơ thể có thể sử dụng để sinh năng lượng. Do loại đường này không làm tăng cao nồng độ đường trong máu nên có lúc loại đường này được cho là có thể thay thế cho đường mía (đường saccharose). Tuy nhiên Hội tiểu đường Hoa kỳ và các chuyên gia dinh dưỡng đã thay đổi quan niệm về vấn đề này.
Fructose có chỉ số đường huyết (Glycemic index hay IG) rất thấp, khoảng 22 nên làm tăng glucose trong máu lên chậm so với đường sucrose (đường mía) có IG khoảng 67.
Chỉ số đường huyết IG là vận tốc chuyển hóa của một chất bột đường carbohydrate ra thành glucose để được hấp thụ vào máu. IG càng cao, đường huyết càng tăng nhanh.
Về mặt tạo năng lượng, 1 gram fructose cho ra 3 Calories trong khi 1 gram sucrose tạo ra 4 Calories. Trong cơ thể, năng lượng dư thừa sẽ được chuyển ra thành mỡ.
Fructose thiên nhiên trong trái cây chiếm một tỉ lệ không đáng kể. Trong rau quả, fructose (và một vài loại đường khác) luôn luôn phối hợp với một số dưỡng chất khác để giúp cho việc hấp thụ được dễ dàng. Điển hình như chất xơ có trong trái cây làm chậm lại sự hấp thụ của đường.
Fructose tự do là dạng đường được cho thêm vào (added sugar) trong thức ăn, đồ uống để tạo vị ngọt. Người ta thường sử dụng đường Fructose cao của sirop bắp (high fructose corn sirup viết tắt là HFCS).
Ảnh hưởng của fructose đến sức khỏe và cách phòng tránh
Nếu tiêu thụ một lượng fructose bình thường sẽ không gây hại gì đến sức khỏe. Ngược lại, việc lạm dụng hay tiêu thụ lượng lớn đường fructose dưới dạng sirop bắp (HFCS) sẽ là nguyên nhân của nhiều loại bệnh tật như bệnh tim mạch, béo phì và tiểu đường type 2.
Thông thường thì chất bột đường carbohydrate tiêu thụ sẽ được chuyển ra thành đường đơn glucose. Vào máu, glucose sẽ kích thích tuyến tụy tiết hormone insuline giúp đem glucose vào tế bào để tạo năng lượng đồng thời cũng giúp vào việc điều chỉnh nồng độ đường huyết ở mức thích hợp. Riêng fructose được chuyển hóa tại gan. tiêu thụ quá nhiều fructose sẽ làm cho gan không hoàn thành được nhiệm vụ tạo năng lượng, tạo ra chất mỡ (triglycerides) và đưa vào máu.
Đây là yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tim mạch. Ngoài ra khi hàm lượng HFCS vào cơ thể lớn sẽ tạo ra các chất có tên gọi reactive carbonyls gây tổn hại tế bào bêta của tuyến tụy (nơi sản xuất insuline) là nguyên nhân dẫn tới bệnh tiểu đường type 2.
Hiện nay, các vấn đề về đường fructose vẫn còn rất nhiều nghi vấn. Cộng đồng khoa học chưa hoàn toàn thống nhất ý kiến với nhau về mặt lợi và bất lợi của loại đường này. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bất cứ một loại đường nào nếu bị lạm dụng hoặc ăn quá nhiều cũng đều có hại cho sức khỏe. Tránh ăn quá ngọt, tiết chế trong ăn uống, tập thể dục thường xuyên và nên theo đuổi một nếp sống lành mạnh là điều cần thiết đối với tất cả mọi người để có một sức khỏe tốt.
Ks. Hà Mỹ Thuận - Tổng hợp
Đăng nhận xét