soha.vn - Thái Phong (T.H) | 26/02/2015 07:15
Sỏi thận không chỉ gây đau đớn cho người mắc bệnh mà còn là nguyên nhân dẫn đến suy thận mạn tính với tỷ lệ tử vong lên đến 90%.
Sỏi thận là sự lắng đọng của những tạp chất kết tinh lại tạo thành sỏi trong thận. Tùy vào thời gian hình thành, vị trí và độ lắng đọng mà kích thước của viên sỏi có độ lớn nhỏ khác nhau.
Sỏi thận thường hình thành một cách từ từ trong một thời gian dài, tương đối lặng lẽ nên hầu hết bệnh nhân đều không biết mình bị sỏi thận. Chỉ đến khi sỏi gây đau đớn hoặc trôi ra ngoài theo nước tiểu thì người bệnh mới biết.
Sỏi thận là căn bệnh phổ biến hiện nay. Đặc biệt, tại Việt Nam, số người mắc bệnh sỏi thận gia tăng rất nhanh so với con số thống kê của những năm trước. Ngay cả nhóm đối tượng ít mắc sỏi thận như nữ giới thì gần đây số bệnh nhân thuộc nhóm này cũng tăng.
Sỏi thận không chỉ gây đau đớn cho người mắc bệnh mà còn là nguyên nhân dẫn đến suy thận mạn tính với tỷ lệ tử vong lên đến 90%. Chính vì thế, cần nhận thức rõ sự nguy hiểm của căn bệnh này để trang bị kiến thức nhận diện, phòng tránh cho bản thân.
1. Nguyên nhân gây bệnh sỏi thận:
Để tạp chất có thể lắng đọng và kết tủa được trong thận, cần có những điều kiện thuận lợi cho chúng như sau:
- Lượng nước tiểu quá ít khiến thành phần của nó trở nên đậm đặc.
- Thời gian nước tiểu lưu lại trong dòng tiết niệu quá lâu.
- Hàm lượng tạp chất quá cao, trong đó có các chất rất dễ kết sỏi như canxi, oxalate, urat...
Sỏi thận (Ảnh minh họa)
Để có những điều kiện thuận lợi cho việc kết sỏi trên, nguyên nhân chính là do thói quen ăn uống, sinh hoạt của người bệnh.
- Ăn nhiều thực phẩm chứa oxalat như mì ăn liền, rau dền, rau muống, bạc hà...: Oxalate là chất gây sỏi thận.
- Lạm dụng thuốc sủi bọt như thuốc đa sinh tố, thuốc cảm: Phụ gia của thuốc là đòn bẩy cho phản ứng kết tủa trên đường tiết niệu.
- Dùng thuốc canxi liều cao: Uống quá nhiều canxi hoặc dùng canxi ở liều cao khiến chất vôi thừa trong cơ thể không đào thải kịp, kết tủa lại thành sỏi thận.
- Ăn đồ ngọt vào buổi tối: Đặc biệt ở nam giới, khiến chức năng bài tiết của thận bị xáo trộn.
2. Triệu chứng của sỏi thận:
Sỏi thận thường có những triệu chứng sau:
- Đau: Triệu chứng đau do sỏi thận có thể khiến đau dữ dội, đau thường khởi phát từ các điểm niệu quản, lan dọc theo đường đi của niệu quản xuống phía gò mu, cũng có khi đau xuyên cả ra hông, lưng, có khi buồn nôn và nôn.
Cũng có khi các cơn đau âm ỉ, gặp ở những trường hợp sỏi vừa và thậm chí lớn nhưng nằm ở vị trí bể thận.
- Đái ra máu: Đái ra máu là biến chứng thường gặp của sỏi thận - tiết niệu, nhất là khi sỏi đang di chuyển bên trong niệu quản gây đau kèm đái máu.
- Đái buốt, đái rắt, đái mủ: Khi có nhiễm khuẩn tiết niệu, triệu chứng đái buốt, đái rắt, đái mủ tái phát nhiều lần, có thể đái ra sỏi
- Sốt: Người bệnh sốt cao, rét run kèm theo triệu chứng đau hông, lưng, đái buốt, đái rắt, đái mủ là dấu hiệu của viêm thận - bể thận cấp.
- Các dấu hiệu tắc nghẽn đường niệu: Đái tắc từng lúc hoặc hoàn toàn.
3. Cách phòng bệnh sỏi thận:
- Uống nhiều nước: Uống 2 - 3 lít mỗi ngày, không uống dồn một lúc mà chia rải rác trong ngày.
- Ăn uống cân đối: Ăn đủ 4 nhóm thức ăn (bột, đường, mỡ, vitamin), không nên thiên lệch một loại thực phẩm, rau quả nào.
- Ăn nhiều đậu phụ và các chế phẩm từ đậu nành: Vì chất đạm lecithin trong đậu nành có khả năng phá vỡ cấu trúc của sỏi để viên sỏi thành sạn cát rồi theo dòng nước tiểu trở về với thiên nhiên.
- Thường xuyên dùng các loại thảo dược có công năng lợi tiểu nhẹ: Những thảo dược lợi tiểu như râu mèo, râu bắp, atisô... có thể làm tăng tiến độ đào thải tạp chất qua đường tiểu.
theo Đại Lộ
Đăng nhận xét