Mẩn ngứa không rõ nguyên nhân: Cần kiểm tra chăn đệm

Thứ Ba, 27/05/2008 - 16:28

(Dân trí) - Những nốt mẩn này to như nốt mụn trứng cá, đỏ rực, đôi khi lại nổi ti li vài ba nốt ở một chỗ. Bôi thuốc Fenagan hoặc quên không bôi thì chiều tối nốt mẩn ngứa cũng tự lặn, nhưng đến sáng hôm sau, quanh cổ, gáy, hai đùi lại bị nổi
Các nốt mẩn ngứa trên người con gái cứ theo chu kỳ sáng lên, chiều lặn làm chị Vũ Thị Hải (Thanh Xuân, HN) không khỏi lo lắng. Sợ con bị dị ứng thức ăn, chị đã cẩn thận theo dõi mà không tìm ra nguyên nhân...
Không yên tâm, chị Hải đưa con đi khám bác sĩ da liễu và cũng được kê thuốc Fenagan để bôi. Khi nghe chị kể diễn biến bệnh và được biết nhà chị vẫn ngủ để đệm nhưng trải chiếu trúc lên trên, bác sĩ đã khuyên chị nên về nhà bỏ đệm, giặt, phơi khô chăn màn, ga gối… xem tình trạng nổi mẩn ngứa có hết không. Quả nhiên, tình trạng mẩn ngứa của con chị được khắc phục.
Theo BS Nguyễn Văn Lộc, nguyên Phó Giám đốc BV Nhi T.Ư cho biết, cháu bé này bị mẩn ngứa nhiều khả năng là do con mạt có trong chăn ga, gối, đệm, thảm nhà, thú bông...
Tác nhân gây dị ứng
Không chỉ gây hiện tượng mẩn ngứa, mà con mạt này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng về đường hô hấp, nhất là ở những người có cơ địa dị ứng, viêm mũi dị ứng, bị hen.
Mạt có thể sinh sống, phát triển trong chăn, chiếu, đệm và là một trong những nguyên nhân gây hen, dị ứng.
“Con mạt gây dị ứng vì thực tế nó là protein. Khi cơ thể bị tấn công bởi những protein lạ, rất nhỏ như bụi sẽ sinh ra kháng thể, kháng thể này kết hợp với kháng nguyên chính là nguyên nhân gây nên “trận chiến” ở đường hô hấp, có thể gây phù, chít hẹp đường thở, hay gây tiết dịch nên nhiều đờm dãi sẽ bít đường thở”, BS Lộc cảnh báo.
Ngày càng nhiều người bị dị ứng trong đó một phần là do con mạt nhưng không phải ai cũng để ý. Nhất là hiện nay, khi kinh tế khá giả hơn, nhiều nhà có điều kiện sử dụng điều hoà. Vì thế, chăn đệm không chỉ dành riêng cho mùa đông, sau đó được phơi phóng khô ráo rồi cất đi, mà có nhiều gia đình dùng đệm trong cả một năm.
Đến mùa hè, thay vì cất đệm, họ lại chải chiếu trúc lên đệm. Khi mùa đông đến, chỉ cất chiếu đi, thay vào là ga chải giường. Suốt một thời gian dài không được phơi phóng, chăn đệm sẽ là môi trường lý tưởng cho mạt phát triển. Ngoài ra, nấm mốc cũng phát triển tốt trong môi trường này. Với những cơ địa nhạy cảm, rất dễ bị dị ứng.
“Không chỉ chăn đệm, mà ngay như giá sách lâu ngày không đụng đến, khi mở sách ra đọc, tác nhân bụi, mốc khiến nhiều người bị chảy mũi, dãi ngay lập tức. Hay đơn giản như tủ quần áo dù đã phơi khô nhưng lâu ngày không mặc đến, nếu lấy ra mặc luôn, cũng có thể bị ảnh hưởng bởi bụi mốc, thậm chí nhiều người còn bị lên cơn hen”, BS Lộc nói.
Nên phơi chăn đệm thường xuyên
Mạt có thể khu trú quanh năm trên chăn đệm, chiếu, vì thế, để phòng nguy cơ dị ứng từ con mạt, quan trọng nhất là vệ sinh, phơi phóng chăn, đệm thường xuyên.
Không nên sử dụng chăn đệm suốt cả một năm, mà khi trời nắng nóng, hãy giặt sạch sẽ vỏ chăn, ga, phơi đệm, lõi bông để khô dáo, mạt sẽ không phát triển được.
Phòng ngủ cần thoáng khí, nên mở cửa sổ phòng ngủ mỗi khi có nắng hắt vào. Với những đồ chơi thú bông, nệm ghế salon… cần thường xuyên hút bụi, lau sạch sẽ.
Nhất là khi bạn thường xuyên bị mẩn ngứa, chảy nước mũi, ho không rõ nguyên nhân, cần nghĩ đến tác nhân từ mạt trong chăn đệm, nấm mốc từ quần áo, tủ sách để vệ sinh sạch sẽ.
Ngoài ra, bụi nhà cũng là một tác nhân gây dị ứng ở cả người lớn và trẻ em. Vì thế, cần thường xuyên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng đãng để tạo môi trường sống trong lành, lý tưởng nhất cho mọi thành viên trong gia đình.
Tú Linh

Đăng nhận xét