http://www.nguoiduatin.vn/bo-xit-hut-mau-tai-xuat-trong-nang-nong-o-ha-noi-a81232.html
17.05.2013 | 08:34
Anh Bùi Minh Hoàng, ở ngõ 199, Hồ Tùng Mậu, huyện Từ Liêm, Hà Nội kể, khoảng 2h sáng ngày 16/5, trong lúc chuẩn bị buông màn đi ngủ, anh bất ngờ phát hiện một con bọ xít bò ngay trên đùi trái mình. Nghi ngờ là bọ xít hút máu người, anh Hoàng đã hốt hoảng đập chết bỏ ra cửa sổ."Khi đó vừa nằm xuống giường tôi tiếp tục phát hiện thêm 2 con bọ xít nữa bò trên góc tường.
Lo sợ bọ xít hút máu, nên tôi đập chết hai con bọ xít bỏ ra ngoài hành lang", Hoàng nói. Theo anh Hoàng, dù chưa thấy vết thương do bọ xít hút máu gây ra trên đùi mình, nhưng khi đập chết hai con bọ xít, Hoàng thấy máu của hai con vật này bết ra sàn nhà nhiều, giống với máu của người.
Con bọ xít bắt được tại phòng trọ của anh Hoàng. |
Con bọ xít bắt được có màu xám, vòi chích dài, cứng và nhọn, phần bụng dẹt và to, sau lớp cánh mỏng trên lưng có những vạch ngang màu vàng nâu. Anh Hoàng hiện là sinh viên năm 2, Viện Đại học mở, thuê trọ ngõ 199, đường Hồ Tùng Mậu, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
Quan sát mẫu côn trùng này, Tiến sĩ Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Nghiên cứu côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết, đây chính là bọ xít hút máu người. Con bọ xít này có thể là một trong nhiều cá thể bọ xít hút máu sống trên địa bàn Hà Nội.
Khi đập chết bọ xít có máu giống của người. |
Ông Lam cho biết, vào mùa tháng 5, 6, 7, loài bọ xít này bắt đầu sinh sản. Bọ xít thường trú ẩn trong những nơi ẩm thấp như nhà kho gần khu dân cư, xưởng gỗ... Mỗi năm loài côn trùng này sinh sản 1 lần vào khoảng tháng 5, mỗi lần đẻ trung bình khoảng 200 trứng.
Bọ xít thường tụ tập thành ổ từ vài chục đến vài nghìn cá thể ở cùng một nơi, bò chậm chạp. Con trưởng thành có kích thước từ 1,9 đến 2,4 cm. Con nhỏ bằng 1/3 hạt gạo. Tuổi đời của loài này sống được hơn 1 năm. "Thức ăn của loài bọ xít này phần lớn là máu các loài động vật, thậm chí kể cả máu con người", ông Lam nói.
Trứng của loài bọ xít, ảnh do phòng Nghiên cứu côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cung cấp.
Hình ảnh con bọ xít hút máu khi còn non. |
Bọ xít sống thành ổ ở Cổ Nhuế, Hà Nội, ảnh do phòng Nghiên cứu côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cung cấp . |
Ông Lam cho biết thêm, ở khu đông dân cư động vật ít nên bọ xít chuyển sang tấn công người. Do vậy ở nhiều khu dân cư, đặc biệt là các căn hộ có người sinh sống thường xuyên phát hiện ra bọ xít. Theo ông Lam, hiện nay chưa có một nghiên cứu nào chứng minh rằng loài bọ xít hút máu người có thể gây chết người. Nhưng khi đốt bọ xít thường để lại vết sưng tấy, phù, gây ngứa, thậm chí là sốt cao.
"Tuy nhiên nếu người dân để bọ xít hút máu nhiều lần có thể gây sốt cao, li bì, dẫn đến nguy hiểm tính mạng", ông Lam nói. Bọ xít bắt đầu xuất hiện nhiều từ những năm 2010. Hiện có 20 tỉnh, thành phố trên cả nước ghi nhận có sự xuất hiện của loài bọ xít này. Riêng ở Hà Nội bọ xít đã xuất hiện ở 21 quận, huyện.
Xử lý vết đốt như thế nào? Còn nếu không may bị bọ xít đốt, cần rửa sạch chỗ bị đốt dưới vòi nước chảy, rửa bằng xà phòng, không gãi tại chỗ vết đốt (tránh gây xước và viêm nhiễm. Nếu vết đốt sưng nặng nề, khó chịu, ngứa thì nên đến bác sĩ da liễu. Tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ kê thuốc bôi chống viêm tại chỗ, hoặc có thể sử dụng thuốc giảm đau, kháng sinh Theo TS. Lam, khi bị bọ xít đốt, tùy theo cơ địa của mỗi người, có người chỉ một vài ngày sau vết đốt sẽ khỏi. Nhưng với người mẫn cảm với côn trùng thì vết đốt có thể sưng tấy to, bị phù, gây sốt. Có người sốt kéo dài phải cần tới sự can thiệp của các bác sĩ, nhất là đối với trẻ em - đối tượng rất ưa thích của bọ xít hút máu. Bộ Y tế cho biết, loài bọ xít hút máu này khi đốt chỉ gây cảm giác khó chịu, đau rát và ngứa tại vết đốt, đặc biệt là đối với người có cơ địa dị ứng. Vì thế, khi bị bọ xít đốt, nên rửa ngay vết đốt bằng xà phòng, tránh không gãi tại chỗ vết đốt, nếu vết đốt sưng nề cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị chống dị ứng và nhiễm trùng. |
Phú Sang (t/h)
Đăng nhận xét