http://petrotimes.vn/
(PetroTimes) - "Bệnh đột quỵ hoàn toàn có thể giảm tỷ lệ tử vong và tỷ lệ tàn tật nếu người dân được trang bị kiến thức phòng bệnh, hiểu biết các triệu chứng tai biến mạch máu não". Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo khoa học "Chiến lược dự phòng và điều trị đột quỵ não" do Tổ chức Đột quỵ não thế giới phối hợp Hội Thần kinh Việt Nam và Công ty Dược Ever Neuro Pharma (Áo) tổ chức.
Năng lượng Mới số 271
16 triệu ca/năm
Theo GS.TS Lê Văn Thinh, Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh tai biến mạch máu não (đột quỵ) thường xảy ra đối với người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) có tiền sử bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì. Một số biểu hiện ban đầu của bệnh đột quỵ mà người bệnh cần phát hiện kịp thời: Yếu cơ mặt, yếu tay và các vấn đề về ngôn ngữ, chóng mặt, mất thăng bằng, đau đầu nặng, khó thở, tim đập nhanh… tuy nhiên, các biểu hiện này thường xảy ra nhanh chóng. Đáng lưu ý, hiện nay, căn bệnh này cũng đã xảy ra đối với những người trẻ tuổi thường sử dụng thuốc lá và rượu quá mức, ít hoạt động thể lực.
GS.TS Lê Văn Thinh cũng cho biết: "Bệnh mạch não cũng như đột quỵ não đã và đang là nguyên nhân gây tử vong cao sau các bệnh như ung thư hay tim mạch và cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật cho bệnh nhân. Đáng chú ý hơn, có đến 60% bệnh nhân ở các nước đang phát triển, nơi có tần suất bệnh đang gia tăng và gia tăng tỷ lệ người cao tuổi".
Tại Việt Nam, mỗi năm có tới 200.000 trường hợp đột quỵ, trong đó có tới 90% bệnh nhân phải chịu di chứng nặng nề… Bệnh nhân đột quỵ thường hay bị tái phát và lần sau nặng hơn lần trước. "Nguyên nhân là do việc chẩn đoán, xử trí và quản lý bệnh nhân đột quỵ còn gặp nhiều khó khăn, bên cạnh đó, kiến thức về căn bệnh này của người dân còn hạn chế. Chính vì vậy, cho dù y học có nhiều sự tiến bộ, giúp tỷ lệ tử vong do đột quỵ gây ra đã giảm nhiều nhưng số lượng bệnh nhân bị tàn tật do đột quỵ lại có xu hướng tăng cao. Mức độ di chứng phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm và cách thức bệnh nhân được phát hiện, chẩn đoán và điều trị", GS.TS Lê Đức Hinh - Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam cho hay.
Hiện ở Việt Nam chưa có nghiên cứu nào về chi phí điều trị đột quỵ, nhưng cứ nhìn vào tỷ lệ 200.000 ca đột quỵ một năm và 90% số này bị di chứng, mất khả năng lao động, phải chăm sóc, thuốc thang... thì thấy, bệnh đột quỵ đang là gánh nặng lớn cho gia đình, xã hội.
Chỉ có 1% bệnh nhân được điều trị "giờ vàng"
GS.TS Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội Phòng và chống tai biến mạch máu não Việt Nam chia sẻ: "Cứ 1 trong 6 người chúng ta trong đời sẽ mắc một lần bị tai biến. Hiện nay, trên toàn quốc, chúng tôi mới chỉ thành lập được 17 đơn vị đột quỵ và phần lớn tập trung tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với trang bị cùng đội ngũ bác sĩ chuyên nghiệp. Còn khoảng trống rất lớn trong việc xây dựng đơn vị đột quỵ, như tại Đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ có một đơn vị đột quỵ. Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh có đến 5, 6 đơn vị đột quỵ".
Theo GS.TS Nguyễn Văn Thông, nguyên Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Quân đội 108: "Cần lưu ý về "giờ vàng" khi cấp cứu bệnh nhân đột quỵ, đó là khoảng thời gian 3-5 giờ đầu từ khi khởi phát đột quỵ. Với phác đồ điều trị tiên tiến hiện nay, nếu bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện trong khoảng thời gian "giờ vàng" và được điều trị bằng thuốc làm tan huyết khối, sự phục hồi sẽ rất khả quan. Tuy nhiên, ở nước ta mới chỉ có khoảng dưới 1% bệnh nhân bị đột quỵ được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết đúng cách trong "giờ vàng".
Với phác đồ điều trị tiên tiến hiện nay, nếu bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện sớm, sự phục hồi sẽ rất khả quan. Ở nước ta, khi các trung tâm đột quỵ còn chưa được thành lập rộng rãi thì chiến lược bảo vệ và kích thích quá trình phục hồi thần kinh sau đột quỵ là cần thiết để giảm di chứng của đột quỵ nặng. Có nhiều giải pháp bảo vệ dinh dưỡng và kích thích phục hồi thần kinh sau đột quỵ. Xử trí đúng cách bệnh đột quỵ sẽ giúp giảm tỷ lệ tử vong; giảm số ngày phải điều trị nội trú và giảm di chứng, tăng cơ hội sống không cần sự giúp đỡ cho người bị đột quỵ. Các chuyên gia y tế nhấn mạnh, đây là bệnh có thể phòng được, bằng một chế độ sinh hoạt lành mạnh: ăn uống điều độ, nhiều chất xơ, rau, hoa quả…; ăn ít muối và đường, ít chất béo, tránh hút thuốc hoặc uống rượu; nên tập thể dục hằng ngày. Người cao tuổi, bị cao huyết áp, đái tháo đường, béo phì, ít vận động… thì khả năng bị đột quỵ cao.
Nhồi máu não khởi phát rải rác đều trong ngày nhưng thường tập trung nhất là vào ban đêm về sáng do buổi sáng cơ thể tiết ra nhiều hormon chuyển hóa, dễ xảy ra những cơn tăng huyết áp. Triệu chứng kèm theo như đột ngột yếu, liệt hoặc tê mặt, tay hay chân một bên thân người; nhìn không rõ hoặc không nhìn thấy, nhất là ở một mắt; nói không được, nói lắp bắp khác thường hoặc đột ngột nhức đầu dữ dội không có nguyên nhân rõ ràng hay chóng mặt, đi lại loạng choạng hoặc ngã, nhất là khi có những triệu chứng trên kèm theo. |
Minh An
Đăng nhận xét