Hơn chục năm lén lút ngâm chuối trong hóa chất rồi tung ra thị trường

Thứ năm 04/09/2014 17:58

ANTĐ - Khoảng 10h ngày 4-9, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ CAH Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi phát hiện, bắt quả tang một cơ sở dùng hóa chất lạ mang nhãn mác Trung Quốc để ngâm chuối bán ra thị trường.


Số chuối được ngâm hóa chất

Cơ sở dùng hóa chất lạ mang nhãn mác Trung Quốc để ngâm chuối có địa chỉ tại xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Cơ sở này được ông Hoàng Phú Tới (SN 1953, trú tại xã Cao Nhân, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) thuê lại của bà Lê Thị Trang – người ở địa phương với 2triệu đồng/tháng, cách đây khoảng 1 tuần.


Lọ hóa chất có nhãn mác Trung Quốc

Tại đây, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ CAH Sơn Tịnh đã phát hiện ông Tới đang sử dụng 184 lọ hóa chất lạ, mang nhãn mác Trung Quốc dùng để ngâm chuối.


292 thùng chuối đã ngâm hóa chất chuẩn bị tung ra thị trường

Ông Hoàng Phú Tới cho biết: Số hóa chất này là mua tại cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn với giá 5 triệu đồng/thùng (40 lọ). Theo ông, loại hóa chất này có tác dụng dùng để kích thích cho trái chuối tươi và xanh lâu hơn….


Lực lượng Công an làm việc với chủ cơ sở dùng hóa chất ngâm chuối

CAH Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi đã tạm giữ toàn bộ số hóa chất và 292 thùng chuối đã ngâm qua hóa chất chuẩn bị đi tiêu thụ ra thị trường. Đáng nói, loại hóa chất này không có tem công nhận được sử dụng tại Việt Nam. Với cách làm này, ông Tới thừa nhận việc dùng chất để ngâm chuối đã hơn 10 năm nay…

Hiện CAH Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi đang tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng làm rõ số hóa chất này.

Trần Văn

 

Hóa chất "thúc" giá đỗ là độc tố cấm dùng

Thứ ba 03/12/2013 06:45

ANTĐ - 80.000 ống hóa chất kích thích giá đỗ nhập lậu từ Trung Quốc về Việt Nam mà Công an Hà Nội phát hiện, thu giữ đã được nhận diện thành phần. Đáng lưu ý, hóa chất này không được phép sử dụng trong thực phẩm, không có trong danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.


  • Hóa chất kích thích giá đỗ của Trung Quốc không được phép sử dụng tại Việt Nam

Độc tố cấm… đi chui vào Việt Nam

Như Báo ANTĐ đưa tin, đêm 12, rạng sáng 13-11, tổ công tác Đội 6 Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm (PCTP) về môi trường - CATP Hà Nội, phối hợp với Đội QLTT số 11 - Chi Cục QLTT Hà Nội phục kích, kiểm tra 2 xe ô tô tải, trọng tải mỗi xe 15 tấn, chở hơn 90 tấn đỗ xanh nguyên hạt, đỗ đen, đỗ tương, đang dừng đỗ ở phố Hà Huy Tập (huyện Gia Lâm). Quá trình kiểm tra, tổ công tác phát hiện trên xe ô tô BKS 29C-215.28 do lái xe Trịnh Quang Doanh (SN 1981), ở Tiên Du, Bắc Ninh điều khiển chở 47 tấn đỗ và 20 thùng chứa chất kích thích tăng trưởng (tương đương 80.000 ống, loại 2ml/ống). Toàn bộ số thuốc trên có in nhãn mác Trung Quốc, không có tem nhãn phụ, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Quá trình đấu tranh, lái xe khai nhận dự định chuyển hàng chục nghìn ống thuốc kích thích cho các cơ sở sản xuất giá đỗ ở nhiều tỉnh, thành phía Nam.

Năm lần ký công văn và gửi mẫu đến các Trung tâm, Viện nghiên cứu về ATTP và thuốc bảo vệ thực vật lớn nhỏ tại Hà Nội, nhằm xác định thành phần hóa chất, nhưng không ai tiếp nhận; cuối cùng, Đội QLTT số 11 đã phải "cầu cứu" Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. Cuối tháng 11-2013, cơ quan này đã có công văn trả lời kết quả phân tích. Theo đó, 80.000 ống hóa chất trên có thành phần chủ yếu là chất 6-BA (6-Benzylaminopurine) và một lượng nhỏ pCPA (4-Chlorophenoxyacetic acid hoặc
Parachlorophenoxyacetate…), được pha chế trong môi trường kiềm. Theo các chuyên gia kỹ thuật hình sự: 6-BA và pCPA là các chất kích thích tăng trưởng thực vật, thuộc họ Cytokinins và họ Auxins có tác dụng kích, thúc sự nảy mầm và sinh trưởng của cây trồng (dùng nhiều trong giá đỗ và cây su su…), để kìm hãm sự phát triển của rễ, thúc đẩy hình thành mầm hoa và nở hoa, quá trình tạo quả và sinh trưởng của quả.

"Loại hóa chất trên không nằm trong danh mục các hóa chất được phép sử dụng trong thực phẩm, do Bộ Y tế quy định và cũng không có trong danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam" - Đại tá Hà Quốc Khanh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, cho biết trong công văn trả lời. Cơ quan giám định khuyến cáo: Do chứa hàm lượng kiềm cao nên nếu chất lỏng trên tiếp xúc trực tiếp với cơ thể người, có thể gây bỏng da, hỏng mắt. Nếu nuốt hay hít phải có thể làm tổn thương bộ máy tiêu hóa và hệ hô hấp.


Ngành Y tế cần tìm ra ngay phương pháp kiểm tra nhanh loại giá đỗ ngâm hóa chất độc hại


Chặn được từ "ngọn"

Một trong những nguyên nhân khiến thực phẩm mất an toàn, có "đất sống" lâu nay chính là do sự tắc trách, thiếu sâu sát của các lực lượng chức năng trong khâu kiểm tra, giám sát. Việc những người nông dân, cơ sở sản xuất lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích, phân bón trong sản xuất rau, củ, quả; sử dụng thuốc tăng trọng, chất tạo nạc trong chăn nuôi được báo chí cảnh báo lâu nay (kể cả việc sử dụng hóa chất để sản xuất giá đỗ), nhưng "phản ứng" được ghi nhận nhất từ phía các cơ quan chức năng không gì hơn là... im lặng. Hơn một tháng sau khi Công an Hà Nội phát hiện, ngăn chặn vụ tiêu thụ 80.000 ống hóa chất kích thích giá đỗ, thì các ngành như Y tế, NN&PTNT cũng không tỏ ra "nóng ruột" trong việc truy nguyên loại độc tố nguy hiểm này. Việc khuyến cáo người dân, cảnh báo các cơ sở sản xuất cũng không hề có.

Chỉ huy Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường chia sẻ: "Thước đo hiệu quả trong đấu tranh, ngăn chặn các vi phạm về ATVSTP không nên tính bằng số lượng các vụ bắt giữ, mà hãy tính xem các vụ, việc ấy đã "đánh" trúng, đúng những lo lắng thường trực của nhân dân chưa". Vụ phát hiện 80.000 ống hóa chất độc hại dùng vào việc sản xuất giá đỗ - chính là một trong số ít các vụ, việc được đánh giá đi đúng định hướng đó. "Không chỉ dừng lại ở việc bắt giữ, gửi mẫu phân tích và khuyến cáo, chúng tôi đang tiếp tục mở rộng việc trinh sát để sớm phát hiện, bắt quả tang các "lò" sản xuất giá đỗ tại Hà Nội sử dụng loại hóa chất cấm này" - Trung tá Phạm Giang Sơn - Đội trưởng Đội 6 Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường khẳng định. Cũng theo chỉ huy Đội 6, đơn vị sẽ tham mưu cho Ban chỉ huy Phòng có công văn kiến nghị các ngành chức năng siết chặt việc kiểm soát, ngăn chặn hóa chất này ở khu vực cửa khẩu, hạn chế loại độc tố này "chảy" tự do về các địa phương như thời gian qua. "Thông tin trinh sát ghi nhận được cho thấy, vẫn còn tình trạng các xe vận chuyển hóa chất độc hại từ biên giới về xuôi tiêu thụ" - đại diện Đội 6 cho biết.

Giống như việc tạo ra các que thử để kiểm tra hàn the trong giò chả, hay formaldehyde trong bánh phở, việc cấp thiết lúc này với ngành Y tế, đặc biệt là Sở Y tế Hà Nội là cần tìm ra ngay "phép thử" có thể "đọc" được giá đỗ bị ngâm hóa chất độc hại. Theo nguồn tin riêng của PV ANTĐ, đã có một cơ quan liên hệ với phòng nghiệp vụ Công an Hà Nội để thu thập thông tin về loại hóa chất này, phục vụ cho việc nghiên cứu phòng ngừa độc tố có trong thực phẩm. Tuy nhiên, cơ quan đó không thuộc ngành Y tế. 

Thu Hạnh

 

"Bó tay" với hóa chất "lạ" ngâm thực phẩm

Thứ tư 24/04/2013 07:05

ANTĐ - Hàng tấn nội tạng động vật, gia cầm đã qua sơ chế được ngâm, tẩm trong các dung dịch "lạ", "tuồn" từ nước ngoài vào Việt Nam liên tiếp được các lực lượng CATP Hà Nội phát hiện, bắt giữ những ngày qua. Hóa chất tẩm ướp ấy là loại gì, tác hại với người sử dụng ra sao... là các câu hỏi cơ quan kiểm nghiệm chưa có lời giải!

Thịt gà, tim, gan... đều ướp


Nội tạng động vật được ngâm, tẩm trong hóa chất "lạ"

Theo ghi nhận của PV ANTĐ, từ đầu tháng 4-2013 đến nay, các lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường, CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV - CATP Hà Nội đã liên tiếp phát hiện, bắt giữ gần 10 vụ đối tượng vận chuyển nội tạng động vật, gia cầm đã qua sơ chế không rõ nguồn gốc, nhiều khả năng "nhập chui" từ nước ngoài vào Việt Nam, về Hà Nội tiêu thụ hoặc trung chuyển đi nơi khác. Mới đây nhất, sáng 20-4, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV - CATP Hà Nội, phối hợp với Đội QLTT số 17 - Chi cục QLTT Hà Nội phát hiện, bắt quả tang Ngô Văn Thanh (SN 1975), trú tại xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn điều khiển xe ô tô tải BKS: 30Z-5780, chở 21 thùng xốp, ngoài có dán nhãn ghi chữ Trung Quốc, trong chứa nội tạng động vật, gia cầm đã qua sơ chế, tất cả đều ngâm - tẩm trong một dung dịch "lạ", khả năng là hóa chất bảo quản chống ôi thiu. Làm việc với cơ quan công an, lái xe Thanh khai nhận, được một người thuê chở số nội tạng, gia cầm ngâm hóa chất "lạ" trên từ khu công nghiệp Nội Bài (Hà Nội), về Hưng Yên tiêu thụ.

Thống kê, phân tích gần 10 vụ bắt giữ thực phẩm "bẩn" từ đầu tháng 4-2013 đến nay, đại diện Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường khẳng định, thủ đoạn vận chuyển "hàng bẩn" đang có nhiều thay đổi. Ngoài vụ bắt giữ hơn 1 tấn nội tạng, gia cầm đã qua sơ chế, các vụ việc bị phát hiện trước đó có số lượng nhỏ lẻ (từ 300-400kg). Để tránh bị lực lượng chức năng phát hiện, các đối tượng buôn thực phẩm "bẩn" đang xé lẻ hàng gửi trên xe khách chất lượng cao, chứ không thuê xe tải "đánh" chuyến lớn như trước kia. Trinh sát Đội PCTP trong lĩnh vực y tế - VSATTP (Đội 6), Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường khẳng định: thực phẩm "bẩn" tuồn về bán ở Hà Nội đã giảm đáng kể. Hiện "hàng" (gia cầm) chủ yếu trung chuyển về Thủ đô để đi các tỉnh lân cận, còn nội tạng động vật (tim, gan, phổi, lòng) phần lớn được xé lẻ, gửi xe khách chất lượng cao lên một số tỉnh phía Bắc, vào các nhà hàng để chế biến món Thắng Cố đặc sản. Phương thức, thủ đoạn vận chuyển khác nhau, song các vụ bắt giữ đều có điểm chung, thực phẩm đều đã qua ngâm - tẩm trong dung dịch "lạ".


Hơn 20 ngày qua, Công an Hà Nội phát hiện khoảng 10 vụ vận chuyển thực phẩm "bẩn"

Hóa chất... độc 

Thông tin với PV ANTĐ về những loại dung dịch ngâm - tẩm thực phẩm này, Thiếu tá Ngô Anh Thuấn - Đội phó Đội 6, Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường cho biết: Vài năm trước thực phẩm "bẩn" - chủ yếu là nội tạng động vật, "nhập chui" vào Việt Nam đa phần ướp formaldehyde (chất chống ôi thiu). Tuy nhiên những năm trở lại đây, quá trình kiểm tra, bắt giữ các vụ vận chuyển thực phẩm "bẩn", lực lượng công an lấy mẫu gửi cơ quan chuyên môn kiểm tra, không còn phát hiện loại hóa chất độc hại này. "Thực phẩm nhập lậu, đi đường dài nên chắc chắn có hóa chất chống ôi thiu, nhưng nó là loại gì, độc hại ra sao thì cơ quan chức năng chưa biết" - đại diện Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường cho biết.

Thiếu tá Ngô Anh Thuấn cho hay, lực lượng công an rất cố gắng để tìm ra tên loại hóa chất mới này, nhưng vẫn như "mò kim đáy bể". Theo chỉ huy Đội 6, mỗi mẫu thực phẩm "bẩn" khi gửi đi phân tích, lực lượng chức năng phải "gợi ý" cho cơ quan kiểm nghiệm, kiểm tra theo các chỉ tiêu yêu cầu, bởi máy móc tại các phòng xét nghiệm không tự "đọc", tự tìm ra được tên hóa chất. Không chỉ tập trung bắt giữ nội tạng động vật, gia cầm "bẩn", các lực lượng CATP cũng đang ráo riết xác minh, làm rõ đường dây vận chuyển sản phẩm động vật, gia cầm như: sụn gà, sụn lợn... có dấu hiểu "thẩm lậu" từ nước ngoài, không qua kiểm dịch vào Việt  Nam.

Hoa quả từ các tỉnh biên giới phía Bắc "chảy" về các chợ lớn tại Hà Nội cũng nằm trong "nghi án" tẩm ướp hóa chất. Đơn vị đang có kế hoạch kiểm tra một số xe hoa quả từ biên giới về bán tại chợ Long Biên, song trước khi triển khai, trinh sát phải khoanh vùng cho được tên một số hóa chất bảo quản nghi vấn, gửi mẫu đi phân tích, trên cơ sở đó mới có căn cứ xử lý, cảnh báo tới người tiêu dùng - đại diện Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường cho biết thêm.

Thu Hạnh

 

Thực phẩm, hàng hóa độc hại của Trung Quốc: Phải "cấm cửa" không cho vào Việt Nam

Chủ nhật 26/08/2012 07:00

ANTĐ - Một loạt những vụ bê bối về thực phẩm độc hại của Trung Quốc trong suốt thời gian qua đã khiến cả thế giới phải rùng mình. Mỗi ngày qua đi lại có thêm một vụ thực phẩm bẩn, độc hại xuất hiện. Những "sát thủ giấu mặt" đó vẫn hàng ngày hàng giờ được hiện diện trên bàn ăn của mỗi gia đình. Không chỉ thực phẩm mà những hàng hóa rẻ tiền, chất lượng kém, phát hiện có chất độc của Trung Quốc cũng đang làm nhiễu loạn thị trường thế giới. Nhiều nước đã đồng loạt tẩy chay hàng Trung Quốc. Còn ở Việt Nam,  cũng cần có những biện pháp kiên quyết "cấm cửa" không cho hàng hóa độc hại tràn vào Việt Nam.



Thực phẩm  Trung Quốc  nhìn đâu cũng thấy chất độc

Ngày 21-4 vừa qua, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu, 5 người dân tộc Dao, tại bản Phố Vây, xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ đã phải nhập viện do ăn phải hoa quả có nguồn gốc từ Trung Quốc. Sau đó, 1 bệnh nhân tử vong là cháu Tẩn U Mẩy (5 tuổi).

Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật cũng cho biết dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nho Trung Quốc nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai vượt mức cho phép 3-5 lần. Loại trái cây này đang bán tràn lan ở Việt Nam dưới nhãn nho Mỹ để đánh lừa người tiêu dùng. Cách đây không lâu, ngành thực phẩm Trung Quốc lại bị rúng động khi thông tin những quả táo đỏ, thơm ngon nổi tiếng ở Yên Đài, Sơn Đông được bọc trong túi chứa chất bột độc hại ngay từ trên cây. Những quả táo đỏ thơm ngon vẫn được bày bán rất nhiều trên thị trường Việt Nam.

Không chỉ ở Việt Nam mà  cơ quan chức năng Trung Quốc phát hiện hàng loạt cơ sở sản xuất trái cây sấy khô như đào khô, ô mai, hồng khô… của nước này sử dụng các chất phụ gia, hóa chất có thể gây ung thư. Chất tạo ngọt saccharin, sodium cyclamate; chất tạo màu carmine, amaranth; chất tẩy trắng và bảo quản sulfur dioxide. Liều lượng chất phụ gia có trong các sản phẩm này cao gấp ba lần quy định của các cơ quan chức năng. Theo các chuyên gia y tế, chất sodium cyclamate sẽ chuyển hóa thành chất cực độc có thể gây ung thư. Chất sulfur dioxide kết hợp với vitamin B1 lâu ngày sẽ gây thoái hóa não, gan, phổi... Các chất carmine, amaranth, saccharin cũng sẽ gây hại cho cơ thể con người nếu không sử dụng đúng liều lượng cho phép. Theo bà Minh, tiểu thương chợ Đồng Xuân thì các loại hoa quả sấy khô 80% là hàng Trung Quốc. Lý do chính là hàng Trung Quốc thường rẻ hơn hàng trong nước từ 20.000-30.000 đồng/kg nên những người buôn bán vì lợi nhuận thường thích bán hàng Trung Quốc hơn hàng trong nước.

Người Trung Quốc không ăn gà thải loại nên tuồn ra nước bạn


Trên một diễn biến khác, trong khi gà trong nước đang xuống giá thảm hại thì gà thải loại, nhập lậu từ Trung Quốc vẫn tiếp tục tuồn vào nước ta khiến giá gà càng lao dốc mạnh. Chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội, những ngày đầu tháng 7, lực lượng quản lý thị trường đã bắt giữ 17 tấn gà lậu. Theo tính toán mỗi ngày 10 tấn gà Trung Quốc được tiêu thụ tại Hà Nội. Theo ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, người Trung Quốc không ăn gà thải loại vì nó có tồn dư hóc môn, kháng sinh và nhiều chất độc hại mà họ chỉ ăn vịt và gà choai. Đối với gà thải loại họ chỉ bán với giá 5.000-6.000 đồng/kg. Trong khi nếu vận chuyển trót lọt và tiêu thụ tại Việt Nam thì giá lên đến 25.000 đồng/kg. Từ đầu năm tới nay, Hà Nội đã chi hơn 1 tỷ đồng tiêu hủy gà nhập lậu có nguồn gốc không rõ ràng. Tuy nhiên, nếu như dân buôn lậu lách luật đem về một tỉnh nào đó nuôi sau đó xin giấy kiểm dịch và mang đi tiêu thụ thì điều này không thể kiểm soát được.

Mối lo về bánh trung thu nhân… Trung Quốc


Mùa Trung thu sắp đến. Mối lo về bánh trung thu nhân… Trung Quốc lại hiện hữu. Còn nhớ trước mùa Trung thu năm 2011, Hà Nội đã thu giữ 2 tấn nhân bánh trung thu có xuất xứ Trung Quốc được đổ xuống số nhà 523 Thụy Khuê, địa chỉ của một công ty bánh kẹo chuyên sản xuất bánh kẹo trung thu cao cấp có tiếng từ nhiều năm nay. Bất kỳ loại nhân bánh Trung thu nào nhà sản xuất Việt Nam có nhu cầu, tiểu thương Trung Quốc đều có thể sản xuất trong 1-2 ngày với số lượng hàng chục tấn. Từ nhân bánh thập cẩm đến nhân đậu xanh, đậu đỏ, vi cá, bào ngư, dưa hấu Tân Cương, trứng muối... tiểu thương Trung Quốc có cả trăm mẫu hàng. Chỉ cần đặt cọc, hàng sẽ được  vận chuyển về theo mọi con đường tiểu ngạch hoặc thẩm lậu vào thị trường nội địa. Chính từ đây, nhân bánh Trung thu sẽ được một số các công ty bánh kẹo trong nước nhập về với giá rẻ, sau đó bọc vỏ bánh bán ra thị trường mang các thương hiệu khác nhau của Việt Nam. Điều này khiến người tiêu dùng khó có thể nhận biết được đâu là bánh Trung thu của Việt Nam, đâu là bánh Trung thu của Trung Quốc. Không chỉ tuồn ra thị trường, nhân bánh trung thu Trung Quốc còn len lỏi cả vào trong các khách sạn lớn. Mùa Trung thu trước, trong một lần kiểm tra xét nghiệm mẫu nguyên liệu bánh Trung thu lấy từ một khách sạn 5 sao cho thấy có mẫu nguyên liệu nhiễm vi sinh. Tại thời điểm thanh tra, khách sạn này cho biết nguyên liệu làm bánh Trung thu được nhập từ Trung Quốc.

Theo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), số lượng nhân bánh trung thu, trứng muối nhập lậu vào Việt Nam không có nguồn gốc rõ ràng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm có thể lên đến hàng trăm tấn. Tất cả được một số cơ sở sản xuất để biến thành bánh Trung thu thành phẩm đưa ra thị trường cho chính người tiêu dùng Việt Nam sử dụng.

Đến xe ô tô mà cũng nhiễm độc

Mới đây trên tờ Nguoiduatin đã đưa thông tin từ  Ủy ban quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng Úc (ACCC), theo đó, 23.000 ô tô thương hiệu Trung Quốc (dòng Great Wall và Chery) bị phát hiện có sử dụng các chi tiết làm bằng amiăng, một loại vật liệu bị cấm nhập khẩu tại Úc. Do đó, cơ quan này đã buộc nhà nhập khẩu phải thu hồi xe. Được biết, xe bị thu hồi gồm các dòng Chery đời J11 và J3, Great Wall gồm có SA220, V240, X240, V200 và X200. Cũng theo ACCC thì "Amiăng được tìm thấy trong các vòng đệm của động cơ và hệ thống ống xả và không có nguy cơ gây hại cho sức khỏe người sử dụng phương tiện. Tuy nhiên Amiăng là một loại chất độc hại đã bị cấm và việc bảo dưỡng các động cơ và hệ thống ống xả của những xe này chỉ nên được thực hiện bởi những kỹ thuật viên đã qua đào tạo và áp dụng những quy trình an toàn phù hợp", ACCC sẽ giám sát việc thu hồi và Cơ quan giám sát an toàn lao động sẽ giám sát các vấn đề liên quan đến an toàn nơi làm việc. Vụ việc trên được phát hiện khi cơ quan hải quan Úc nhận thấy có amiăng trong các phụ kiện nhập khẩu của các hãng xe này. Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng đã tìm ra các vật liệu độc hại này có trong các xe đang được chào bán tại đây.

Hiện dòng xe này cũng đã được chào bán tại Việt Nam, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, tại Việt Nam cũng chưa có quyết định thu hồi dòng xe này. Chính vì vậy người tiêu dùng nên cân nhắc và xem xét kỹ trước khi mua xe có xuất xứ từ Trung Quốc.

Hàng hóa Trung Quốc bị tẩy chay trên toàn thế giới

Sau hàng loạt bê bối sản phẩm Trung Quốc nhiễm độc đã thổi bùng ngọn lửa tẩy chay hàng Trung Quốc trên toàn thế giới. Thương vụ giày độc Trung Quốc mới đây khiến cả thế giới sợ hãi. Qua kết quả kiểm tra cho thấy hàm lượng chất độc DEHP (Bis(2-ethylhexyl) phthalate) chứa trong các mẫu giày này rất cao, từ 37% đến 50%. Trong khi đó, tiêu chuẩn cho phép của loại chất này đối với mặt hàng giày dép tại Đài Loan chỉ là 0,1%. Giày dép của trẻ em xuất xứ từ Trung Quốc có hàm lượng chrom vượt quá 6 lần mức cho phép, trong khi đây là một trong những độc chất gây ung thư nếu có hàm lượng vượt quá 3 mg.

Hàng loạt các nước trên thế giới như Mỹ, Ý, Tây Ban Nha... đều đồng loạt tiến hành thu hồi và tẩy chay loại giày dép độc hại trên. Gần đây, một cuộc điều tra do Hãng thông tấn AP tiến hành đã khiến người tiêu dùng phải sửng sốt bởi một sự thật quá bất ngờ. AP cho biết nhà sản xuất Trung Quốc đã sử dụng chất cực độc thay thế cho chì trong chế tác nữ trang, đồ chơi trẻ em. Kết quả từ phòng thí nghiệm cho thấy một số mẫu thử có hàm lượng catmi quá cao. Catmi có thể gây ung thư và giống như chì có thể ngăn cản quá trình phát triển não bộ của trẻ nhỏ.

Cùng với đó là hàng loạt vụ bê bối: sữa nhiễm melamine, đậu đũa thấm đẫm thuốc trừ sâu, giá đỗ ngâm hóa chất kích thích tăng trưởng không được phép sử dụng, bánh bao "nhôm", thịt lợn phát sáng vì nhiễm khuẩn lân tinh, hộp đựng thức ăn nhiễm độc, cốc giấy có chứa quá nhiều chất làm trắng, gạo nhiễm kim loại nặng gấp 5 lần giới hạn cho phép, xúc xích có dòi, sữa có hàm lượng thủy ngân cao bất thường…. Chính vì vậy, trên thế giới, một loạt quốc gia đã nêu cao khẩu hiệu: Tẩy chay hàng made China.

Việt Nam cần phải làm gì?

Tuy nhiên, nhìn từ biên giới Việt - Trung mới thấy vì sao hàng hóa Trung Quốc lại tràn ngập tràn trên thị trường Việt Nam? Có một vấn đề cấp bách cần phải đặt ra cho các cơ quan quản lý của Việt Nam lúc này là: Tại sao khi Trung Quốc tạm ngừng nhập hàng hóa của Việt Nam thì một con gà cũng không qua được biên giới của họ. Trong khi đó gà thải loại Trung Quốc vẫn tuồn được sang Việt Nam hàng chục tấn mỗi ngày. Cũng theo thông tin từ Chi cục Hải quan Móng Cái, tính đến ngày 9-8-2012 trên địa bàn Móng Cái còn tồn 3.860 container bị ứ đọng tại cửa khẩu, gần một nửa trong số đó với 1.314 container là hàng thực phẩm đông lạnh, phải dùng điện bảo quản tại các kho bãi chờ xuất.

Được biết, trong thời gian này hầu như không có lô hàng nào xuất được sang Trung Quốc, hàng ứ đọng đã nhiều tháng và rất khó để biết cụ thể đến bao giờ thì những hàng tồn đọng này mới được xuất biên. Đặc biệt, đối với hàng tạm nhập tái xuất thì việc ứ đọng lại thêm một gánh nặng nữa cho các lực lượng chức năng... Trong khi đó  thực phẩm bẩn, thải loại, cùng những hàng hóa độc hại khác có nguồn gốc xuất xứ từ đất nước được ví là "xưởng sản xuất hàng giả, hàng nhái của thế giới" vẫn ùn ùn tràn vào Việt Nam bằng mọi con đường? Để bảo vệ sức khỏe của người dân Việt Nam cần phải "cấm cửa" đối với những thứ hàng hóa "chết người" này.

Hãy cảnh giác với hàng Trung Quốc

Do hàng hóa chất lượng kém, lại thường được sử dụng các hóa chất không được phép sử dụng nên hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc đã bị người tiêu dùng ở nhiều quốc gia từ chối, tẩy chay. Để "lập lờ đánh lận con đen", các nhà sản xuất Trung Quốc đã nghĩ ra nhiều "chiêu" đánh lừa người tiêu dùng để gây ra sự nhầm lẫn về nguồn gốc của sản phẩm.

Chẳng hạn như cách ghi xuất xứ theo kiểu "Made for + tên hãng + tên nước". Ví dụ: "Made for Wall - Mart, USA", nghĩa là làm cho hãng Wall - Mart của Mỹ. Cách khác là in hàng chữ "Packaged in + USA", tức đóng gói tại Mỹ. Trên những vỏ hộp này có thể vẫn có hàng chữ "Made in China" (theo luật pháp quốc tế), nhưng được in với kiểu chữ rất nhỏ, ở vị trí khuất khó nhìn. Hoặc một "chiêu" khác là chỉ ghi nguồn gốc xuất xứ ở  ngoài kiện hàng lớn chứ không ghi trong từng sản phẩm, đến khi người mua mua từng sản phẩm thì không thể tìm được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

Một "chiêu" nữa đó là  là nhập hàng Trung Quốc về Việt Nam, bóc nhãn "Made in China" rồi dán nhãn "Made in Vietnam" vào.  Mới đây, tại hội nghị đánh giá tình hình thực hiện chương trình "Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", bà Dương Thị Ngọc Dung, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc hệ thống siêu thị Vinatex, cho biết có một lượng lớn hàng may mặc của Trung Quốc được nhập vào Việt Nam và tháo nhãn, gắn nhãn hiệu Việt Nam để tiêu thụ tại các siêu thị phân phối. Chiêu đánh lận con đen này không mới nhưng đó rõ ràng là hành vi gian lận thương mại.

Cũng trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã kiểm tra và phát hiện nhiều mặt hàng Trung Quốc lại được dán tem những thương hiệu nổi tiếng để đưa vào chào bán trong các siêu thị.  Ngày 5-6 vừa qua, Cục Hải quan tỉnh Đồng nai đã xử phạt Công ty TNHH Công nghiệp SPC Tianhua Việt Nam (KCN Nhơn Trạch 3, huyện Nhơn Trạch- Đồng Nai) gần 1,3 tỉ đồng về hành vi thay thế nhãn mác trên lô hàng (chất xử lý nước) ghi xuất xứ từ Trung Quốc thành nhãn mác ghi xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu.

Mai Hà

 

Trung Quốc: Nấm kim châm bị ngâm trong hóa chất cực độc

Thứ sáu 08/06/2012 18:56

ANTĐ - Trung Quốc đã phát hiện một khối lượng lớn nấm kim châm ở tỉnh Phúc Kiến bị ngâm hóa chất công nghiệp.

Các cơ quan chức năng của tỉnh Phúc Kiến, miền đông nam Trung Quốc đã thu giữ 35 tấn nấm đang được xử lý bằng các chất công nghiệp có thể gây ung thư.


Cơ quan cảnh sát đã bất ngờ đột kích vào một nhà xưởng tồi tàn và thu được 630 bao nấm bốc mùi hôi thối. Họ cũng phát hiện thấy 60 thùng nấm được ngâm trong hóa chất axit citric công nghiệp.

Những bao nấm kim châm đã bốc mùi hôi thối được nhồi vào bao tải dùng để đựng thức ăn chăn nuôi và bốc mùi chua thiu. Cơ sở sản xuất này lập tức bị buộc phải đóng cửa.


Các chuyên gia cho biết việc cho axit citric vào nấm giúp bảo quản nấm tươi ngon tới 1 năm. Một số người sản xuất đã sử dụng loại hóa chất này để thay cho chất bảo quản không độc hại khác nhằm làm giảm giá thành sản phẩm.

Các chuyên gia y tế cho biết axit citric công nghiệp này có hại cho hệ thần kinh của con người vì nó có thể gây dị ứng và thậm chí là gây ung thư.

Ngọc Diệp
Theo Whatsonxiamen

Đăng nhận xét