Tìm hóa chất "ướp" lê 5 tháng không hỏng:Phí công vô ích?!

baodatviet.vn - Thứ Hai, 29/09/2014 06:56

(Bảo vệ người tiêu dùng) - Mỗi mẫu trái cây mà phân tích hàng nghìn hóa chất có mà tiền núi, thà bỏ tiền sang Trung Quốc mua trái cây rồi chở máy bay về bán cho dân.

Không thể phát hiện vì máy móc...cũ?

Thông tin lê để 5 tháng, táo gần 9 tháng vẫn không hỏng đang gây xôn xao dư luận và làm dấy lên nỗi lo lắng của người tiêu dùng không biết mình đang ăn chất độc gì vào người.

Theo đó, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia Phạm Xuân Đà để trái lê Trung Quốc trong môi trường bình thường suốt 5 tháng, trái lê chỉ hơi héo một chút so với lúc đầu. Tương tự, bà Đặng Thị Thọ (ở Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) mua một quả táo thắp hương từ dịp Tết Nguyên đán, đến nay đã hơn 8 tháng, trái táo chỉ héo và ngả màu vàng.

Với chức năng kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm, phụ gia và chất hỗ trợ chế biến sản xuất thực phẩm trong nước và nhập khẩu, tuyên nhiên theo lãnh đạo Viện Kiểm nhiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia, để phát hiện hóa chất trong quả lê, táo nói trên là rất khó.

Quả táo của một người dân ở Hà Nội sau 9 tháng chuyển sang màu vàng vàng, hơi héo nhưng vẫn rắn chắc.
Quả táo sau 9 tháng chuyển sang màu vàng vàng, hơi héo nhưng vẫn rắn chắc.

Trao đổi với báo chí trước đó, ông Phạm Xuân Đà cho biết, công tác kiểm soát chất bảo quản rất khó, hiện có rất nhiều loại mới, nhiều chất chưa định danh được, khó kiểm soát chất lượng.

Theo ông Đà, đã có trên 2.000 loại hóa chất bảo vệ thực vật được sử dụng nhưngViện mới kiểm nghiệm được 600 chất.

Trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Duy Lâm, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và kiểm tra chất lượng nông sản thực phẩm (Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch) cho biết, lê để 5 tháng, táo để 9 tháng không hỏng chắc chắn có sử dụng hóa chất.

"Thực tế hai loại quả này dù không sử dụng hóa chất cũng để được lâu hơn so với xoài, đu đủ, nhưng để lâu hẳn 5-9 tháng là không bình thường".

Ông Lâm cho rằng, trong trường hợp này, có thể người ta vì hám lợi mà sử dụng hóa chất độc hại không có trong danh mục hoặc có trong danh mục nhưng sử dụng quá liều lượng cho phép, hoặc cũng có thể dùng những hóa chất không có trong danh mục với liều cao thành ra chẳng có vi sinh vật nào sống được trong quả đó cả.

Cũng theo ông Lâm, những người lưu giữ táo, lê dài ngày đã không cắt ra xem bên trong quả đó thế nào. Rất nhiều trường hợp như táo, lê Trung Quốc bên ngoài màu sắc trên lớp vỏ vẫn đẹp nhưng bên trong đã bị hỏng.

"Dù có dùng hóa chất bảo quản nhưng quả đó chắc chắn vẫn mất hơi nước, nhẹ đi nhiều. Nếu bổ ra sẽ bị xốp, mất đi mùi vị ban đầu".

Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và kiểm tra chất lượng nông sản thực phẩm nhấn mạnh rằng, dù cho những quả được lưu giữ nói trên có sử dụng hóa chất nhưng chúng không đại diện cho một mẫu lớn nên chưa thể quy kết gì được.

Trước câu hỏi nếu được Bộ NN&PTNT giao nhiệm vụ tìm ra hóa chất bảo quản sử dụng trên táo, lê để hàng tháng không hỏng, ông Lâm cho biết nếu được giao thì cũng không thể phát hiện vì đơn vị ông không làm thường xuyên về lĩnh vực này cũng không có máy móc hiện đại.

"Máy móc của chúng tôi cũ rồi, chỉ làm những cái thô hơn, còn cứ dò tìm trên cả một mảnh đất rộng lớn thì rất khó. Chúng tôi không có máy móc hiện đại như các phòng thí nghiệm của Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia hay Cục Bảo vệ thực vật, họ chuyên về hóa chất sử dụng trên quả nên có thể tìm ra dễ dàng hơn".

Mò kim đáy bể

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) nói rằng, nếu Bộ NN&PTNT đặt hàng, Viện của ông sẵn sàng nhận nếu đơn đặt hàng khoảng 100 tỷ đồng.

"Bình thường, người ta chỉ dùng một số hóa chất thông dụng, có sẵn trên thị trường để bảo quản trái cây thì có thể dự đoán, chứ giờ mò kim đáy biển thì không thể kiểm tra được. Mỗi mẫu trái cây mang đi phân tích hàng nghìn hóa chất có mà tiền núi, thà bỏ tiền sang tận Trung Quốc rồi chở về bằng máy bay để bán cho người dân còn hơn.

Phân tích được một mẫu chi phí rất đắt, chưa kể thiết bị phải hiện đại, đắt tiền. Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia nói đã kiểm tra tới 600 hóa chất mà vẫn không tìm ra loại nào được sử dụng trên táo, lê có nghĩa là những hóa chất thông dụng nhất là không có. Trên thực tế người ta cũng chẳng có nhu cầu đi tìm hóa chất đặc hiệu để bảo quản ba thứ quả bán cho Việt Nam với giá cực rẻ. Nên nhớ làm ăn, kinh doanh là phải có lãi, sử dụng hóa chất đắt tiền, hiếm làm gì", ông nói.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cũng thẳng thắn: "Đây là một trò phí công vô ích, một lệnh không khả thi".

Theo ông Thịnh, không có một loại hóa chất bảo quản nào giữ trái cây tươi lâu như thế, đi tìm những trường hợp thế này không có tác dụng.

"Để bảo quản lâu dài phải ướp vật thể vào trong một dung dịch có khả năng ức chế các vi sinh vật hoặc tiêu diệt sự sống trong vật thể đó. Trong y học thường dùng formol để ướp xác chết có thể để được lâu mà không bị phân hủy. Khi đó, nó chỉ là vật thể để người ta xem xét thôi chứ không còn nhận ra trạng thái bình thường của nó nữa. Tuy nhiên thực phẩm, hoa quả phải được ngâm trực tiếp vào dung dịch formol liên tục. Nếu bỏ ra môi trường tự nhiên, thực phẩm, hoa quả được tẩm ướp bằng dung dịch này chỉ giữ được trong khoảng thời gian ngắn".

Ông Thịnh cho biết, trái cây hỏng có hai nguyên nhân, một là tự nó hỏng, thứ hai là do vi sinh vật. Hai yếu tố ghép lại khiến quả hỏng nhanh hơn, cho nên hóa chất bảo quản trên thực tế chỉ có tác dụng gây ức chế hoạt động của vi sinh vật, còn bảo quản lâu thì phải tiêu diệt hoàn toàn không còn bất cứ mầm mống gì.

Vì vậy, trong trường hợp trái lê, táo nói trên, ông đặt giả thiết chúng có thể đã được chiếu xạ. "Người ta có thể chiếu xạ vào quả đó với cường độ nhất định. Dòng hạt trong chất phóng xạ đâm xuyên qua quả đó, tiêu diệt vi sinh vật, côn trùng, sâu bọ nằm trong quả, thậm chí cả hoạt động sinh học trong đó, chủ yếu là các men có trong tế bào quả. Ưu thế của phương pháp chiếu xạ là giữ nguyên được trạng thái, không phá vỡ chất trong quả, giữ được màu sắc, không thay đổi hình dáng, kích thước, mùi vị.

Tuy nhiên, Tổ chức nguyên tử thế giới (IAEA) khuyến cáo chỉ nên chiếu xạ 10 kGy, nếu nhiều hơn, nó khả năng bảo quản quả rất lâu, 5-7 tháng, thậm chí lâu hơn, nhưng có nguy cơ gây ra hiện tượng nhiễm phóng xạ đối với quả đó và nếu người ta ăn vào thì cũng có khả năng nhiễm phóng xạ".

Dù vậy, theo ông Thịnh, mùa nào quả ấy, thông thường người ta chỉ bảo quản trong thời gian ngắn. Có thể có một số mẫu được chiếu xạ với cường độ mạnh, chứ làm đại trà thì không vì chiếu xạ rất tốn kém.

"Đối với nước như Trung Quốc có công nghiệp nguyên tử phát triển mạnh, chiếu xạ rất đơn giản. Như Việt Nam xuất khẩu thanh long sang Mỹ chiếu xạ ở cường độ thấp vẫn dùng được. Trước đây chúng ta chiếu xạ hành, tỏi để làm thí nghiệm nhưng người dân không hào hứng lắm. Việc phát hiện chất phóng xạ trong quả không khó khăn nhưng phải do các trung tâm chuyên nghiên cứu và phân tích về phóng xạ tiến hành".

Thay vì loay hoay đi phân tích tìm hóa chất bảo quản là gì, ông Thịnh cho rằng có một cách đơn giản mà quản lý an toàn hơn, đó là bảo quản tận gốc, tìm ra nguồn gốc xuất xứ.

"Hãy tìm hiểu trang trại nào hoạt động theo hướng an toàn, chứ quả nào cũng đi kiểm tra thì tiền thừng nhiều hơn tiền bò. Không ai làm được, không sức nào làm được và cũng không thể làm được vì không biết chất gì thì khác gì mò kim đáy bể.

Trong trường hợp này cần có sự hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và nước nhập khẩu vào mình. Hãy bắt tay với Trung Quốc để họ cung cấp thông tin về sản phẩm đó, song song với đó Việt Nam cũng phải kiểm tra lại hoạt động xuất khẩu của mình sang Trung Quốc. Như vậy hai bên cùng có lợi, đơn giản hơn mà tin cậy nhau hơn", ông nói.

Minh Thái

Đăng nhận xét