Xử trí khi côn trùng chui vào tai

doisong.vnexpress.net - Thứ năm, 9/10/2014 | 16:12 GMT+7
 
Lấy nước ấm hoặc oxy già nhỏ ngập tai cho côn trùng chui ra hoặc chết ngộp rồi đến cơ sở y tế. Tự xử trí ở nhà thường chỉ lấy được một phần dị vật dẫn đến biến chứng.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Minh, Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Quốc tế Thành Đô cho biết, côn trùng chui vào tai thường xảy ra khi bạn đang ngủ, cả ngủ trên giường hay nằm úp tai xuống mặt đất. Tai nạn này chủ yếu ở vùng quê hoặc bất cứ nơi nào có côn trùng nhiều như vườn tược, ruộng đồng..., những nơi kém vệ sinh, nhiều đồ đạc…

Theo bác sĩ Minh, triệu chứng thường gặp là đột ngột đau dữ dội một bên tai (trước đó không có bệnh gì liên quan đến tai). Có thể có những cơn đau dữ dội xen kẽ với khoảng thời gian âm ỉ. Nguyên nhân là côn trùng chích đốt hoặc chân có gai ngạnh đâm vào tai. Nhiều người cảm giác như có con gì bò trong tai, ngứa ngáy. Trẻ nhỏ đang ngủ khóc thét lên.

Một số người tai bị chảy nước hoặc máu do côn trùng gây trầy xước, rách da ống tai, rách màng nhĩ, nhất là côn trùng sống to có càng hay ngạnh sắc bén như dế, gián, cào cào. Những trường hợp nhẹ hoặc dị vật nhỏ như kiến, ruồi muỗi, thiêu thân, ve chó... triệu chứng có thể không ào ạt bằng những dị vật to hay có gai ngạnh hoặc nọc độc như ong…

Khi côn trùng bò trong ống tai, chúng ta chỉ có cảm giác nhột, khó chịu, ngứa ngáy. Lúc côn trùng gây sang chấn ống tai hay màng nhĩ sẽ gây rất đau. Mức độ đau khác nhau tùy người, có người có thể chết ngất, có người chỉ cảm giác khó chịu mà thôi và tùy thuộc mức độ tổn thương.

Ảnh minh họa: M.H

Ảnh minh họa: M.H

Lưu ý khi xử trí côn trùng chui vào tai

Bác sĩ Minh cho biết, có những trường hợp bệnh nhân tự xử lý tại nhà hoặc ở các phòng mạch không chuyên khoa thì chỉ lấy được một phần côn trùng, có khi làm gián hay dế cào cấu gây đau dữ dội. Đa số thường để sót phần còn lại như đầu, chân hoặc cánh của côn trùng vì chúng chui vào sâu quá, hoặc gây đau quá bệnh nhân không chịu nổi.

Nếu bệnh nhân chủ quan không khám chuyên khoa để gắp công trùng ra thì có thể để lại nhiều di chứng và biến chứng nguy hiểm như sốt do nhiễm trùng, viêm tấy tai ngoài, viêm tai giữa cấp, thủng nhĩ vĩnh viễn, giảm thính lực hoặc điếc tai… Trường hợp nhà xa, tốt nhất là lấy nước ấm hoặc oxy già nhỏ ngập đầy vào tai cho côn trùng tự chui ra hoặc chết ngộp rồi đến chuyên khoa Tai Mũi Họng xử trí tiếp.

Xử trí chuyên khoa tai mũi họng:

Cơ sở y tế, bệnh viện lớn có đủ chuyên viên và trang thiết bị để xử trí các trường hợp dị vật chui vào tai. Côn trùng chết thì đơn giản hơn là lấy ra bằng những dụng cụ chuyên khoa như kẹp, móc… Nếu côn trùng còn sống, bác sĩ sẽ làm côn trùng chết nhanh bằng các loại thuốc như thuốc tê, nước oxy già nhỏ vào tai, các thuốc nhỏ tai như otipax, polydexa, dầu glycerin, dung dịch povidine…

Một số trẻ hốt hoảng, kích động, bác sĩ sẽ gây mê hoặc tiền mê nhẹ để giúp bé ngủ trong quá trình làm thủ thuật gắp côn trùng ra. Không gây sang chấn thêm nguy hiểm do cố lấy trong tình trạng bé giãy giụa. Không ít trường hợp đã gây ra biến chứng đáng tiếc như gây điếc, rách thủng màng nhĩ do người nhà hoặc các nhân viên y tế thiếu kinh nghiệm thực hiện.

Với những côn trùng to thường nên làm chết trước khi lấy ra để tránh gây sang thương thêm cho ống tai và màng nhĩ. Côn trùng nhỏ thì dễ dàng lấy ra như hút, bơm rửa bằng nước ấm hoặc nước muối sinh lý, hoặc bằng các thuốc chuyên dụng như audiclean… Sau khi lấy côn trùng ra cần rửa sạch tai và nhỏ thuốc tai vài ngày sau đó để tránh nhiễm trùng, nhiễm nấm.

Có nhiều phương pháp dân gian hiệu quả với côn trùng nhỏ như kiến, ví dụ giã lá hẹ, hành lá rồi vắt lấy nước; ép nước gừng sống nhỏ vào tai; xông khói vào lỗ tai để côn trùng chui ra. Tuy nhiên, nhiều cách xử trí dân gian không đúng có thể gây tai biến hoặc để lại di chứng vĩnh viễn cho tai.

Phân tích về phương pháp đổ mật ong vào tai mà một số người chia sẻ, bác sĩ Trương Hoàng Hải Đăng cho biết, mật ong khi đổ vào tai sẽ rất khó rửa, đọng lại trong tai thu hút kiến bò vào càng nguy hiểm hơn. Mật ong không nguyên chất có thể gây nhiễm trùng cho tai.

"Biện pháp chiếu đèn sáng vào tai có thể áp dụng vì đa số côn trùng gặp ánh sáng sẽ hướng sáng, tự động bò ra ngoài", bác sĩ Đăng phân tích.

Theo bác sĩ Đăng, điều đầu tiên khi côn trùng chui vào tai là phải trấn an bệnh nhân. Nếu hốt hoảng khi xảy ra sự cố sẽ vô tình kích động khiến côn trùng vào sâu hơn. Sau đó nhẹ nhàng kéo dái tai lên, nghiêng phần tai bị côn trùng chui theo hướng lên phía trên để côn trùng bò ra. Nếu nghiêng xuống dưới thì côn trùng do cảm nhận được tác động trọng lực đi xuống sẽ bò ngược lên, sâu vào bên trong.

Bác sĩ Đăng cũng khuyên nên đổ nước ấm hoặc dầu ăn vào tai đến khi côn trùng chết, không ngọ nguậy được nữa thì nghiêng lại cho nước chảy ra. Nếu thấy một phần côn trùng lội theo nước ra ngoài tai thì dùng kẹp gắp ra nhẹ nhàng. Trường hợp lấy ra không được thì nên đi gặp bác sĩ chuyên khoa, không nên có biện pháp can thiệp sâu hơn gây tổn thương tai. Ngoài ra có triệu chứng báo động như đau tai dữ dội, ngứa toàn thân, nổi mẩn đó do dị ứng, chảy máu... thì phải đến cơ sở y tế ngay để được xử trí kịp thời.

Một số biện pháp phòng ngừa côn trùng chui vào tai:

- Nên ngủ giường, không ngủ đất.

- Không nên ăn uống để thức ăn vung vãi trên giường, nệm ngủ.

- Đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phải vệ sinh sạch sẽ sau khi bé bú sữa, thay quần áo, thay ga, áo gối khi bị dính sữa để tránh chiêu dụ côn trùng đến.

- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát nhằm hạn chế các loài côn trùng ẩn náu trong nhà.

Lê Phương

 
doisong.vnexpress.net - Thứ hai, 11/8/2014 | 11:05 GMT+7
Vắt chanh tươi hoặc bỏ vỏ chanh vào nơi kiến tập trung, chúng sẽ tự tan rã và bỏ đi. Trị gián bằng cách rải bột phèn chua vào cạnh các tủ, bồn rửa bát...
 
Theo kiến trúc sư Huỳnh Xuân Hải, những nơi ẩm thấp hoặc bụi cây trồng trong nhà thích hợp cho các loại côn trùng như gián, kiến, ruồi phát triển. Để khắc phục, bạn có thể dùng các loại thuốc diệt côn trùng hoặc tham khảo một số cách đơn giản để xử lý côn trùng trong nhà như sau:

1. Kiến

Vắt chanh tươi hoặc cho vỏ chanh vào tổ kiến hoặc chỗ kiến tập trung, đàn kiến sẽ tự tan rã và bỏ đi. Ngoài ra có thể rắc bã cà phê, bột than củi, phấn rôm hoặc tiêu bột lên tổ kiến cũng rất hiệu quả.

nhungcachhaydietcontrung.jpg

Ảnh: dietmoihanhlong.

2. Gián

Rải phèn chua bột xung quanh nơi đựng thức ăn, tủ, bồn rửa bát hay bồn rửa mặt làm cho gián không dám bò vào. Để bắt gián, bạn có thể cho một ít khoai hoặc bia vào trong chai lọ rồi xoa lớp mỡ mỏng lên miệng chai. Không bao lâu sau, gián sẽ tự bò vào rất nhiều mà không ra được.

3. Ruồi

Dùng băng keo dính 2 mặt chuyên diệt ruồi. Loại băng keo này có mùi mật thơm nên rất thu hút ruồi. Có thể dùng hương muỗi hoặc vỏ bưởi phơi khô cũng đuổi được loại côn trùng này.

4. Bướm

Lấy một hộp gỗ, sơn màu vàng mặt ngoài, bên trong bôi một ít dung dịch gồm một phần mật và 2 phần giấm, sẽ thu hút được bướm bay vào.

5. Ve và bọ chét

Trên các con vật nuôi trong nhà có rất nhiều ve và bọ chét. Chúng có thể đốt người và truyền một số bệnh. Do đó, bạn nên dùng các loại xà phòng và dầu gội đầu diệt trùng để tắm cho vật nuôi. Mùi của vỏ cam cũng có tác dụng xua đuổi ve và bọ chét.

Một số loại dầu tắm dành riêng cho thú vật cũng giúp diệt ve và bọ chét, có bán tại các cửa hàng và siêu thị.

Thi Trân

 
 
doisong.vnexpress.net - Thứ tư, 8/10/2014 | 06:07 GMT+7
Bị ngứa tai một cách kỳ lạ, nam bệnh nhân tại Anh không tin vào mắt mình khi bác sĩ lấy từ tai ông ra con dế còn sống dài 8 cm.
 
Video lấy con côn trùng ra khỏi tai khiến cộng đồng mạng sửng sốt khi được đăng tải trên mạng. Trong video, bác sĩ thận trọng dùng nhíp lấy con dế đang ngọ nguậy ra khỏi tai bệnh nhân. Việc can thiệp không khéo léo có thể khiến con vật chạy sâu thêm vào bên trong tai gây nguy hiểm.
Con dế được thận trọng lôi ra khỏi tai bệnh nhân. Ảnh: newsrt.

Con dế còn sống dài gần 8 cm được thận trọng lôi ra khỏi tai bệnh nhân. Ảnh: newsrt.

"Loài dế này phổ biến trên thế giới và chỉ hoạt động vào ban đêm, thường tìm đến những chỗ ẩm thấp. Có khả năng nó đã chui vào tai khi bệnh nhân đang ngủ", Michael Sweet, giảng viên tại Đại học Derby (Anh), chuyên gia về sinh vật học phân tích.

Đây không phải là lần đầu tiên côn trùng có kích cỡ to chui vào tai người. Vào tháng 8, ông Rob Fielding, 43 tuổi, giám đốc tiếp thị tại Buckinghamshire đã phải nhờ đến sự trợ giúp của bác sĩ khi bị một con bướm đêm bay vào tai lúc ông nằm đọc sách, gây ù tai suốt ba ngày. Đầu năm nay, một bác sĩ Australia cũng bị một con gián to bay vào tai.

Lê Phương (Theo Newsrt)

Đăng nhận xét