Bố bé Quân cho biết, sáng 1/7, Quân dậy sớm ra đồng để đi bắt lươn nhưng rồi chạy về ngay, chỉ vào vết rắn cắn kịp nói “rắn cạp nia” xong là ngất xỉu. Tuy vết cắn ở mắt cá chân rất nhẹ nhưng ngay sau đó, Quân đã có dấu hiệu khó thở, được sơ cứu ở bệnh viện huyện rồi chuyển lên Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai).
Dù được đến viện chỉ chừng 2 tiếng rưỡi sau khi rắn cắn, nhưng tình trạng khó thở của bé Quân khó thở ngày càng tăng lên và đến gần 9h sáng (chỉ sau 4 tiếng bị rắn cắn) thì Quân đã bị liệt cơ hô hấp, tụt ôxy, dần đến hôn mê. Ngay lập tức, Quân được bóp bóng và chuyển sang khoa Nhi (BV Bạch Mai) và được mở nội khí quản thở máy.
Hai ngày đầu nằm ở khoa Nhi, tình trạng Quân vô cùng nguy kịch, hôn mê, lên cơn co giật liên tục, không tự chủ được vệ sinh, phải thở máy do nọc độc của rắn cạp nia gây rối loạn điện giải rất nặng, rối loạn đông máu. “Nhưng biến chứng nguy hiểm nhất là tình trạng liệt cơ hô hấp diễn tiến quá nhanh khiến bệnh nhân không thể thở được. Nếu không được cấp cứu kịp thời, nơi cấp cứu không có phương tiện máy móc hỗ trợ, cậu bé này chắc chắn đã tử vong”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi nói.
Sau 11 ngày điều trị tích cực tình trạng Quân mới ổn định và được cai máy thở. Tuy nhiên, em vẫn đang bị viêm phổi nặng và phải nằm tiếp tục điều trị, theo dõi nguy cơ biến chứng của nọc độc rắn với gan, thận…
“Cái khó của ca bệnh này là diễn tiến rất nhanh, nhất là biến chứng liệt cơ hô hấp. Rất may em được chuyển đến bệnh viện Bạch Mai kịp thời. Trung tâm chống độc cũng kịp thời hội chẩn với khoa Nhi khi tình trạng khó thở của bệnh nhân đến rất nhanh. Nhờ phối hợp nhanh chóng, bệnh nhi đã được thở máy và điều trị kịp thời, qua cơn nguy kịch. Tình trạng bệnh nhân dần ổn định và khả năng cao là hồi phục hoàn toàn mà không để lại biến chừng gì?”, TS Dũng cho biết.
Hồng Hải
Đăng nhận xét