(Dân Việt) - Sự nhầm lẫn này khiến bệnh nhân bị sốt rét ác tính đa phủ tạng, dẫn đến suy thận, suy gan, suy tim và chảy máu trong, rất khó cứu chữa.
Sốt rét tưởng… sốt xuất huyết
Cán bộ y tế hướng dẫn cho bà con ngâm màn vào hóa chất để chống muỗi. |
Theo thống kê, trên địa bàn cả nước hiện còn 190 huyện có lưu hành sốt rét thể nhẹ và 70 huyện có sốt rét lưu hành nặng và vừa. Trong đó, riêng năm 2010, cả nước đã ghi nhận 20 người chết do sốt rét.
Phạm vi bệnh sốt rét tập trung chủ yếu tại các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên, các tỉnh miền Đông Nam Bộ, khu vực biên giới giáp với các nước Trung Quốc (chủ yếu là tỉnh Vân Nam), Lào và Campuchia. So với 10 năm trước (có tới 5.000 người chết vì sốt rét), Việt Nam đã có những đột phá vượt bậc trong việc phòng, chống bệnh sốt rét.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều ca sốt rét bị đưa đến cơ sở y tế chậm do người nhà bệnh nhân nhầm lẫn với các bệnh khác hoặc các bác sĩ cũng chủ quan. Đặc biệt, những bệnh nhân ở thành phố, vừa đi công tác ở các vùng có dịch ra, khi lên cơn sốt rét, người nhà và bệnh viện đều không xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét, mà điều trị như bệnh sốt xuất huyết. Điều này khiến bệnh nhân bị sốt rét ác tính đa phủ tạng, dẫn đến suy thận, suy gan, suy tim và chảy máu trong, rất khó cứu chữa.
Những triệu chứng của sốt rét như "rét run, sốt cao từ 39-40°C, vã mồ hôi và cơ thể hạ nhiệt dần" khiến nhiều người nhần lẫn sang sốt xuất huyết, cảm cúm, nhiễm trùng đường tiết niệu, thương hàn. Thậm chí có những trường hợp không điển hình, bệnh nhân sốt theo cơn (người sốt rét lần đầu), hoặc chỉ ớn lạnh, chỉ sốt 37,5-38°C (người sốt rét nhiều lần), có biểu hiện thiếu máu như da xanh xao, niêm mạc mắt trắng nhợt, lòng bàn tay nhợt.
Sau 72 giờ mắc bệnh, một số trường hợp có thể chuyển sang sốt rét ác tính với các dấu hiệu như rối loạn ý thức, rối loạn tiêu hóa, đau đầu dữ dội. Những người chưa từng bị mắc sốt rét, phụ nữ mang thai, người lớn tuổi, trẻ em và những người bị suy giảm miễn dịch, thường dễ bị sốt rét ác tính.
Phác đồ điều trị cho bệnh nhân kháng thuốc
Tiến sĩ Tạ Thị Tĩnh
Hiện nay, tại xã Đắc Nhau, huyện Bù Đăng (Bình Phước) đã có 15% bệnh nhân điều trị bằng thuốc Artesunate theo phác đồ 7 ngày. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, nếu kháng thuốc trên 10% thì không nên tiếp tục dùng loại thuốc bị kháng điều trị bệnh sốt rét ở khu vực.
Chính vì vậy, hiện nay Viện Sốt rét và Ký sinh trùng đã hoàn thành dự án ngăn chặn kháng thuốc tại 10 xã, lấy xã Đắc Nhau làm trung tâm. Dự án này dự tính sẽ được triển khai trong thời gian sớm nhất.
Những bệnh nhân sốt rét kháng thuốc thường là những người dân đi rừng, ngủ rẫy, người nghèo, không có các biện pháp phòng ngừa như mặc áo dài tay, ngủ có màn, bôi thuốc chống muỗi. Họ bị nhiễm sốt rét nhiều lần, nên cơ thể tự sản sinh ra chất "kháng thuốc". Cũng có những trường hợp người dân bị sốt rét, cơ sở y tế phát thuốc, người dân uống 1-2 ngày thấy hết sốt nên dừng uống nên cũng "nhờn thuốc".
Để hạn chế điều này, từ năm 2010, Bộ Y tế đã thay phác đồ điều trị 7 ngày bằng phác đồ mới phối hợp nhiều loại thuốc và chỉ cần uống trong 3 ngày, ngày đầu tiên 2 liều, ngày thứ 2 và 3 chỉ cần uống 1 liều. Khi bệnh nhân đến nằm tại trạm xá xã, cán bộ y tế sẽ phát thuốc và yêu cầu bệnh nhân uống luôn tại chỗ để khỏi quên.
Bệnh sốt rét có thể điều trị dễ dàng nếu như được phát hiện kịp thời. Tại các cơ sở y tế tuyến xã đều có khả năng lấy máu soi lên kính hiển vi để phát hiện ký sinh trùng sốt rét. Xét nghiệm và thuốc điều trị sốt rét đều được miễn phí.
Tiến sĩ Tạ Thị Tĩnh
(Trưởng phòng Nghiên cứu, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng T.Ư)
Đăng nhận xét