Điều trị sỏi tiết niệu bằng thuốc

Y Khoa Việt Nam - ykhoaviet.vn - ykhoanet.vn:

Tháng 10 20, 2009 | 1 Bình luận

Điều trị sỏi tiết niệu là một nghệ thuật. Chuyên môn sẽ dựa vào: vị trí sỏi, kích thước sỏi, thành phần cấu tạo sỏi, thận đã ứ nước hay chưa, có suy thận hay không để chọn lựa phương pháp điều trị thích hợp: nội khoa (hóa chất hoặc thảo mộc) hoặc tán sỏi (ngoài cơ thể, nội soi, qua da) hoặc phẫu thuật (nội soi hoặc theo cổ điển).

Điều trị sỏi tiết niệu bằng thuốcSỏi tiết niệu là nhóm bệnh thường gặp trong chuyên khoa thận tiết niệu. Sỏi tiết niệu là nguyên nhân thứ ba sau bệnh nhiễm cầu thận nguyên phát và viêm cầu thận thứ phát gây suy thận mạn tính.

Theo vị trí, sỏi tiết niệu bao gồm: sỏi đài thận, sỏi bể thận, sỏi san hô, sỏi niệu quản đoạn trên, sỏi niệu quản đoạn giữa, sỏi niệu quản đoạn dưới, sỏi bàng quang và sỏi tuyến tiền liệt.

Theo cấu tạo, sỏi tiết niệu gồm có: sỏi phosphat và oxalat canxi, sỏi struvit, sỏi urat và sỏi cystin.

Ở thể điển hình, sỏi tiết niệu có các triệu chứng: đau thắt lưng – có khi đau nhiều kiểu cơn quặn thận và đái máu liên quan với vận động. Nhưng có một số trường hợp không có biểu hiện lâm sàng, sỏi tiết niệu được phát hiện tình cờ qua kiểm tra sức khỏe định kỳ, qua điều tra bệnh tật trong cộng đồng.

Để chẩn đoán sỏi tiết niệu, chuyên môn dựa vào siêu âm hệ tiết niệu; chụp Xquang hệ tiết niệu không thuốc hoặc có thuốc cản quang; thử nước tiểu tìm hồng cầu, bạch cầu, trụ hình.

Để chẩn đoán giai đoạn bệnh, người bệnh cần được xét nghiệm máu để biết số lượng hồng cầu, bạch cầu và nồng độ urê, creatinin, acid uric.

Điều trị sỏi tiết niệu là một nghệ thuật. Chuyên môn sẽ dựa vào: vị trí sỏi, kích thước sỏi, thành phần cấu tạo sỏi, thận đã ứ nước hay chưa, có suy thận hay không để chọn lựa phương pháp điều trị thích hợp: nội khoa (hóa chất hoặc thảo mộc) hoặc tán sỏi (ngoài cơ thể, nội soi, qua da) hoặc phẫu thuật (nội soi hoặc theo cổ điển).

Sự phối hợp và thống nhất phác đồ điều trị sỏi tiết niệu giữa các thầy thuốc nội khoa và ngoại khoa rất cần thiết. Trong bài viết này chỉ xin đề cập tới phương pháp điều trị nội khoa bệnh sỏi tiết niệu, lý giải việc lựa chọn các thuốc ở các khâu.

Có thể tóm tắt phương pháp điều trị nội khoa sỏi tiết niệu theo sơ đồ (xem hình).

Thuốc giảm đau, an thần có tác dụng trên thần kinh trung ương: Các thuốc này được áp dụng khi bệnh nhân có triệu chứng cơn đau quặn thận.

Tùy theo cường độ đau để chọn thuốc uống, thuốc tiêm trong các loại sau đây:

- Paracetamol: Efferalgan, alaxan

- Diclofenac: Voltaren

- Ibuprofen: Mofen

- Ketoprofen: Profenid

- Piroxicam: Felden

- Sulpiride: Dogmatil

- Diazepam: Valium, veduxen.

Thuốc chống co thắt, gây giãn cơ trơn, giãn niệu quản: Chọn một trong các thứ thuốc sau theo dạng viên hoặc ống:

- Papaverin.

- Alverine citrat (spasmaverin, meteospasmyl).

- No-spa.

- Spasfon.

Trong trường hợp đau nhiều có thể dùng phối hợp thuốc giảm đau và thuốc chống co thắt.

Thuốc kháng sinh: Khi sỏi tiết niệu bị bội nhiễm hoặc viêm thận – bể thận cấp với các biểu hiện: Sốt, đái đục, đái rắt, đái buốt cần chọn một trong các loại kháng sinh có tác dụng trên đường tiết niệu sau đây:

- Nhóm penicilline.

- Nhóm cephalosporin thế hệ 2, thế hệ 3, thế hệ 4 với các dược chất: cefuroxim, ceftriaxon, cefixim, cefepim.

- Nhóm quinolon với các dược chất: ciprofloxacin, levofloxacin, norfloxacin, ofloxacin.

Nếu có kháng sinh đồ để lựa chọn thuốc nhạy cảm là tốt nhất. Tuy nhiên cần phải cân nhắc khi chỉ định các thuốc kháng sinh độc thận đặc biệt ở người cao tuổi, phụ nữ có thai hoặc cho con bú.

Thuốc lợi tiểu và truyền dịch

Việc gây đái nhiều cường bức để có tác dụng tống sỏi đã được ứng dụng từ lâu. Dung dịch được dùng để truyền là glucose 5% và muối NaCl 9%o. Kết hợp thuốc lợi tiểu nhóm thiazid hoặc furosemid.

Thay đổi nếp sống

Chế độ ăn uống cũng góp phần phòng ngừa và hạn chế tạo thành sỏi tiết niệu.

Ví dụ:

- Chế độ ăn ít canxi, không uống sữa giàu canxi trong sỏi phosphat và oxalat.

- Uống dung dịch kiềm Na bicarbonat trong sỏi urat và bệnh gút.

Vận động thể lực, chạy, nhảy dây cũng góp phần tống sỏi từ niệu quản xuống bàng quang và từ bàng quang ra ngoài.

Thuốc bào mòn và làm tan sỏi

Trên thực tế ít có thuốc có khả năng trên. Các thuốc trong loại này sẽ làm giảm kết dính các tinh thể và có tác dụng ở những trường hợp sỏi nhỏ, bề mặt nhẵn, ở vị trí thấp và thành phần cấu tạo sỏi thích hợp, ví dụ:

- Succinimide pharbiol trong sỏi oxalat.

- Ammonium chlorid trong sỏi phosphat.

- Allopurinol trong sỏi urat.

- Penicillamin B trong sỏi cystin.

- Rowatinex có các thành phần: pinene, camphene, cineol, fenchone, borneol, anethol, olive oil.

- Viên sỏi thận domesco, có các thành phần: cao hạt chuối hột, cao rau om, cao râu mèo, cao hạt lười ươi.

- Kim tiền thảo, rễ cỏ tranh, bông mã đề, râu ngô là một bài thuốc y học cổ truyền chữa sỏi tiết niệu rất thông dụng.

- Các công ty dược của Việt Nam và Trung Quốc đã phát huy và cải tiến bài thuốc này để bào chế thành các biệt dược: kim tiền thảo bài thạch, thạch lâm thông…

Việc điều trị sỏi tiết niệu cần được theo dõi để đánh giá diễn biến của bệnh. Nếu bệnh thuyên giảm ít, có khuynh hướng nặng lên cần thay đổi phương pháp điều trị kể cả điều trị bằng phẫu thuật để phòng tránh suy thân mạn tính giai đoạn cuối.

HN (Nguồn: PGS.BS. Trần Văn Chất (Bệnh viện Bạch Mai))



Toan nói:

Sỏi thận hình thành do lắng đọng các chất trong thận. Lúc đầu sỏi chỉ là có kích thước hiển vi sau đó lớn dần lên. Những triệu chứng của sỏi thận:

Tiểu ra máu (máu trong nước tiểu hematuria)

Tăng số lần đi tiểu (đái rắt)

Buồn nôn

Đau buốt khi đi tiểu

Đau khi chạm vào vùng thận

Nhiễm trùng đường tiểu.

Các phương pháp điều trị sỏi thận bằng công nghệ hiện đại như tán sỏi, phẩu thuật, chiếu tia X…đều tốn kém và rất dễ tái phát.

Viêm đường tiết niệu là do vi khuẩn gây viêm nhiễm được gọi là UTI (urinary tract infection). Sự viêm nhiễm này không đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống của bạn lúc đầu nhưng có thể nó sẽ gây đau rát và khó chịu.

Nếu chỉ bị viêm đường tiết niệu thông thường thì điều trị không khó khăn lắm và có thể khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên nếu tình trạng bệnh kéo dài và trở nên mạn tính thì việc điều trị bằng các phương pháp tây y sẽ rất khó khăn và tình trạng tai phát bệnh chắc chắn sẽ lâp lại. Triệu chứng thường gặp là đái rắt (nghĩa là đái nhiều lần trong ngày, có thể 4-5 lần nhưng cũng có thể 10-20 lần, nhưng mỗi lần chỉ có rất ít nước tiểu) và đái buốt, thường buốt ở miệng sáo hoặc vùng tầng sinh môn vào cuối bãi.

Gia đình ông Lê Trọng Lịnh, ngụ tại thôn Vĩnh Phú xã Hòa An, Huyện Phú hòa, tỉnh Phú Yên, có bài thuốc gia truyền chuyên chữa bệnh sỏi thận và viêm đường tiết niệu mạn tính, bảo đảm cắt bệnh tận gốc. Bài thuốc được tạo ra từ 3 loại thảo mộc chính chỉ có ở khu vực nam trung bộ qua cách sao và tẩm thực đặc biệt.

Những ai bị sỏi thận và viêm đường tiết niệu mạn tính đã chữa nhiều nơi nhưng không khỏi hẳn, tái phát nhiều lần, xin liên hệ theo địa chỉ sau để được điều trị:

Ông Lê Trọng Lịnh, thôn Vĩnh Phú Xã Hòa An, huyện Phú Hòa, Tĩnh Phú Yên.



ykhoaviet.vn

Tránh tái phát sỏi tiết niệu

Tháng 8 17, 2011 | Viết bình luận

Tránh tái phát sỏi tiết niệuNhững đặc điểm dịch tễ học của các sỏi đường tiểu đang tiến triển thường trực và thể hiện những biến đổi của thói quen ăn uống, của những tình trạng y tế (những nhiễm trùng đường tiểu), những yếu tố môi trường (khí hậu nóng) hay sự lưu hành của những bệnh lý làm dễ nguy cơ bị sỏi như bệnh đái đường hay chứng béo phì. Ở Pháp, các sỏi đường tiểu gây bệnh ít nhất 10% dân số, với một tỷ lệ lưu hành rõ rệt ở nam giới (khoảng hai người đàn ông đối với một phụ nữ). Các sỏi đường tiểu ảnh hưởng chủ yếu những người từ 40 đến 50 tuổi và hiếm hơn nhiều ở trẻ em. Các sỏi đường tiểu chịu trách nhiệm khoảng 100.000 cơn đau quặn thận (colique néphrétique) mỗi năm (những cơn đau dữ dội), được điều trị bằng 50.000 thủ thuật nghiền sỏi (lithotripsie) và 38.900 thủ thuật soi niệu quản (urétéroscopie).

Nếu không có những biện pháp phòng ngừa, sự tái phát của một sỏi thận là hầu như không thể tránh được. Ta ước tính rằng nguy cơ tái phát là 30 đến 40% lúc 5 năm và 50 đến 70% lúc 10 năm. Sự tái phát này sẽ xuất hiện dễ dàng hơn nếu bệnh đã bắt đầu ở một người trẻ tuổi (trước 30-40 tuổi). Những yếu tố nguy cơ chủ yếu do chế độ ăn uống của chúng ta ngày nay quá nhiều protéine, muối, đường, mỡ, soda và quá ít trái cây, rau xanh và những sản phẩm sữa.

Từ hai mươi năm nay, những quan niệm về điều trị nội khoa và sự phòng ngừa sỏi thận đã được biến đổi một cách đáng kể. Những quan niệm này dựa trên một điều tra căn nguyên (tìm kiếm những nguyên nhân) cần thiết đối với mỗi bệnh nhân bị sỏi thận. Sự điều tra nguyên nhân bao gồm phân tích sỏi đường tiểu nếu ta thu hồi được, một bilan máu và nước tiểu và một điều tra về chế độ ăn uống.

Tính chất của các viên sỏi ở Pháp đã hoàn toàn biến đổi từ 100 năm nay và ngày nay sỏi oxalo-calcique chiếm ưu thế. Chính những biến đổi về thói quen ăn uống giải thích những thay đổi bản chất của các viên sỏi. Vậy điều tra chế độ ăn uống là một bước quan trọng để thiết đặt những quy tắc về vệ sinh ăn uống, sẽ cho phép, nếu chúng được bệnh nhân tuân thủ, phòng ngừa các nguy cơ. Trong đại đa số các trường hợp, đó không phải là một chế độ ăn uống (régime alimentaire), theo nghĩa hẹp của thuật ngữ, nhưng đó là một sự chỉnh lại các thói quen ăn uống (réajustement des habitudes alimentaires). Việc kê toa một điều trị bằng thuốc hiếm khi xảy ra và sẽ được bàn bạc sau khi những quy tắc về vệ sinh được bệnh nhân tôn trọng. Trong bất cứ trường hợp nào, một điều trị bằng thuốc không thể thay thế những cố gắng phải làm về những thói quen ăn uống.

Điều tra ăn uống phải hướng về những thói quen của bệnh nhân đã có từ nhiều tháng và năm trước khi khám phá các viên sỏi. Ăn uống quá mức và lại còn nước uống không đủ là những yếu tố chủ yếu của các sỏi đường tiểu. Theo những kết quả của điều tra này, những quy tắc dinh dưỡng sau đây sẽ được bàn bạc và thích ứng đối với mỗi bệnh nhân.

NƯỚC UỐNG

Sự hấp thụ nước uống dồi dào để làm hòa loãng nước tiểu và làm chúng xuống dưới ngưỡng làm kết tinh các muối canxi là một nguyên tắc căn bản của phòng ngừa những tái phát của các sỏi đường tiểu. Đối với các bệnh nhân không phải luôn luôn dễ biết loại nước uống nào họ có thể hấp thụ. Khi đó phải thông tin cho bệnh nhân về những khác nhau giữa nước phân phối công cộng (“nước máy”: eau de robinet), nước khoáng và nước nguồn. Những thông điệp chủ yếu vẫn là lượng nước uống phải gần 2 lít nhằm đảm bảo một lưu lượng nước tiểu (thể tích nước tiểu mỗi ngày) khoảng 2 lít. Khi đạt được thể tích nước tiểu này, nguy cơ kết tinh của nước tiểu rất giảm, thậm chí không hiện hữu : khi đó ta nói nước tiểu bị pha loãng.

Chừng nào có thể được, phải cố đảm bảo một sự sử dụng đều đặn nước uống trong suốt ngày đồng thời ưu tiên nước, loại nước uống duy nhất cần thiết ! Một ly nước cam vắt 150-200 ml (không nhiều hơn vì có đường) cũng được khuyên do những tác dụng bảo vệ lên sỏi oxalate de calcium. Bia và cola khuyên không nên dùng.

CALCIUM

Những sản phẩm sữa cần thiết đối với một chế độ ăn uống bình thường và quân bình. Trong bối cảnh các sỏi đường tiểu, chúng cần thiết và chủ yếu không nên hủy bỏ chúng như người ta đã khuyến nghị trong quá khứ. Đó là một sai lầm nghiêm trọng. Vậy cung cấp phải được duy trì từ 2 đến 3 sản phẩm sữa mỗi ngày, đồng thời xét đến rằng một yogourt, một miếng fromage 30 g hay một ly sữa (120 ml) mỗi thứ đều tương đương với một sản phẩm sữa. Vậy lời khuyến nghị là tiêu thụ một sản phẩm sữa cho mỗi bữa ăn.

MUỐI THỰC PHẨM

Có một mối liên hệ trực tiếp giữa sự xuất hiện sỏi đường tiểu và sự tiêu thụ muối thức ăn. Ngày nay, người Pháp tiêu thụ quá nhiều muối, khoảng 10 g mỗi ngày trong khi sự tiêu thụ này không được vượt quá 6g mỗi ngày. Việc chống lại muối thức ăn là khó bởi vì chế độ ăn uống thuộc loại tây phương rất giàu muối. Ta không khuyến nghị là phải “ăn không muối” nhưng phải cho muối ở mức tối thiểu (để nấu nướng), tránh những thức ăn cho nhiều muối quá (soupe và món ăn công nghiệp, đồ thịt lợn, moutarde…) và nhất là loại bỏ những salières de table! Các bệnh nhân phải “tập lại thói quen” ăn đồ ăn “ít muối” .

NHỮNG CHẤT ĐẠM ĐỘNG VẬT

Cũng như đối với muối, các chất đạm động vật (thịt trắng và đỏ, cá, trứng, đồ thịt lợn) làm dễ sự xuất hiện của sỏi đường tiểu nếu chúng được tiêu thụ quá mức. Ta nói là quá mức khi các đạm động vật hiện diện trong hơn một bữa ăn mỗi ngày. Nói rõ hơn, nếu một bệnh nhân đã tiêu thụ thịt, cá hay trứng vào bữa ăn trưa, thì buổi ăn tối không nên tiêu thụ lần nữa những thức ăn này hoặc thay thế chúng bằng charcuterie. Về mặt đạm động vật, thì cá cũng có hại như thịt, về mỡ thì cá tốt hơn! Cũng khuyến nghị tránh đồ ngọt (sucreries) và tránh tiêu thụ đều đặn rượu. Sau cùng vài thức ăn rất giàu oxalate (hợp chất nguồn gốc thực vật liên kết với calcium trong nước tiểu để tạo thành sỏi oxalate de calcium) phải tránh tiêu thụ hay ít nhất rất hạn chế chúng. Trước hết đó là chocolat và còn hơn thế nữa chocolat đen (oxalate được chứa trong cacao). Vậy khuyên không nên tiêu thụ đều đặn và một cách quá dồi dào chocolat (1 đến 2 carré mỗi ngày có thể chấp nhận được). Cũng như vậy đối với chè (chủ yếu là chè xanh), tiêu, cola, quả hồ đào (noix) và quả phỉ (noisette), đậu phụng, brocoli, épinards, rau chút chít (oseille), đại hoàng (rhubarbe). Kết luận, sự phát hiện những yếu tố nguy cơ của sỏi thận từ nay cho phép thiết đặt những biện pháp “chỉnh lại chế độ ăn uống” (réajustement diététique). Có lẽ do không phải là một “régime” mà đúng hơn là một sự cân bằng lại (rééquilibration), một sự học lại (réapprentissage) những quy tắc tốt về ăn uống. Điều tra này và những biện pháp xuất phát từ đó sẽ phải được đề nghị một cách hệ thống cho mọi bệnh nhân đã có hay đang có các sỏi đường tiểu. Chúng là thiết yếu, cần thiết và đơn giản thực hiện để chống lại sự tái phát của các sỏi đường tiểu. Hiệp hội niệu khoa Pháp qua trung gian của Comité lithiase đã soạn thảo và phát hành một fiche “những lời khuyên về chế độ ăn uống” đối với những bệnh nhân bị sỏi, giải thích toàn bộ những quy tắc cần phải theo (fiche téléchargeable trên site urofrance-org) (LE FIGARO 6/6/2011)

Yduocngaynay.com



bachmai.gov.vn

Giới thiệu các phương pháp điều trị sỏi thận ít sang chấn

Sỏi tiết niệu đã thấy ở những xác ướp Ai Cập cổ đại từ năm 4800 trước công nguyên [10], [11]. Tỷ lệ mắc bệnh sỏi tiết niệu giao động từ 2 - 3%, thay đổi tuỳ theo từng vùng và hay tái phát với tỷ lệ khoảng 10% sau 1 năm; 35% sau 5 năm; 50% sau 10 năm [10], [11].

soi-duong-tiet-nieu.jpg

Với những thành tựu vượt bậc trong các lĩnh vực: chẩn đoán hình ảnh, công nghệ và trang thiết bị nội soi, dụng cụ phá sỏi...từ năm 1980 trở lại đây, một loạt các phương pháp điều trị sỏi thận không sang chấn ( non-invasive ) hoặc ít sang chấn ( mini-invasive ) đã ra đời và ngày càng hoàn thiện [6]. Các phương pháp chủ yếu điều trị sỏi thận ít sang chấn hiện tại bao gồm: lấy sỏi thận qua da ( percutaneous nephrolithotomy - PCNL ), tán sỏi thận qua nội soi niệu quản ngược dòng ( retrograde transureteral nephrolithotripsy ), lấy sỏi thận bằng phẫu thuật nội soi trong hoặc sau phúc mạc ( transperitoneally or retroperitoneally laparoscopic pyelolithotomy ). Chúng tôi xin giới thiệu một cách tổng quan về các phương pháp này như sau.

I. LẤY SỎI THẬN QUA DA

1.1. Lịch sử

Năm 1976, Fernstrom và Johanson thông báo trường hợp đầu tiên lấy sỏi thận qua da qua dẫn lưu thận đã được đặt trước đó. Năm 1979, Smith các đồng nghiệp đã mô tả thủ thuật tạo đường vào hệ tiết niệu qua da như là một thủ thuật nội soi niệu và ông đã thông báo 5 trường hợp điều trị sỏi thận và niệu quản bằng đường dẫn lưu thận xuyên da. Sự phát triển và cải tiến các dụng cụ phá sỏi bằng điện thuỷ lực, siêu âm, xung hơi và laser đã nhanh chóng làm cho việc lấy sỏi qua da với những viên sỏi lớn trở nên dễ dàng hơn [12]. Kỹ thuật này được ưa chuộng hơn mổ mở nhờ giảm được tỷ lệ tai biến - biến chứng, ít đau đớn sau mổ và thời gian hồi phục nhanh hơn.

1.2. Chỉ định và chống chỉ định

1.2.1. Chỉ định

Tất cả các loại sỏi thận, nói chung đều có thể được lấy bằng đường qua da. Tuy nhiên, tuỳ theo kích thước sỏi, kỹ năng của phẫu thuật viên mà các phương pháp điều trị khác có thể được ưa thích hơn [13]. Chỉ định PCNL hiện tại bao gồm [6]:

- Sỏi trong túi thừa đài thận.

- Sỏi thận kèm theo hẹp khúc nối niệu quản - bể thận cần phải can thiệp phẫu thuật chỉnh sửa.

- Sỏi san hô, bán san hô, sỏi thận kích thước lớn ( > 2,5 cm ), sỏi thận nhiều viên.

- Bệnh nhân sỏi thận đã tán sỏi ngoài cơ thể thất bại hoặc chống chỉ định tán sỏi ngoài cơ thể.

1.2.2. Chống chỉ định [6]

* Chống chỉ định tuyệt đối: bệnh nhân có các rối loạn về đông máu chưa được điều trị ổn định.

* Chống chỉ định tương đối:

- Bệnh nhân có nhiễm khuẩn niệu, lao niệu chưa ổn định.

- Bệnh nhân có thai.

- Bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ cao: già yếu, nhiều bệnh kết hợp.

* Những bệnh nhân có sỏi thận trên thận dị dạng ( thận móng ngựa, thận dị dạng xoay, thận lạc chỗ ), dị dạng cột sống, hẹp đài bể thận, khi chỉ định PCNL cần thận trọng.

1.3. Kết quả điều trị

Kết quả điều trị sỏi thận bằng phương pháp lấy sỏi qua da phụ thuộc nhiều vào việc lựa chọn bênh nhân, kinh nghiệm của phẫu thuật viên, trang thiết bị kỹ thuật. Tỷ lệ hết sỏi chung theo nghiên cứu của nhiều tác giả dao động trong khoảng từ 90 - 96%, thời gian nằm viện dưới 4 ngày, và hầu hết các bệnh nhân đều có thể vận động nhẹ nhàng được sau 24 giờ [6], [13], [12].
Ở Việt Nam, Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng ( 2003 ) báo cáo kết quả lấy sỏi thận qua da tại Bệnh viện Bình dân trên 50 trường hợp, kết quả tốt đạt 84%, thời gian nằm viện trung bình 6,36 ngày [1]. Lê Sĩ Trung và cộng sự ( 2002) nghiên cứu kết quả phối hợp điều trị sỏi niệu bằng PCNL và tán sỏi ngoài cơ thể cho kết quả tốt với tỷ lệ hết sỏi đạt 90,24% trong khi tỷ lệ hết sỏi khi điều trị bằng PCNL đơn thuần của chính tác giả chỉ đạt 51,22% [2].

1.4. Tai biến - biến chứng

Mặc dù PCNL là một phương pháp điều trị ít sang chấn hơn mổ hở nhưng những tai biến - biến chứng vẫn có thể xảy ra trong quá trình chọc, nong tạo đường vào đài bể thận, tán và lấy sỏi [12]
Xuyên thủng đài bể thận có thể xảy ra tại bất kỳ thời điểm nào trong suốt quá trình phẫu thuật. Tỷ lệ biến chứng chảy máu theo nghiên cứu của F. Esenberger (1991) là: cần phải truyền máu chiếm 10%; 2% phải cắt thận và 1% cần phải can thiệp làm tắc mạch [6].
Nhiễm khuẩn niệu và nhiễm khuẩn huyết có thể xảy ra. Tràn khí hoặc tràn dịch màng phổi thường gặp trong các trường hợp cần tạo đường vào đài bể thận từ phía trên bờ sườn với tỷ lệ khoảng 2% [6].
Mặc dù đã có sự hỗ trợ rất hiệu quả của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh, tổn thương các cơ quan lân cận vẫn có thể xảy ra. Tổn thương thủng đại tràng gặp khoảng 0,2% các trường hợp [12].

II. TÁN SỎI THẬN QUA NỘI SOI NIỆU QUẢN NGƯỢC DÒNG

2.1. Lịch sử

Năm 1912, trong khi soi bàng quang một bệnh nhi 2 tháng tuổi có niệu quản dãn do van niệu đạo sau, Hugh Hampton Young đã đưa được máy soi 9,5 Fr qua niệu quản lên tới đài bể thận [9].
Năm 1964, Marshall đã thông báo trường hợp đầu tiên được soi niệu quản bằng ống soi mềm [9]. Sự tiến bộ vượt bậc về công nghệ chế tạo máy, nội soi niệu quản ống mềm và các loại máy tán sỏi bằng laser, điện thuỷ lực Cho phép thực hiện thành công những trường hợp tán sỏi thận qua nội soi niệu quản ngược dòng [9].

2.2. Chỉ định

Tán sỏi ngoài cơ thể tỏ ra hiệu quả trong trường hợp sỏi thận đơn giản. Chính vì lý do đó nên tán sỏi thận qua nội soi niệu quản ngược dòng không phổ biến, chỉ định hạn chế trong những trường hợp sau:
Sỏi thận đã điều trị bằng tán sỏi ngoài cơ thể thất bại hoặc chống chỉ định tán sỏi ngoài cơ thể.
Sỏi thận trên bệnh nhân có hẹp đường dẫn niệu trong thận như: sỏi nằm trong túi thừa đài thận, đặc biệt trong trường hợp sỏi nằm ở túi thừa đài trên, sỏi thận trên bệnh nhân có hẹp khúc nối bể thận niệu quản...
Sỏi thận trên bệnh nhân bắt buộc phải lấy hết sỏi: bệnh nhân là phi công, phụ nữ trẻ đang dự định có thai, bệnh nhân chuẩn bị ghép tạng...[8][9]

2.3. Kết quả điều trị

Kết quả điều trị sỏi thận bằng phương pháp tán sỏi nội soi niệu quản ngược dòng phụ thuộc vị trí, kích thước sỏi, trình độ phẫu thuật viên và trang thiết bị [9].
Bapat S ( 2006 ) sử dụng máy soi niệu quản - thận ống mềm loại 7 Fr và máy tán sỏi laser holmium điều trị 29 bệnh nhân sỏi thận, cho kết quả: 24 trường hợp hết sỏi, 3 trường hợp máy soi không tiếp cận được sỏi do sỏi nằm ngoài hệ thống đài bể thận [4].
Albert J. Mariani ( 2007 ) sử dụng kết hợp máy tán sỏi điện thuỷ lực và laser holmium tán sỏi thận có kích thước lớn ( > 4 cm ) cho kết quả khả quan: 15/17 trường hợp ( 88% ) hết sỏi. Tác giả cho rằng đây là một phương pháp điều trị ít tai biến - biến chứng và kết quả có thể so sánh với PCNL [3].

2.4. Tai biến - biến chứng

Tổn thương đài bể thận và niệu quản mức độ nhẹ, do yếu tố cơ học trong quá trình phẫu thuật là tai biến - biến chứng thường gặp nhất ( chiếm 71% các tai biến - biến chứng ) [8]. Một số ít trường hợp niệu quản hoặc bể thận có thể bị thủng lỗ nhỏ, cần phải đặt JJ stent trong 4 - 6 tuần.
Tổn thương niệu quản bể thận do nhiệt khi tán sỏi có thể dẫn tới biến chứng hẹp đường tiết niệu trên thứ phát. [8] [9].
Nhiễm khuẩn niệu có triệu chứng chiếm khoảng 1,3%, biến chứng chảy máu nặng trong tán sỏi thận nội soi niệu quản ngược dòng hiếm gặp các trường hợp nội soi niệu quản bể thận [8] [9].

III- LẤY SỎI THẬN BẰNG PHẪU THUẬT NỘI SOI TRONG HOẶC SAU PHÚC MẠC

3.1. Lịch sử

Phẫu thuật thận nội soi ổ bụng hiện tại là kết quả của một quá trình phát triển từ cách đây khoảng 200 năm. Năm 1804, Bozzini đã sử dụng, dụng cụ đầu tiên để chiếu sáng những khoang tối trong cơ thể sống [7]. Năm 1901, Jacobius đã báo cáo 15 trường hợp được bơm khí trời vào ổ bụng, sau đó đưa máy soi quan sát hỗ trợ chẩn đoán tình trạng tràn dịch ổ bụng. Vào năm 1983 khi Semm đã cắt ruột thừa qua nội soi ổ bụng thành công [7].
Chỉ tới những năm gần đây, việc ứng dụng phẫu thuật nội soi ổ bụng trên tiết niệu mới phát triển mạnh mẽ. Năm 1990, Clayman và cộng sự đã thực hiện thành công một trường hợp cắt thận [7]. Thành công này đã làm nền cho sự phát triển đa dạng của các phẫu thuật trên hệ tiết niệu qua nội soi ổ bụng cả trong và ngoài phúc mạc [7].

3.2. Chỉ định và chống chỉ định

3.2.1. Chỉ định [7]

Bệnh nhân sỏi thận đã điều trị bằng tán sỏi ngoài cơ thể, hoặc lấy sỏi thận qua da, hoặc tán sỏi nội soi niệu quản ngược dòng thất bại.
Bệnh nhân sỏi thận trên thận không bình thường về giải phẫu như thận trong hố chậu, hẹp khúc nối niệu quản bể thận cần phải phẫu thuật tạo hình...
Bệnh nhân có sỏi thận thuộc loại khó phá vỡ như sỏi cystine.

3.2.2. Chống chỉ định [7]

Bệnh nhân có rối loạn về đông máu chưa được điều trị ổn định.
Bệnh nhân đang có nhiễm khuẩn niệu hoặc nhiễm khuẩn cấp tính các cơ quan khác chưa được điều trị ổn định.
Bệnh nhân đang có sốc do giảm thể tích máu lưu hành.

3.3. Kết quả điều trị

Năm 1994, Gaur và cộng sự báo cáo thành công 5/8 trường hợp mở bể thận lấy sỏi qua nội soi ổ bụng ngoài phúc mạc, 2 trường hợp không thành công do tạo khoang sau phúc mạc thất bại và 1 trường hợp sỏi di chuyển lên đài trên thận [7]. Nhiều tác giả đã mở bể thận lấy sỏi qua nội soi ổ bụng trong phúc mạc thành công trên bệnh nhân thận lạc chỗ có sỏi đường kính tới 4 cm ( Chang và Dretler, 1996; Harmon, 1996; Hoenig, 1997 )[7].

3.4. Tai biến và biến chứng

Tổn thương các động mạch, tĩnh mạch, nhánh mạch máu có thể phải chuyển mổ mở cầm máu [5] [7].
Một số tai biến - biến chứng liên quan tới đặt trocar. Tổn thương ruột trong quá trình phẫu thuật gặp khoảng 0,13% các trường hợp, trong đó tới 69% không được phát hiện trong lúc mổ [7].

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng và CS ( 2003 ), "Lấy sỏi thận qua da: kết quả sớm sau mổ qua 50 trường hợp tại Bệnh viện Bình Dân", Y học TP. Hồ Chí Minh, Hội nghị KHKT lần thứ 20, tập 2 ( Phụ bản của số 1 ), Tr. 66 - 74.
  2. Lê Sĩ Trung ( 2002 ), " Đáng giá kết quả bước đầu phương pháp nội soi tán sỏi qua da phối hợp với tán sỏi ngoài cơ thể trong điều trị ngoại khoa sỏi tiết niệu ", Tạp chí Ngoại khoa, kỷ yếu toàn văn các đề tài khoa học tham gia hội nghị Ngoại khoa quốc gia Việt Nam lần thứ 12, Tr. 279 - 283.
  3. Albert J. Mariani ( 2007 ), " Combined electrohydraulic and holmium: YAG laser ureteroscopic nephrolithotripsy of large ( greater than 4 cm ) renal calculi ",The Journal of Urology, 177, p. 168 - 173.
  4. Bapat S, Pai K, et al ( 2006 ), " Retrograde intrarenal surgegy ( RIRS ), study of 31 cases ", Urology, 68 (5A), Elsevier Science Inc, p. 205.
  5. Craig A. Peters, M.D., Louis R. Kavoussi, M.D., " Laparoscopy in children and adult ", Campell's urology (3) W. B. Saunders company, Philadelphia - USA, p. 2875 - 2912.
  6. F. Eiswnberger, K. Miller, J. Rassweiler ( 1991 ), Stone therapy in urology, Thieme Medical Publishers, Inc., New York.
  7. Jay T. Bishoff, M.D. ( 2007 ), " Laparoscopic surgery of the kidney ", Campbell - Wash Urology (2), Saunders company, Philadelphia - USA.
  8. Jeffry L. Huffman, M.D., Demetrius H. Bagley, M.D. ( 1988 ), Ureteroscopy, W. B. Saunders company, Philadelphia - USA.
  9. Jeffry L. Huffman, M.D. ( 1998 ), " Ureteroscopy ", Campell's urology (3) W. B. Saunders company, Philadelphia - USA, p. 2755 - 2788.
  10. Joseph W. Segura, M.D. (1996 ), " Percutaneous surgery ", Smith's textbook of endourology (1), Quality Medical Publishing, Inc, Canada, p. 153 - 368.
  11. Mani Menon, M.D. (1998), " Urinary lithiasis: Etiology, Diagnosis, and Medical management ", Campell's urology (3), W.B. Saunders company, p.2661 - 2734.
  12. Ralph V. Clayman, M.D., Elspeth M. McDougal, M.D. ( 1998 ), " Endourology of upper urinary tract: percutaneous renal and ureteral procedure ", Campell's urology (3) W. B. Saunders company, Philadelphia - USA, p. 2789 - 2874.
  13. S. R. Payne, D. R. Webb ( 1988 ), Percutaneous renal surgery, Churchill Livingstone, London.

Nguyễn Minh Tuấn

Khoa Ngoại BV Bạch Mai



Đăng nhận xét