Tin từ Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, bệnh nhân này tử vong tại Trung tâm chống độc sau 13 tiếng được chuyển từ bệnh viện Thanh Hóa ra.
Tại bệnh viện Thanh Hóa, người ăn bọ xít cùng ông S bị suy thận nặng phải lọc máu và đã tử vong tại bệnh viện. Còn ông S, điều trị tại đây không đỡ, vẫn đi tiểu như máu loãng nên sáng 14/9 đã được chuyển lên Trung tâm chống độc.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị toan chuyển hóa nặng, thở nhanh, có tình trạng cô đặc máu, suy thận, suy gan, suy tim, tình trạng nhiễm trùng nặng, rối loạn đông máu mức độ nặng, giảm tiểu cầu, đông máu rải rác lòng mạch.
Trước tình trạng bệnh rất nặng của ông S, các bác sĩ đã tích cực cứu chữa, lọc máu cho bệnh nhân, đặt ống nội khí quản cấp cứu, thở máy, truyền máu, dùng thuốc vận mạch… nhưng tình trạng bệnh vẫn không được cải thiện mà còn trầm trọng hơn. Bệnh nhân đã tử vong sau 13 tiếng được đưa tới bệnh viện.
Tại bệnh viện, khi người nhà mang con bọ xít mà ông S ăn cho các bác sĩ xem, các bác sĩ cho biết, đây là giống sâu đậu, thuộc họ ban miêu có hình dáng giống bọ xít. Theo các chuyên gia về côn trùng cho biết, Việt Nam gọi đây là giống sâu đậu, vì sống trên thân cây đậu cùng loài với sâu ban miêu Trung Quốc. Sâu ban miêu sống hoang dại ở khắp các tỉnh nước ta. Sâu rất độc nhưng theo y học cổ truyền có thể làm thành thuốc. Tuy nhiên ban miêu thuộc loại thuốc độc bảng A, hiện rất ít dùng uống trong. Vì uống phải có thể gây ngộ độc trầm trọng. Thậm chí, chỉ dùng đường bôi ngoài cũng có thể gây triệu chứng ngộ độc.
Ngộ độc sâu ban miêu thường rất đau đớn và nặng, với những triệu trứng ở dạ dày và ruột, rất đau đớn cuối cùng có những rối loạn về thần kinh hôn mê và chết trong vòng 24 giờ.
Người ta cho rằng với liều 3 đến 4g bột sâu ban miêu hoặc 20-30g cồn sâu ban miêu hoặc 0,02-0,03g canthardin đủ làm cho chết người, nhưng ngươi ta cũng nhận thấy có nhiều trường hợp ngộ độc do dùng liều thấp hơn các liều trên rất nhiều.
Hồng Hải
Đăng nhận xét