Thứ Tư, 20/07/2011 - 14:33
(Dân trí) - Sau 2 tiếng đồng hồ, trên 5 ngàn câu hỏi đã được gửi tới TS Ngô Thị Kim Phụng, Trưởng phòng khám Phụ khoa BVĐHYD1. Bằng cách giải thích khoa học, bác sĩ Kim Phụng đã giải đáp, tư vấn nhiệt tình trước những câu hỏi rất thực tế trong đời sống của độc giả.
>> Vì sao chỉ 10% phụ nữ Việt dùng thuốc tránh thai?
>> Vì sao chỉ 10% phụ nữ Việt dùng thuốc tránh thai?
>>Xem toàn bộ nội dung tư vấn trực tuyến tại đây
TS Ngô Thị Kim Phụng, Trưởng phòng khám Phụ khoa BVĐHYD1 (giữa) có mặt tại tòa soạn Dân trí phía Nam trong buổi tư vấn "Thuốc tránh thai và kế hoạch ngừa thai của bạn. (Ảnh: Tùng Nguyên)
*Mời độc giả xem toàn bộ nội dung tư vấn trực tuyến tại đây. |
Một thực tế được bàn luận nhiều và đã lên cả bàn nghị sự quốc gia là tình trạng nạo phá thai ở tuổi vị thành niên đang ngày càng gia tăng đến mức đột biến. Theo thống kê mới nhất, Việt Nam là nước có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên (từ 15-19 tuổi) cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới. Cụ thể, theo thống kê mới nhất của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam: trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi 15-19, trong đó nhiều em đã nạo hút thai nhiều lần.
Và câu hỏi làm thế nào để không “lỡ”, không lo lắng sẽ bị “dính”… để duy trì một đời sống tình dục viên mãn hay đơn giản là chủ động trong kế hoạch tương lai, không làm gián đoạn hay ảnh hưởng tới các kế hoạch khác, sinh con vào thời điểm nào phù hợp nhất… luôn là một đề tài nóng hổi được chị em bàn luận rôm rả với những băn khoăn rất cụ thể như dùng biện pháp nào? Thuốc tránh thai có thực sự an toàn vì đã là thuốc thì chắc chắn tiềm ẩn nguy cơ nào đó? Thuốc tích trong người sẽ ảnh hưởng tới thai nhi sau này? Bác sĩ cũng không dùng thuốc tránh thai vì thuốc tránh thai có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nếu dùng lâu dài? Không uống vào cùng 1 giờ thì vẫn “dính” bầu như thường?
Tất cả những băn khoăn này đã được TS Ngô Thị Kim Phụng trả lời, tư vấn rất nhiệt tình. Hy vọng với phần tư vấn của chuyên gia, những băn khoăn của bạn đã được giải tỏa và giúp bạn có một kế hoạch phòng tránh thai an toàn, hiệu quả.
Dantri.com.vn
Toàn bộ nội dung tư vấn trực tuyến tại đây:
TS Ngô Thị Kim Phụng, Trưởng phòng khám Phụ khoa BVĐHYD1 (giữa) có mặt tại tòa soạn Dân trí phía Nam trong buổi tư vấn "Thuốc tránh thai và kế hoạch ngừa thai của bạn. (Ảnh: Tùng Nguyên)
nguyen my hanh - Nữ 26 tuổi
Cháu chào cô! cháu có một vấn đề thắc mắc về thuốc tránh thai, cô giải đáp dùm cháu nhé. Cháu hiện tại đang có con được 2 tuổi rồi , hiện tại cháu đang kế hoạch bằng thuốc tránh thai maverlon vỉ màu xanh , cháu uống thuốc này được 2 năm rồi, cháu đang vẫn uống và muốn uống thêm vài năm nữa để sinh bé tiếp, nhưng cháu thấy có nói uống nhiều thuốc tránh thai thì sẽ bị dính buồng trứng , sau này về lâu về dài sẽ rất khó có con lại, cháu không biết phải sao nữa có nên uống nữa hay không. PGS. TS Ngô Thị Kim Phụng:Chào bạn, sử dụng thuốc tránh thai marvelon không gây dính buồng trứng, ngược lại nếu buồng trứng bị bệnh lý lạc nội mạc tử cung (dễ gây dính) thì marvelon sử dụng liên tục để gây vô kinh lại có lợi cho bệnh lý này. Trong trường hợp em vẫn có thể sử dụng nội tiết tránh thai (nên ngưng 1 tháng không sử dụng nội tiết tránh thai sau khi đã dùng liên tục 1 tháng). Khi quyết định muốn có thai thì em nên ngưng thuốc 3 tháng để cho buồng trứng hoạt động trở lại.
TRẦN THỊ HỒNG THÁI - Nữ 28 tuổiBác sĩ ơi, cháu bị viêm gan B mãn tính thì có dùng thuốc tránh thai được không ạ? Sau khi ngưng thuốc bao lâu thì có thai lại được ạ? Cháu xin cảm ơn.
PGS. TS Ngô Thị Kim Phụng:Một trong những chống chỉ định của thuốc là có bệnh lý ở gan (nếu có ảnh hưởng tới chức năng gan), vì thuốc được biến dưỡng ở gan. Vì em không nói rõ tình trạng viêm gan B mãn tính của em có ảnh hưởng tới chức năng gan chưa, nên không thể tư vấn chính xác được.
Nguyễn Thị Ngọc - Nữ 32 tuổiGửi chuyên gia tư vấn. Em đã uống thuốc tránh thai Newchoice được gần 1 năm nhưng trong quá trình uống thuốc em không thấy hiện tượng có kinh. Nếu có thì chỉ ra 1 ít máu thôi. Xin hỏi có phải em uống thuốc Newchoice đã ảnh hưởng đến tháng kinh không? Theo chuyên gia nên dùng loại thuốc tránh thai nào là có hiệu quả và không có nhiều tác dụng phụ. Em xin cảm ơn chuyên gia tư vấn.
PGS. TS Ngô Thị Kim Phụng:Chào bạn! Một trong những tác dụng được xem như có lợi của nội tiết tránh thai là giảm lượng máu kinh. Thuốc không gây vô kinh, trừ khi sử dụng liên tục. Nếu vẫn còn vô kinh, em nên đến khám phụ khoa để được tìm hiểu nguyên nhân. Tất cả thuốc tránh thai đều có hiệu quả và tác dụng phụ như nhau.
Quang - Nam 26 tuổiVợ chồng cháu đã có 1 bé trai gần 2 tuổi,đợi khi nào bé được 5 tuổi thì sẽ sinh bé thứ 2. Nhưng việc thực hiện KHHGD bằng các biện pháp tránh thai thật là khó quá. Chúng cháu không muốn dùng BCS tẹo nào cả mà dùng thuốc thì đang cho con bú, đặt vòng thì sợ viêm nhiễm lắm. Vậy theo bác sỹ, việc tránh thai bằng cách tính ngày có an toàn không? Bác sỹ cho vợ chồng cháu lời khuyên nhé.
PGS. TS Ngô Thị Kim Phụng:
Việc tránh thai bằng cách tính ngày trong thời điểm đang cho con bú rất khó an toàn. Vì, khi đang cho con bú, hiện tượng rụng trứng sẽ không đều đặn, làm cho kinh nguyệt thường không đều. Do đó, rất dễ vỡ kế hoạch. Em có thể sử dụng biện pháp cấy dưới da (implanon) hoặc là tiêm ngừa thai 3 tháng.
Nhà báo Lý Trường Chiến - Trưởng đại diện báo Dân trí phía Nam tặng hoa tới TS Ngô Thị Kim Phụng
Đại diện nhãn hàng Mercilon nhận bó hoa tươi thắm từ nhà báo Hồng Tâm - Phó Trưởng đại diện báo Dân trí phía Nam
Trần Nhung - Nữ 29 tuổiTôi bị bệnh buồng trứng đa nang và được các bác chỉ định dùng thuốc Diana 35. Bác sỹ có thể cho tôi biết tác dụng và tác dụng phụ của thuốc được không ạ? Tôi dùng nhiều có ảnh hưởng đến sức khỏe của tôi không ạ? Tôi dùng thuốc nào khác thay thế cho thuốc Diana 35 được không ạ? Xin chân thành cảm ơn bác sỹ.
PGS. TS Ngô Thị Kim Phụng:Buồng trứng đa nang là một bệnh lý do trứng không rụng được và nhiều trứng cùng phát triển trong một thời điểm. Bệnh có thể làm tăng nội tiết tố nam (testosterone) gây rậm lông, mụn trứng cá. Bệnh còn làm tăng thêm độ dày của nội mạc tử cung do tác dụng của estrogen. Diane 35 là một loại nội tiết thích hợp trong điều trị trong buồng trứng đa nang.
Bùi Mai - Nữ 29 tuổiCháu nghe nói dùng thuốc tránh thai nhiều có thể gây vô sinh, điều này có đúng không ạ? Cháu dùng thuốc tránh thai được hơn 2 năm rồi, giờ cháu muốn sinh em bé nữa, nhưng đã dừng uống thuốc 2 tháng nay rồi mà vẫn chưa thấy gì? Liệu có phải do cháu dùng thuốc liên tục lâu ngày nên khó thụ thai không ạ?
PGS. TS Ngô Thị Kim Phụng:
Chào bạn! Sau khi ngưng sử dụng thuốc tránh thai phải cần thời gian từ vài tháng trở lên (dưới 6 tháng) để buồng trứng có thể hoạt động và rụng trứng trở lại bình thường. Thuốc tránh thai không gây vô sinh vì rụng trứng sẽ trở lại bình thường sau khi ngưng thuốc. Nếu sau 1 năm không áp dụng biện pháp tránh thai nào cả mà vẫn chưa có thai lại, em nên đến khám hiếm muộn.
Nguyễn Thị Thanh Thủy - Nữ 23 tuổiXin chào bác sĩ, em năm nay 23 tuổi chưa có gia đình nhưng cũng đã có quan hệ với bạn trai và có dùng thuốc tránh thai hàng ngày. Hiện tại kinh nguyệt của em không đều từ khi bắt đầu có kinh và đến bây giờ cũng vậy. Em chỉ uống khoảng 3 vỉ thôi nhưng uống cách nhau chứ không liên tục. Vậy bác sĩ cho em biết sau này em có khả năng có thai không?
PGS. TS Ngô Thị Kim Phụng:Nội tiết tránh thai loại uống có 2 dạng vỉ: 21 viên và 28 viên.Nếu sử dụng loại 21 viên thì 2 vỉ sẽ cách nhau 7 ngày; nếu loại 28 viên thì uống liên tục. Khi uống thuốc nội tiết tránh thai phải tuân thủ đúng hướng dẫn sử dụng thuốc. Thuốc tránh thai không gây vô sinh.
Võ Thị Kim Hồng - Nữ 45 tuổiTôi đi khám phụ khoa kết quả siêu âm bác sĩ ghi: nhân xơ tử cung. Tôi đang uống thuốc tránh thai (được 2 vỉ). Vậy tôi có nên tiếp tục uống, thuốc này có làm nhân xơ to lên thêm và to nhanh hơn? Xin cảm ơn bác sĩ.
PGS. TS Ngô Thị Kim Phụng:Nhân xơ tử cung là một bệnh lý lành tính của tử cung thường gặp 20 - 25% phụ nữ trên 35 tuổi. Đây là một bệnh lý phụ thuộc vào nội tiết tố estrogen, nghĩa là nhân xơ sẽ to lên khi có estrogen (sử dụng thuốc nội tiết tránh thai có estrogen như bạn đang sử dụng hoặc khi có thai). Ngay cả estrogen ngoại sinh (có trong sữa đậu nành hoặc tàu hủ) cũng làm nhân xơ to lên. Ngược lại, khi estrogen giảm xuống (mãn kinh hoặc buồng trứng bị cắt) sẽ làm nhân xơ ngưng phát triển. Tốt nhất bạn nên đổi biện pháp tránh thai khác.
Nguyễn Thị Thảo - Nữ 26 tuổiCháu đang cho con bú, bé được 4 tháng tuổi,cháu đi mua thuốc tránh thai thì người ta nói" thuốc tránh thai không tốt đâu, hay bị rong kinh. Có người chịu được, có người không chịu được. Hại người lắm". Như vậy có đúng không ạ? Vậy người như thế nào có thể uống được ạh? Cháu đang cho con bú có uống được không ạh? Có hại cho sức khỏe không ạh? Cháu nghe người bán thuốc nói cháu sợ lắm! Rất mong được bác sĩ giúp! Cháu xin cảm ơn!
PGS. TS Ngô Thị Kim Phụng:Chào bạn, nội tiết tránh thai có tác dụng phụ là rong kinh, rong huyết, đặc biệt trong thời gian đầu sử dụng thuốc. Tác dụng phụ này thường qua đi. Em đang cho con bú vẫn có thể sử dụng được thuốc tránh thai chỉ có progesteron. Không thể sử dụng những loại có 2 loại nội tiết tố là estrogen và progesteron (như Newchoice, Marvelon...). Em có thể sử dụng dạng cấy que dưới da Implanon (tác dụng 3 năm) hoặc tiêm một mũi có tác dụng ngừa thai 3 tháng.
trần thu phương - Nữ 38 tuổiEm năm nay 38 tuổi, đã có 3 con, từng có khối u tuyến sợi lành tính ở vú và đã mổ ở bệnh viện Chợ Rẫy cách đây 7 năm. Lâu nay em vẫn khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng và em cũng ngừa thai bằng cách uống thuốc Macverlon. Vậy bác sĩ vui lòng cho em hỏi em uống thuốc như vậy có ảnh hưởng gì không (đến vú và đến các bộ phân khác...) và em sẽ được uống đến năm em bao nhiêu tuổi thì phải ngưng? Em xin cảm ơn bác sĩ.
PGS. TS Ngô Thị Kim Phụng:Chào bạn, khi sử dụng thuốc tránh thai thì phải tuân theo chỉ định và chống chỉ định của thuốc. Một trong những chống chỉ định của thuốc tránh thai là có bệnh lý lành tính(u sợi tuyến vú...) và ác tính (ung thư vú...), do đó, bạn có tiền sử bệnh, dù đã phẫu thuật nhưng vẫn nằm trong nhóm chống chỉ đinh sử dụng thuốc tránh thai. Sở dĩ như vậy, bệnh lý này phụ thuộc vào nội tiết estrogen (có trong thuốc marvelon mà bạn đang sử dụng).
TS Ngô Thị Kim Phụng (phải) có mặt tại buổi giao lưu với tinh thần sẵn sàng giải đáp hết sức câu hỏi của độc giả gửi tới
Nguyễn Thao Vui - Nữ 37 tuổiTôi năm nay 37 tuổi. Tôi nghe nói phụ nữ qua tuổi 35 không nên dùng thuốc tránh thai vì sau này không tốt. Xin bác sĩ cho tôi biết thông tin trên có đúng không? Và như tuổi của tôi bây giờ nên dùng biện pháp nào? Vòng kinh của tôi không đều (từ 30 đến 40 ngày). Tôi muốn năm 2012 sinh thêm một baby nữa. Xin bác sĩ tư vấn giúp. Xin cảm ơn!
PGS. TS Ngô Thị Kim Phụng:Phụ nữ từ 35 tuổi trở lên thường có thể kèm theo bệnh lý nội khoa do tuổi. Nếu bạn muốn sử dụng nội tiết tránh thai cần đến tư vấn ở thầy thuốc chuyên khoa để được xem có thể dùng hay không.
nguyễn thị hoa - Nữ 24 tuổiCháu chưa có con nhưng uống thuốc tránh thai được 2 năm, mới ngừng thuốc từ tháng 11/2010 và đi tiêm rubella để chuẩn bị sinh con. Sau khi ngưng thuốc, kinh của cháu ra không đều, tháng 26 ngày tháng 30 ngày, 2 tháng gần đây là 36 ngày. Đến giữa tháng vừa rồi cháu có bị ra máu 1 tuần, đi khám bác sĩ cho thuốc cầm máu và thuốc tránh dọa sảy. Uống xong mặt nổi nhiều mụn và giờ là ngày thứ 50 rồi vẫn chưa có kinh. Đi khám bác sỹ bảo về theo dõi thêm. Cháu rất lo lắng. Thử que và siêu âm cũng không có bầu. Vậy cho cháu hỏi có phải cháu bị rối loạn kinh nguyệt do uống thuốc tránh thai không ạ. Giờ cháu đã thả được 5 tháng mà không có bầu. Liệu cháu có khả năng vô sinh không ạ. Xin bác sỹ giúp đỡ. Cháu xin chân thành cảm ơn.
PGS. TS Ngô Thị Kim Phụng:Khi ngưng thuốc tránh thai, buồng trứng sẽ hoạt động trở lại bình thường trong vòng vài tháng (nghĩa là có rụng trứng). Chu kỳ kinh của em là bình thường. Lần bác sĩ cho uống thuốc cầm máu và thuốc tránh dọa sảy chưa rõ thông tin. Do thông tin em cung cấp không đầy đủ (loại thuốc gì) nên khó tư vấn chính xác được. Rối loạn kinh nguyệt của em không thể đổ lỗi do thuốc tránh thai được, ngay cả khi tâm lý quá lo lắng cũng sẽ ảnh hưởng đến kinh nguyệt. Vô sinh được xem khi không áp dụng biện pháp tránh thai nào và vợ chồng quan hệ bình thường trong vòng 1 năm mà vẫn không có thai. Do đó, em chỉ mới thả 5 tháng, chưa đủ thời gian để xem là vô sinh.
Pham Van Tao - Nam 34 tuổiChào bác sỹ xin cho hỏi vợ chồng cháu đã có 2 con cả trai và gái mà vợ cháu tử cung đôi sau khi sinh cháu thứ 2(bằng phương pháp mổ cả 2 lần) thì không đặt vòng được (tuột hoặc gây đau bụng) vậy vợ chồng cháu nghĩ đến phương pháp triệt sản. Xin hỏi bác sỹ phương pháp này có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ của vợ cháu?hay giảm ham muốn quan hệ vợ chồng không ạ? và ở đâu thì thực hiện phương pháp này tốt ạ. Xin cám ơn Bác sỹ rất nhiều
PGS. TS Ngô Thị Kim Phụng:Triệt sản là phương pháp tránh thai vĩnh viễn, không ảnh hưởng đến sức khỏe của người phụ nữ. Phương pháp này là ngăn trứng không đi vào tử cung bằng cách thắt ống dẫn trứng lại, ngoài ra không ảnh hưởng gì đến nội tiết của người phụ nữ. Triệt sản chỉ được thực hiện ở phụ nữ trên 35 tuổi, đủ số con (2 con) và con nhỏ nhất phải trên 3 tuổi. Nếu anh chị muốn triệt sản nên đến bệnh viện có chuyên khoa sản như Từ Dũ, Hùng Vương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương...
Dương Thị Minh Tâm - Nữ 28 tuổiEm kết hôn được gần 1 năm. Thời gian trước em có dùng thuốc tránh thai nhưng uống xong thì người mệt mỏi, khó chịu, buồn nôn nên em không uống nữa. Sau này em có nghe đồn là uống thuốc tránh thai không tốt, dễ bị teo buồng trứng, hoặc sau 20 năm sẽ bị ung thư vú. Điều đó có đúng không? Xin BS Kim Phụng tư vấn dùm em. Em xin cảm ơn.
PGS. TS Ngô Thị Kim Phụng:Thuốc tránh thai không gây teo buồng trứng, nếu có khoảng nghỉ trong thời gian sử dụng thuốc (uống 6 tháng nghỉ 1 tháng). Cần phải khám định kỳ phụ khoa (kể cả khám vú) đối với tất cả phụ nữ đã lập gia đình hoặc đã có quan hệ tình dục để phát hiện sớm bệnh lý phụ khoa.
Nguyễn Thị Hương - Nữ 31 tuổiTôi có một số thắc mắc mong bác sỹ tư vấn (dùng Maverlon 21 viên được 2 tháng): - Có thông tin cho rằng uống thuốc liên tục trong từ 8 năm thì dễ bị ung thư. - Thời gian kinh nguyệt kéo dài (bình thường 7ngày, sau uống thuốc thành 10 ngày) - Sắc tố da không tốt như trước khi uống thuốc. - Sau khi uống hết vỉ thuốc thì ngưng đến khi xuất hiện kinh nguyệt thì bắt đầu uống vỉ mới, như vậy có đúng không?
PGS. TS Ngô Thị Kim Phụng:Ngoài tác dụng tránh thai, nội tiết tránh thai còn có những tác dụng có ích khác như: giảm lượng kinh, giảm đau bụng kinh, điều hòa chu kỳ kinh, giảm nang chức năng ở buồng trứng, giảm ung thư buồng trứng, tăng khối lượng xương... Thuốc nội tiết tránh thai không được phép sử dụng khi có tiền sử gia đình ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung.
Đào Tiên - Nữ 31 tuổiChào bác sĩ, gia đình em có 2 người dì ruột bị ung thư vú đang định tháo vòng chuyển sang dùng thuốc. Em bị dị ứng hải sản cũng nặng. Xin hỏi bác sĩ em nên dùng loại thuốc tránh thai nào?
PGS. TS Ngô Thị Kim Phụng:Gia đình có 2 người dì ruột bị ung thư vú thì bạn nằm trong chống chỉ định sử dụng nội tiết tránh thai. Nếu không thích hợp với vòng, bạn có thể sử dụng những biện pháp như bao cao su, tránh ngày rụng trứng, xuất tinh ngoài âm đạo... (lưu ý đây là những biện pháp ngừa thai hiệu quả không cao).
Nguyễn Thị Ánh Hồng - Nữ 25 tuổiCháu chào bác sĩ! Cháu muốn hỏi bác là thuốc uống tránh thai phải nhất thiết uống vào 1 giờ nhất định? Trên thị trường thì thuốc tránh thai nào là an toàn? Muốn mua thì mua ở đâu? Tháng vừa rồi cháu vừa "vỡ kế hoạch, phải đi "giải quyết' vì con cháu còn nhỏ nên giờ cháu rất sợ lại "vỡ kế hoach" lần nữa. Rất mong bác sĩ tư vấn những băn khoăn giúp cháu tự tin! Chân thành cảm ơn bác sĩ!
PGS. TS Ngô Thị Kim Phụng:Khi uống thuốc tránh thai cần tuân thủ uống đúng giờ, uống đủ, không được quên. Nếu muốn sử dụng thuốc tránh thai cần đến bác sĩ tư vấn xem có chống chỉ định hay không và được hướng dẫn cách sử dụng thuốc cho đúng.
Dung - Nữ 37 tuổiTrước đây khi sinh xong cháu đầu, tôi đã dùng thuốc tránh thai, thấy an toàn nhưng lên cân. Hiện tại, tôi bị thiếu máu não cục bộ, lại đã 37 tuổi và đã có cháu thứ 2, tôi muốn dũng thuốc tránh thai nhưng sợ lên cân và ảnh hưởng đến não do bệnh trên. Vậy tôi có nên dùng thuốc tránh thai không, nêu được thì nên dũng loại thuốc tránh thai nào?
PGS. TS Ngô Thị Kim Phụng:Thuốc nội tiết tránh thai với hàm lượng estrogen thấp (20mcg) không gây tăng cân. Tuy nhiên bạn nằm trong trường hợp chống chỉ định thuốc vì có bệnh lý thiếu máu não cục bộ. Nội tiết tránh thai làm thay đổi về đông máu nên có thể dễ đưa tới những cục máu đông nhỏ, ảnh hưởng không tốt cho bệnh lý khó đông của bạn. Đối với người bình thường không có bệnh lý về đông máu thì vẫn có thể sử dụng thuốc được.
Bùi Thị Bích - Nữ 26 tuổicho cháu xin hỏi rằng cháu chưa muốn có con ngay sau khi kết hôn.Vậy cháu uống thuốc tránh thai hàng ngày lâu dài co ảnh hưởng gì về sức khỏe sinh sản sau này không ạ?
PGS. TS Ngô Thị Kim Phụng: Thuốc tránh thai hàng ngày liều thấp (20mcg ethinyl estradiol) không ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản sau này. Khi ngưng thuốc, buồng trứng sẽ hoạt động bình thường trở lại trong vòng vài tháng.
TS Ngô Thị Kim Phụng hiện là Trưởng phòng khám Phụ khoa BVĐHYD1
Linh - Nữ 22 tuổiSau khi hút thai bác sĩ kê cho cháu uống thuốc tránh thai hàng ngày để tạo kỳ kinh. Sau gần 1 tháng cháu có kinh lại bt, nhg tháng sau đó (tức là bây giờ) thì cháu đã trễ nhiều ngày rồi mà chưa thấy kinh. Cháu nghe nói sau khi dừng uống thuốc tránh thai hàng ngày thì kinh nguyệt sẽ có thể chậm trễ hoặc tạm thời mất đi đúng không ạ. Cháu nên làm gì để cải thiện vấn đề này, uống Cao ích mẫu có được ko ạ. Nếu uống Cao ích mẫu thì khoảng sau bao lâu lại có kinh đc ạ? Có loại nào giúp có kinh tốt hơn ko ạ.
PGS. TS Ngô Thị Kim Phụng:Trong tháng sau đó (tức là bây giờ) cháu có dùng biện pháp tránh thai nào hay không. Nếu không có mà trễ kinh nhiều ngày thì bạn nên đến khám bác sĩ để xem có thai hay không.
Lê Phương Thúy - Nữ 27 tuổiChào BS! BS cho hỏi là năm nay em 26 tuổi bị bệnh xuất huyêt giảm tiểu cầu.Đang phải dùng Medexa, và mặt em bị nhiều mụn trứng cá. Em đã có 02 con và muốn uống thuốc tránh thai để kế hoạch dài và để giảm trứng cá. vậy bác sĩ cho hỏi là nên dùng loại thuốc tránh thai nào là hợp lý?
PGS. TS Ngô Thị Kim Phụng:Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu là chống chỉ định sử dụng nội tiết tránh thai. Bạn nên sử dụng những biện pháp rào cản như bao cao su, theo ngày kinh hoặc xuất tinh ngoài âm đạo.
lê thu hà - Nữ 27 tuổiTôi uống thuốc tránh thai loại dùng cho người đang cho con bú Levono đuợc 1 tháng nhưng lại bị rối loạn kinh nguyệt. 1 tháng thấy kinh 3 lần. Tôi có nên dùng nữa không? Bây giờ tôi cai sữa, vậy nên dùng loại nào? Xin cảm ơn bác sĩ.
PGS. TS Ngô Thị Kim Phụng:Thuốc tránh thai dành cho bà mẹ cho con bú Levono chỉ có progesterone có thể gây rong kinh như trường hợp của bạn. Nếu đã cai sữa, bạn có thể dùng bất kỳ loại nội tiết tránh thai nào, tốt nhất nên sử dụng loại thuốc tránh thai có liều thấp (20mcg ethinyl estradiol) ít ảnh hưởng lên cân nặng.
Lam Chiều - Nữ 31 tuổiKính chào Bác sỹ, cháu xin nhờ Bác tư vấn giúp cháu với. Cách đây nửa tháng cháu có uống thuốc bỏ thai, sau đó một tuần cháu có đi tái khám lúc vẫn còn ra huyết, bác sỹ khám cho cháu có kê toa uống bảo là để cầm máu và kê thuốc uống tránh thai loại 21 ngày(cháu không nhớ tên thuốc). Cháu uống đến ngày thứ 7 thì ra máu rất nhiều cho đến bây giờ là 4 ngày rồi. Cháu không biết lý do tại sao lại ra máu nhiều như thế mặc dù ra liên tiếp sau khi uống thuốc bỏ thai. Cháu xin Bác sỹ tư vấn giúp cháu là cháu có nên tiếp tục uống thuốc tránh thai này nữa không và như bây giờ có phải là cháuđang bị rong kinh không? Cháu xin cảm ơn!
PGS. TS Ngô Thị Kim Phụng:Nếu vẫn còn tiếp tục ra máu, bạn nên trở lại tái khám ở bác sĩ để đươc khám và tư vấn chính xác hơn. Bạn cần được tìm xem có sót nhau hay không (siêu âm phụ khoa giúp trả lời được câu hỏi này).
thanh ngoc - Nữ 25 tuổi Em có uống thuốc tránh thai đã 2 tháng qua, nhưng tháng này em uống khoảng 10 viên, hôm đó em sơ ý đã làm mất 1 viên, xin bác sĩ tư âấn cho em là từ khi em làm mất viên túuốc đó đến khi hết vỉ thuốc em có cần dùng biện pháp tránh thai nào khác không? và em không biết thuốc sau này có ảnh hưởng gì đến việc em muốn sinh em bé hay không? Nhờ bác sĩ tư vấn cho em. Xin chân thành cảm ơn bác sĩ và những người thực hiện.
PGS. TS Ngô Thị Kim Phụng:
Em làm mất 1 viên, nhưng em vẫn phải dùng hết vỉ nếu không sẽ ra huyết âm đạo. Và em phải sử dụng thêm 1 biện pháp tránh thai khác như bao cao su để tránh có thai. Dùng thuốc tránh thai khi ngưng vài tháng sau thì trứng sẽ rụng bình thường và có thể có thai. Thuốc không ảnh hưởng gì trên thai nhi vì đã hết thời gian thuốc lưu lại trong máu.
Trần Thị Khánh - Nữ 28 tuổiCháu xin hỏi bác sỹ: Cháu dùng thuốc tránh thai marvelon theo sự hướng dẫn của bác sỹ tại bệnh viện là dùng thuốc liên tục trong 6 tháng liên tiếp rồi ngưng thuốc 6 tháng tiếp theo sau đó lại sử dụng lại. Nhưng ở đây cháu thấy bác sỹ Phụng nói rằng (nên ngưng 1 tháng không sử dụng nội tiết tránh thai sau khi đã dùng liên tục 1 tháng). Như vậy cách dùng thuốc tránh thai của cháu là không đúng ạ? Cháu xin bác sỹ tư vấn giúp vì cháu có ý định dùng thuốc tránh thai ít nhất là 5 năm (bé lớn nhà cháu mới được 3 tuổi). Xin cảm bác sỹ
PGS. TS Ngô Thị Kim Phụng:Chỉ cần ngưng 1 tháng sau khi dùng liên tục 6 tháng. Trong 1 tháng đó, nên sử dụng bao cao su là biện pháp tương đối an toàn.
Nguyen Phuong Linh - Nữ 28 tuổiChào bác sĩ. Em bị u xo tuyến vú không dùng được thuốc tránh thai hàng ngày. Vậy em có dùng thuốc tránh thai khẩn cấp hoặc tiêm thuốc ngừa thai 3 tháng được không? Nếu tiêm thì dùng thuốc nào? Xin cảm ơn bác sĩ
PGS. TS Ngô Thị Kim Phụng:U xơ tuyến vú là một bệnh lý lành tính ở tuyến vú, phụ thuộc vào estrogen. Còn loại thuốc ngừa thai 3 tháng hoặc loại que cấy dưới da 3 năm là progesterone có thể sử dụng được trong trường hợp của em.
Lê Thị Thùy Trang - Nữ 31 tuổiEm đã có 1 con trai hiện nay đã gần 4 tuổi. Lúc cháu khoảng 5 tháng tôi có điều hòa 1 lần vì tôi sinh mổ, sẽ không an toàn cho việc lại có con sớm. Hiện, tôi đang có kế hoạch sinh em bé thứ hai. Trước kia em dùng thuốc tránh thai, có khi phải kết hợp với thuốc ngừa thai khẩn cấp vì em uống thuốc không đều đặn (nhưng không quá 2 viên/tháng) Hiện, em đã ngưng khoảng 3 tháng và chuyển sang BCS, kinh nguyệt em hiện không đều như trước đây nữa, thường khoảng 32-34 ngày. Em hỏi, liệu có ảnh hưởng đến việc có em bé thứ 2 của em không? Em xin chân thành cám ơn!
PGS. TS Ngô Thị Kim Phụng:Chu kỳ kinh 32 - 34 ngày vẫn là bình thường. Vấn đề như em đã trình bày thiết nghĩ không ảnh hưởng gì đén việc có em bé lần thứ 2.
Uông Thị Mai Trang - Nữ 27 tuổiEm đã sinh con được 10 tháng tuổi và vẫn đang cho con bú sữa mẹ. Hiện nay em vẫn chưa dùng biện pháp tránh thai nào vì em vẫn chưa có hành kinh. Em đang rất phân vân không biết nên sử dụng biện pháp tránh thai nào cho tốt vì uống thuốc thì sợ ảnh hưởng đến con mà đặt vòng thì nghe các chị ở cơ quan nói rất hay bị viêm nên rất mong bác sỹ tư vấn cho em biện pháp tốt nhất. Xin cảm ơn bác sỹ!
PGS. TS Ngô Thị Kim Phụng:Chào chị! Trong trường hợp chị có thể sử dụng loại thuốc tránh thai chỉ có progesteron (uống, tiêm hoặc cấy dưới da) là tốt nhất.
nguyen thi chi - Nữ 30 tuổiEm rất hay bị viêm phụ khoa, đặc biệt uống thuốc tránh thai em lại càng hay bị viêm. Bác sĩ cho em hỏi có biện pháp gì tốt nhất vừa tránh được thai, vừa không bị viêm?
PGS. TS Ngô Thị Kim Phụng:Một trong những tác dụng có lợi ngoài tránh thai của thuốc tránh thai là giảm viêm phần phụ. Một trong 2 chất trong thuốc tránh thai (progesteron) sẽ làm đặc chất nhầy ở cổ tử cung, hạn chế vi trùng xâm nhập vào buồng tử cung. Viêm phụ khoa không rõ ràng; có bệnh lý viêm sinh dục dưới (viêm âm đạo, viêm cổ tử cung) và viêm sinh dục trên (viêm phần phụ, áp xe phần phụ,...). Bệnh lý viêm phụ khoa mà em đề cập đến do ai chẩn đoán?
đỗ huỳnh khánh linh - Nữ 31 tuổiCó phải dùng thuốc tránh thai một thời gian dài và liên tục sau này dễ mắc chứng sa tử cung hay không? Xin cảm ơn bác sĩ.
PGS. TS Ngô Thị Kim Phụng:Sa tử cung là bệnh lý do sàn chậu dãn, thường theo sau sanh nhiều lần, làm việc nặng, làm việc sớm sau sanh không liên quan gì đến thuốc tránh thai.
Song Giang - Nam 51 tuổiVợ tôi đang có dấu hiệu mãn kinh vậy có cần dùng thuốc tránh thai không? Khi đã mãn kinh thì còn cần dùng thuốc tránh thai nữa không? Hay có kế hoạch ngừa thai trong giai đoạn này như thế nào là hiệu quả? Mong được BS tư vấn. Cảm ơn
PGS. TS Ngô Thị Kim Phụng:Phụ nữ có dấu hiệu mãn kinh thường từ trên 45 tuổi trở lên. Trong lứa tuổi này thường kèm theo nhiều bệnh lý nội khoa do tuổi có thể là chống chỉ định của thuốc tránh thai. Nếu muốn sử dụng bất kỳ phương pháp ngừa thai nào trong giai đoạn này, anh nên đưa chị đến khám và tư vấn ở 1 cơ sở có chuyên khoa phụ khoa. Ngoại trừ biện pháp sử dụng bao cao su. Mãn kinh (không có kinh 1 năm) thì không cần sử dụng thuốc tránh thai. Nội tiết sử dụng trong giai đoạn này (mãn kinh) có mục đích là thay thế. Muốn sử dụng nội tiết thay thế phải đến khám bác sĩ phụ khoa để được tư vấn chính xác và cụ thể hơn.
Đỗ Như Quỳnh - Nữ 27 tuổiTôi quan hệ tình dục không thường xuyên nên không sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày được. Có một đôi lần tôi dùng thuốc tránh thai khẩn cấp thì gần như chu kỳ kinh sau đó bị lệch ngày và bị nấm âm đạo (dù trước đó không bị) và đã đi khám để điều trị dứt điểm. Nhưng lần mới đây nhất dùng thuốc khẩn cấp lại bị như vậy nữa. Xin hỏi bác sỹ là việc bị nấm âm đạo có thể là do ảnh hưởng từ việc sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp không ạ. Và làm cách nào để khắc phục được tình trạng này ạ. Vì một năm tôi sử dụng có 2 lần.
PGS. TS Ngô Thị Kim Phụng:
Sử dụng thuốc ngừa thai khẩn cấp dễ gây rong kinh. Những yếu tố thuận lợi khác dễ gây viêm âm đạo do nấm như ẩm ướt ở vùng sinh dục, khi có thai, có bệnh lý tiểu đường, dùng thuốc giảm miễn dịch như corticoid, dùng thuốc kháng sinh... Viêm âm đạo do nấm rất dễ tái phát, nếu không loại trừ những yếu tố thuận lợi.
Trần Thị Hường - Nữ 28 tuổiCháu năm nay 28 tuổi. Tháng 7/2010 2010 cháu sinh mổ, sau khi sinh khoảng được 2 tháng thì có kinh trở lại và cháu có dùng thuốc tránh thai nhưng do hay quên và uống thuốc không đúng giờ nên T4/2011 cháu lại có thai và phải đi hút điều hoà. Cháu cũng chuyển sang dùng BCS nhưng vì thấy không dùng được do bị dị ứng và cảm thấy đau. Bác sĩ cho cháu hỏi, vậy bây giờ cháu nên dùng phương pháp tránh thai nào là phù hợp.
PGS. TS Ngô Thị Kim Phụng:Sử dụng thuốc tránh thai cần nhất là phải uống đúng, đủ. Chỉ cần quên uống, không chính xác thời gian dễ đưa đến thất thái. Và em đã thất bại một lần. Như vậy với thuốc tránh thai dạng viên uống em sẽ dễ thất bại. Nội tiết tránh thai còn nhiều dạng sử dạng khác như tiêm chích ( DMPA - 1 mũi ngừa thai 3 tháng), dán, cấy dưới da (Implanon - cấy 1 lần trong 3 năm). Em có thể tham khảo. Nếu đặt vòng trong trường hợp em vẫn có thể được nhưng cần cần trọng. Riêng sử dụng bao cao su tỷ lệ thất bại sẽ có nếu dùng không đúng cách. Nếu dị ứng và đau, em có thể thay loại bao khác vì có thể dị ứng với tá chất làm trơn và có thể dùng thêm loại gel K-Y đơn thuần hỗ trợ.
NT - Nam 29 tuổiEm có một thắc mắc cần BS giải đáp giùm, có vài trường hợp người quen của em dùng thuốc tránh thai, nhưng sau một thời gian (khoảng 6 tháng đến 1 năm) khi muốn có thai lại thì phải chờ rất lâu (sau khi ngưng thuốc) và có người thì đến giờ chưa có em bé. Xin hỏi BS trong thuốc tránh thai có chất gì làm rối loạn chức năng sinh sản của phụ nữ không ạ? Bản thân em cũng sắp đám cưới và định uống thuốc ngừa thai trong khoảng thời gian vài tháng đầu, nghe vậy em cũng hơi hoang mang
PGS. TS Ngô Thị Kim Phụng:Thuốc uống tránh thai có cấu tạo gồm 2 chất nội tiết nữ là estrogen và progesteron. Thuốc có hàm lượng khác nhau, thay đổi hàm lượng, loại estrogen và progesteron nên có nhiều tên thuốc khác nhau. Sử dụng thuốc tránh thai ngoài tác dụng tránh thai, còn nhiều tác dụng khác nhau. Sử dụng thuốc tránh thai ngoài tác dụng tránh thai còn có nhiều tác dụng có lợi khác như điều hòa chu kỳ kinh, giảm lượng máu kinhm giảm đau bụng kinh, giảm nang chức năng ở buồng trứng, giảm ung thư buồng trứng, tăng khối lượng xương... Trong cấu tạo của thuốc không có chất gì làm rối loạn chức năng sinh sản của người phụ nữ cả. Hơn nữa có rất nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến vấn đề có thai. Em không nên hoang mang.
Nguyễn Hải Linh - Nữ 40 tuổiTôi năm nay 40 tuổi thì nên dùng thuốc tránh thai loại nào thì phù hợp,vì tôi đọc ở chống chỉ định của vỉ thuốc tránh thai thì phụ nữ trên 35 tuổi không nên dùng, xin bác sỹ tư vấn giúp
PGS. TS Ngô Thị Kim Phụng:
Từ 35 tuổi trở lên người phụ nữ có thể có nhiều bệnh lý nội khoa khác ( như tim mạch, tiểu đường...) chống chỉ định sử dụng thuốc tránh thai.
Hiểu biết về thuốc tránh thai và kế hoạch ngừa thai của bạn, là điều cần thiết góp phần đảm bảo đời sống gia đình khỏe mạnh, hạnh phúc - cũng là thông điệp từ buổi tư vấn trực tuyến hôm nay
Nguyễn Yến - Nữ 31 tuổiTôi thấy nhiều người uống thuốc tránh thai để kế hoạch. Khi sinh em bé tiếp thì thai đều bị chết lưu. Tôi rất lo và không dám dùng thuốc nữa. Mong Bác sĩ cho câu trả lời để tôi hiểu hơn về thuốc tránh thai. Cảm ơn bác sĩ.
PGS. TS Ngô Thị Kim Phụng:Thuốc ngừa thai không ảnh hưởng trong những thai kỳ tiếp theo. Có rất nhiều nguyên nhân gây thai chết lưu (do bất thường nhiễm sắc thể, bệnh lý nhiễm trùng của mẹ, chấn thương, bệnh lý collagen...), thậm chí có trường hợp không tìm ra được nguyên nhân. Bạn cứ an tâm sử dụng nội tiết tránh thai.
Nguyễn Thị Mai - Nữ 37 tuổiTôi đã dùng thuốc TT Marvelon được 3 năm liên tục, bs cho tôi hỏi uống thuốc TT lâu dài có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không và uống liên tục trong bao lâu thì nên dừng thuốc. Cám ơn bs.
PGS. TS Ngô Thị Kim Phụng:Thuốc nội tiết tránh thai, ngoài tác dụng tránh thai còn có những lợi điểm khác ngoài tránh thai như giảm đau bụng kinh, giảm lượng máu kinh, giám ung thư buồng trứng... Thuốc có thể sử dụng lâu dài và tùy thuộc có hay không có những chống chỉ định của thuốc. Chị nên đến khám phụ khoa định kỳ hàng năm để được làm xét nghiệm tìm ung thư cổ tử cung đồng thời sẽ được bác sĩ rà soát lại xem có hay không có những rối loạn mà không được phép uống thuốc. Thân ái.
Bùi Thị Hương - Nữ 25 tuổiXin Bác sĩ cho em được biết là tại sao khi em uống thuốc tránh thai (kể cả loại đắt tiền và rẻ tiền) đều bị rong kinh rất lâu?Em không thể dùng BCS vì rất khô và khó chịu hơn nữa em đã đi khám nhiều lần ở BVPSTƯ nhưng đều không có kết luận bị viêm nhiễm nặng. Do cách đây gần 3 năm em sinh em bé và phải sinh mổ nên không áp dụng được biện pháp đặt vòng, vậy em xin Bác sĩ cho em lời khuyên làm cách nào để em tránh thai tốt nhất? Em xin cảm ơn Bác sĩ rất nhiều!!!
PGS. TS Ngô Thị Kim Phụng:
Thuốc tránh thai dạng uống, tiêm chích, cấy trong vòng tránh thai đều có thể có tác dụng phụ là gây rong kinh, rong huyết. Sinh mổ không phải là chống chỉ định tuyệt đối để đặt dụng cụ tử cung.
Sau hơn 2 tiếng đồng hồ, với trên 5 ngàn câu hỏi đã được độc giả gửi tới TS Ngô Thị Kim Phụng, Trưởng phòng khám Phụ khoa BVĐHYD1. Trước những câu hỏi khá thẳng thắn, thực tế của đời sống, của những kiến thức về giới tính, trên cơ sở khoa học, bác sĩ Kim Phụng đã giải đáp, tư vấn rất nhiệt tình. Tuy nhiên vì thời gian có hạn, nên buổi giao lưu xin được khép lại tại đây.
Xin trân trọng cảm ơn độc giả đã tham gia buổi giao lưu này!
Đăng nhận xét