Gần đây, thông tin về cái gọi là "bài thuốc chống tai biến" được lan truyền rộng rãi trên mạng, phát tán nhiều nơi dưới hình thức tờ rơi và truyền miệng. Nhiều người đã thực hành bài thuốc này với niềm tin đang được dùng "thần dược".
Đừng tin một cách quá dễ dãi với những bài thuốc và phương pháp trị bệnh không rõ nguồn gốc
Nguồn gốc bài thuốc không rõ ràng
Trong y học cổ truyền phương Đông, việc dùng thuốc bôi, xoa, đắp, dán... lòng bàn chân đã có lịch sử lâu đời, được xếp vào nhóm phương pháp ngoại trị, có tên gọi Túc trị liệu pháp. Thật khó có thể kể hết các phương thuốc bó đắp lòng bàn chân để ngăn ngừa và chữa trị một số chứng bệnh của y học cổ truyền, trong đó có trúng phong, căn bệnh tương ứng với bệnh lý đột quỵ hay tai biến mạch máu não của y học hiện đại.
Tuy nhiên, tìm trong rất nhiều sách và tài liệu, ví như Tuệ Tĩnh toàn tập, Hải Thượng y tông tâm lĩnh, Y tông kim giám, Trung Quốc dân gian ngoại trị đại toàn, Đương đại trung dược ngoại trị lâm sàng đại toàn, Dân gian trị bệnh tuyệt chiêu đại toàn, Trung y dân gian liệu pháp đại toàn, Kim nhật trung y nội khoa, Trung Quốc túc phản xạ liệu pháp, Não bệnh bí phương toàn thư... chúng tôi không thấy có "bài thuốc chống tai biến" nào như đã nêu trên. Ngay cả một kinh nghiệm dân gian truyền miệng thì vẫn phải có năm, tháng; được lưu truyền tại một vùng đất, một địa phương nhất định và chí ít phải được nhiều người, trong đó có các chuyên gia, biết đến. Trong khi đó, "bài thuốc chống tai biến" lại không thấy có nội dung nào nhắc đến những cơ sở để minh thị có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Không có căn cứ khoa học xác đáng
Trong y học cổ truyền, chẳng bao giờ có một bài thuốc nào chỉ cần đắp lòng bàn chân một lần lại có khả năng "chống" (chữa) một chứng bệnh cấp tính, nguy hiểm như trúng phong, kể cả công năng phòng bệnh. Ở Nhật, người ta đã bào chế các miếng dán có tẩm dược liệu thiên nhiên nhằm giúp cơ thể đào thải các chất độc qua da ở lòng bàn chân, cũng phải sử dụng với liệu trình nhiều tuần, nhiều tháng mới đạt hiệu quả ở mức độ nhất định.
Xét về mặt cấu trúc, các vị thuốc trong "bài thuốc chống tai biến" không phải là những dược liệu thường dùng trong đông y để trị chứng trúng phong, ngoại trừ đào nhân có công dụng hoạt huyết thông mạch, nhưng để đạt tác dụng này thì cũng phải dùng với liệu trình nhất định. Châm nặn máu loa tai hoặc chích huyết các đầu ngón tay là những kỹ thuật cấp cứu trong y học cổ truyền có tác dụng khai khiếu tỉnh thần, giúp bệnh nhân hôn mê phục hồi ý thức, thoát tình trạng bại liệt chi thể tạm thời do mạch máu não co thắt. Người viết bài này cũng đã từng sử dụng biện pháp chích huyết cứu chữa cho một bệnh nhân bị méo miệng, bại nửa người phục hồi ngay trong những phút đầu tiên mắc bệnh, nhưng sau đó người bệnh vẫn phải nhập viện và tiếp tục sử dụng các biện pháp hạ huyết áp, điều chỉnh mỡ máu, đường máu... chứ không thể coi "là bệnh hết" như bài thuốc khẳng định. Hiện các kỹ thuật này cũng chỉ nên dùng trong hoàn cảnh "thuốc chưa có trong tay, thầy không có tại chỗ" hoặc phối hợp với các biện pháp cấp cứu, hồi sức tiên tiến của y học hiện đại.
Thông tin mà bài thuốc sử dụng như: chỉ đắp một lần trong đời là bệnh hết; sẽ trở lại bình thường sau một lần châm hoặc chích duy nhất… là điều hết sức phi lý và không có một căn cứ khoa học xác đáng. Bất cứ một loại thuốc, một phương pháp chữa bệnh nào dù tốt đến mấy, về phương diện khoa học y học, người ta cũng không bao giờ sử dụng những lời khẳng định như "đinh đóng cột" kiểu vậy. Lối dùng câu từ như thế chỉ thích hợp với những lang băm và những kẻ bán thuốc dạo vì mục đích trục lợi mà thôi!
Theo ThS.BS Hoàng Khánh Toàn
Trưởng khoa đông y, BV TƯ Quân đội 108/SGTT
Xin ngừng ngay kẻo trễ!
Tai biến mạch não hay đột quỵ não là bệnh nguy hiểm và thường để lại nhiều di chứng nặng nề. Cho đến nay, cả y học cổ truyền cũng như y học hiện đại chưa có loại thuốc nào hay kỹ thuật can thiệp nào chỉ dùng một liều, một lần duy nhất có thể chữa khỏi hoàn toàn. Đây là điều mà nhân viên y tế nào cũng phải biết và tư vấn kỹ lưỡng cho người bệnh. Việc loan truyền một bài thuốc hay một kỹ thuật không rõ nguồn gốc, chưa trải qua kiểm nghiệm lâu dài của thực tiễn lâm sàng, chưa được nghiên cứu khoa học nghiêm túc là việc làm hết sức nguy hiểm. Nó khiến người bệnh có thể vì cả tin mà mất cảnh giác, tự ý ngưng dùng thuốc và các biện pháp khác, để rồi khi nhận ra thì bệnh đã rất nặng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong một cách oan uổng.
Vậy nên, có lời khuyên mọi người, đừng tin một cách quá dễ dãi với những bài thuốc và phương pháp trị bệnh không rõ nguồn gốc. Nếu muốn dùng, hãy tìm đến các cơ sở y tế và những thầy thuốc có chuyên khoa để được tư vấn đầy đủ. Lời khuyến cáo "xin làm ngay kẻo trễ" của bài thuốc chống tai biến nên được đổi lại "xin ngừng ngay kẻo trễ"! |
Đăng nhận xét