Cẩn thận kẻo nhầm lẫn các loại thảo dược

suckhoedoisong.vn - 10/03/2012 15:06

Tránh nhầm lẫn bạch hoa xà với bạch hoa xà thiệt thảo

Rất nhiều người thường nhầm lẫn giữa hai vị thuốc bạch hoa xà và bạch hoa xà thiệt thảo. Đây lại là những vị thuốc thường được sử dụng trong y học cổ truyền. Do vậy, cần phân biệt kỹ trước khi dùng. Xin giới thiệu để bạn đọc hiểu rõ về hai loại cây này.

Vị thuốc bạch hoa xà, là rễ và lá của cây bạch hoa xà (Plumbago zeylanica L.), họ đuôi công (Plumbaginaceae). Bạch hoa xà là loại cây thảo, chỉ cao độ 50 - 70cm. Thân ít nhiều bị hóa gỗ, khúc khuỷu, có đốt và có khía dọc. Lá so le, dài 5 - 7cm, rộng 3 - 5cm, hình trứng hay bầu dục thuôn, mép lượn sóng, đầu lá nhọn, mặt trên màu lục, mặt dưới trắng nhạt, cuống lá như ôm vào thân. Cụm hoa mọc thành bông ở ngọn, gồm nhiều hoa màu trắng, đài hoa hình trụ có cạnh rõ, phủ đầy lông tuyến dính. Hoa màu trắng, 5 cánh hình trứng ngược. Cây được trồng làm cảnh và làm thuốc ở nhiều nơi, chủ yếu ở vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ nước ta.

Bạch hoa xà có các thành phần flavonoid, phenol, triterpen, các hợp chất plumbagin 0,91%, chitranon, zeylenon, matrinon…; axít hữu cơ: acid palmitic, linoleic… Bạch hoa xà trên thực nghiệm có tác dụng chống viêm, ức chế nhiều chủng vi khuẩn: tụ cầu vàng, trực khuẩn than, trực khuẩn đại tràng, trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn mủ xanh…; còn có tác dụng kháng nấm: Penicillium canadense,  Penicillium  notatum, tác dụng chống đông máu, chống bệnh bạch cầu lympho, chống khối u, chống sự làm tổ của trứng. Do đó, bạch hoa xà cấm dùng cho phụ nữ có thai. Và do vị thuốc này có độc tính mạnh nên chủ yếu chỉ được dùng ngoài. Sau đây là một số cách dùng bạch hoa xà làm thuốc:

 Bạch hoa xà.

Chữa đinh nhọt, tràng nhạc, phong hủi, lở ngứa

: lấy lá tươi hay rễ non, giã nát, đắp vào chỗ bị bệnh, cũng có thể lấy rễ tươi, giã nát, băng vào chỗ bị chai chân với thời gian khoảng 2 giờ. Lưu ý: lá và rễ của cây này dễ  gây rộp da nên khi đắp cần gói thuốc trong miếng vải gạc rồi băng bên ngoài, khi có cảm giác nóng thì bỏ ra.

Chữa thấp khớp, đau đớn, nhức mỏi: chỉ lấy phần thân trên mặt đất, bỏ hết lá, rửa sạch, phơi khô, thái mỏng, sao vàng, ngâm rượu (100g dược liệu với 500ml rượu 35 độ) trong 2 - 3 tuần lễ, uống ngày 2 lần, mỗi lần 20ml trước bữa ăn.

Có thể dùng rễ bạch hoa xà ngâm rượu để xoa bóp khi bị đau nhức xương. Ngoài ra có thể dùng rượu ngâm rễ bạch hoa xà để chữa hắc lào, ghẻ lở.

Cây bạch hoa xà thiệt thảo (Hedyotis difusa Will.), họ cà phê (Rubiaceae) là loài thân thảo, chỉ cao độ 20-25cm. Thân vuông màu nâu nhạt. Lá mọc đối, hình mác, thuôn, đầu lá nhọn, dài 1 - 1,3cm, rộng 1 - 3mm, gốc và đầu lá nhọn, có gân giữa nổi rõ. Hoa màu trắng, có cuống, có 4 cánh, ống tràng dài 1,5mm, mọc đơn độc hoặc đôi một ở kẽ lá. Bạch hoa xà thiệt thảo mọc hoang ở nhiều nơi trong nước ta, thu hái vào mùa hạ, nhổ toàn cây, rửa sạch đất cát, phơi khô, khi dùng sao qua là được. Trong cây chủ yếu chứa iridoid: asperulosid, scandosid, feruscandosid…, các axít: asperulosidic, oleanolic, p. coumaric… Stigmasterol, beta - sistosterol…

Trên thực nghiệm, bạch hoa xà thiệt thảo có tác dụng ức chế  hiện tượng gây đột biến do aflatoxin B1 tạo nên, khi dùng chủng vi khuẩn Samonella tiphymorium TA 100. Còn có tác dụng chống viêm, đặc biệt ức chế mạnh tế bào ung thư lympho, tế bào ung thư bạch cầu hạt và bạch cầu đơn nhân, với nồng độ 0,5 - 1g dược liệu/ml, còn có tác dụng ức chế tế bào báng ehrlich và tế bào carcinom. Do đó, người ta thường dùng bạch hoa xà thiệt thảo phối hợp với cây bán chi liên (Scutenlaria barbata) để trị ung thư.

 Bạch hoa xà thiệt thảo.

Theo y học cổ truyền, bạch hoa xà thiệt thảo có vị ngọt đắng, tính hàn, quy kinh vị, đại tràng, tiểu tràng, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu u, tán ứ, lợi thấp. Có thể dùng liều 15- 60g, sắc uống. Một số cách dùng bạch hoa xà thiệt thảo làm thuốc:

Trị các bệnh thận cấp tính, nước tiểu có albumin: bạch hoa xà thiệt thảo 15g, bạch mao căn 30g, chi tử 9g, tô diệp 6g, sắc uống.

Chữa sỏi mật: bạch hoa xà thiệt thảo, kim tiền thảo, nhân trần mỗi thứ 30g, xa tiền tử 16g. Sắc uống ngày 1 thang.

Trẻ em bị sốt cao, co giật: bạch hoa xà thiệt thảo tươi, khoảng 30g, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt, uống mỗi lần 1 thìa canh, ngày 2-3 lần.

Ngoài ra, cần tránh nhầm lẫn giữa cây bạch hoa xà thiệt thảo với cây lưỡi rắn, còn gọi là cây xương cá hay cây vương thái tô [Hedyotis corymbosa (L.) Lamk.]  vì chúng cùng chi (Hedyotis), lại cùng họ cà phê (Rubiaceae). Về hình thái thực vật trông hao hao giống nhau, cũng là loài cỏ, độ cao tương tự nhau, thân cũng vuông, lá cũng mọc đối, hoa cũng màu trắng… Chỉ khác là cụm hoa của lưỡi rắn mọc ở kẽ lá thành xim, gồm 2 - 5 hoa. Khác với bạch hoa xà thiệt thảo, cây lưỡi rắn chủ yếu dùng trị rắn cắn: sau khi xử lý vết rắn cắn, như garô, nặn máu…, dùng 100g cây tươi  giã nát, lấy nước cốt uống, bã đắp vào vết thương. Có thể dùng cây này nấu nước rửa vết thương, mụn nhọt… 

GS.TS. Phạm Xuân Sinh

 

duoclieu.hup.edu.vn

Nhầm lẫn dược liệu

Trong nghiên cứu, sử dụng thuốc Ðông dược hiệu quả chữa bệnh của các bài thuốc, vị thuốc thường không ổn định, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này trong đó nguyên nhân thường gặp là dùng không đúng, nhầm lẫn các vị thuốc. Sau đây là một số trường hợp nhầm lẫn thường gặp trên thực tế cũng như trong sách vở, được xếp thành nhóm để các nhà nghiên cứu, thầy thuốc cũng như bệnh nhân cảnh giác, tránh nhầm lẫn khi sử dụng.

1. Nhầm lẫn do hình dạng của cây hoặc các vị thuốc giống nhau.

Vị thuốc Sa nhân (Fructus Amomi) là quả gần chín đã bóc vỏ và phơi khô của cây Sa nhân và một số loài khác trong chi Amomum. Vị thuốc này thường được trộn lẫn với quả bóc vỏ của một số loài Ðậu khấu thuộc chi Alpinia..

Vị thuốc Thăng ma (Rhizoma Cimifugae) là thân rễ của một số loài Thăng ma. Hiện nay trên thị trường bị giả mạo bằng rễ cây Strobilanthes forrestii Diels., khó phân biệt với vị thuốc Thăng ma bằng mắt thường, có thể phân biệt bằng cách soi bột dưới kính hiển vi.

2. Do chế biến làm thay đổi hình dạng ban đầu.

Vị thuốc Hoàng đằng(Caulis et Radix Fibraureae) là thân và rễ phơi sấy khô của câyHoàng đằng (Fibraurea recisaPierre và Fibraurea tinctoria Lour.) nhiều khi bị lẫn lộn hoặc thay thế hẳn bằng thân câyVàngđắng (Coscinium fenestratum Colebr.). Dược liệu để nguyên dễ phân biệt, khi chế biến, thái lát khó phân biệt hơn.

Hà thủ ô đỏ (Radix Fallopiae multiflorae) là rễ củ phơi hay sấy khô của cây Hà thủ ô đỏ (Fallopia multiflora (Thunb.) Haraldson = Polygonum multiflorum Thumb.), họ Rau răm (Polygonaceae). Một số trường hợp bị trộn lẫn thân rễ các loài thuộc chi Dioscorea, Smilax được chế biến để có hình dáng bên ngoài tương tự Hà thủ ôđỏ.

3. Do thay thế tuỳ tiện các loại thuốc

Hoài sơn (Rhizoma Dioscoreae persimilis) là thân rễ đã chế biến, phơi sấy khô của cây Củ mài (Dioscorea persimilis Prain et Burkill), trên thị trường hầu hết Hoài sơn không chế từ Củ mài mà chế từ Củ cọc, Củ cái… ngay cả các cơ sở trồng, sản xuất dược liệu hiện nay cũng trồng Củ cọc, Củ cái. Chưa có tài liệu nào chứng minh các loại củ đó có thể thay thế Hoài sơn?.

Sài hồ (Radix Bupleuri) là rễ phơi hay sấy khô của cây Bắc Sài hồ (Bupleurum chinense DC.) hoặc cây Hoa nam Sài hồ, còn gọi là Hồng Sài hồ (Bupleurum scorzonerifolium Willd.), họ Hoa tán (Apiaceae). Trên thực tế ta sử dụng Sài hồ nhập từ Trung Quốc, hoặc thay thế bằng rễ cây Lức (Sài hồ nam) (Pluchea pteropoda Hemsl.), họ Cúc (Asteraceae) hay thậm chí bằng thân và rễ cây Cúc tần (Pluchea indica (L.) Less.). Chưa có công trình nghiên cứu nào khẳng định sự thay thế như vậy là hợp lý.

Vị thuốc Mộc thông (Caulis Clematidis) là thân leo đã phơi hay sấy khô của cây Tiểu mộc thông (Clematis armandiiFranch.), hoặc cây Tú cầu đằng (Clematis montana Buch. Ham. ex DC.) họ Hoàng liên (Ranunculaceae). Vị thuốc Mộc thông ta nhập từ Trung Quốc ít khi đúng  theo quy định (Ở Trung Quốc dụng vị Mộc thông lấy từ hơn 10 loài thuộc các họ: Mộc hương (Aristolochiaceae), Hoàng liên, Lạc di (Lardizabalaceae). Vị thuốc Mộc thông nam trên thịtrường thường khác nhau về nguồn gốc thực vật, không đồng nhất về hình thái bên ngoài cũng như thành phần hoá học.

4. Do trùng tên gọi

Nhiều cây thuốc có tên gọi giống nhau một phần hoặc giống hoàn toàn dẫn đến nhầm lẫn.

Mộc hương (Radix Saussureae lappae) là rễ phơi hay sấy khô của cây Mộc hương còn gọi là Vân mộc hương, Quảng mộc hương (Saussurea lappa Clarke) dùng chữa đau bụng, đầy bụng, tả lỵ, nôn mửa, có thể nhầm với vị thuốc Thanh mộc hương là rễ của cây Aristolochia contorta Bunge hoặc cây Aristolochia debilis Sieb. et Zuncc họ Mộc hương (Aristolochiaceae), có công dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng trừ thống, chữa chứng huyết áp cao.

Bạch phụ tử (Radix Aconiti lateralis praeparata) là rễ củcon đã chế biến và phơi sấy khô của cây Ô đầu (Aconitum carmichaeli Debx.), họ Hoàng liên (Ranulculaceae) dùng chữa một số triệu chứng nguy cấp, mạch gần như không có, ra nhiều mồ hôi (thoát dương), chân tay tê mỏi…Nhầm với Bạch phụ tử là rễ củ của cây Typhonium giganteum Engl., họ Ráy (Araceae).

Thổ bối mẫu lấy từ cây (Bolbotemma paniculatum Maxim Frang) họ Bầu bí (Cucurbitaceae). Loài này phân bố chủ yếu ở các tỉnh Hiệp Tây, Hà Nam, Sơn Tây…(Trung Quốc). Thổ bối mẫu có công năng giải độc, tán kết dùng chữa các bệnh mụn nhọt, lở ngứa, viêm da. Vị thuốc mang tên Thổ bối mẫu trên thị trường nước ta hiện nay không phải là vị thuốc này.

Vị thuốc Sâm cau (Rhizoma Curculiginis) là rễ của cây Sâm cau (Curculigo orchioides Gaertn.), họ Sâm cau (Hypoxydaceae) nhầm với rễ cây Cau (Areca catechu L.), họ Cau dừa (Palmaceae).

Nhầm cây Rau ngổ (Enhydra fructuans Lour.), họ Cúc (Asteraceae) chữa ăn uống không tiêu, đầy tức bụng, thổ huyết, băng huyết với cây Rau ngổ (Limnophila conferta Benth.), họ Hoa mõm sói (Scrophulariaceae).

5. Do chưa xác định được nguồn gốc thực vật

Vị thuốc Kê huyết đằng-là thân các loài dây leo khi cắt ngang có các vòng nhựa màu đỏ. Các nghiên cứu cho thấy có khoảng 5-7 loài khác nhau có đặc điểm này. Ví dụ một số loài thuộc chi Millettia, Mucuna, Spatholobus, họ Ðậu (Fabaceae), hoặc câySargentodoxa cuneata Rehd. et W., họ Ðại huyết đằng (Sargentodoxaceae).

6. Do cố ý giả mạo

Vị thuốc Ðan sâm (Radix Salviae miltiorrhizae) là rễ của cây Ðan sâm (Salvia miltiorrhiza Bunge) dược liệu có mặt ngoài màu đỏnâu, trên thị trường nhiều khi bị trộn lẫn với những rễ cây khác được nhuộm đỏ.

Một số người mua Tam thất gừng - thân rễ cây (Stahlianthus thorelii Gagnep), họ Gừng (Zingiberaceae) dưới tên gọi Tam thất, với giá gấp 10-20 lần giá trị thực.

Hồng hoa (Flos Carthami tinctorii) là hoa đã phơi khô của cây Hồng hoa (Carthamus tinctorius L.), họ Cúc (Asteraceae) nhiều khi bị giả mạo bằng một số loài  cúc khácđem nhuộm đỏ.

7. Nhầm lẫn do một số người nghiên cứu, sử dụng thiếu hiểu biết, hoặc quan tâm chưa đúng mức về nguồn gốc dược liệu

Vị thuốc Ðịa cốt bì (Cortex Licii) là vỏ rễ phơi hay sấy khô của cây Câu kỷ (Licium chinense Mill.) hay cây Ninh hạ câu kỷ (Liciumbarbarum L.), họ Cà (Solanaceae) dùng chữa các triệu chứng ho ra máu, phiền nhiệt tiêu khát, lao nhiệt, ra mồ hôi. Trên thị trường hiện nay đang dùng vị thuốc Hương gia bì (Cortex Periplocae) là vỏ rễ cây Periploca sepium Bge., họ Thiên lý (Asclepiadaceae) dưới tên Ðịa cốt bì.

Vị thuốc Ý dĩ (Semen Coisis) là nhân hạt của quả chín đã phơi hay sấy khô củacây Ý dĩ (Coix lachryma-JobiL.), họ Lúa (Poaceae) có tác dụng bồi bổ cơ thể, lợi tiểu tiện, tiêu phù thũng, chữa phong thấp lâu ngày không khỏi. Vị thuốc Ý dĩ bắc trên thị trường hiện nay là hạt cây Cao lương (Sorghum vulgare Pers.) – một loại lương thực vẫn được dùng để giả mạo Ý dĩ ở Trung quốc.

Có quyển sách (10 điều tâm đắc khi dùng Ðông dược. NXB Y học – 2001) dịch nhầm Hoả ma nhân (Fructus Cannabis) là hạt của cây Gai dầu (Cannabis sativa L.), họ Gai mèo(Cannabinaceae) thành Hat thầu dầu (Semen Ricini), với liều 30g Hoả ma nhân (theo sách) nếu là hạt Thầu dầu đủ làm chết 20-30 người ?. Gần  chục năm kể từ ngày xuất bản, sách vẫn bán ở hiệu sách (Không biết đã có ai chết  vì "những điều tâm đắc này chưa). Thầy thuốc dùng thuốc theo sách, bệnh nhân chết, trách nhiệm thuộc về ai ?

Ðã có một số bài báo về những nhầm lẫn dược liệu trên thị trường hiện nay nhưng chưa thấy ý kiến của các cơ quan quản lý. Thuốc tân dược không đạt tiêu chuẩn về hàm lượng, hoặc không đạt độ đồng đều về khối lượng đã bị đình chỉ lưu hành. Còn dược liệu nhầm lẫn, dược liệu giả vẫn tự do lưu thông?. Phải chăng dược liệu ít độc, nhầm lẫn ít tác hại hay đây là lĩnh vực tự do kinh doanh và được phép lẫn lộn ?.

Việc nhầm lẫn dẫn tới giảm hiệu quả chữa bệnh của thuốc, phí tiền của người bệnh. Chưa kể đễn một số đề tài nghiên cứu khoa học sử dụng dược liệu nhầm lẫn, độ tin cậy của kết quả nghiên cứu sẽ như thế nào. Hàng năm số tiền lãng phí vì những nghiên cứu loại này không phải là ít.

Có lẽ đã đến lúc các cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện những biện pháp có hiệu quả để đề phòng, ngăn chặn tình trạng nhầm lẫn dược liệu và những hậu quả có thể xảy ra. Nhằm tăng cường hiệu quả chữa bệnh của thuốc Ðông dược, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ sức khoẻ nhân dân của ngành y tế.

(Bài này đăng ở Tạp chí Dược học tháng 12 năm 2002, từ khi chưa có Hội  nghị lần thứ nhất về Dược liệu, nay đã có Hội nghị lần thứ hai)

MỘT SỐ NHẦM LẪN THƯỜNG GẶP TRONG NGHIÊN CỨU, SỬ DỤNG DƯỢC LIỆU

Nguyễn Viết Thân1 - Ðường thị Cẩm Lệ2

1 Trường Ðại học Dược Hà nội, 2 Trung tâm kiểm định QG sinh phẩm Y học, (Tạp chí Dược học số 12-2002  tr. 4,5,23)

Một số nhầm lẫn khác (tham khảo thêm ở bài báo "Tình trạng dược liệu trên thị trường Việt Nam hiện nay"-  Hội  nghị Dược liệu toàn quốc lần thứ hai)

Lạc tiên: Dược điển Việt Nam III qui định Dược liệu là phần trên mặt đất phơi hoặc sấy khô của cây Lạc tiên (Passiflora foetida L.). họ Lạc tiên (Passifloraceae). Một số địa phương bán củ cây Cốt cắn (Cây Khát nước - Nephrolepis cordifolia Presl,) với tên củ Lạc tiên làm thuốc an thần Canhkina là vỏ thân, cành, vỏ rễ của nhiều loài  Canhkina (Cinchona spp.) là vị thuốc dùng để chữa sốt rét, làm thuốc     bổ đắng, kích thích tiêu hoá. Tại nhiều địa phương ở miền Bắc người ta bán     quả cây Ô môi (Cassia fistula L.) với tên Canhkina dùng ngâm rượu uống, làm thuốc bổ.

Hậu phác: Dược điển Việt Nam III qui định vị thuốc Hậu phác là vỏ phơi hay sấy khô của cây Hậu phác (Magnolia officinalis Rehd. et Wills, họ Mộc lan (Magnoliaceae). Trên thị trường Hậu phác là vỏ thân, vỏ cành của cây Chành chành (Cinnamomum  liangii Allen), cây Re (Cinnamomum obtusifolium Nees), họ Long não (Lauraceae) hoặc cây Vối rừng (Eugenia jambolana Lamk.), họ Sim (Myrtaceae).

Mẫu đơn bì  là vỏ rễ của cây Mẫu đơn (Paeonia  suffruticosa Andr.), họ Mẫu đơn (Paeoniaceae). Nhiều lương y khai thác, sử dụng vỏ rễ của cây  Đơn đỏ (Ixora coccinea L.), họ Cà phê (Rubiaceae)  với tên Mẫu đơn bì (vì cây này cũng được gọi là cây hoa Mẫu đơn). 

Ô dược: vị thuốc là rễ phơi khô của cây Ô dược (Lindera myrrha Merr.), họ  Long não (Lauraceae) trên thị trường Ô dược thường được giả mạo bằng rễ cây Sim (Rhodomyrtus tomentosa Wight).

Thiên ma: (Rhizoma Gastrodiae elatae) Dược liệu là thân rễ đã làm khô của cây Thiên ma (Gastrodia elata Bl.), họ Lan (Orchidaceae), vị thuốc nhập từ Trung Quốc. Trên thị trường người ta thường dùng nhiều loại củ khác nhau ché biến làm giả  "Thiên ma".

Quả bổ dọc phơi khô của cây Trâu cổ (Ficus pumila L.) được bán trên thịtrường Việt Nam với tên Vương bất lưu hành. Sử dụng tên này là không chính xác. Vị thuốc Vương bất lưu hành là hạt của cây Vaccaria segetalis (Neck) Garcke (Semen Vaccariae) có tác dụng hoạt huyết thông kinh. Cần gọi tên vị thuốc này theo đúng tên: Quả Xộp, quả Trâu cổ hay Quảng vương bất lưu hành (theo tên gọi ở vùng Quảng châu Trung Quốc)

 

Hái "thuốc khỏe" nhầm cây độc: mẹ chết, con nhập viện

17/09/2013 09:20 (GMT + 7)
 
TT - Ông Lang Vi Thuyết, trạm phó trạm xá xã Đôn Phục (huyện Con Cuông, Nghệ An), cho biết sau năm ngày cấp cứu, điều trị, chị La Thị Mơ (trú xã Đôn Phục) bị ngộ độc cây rừng, đã xuất viện về nhà.

Trước đó sáng 11-9, bà Lữ Thị Xuân (56 tuổi, trú xã Đôn Phục) lên rừng hái lá cây "thuốc khỏe" về nấu cho mình và chị Mơ (con dâu) uống cho khỏe.

Tuy nhiên sau khi bà Xuân nấu và uống nước cây thuốc hái được, bà Xuân và chị Mơ đều bị chóng mặt, nôn mửa, đau đầu và ngã xuống sàn nhà.

Người thân và người dân đưa bà Xuân và chị Mơ đi cấp cứu, nhưng bà Xuân đã chết trên đường đến bệnh viện do bị ngộ độc quá nặng. Ông Thuyết cho biết thêm bà Xuân lên rừng hái cây thuốc nam nhưng lại hái nhầm cây độc trong rừng nên đã xảy ra ngộ độc.

A.KHÁNH

 
Phân biệt tránh nhầm lẫn Lá ngón với một số cây thuốc

Cây Lá ngón còn có tên là Co ngón, Thuốc rút ruột, Hồ mạn trường, Hồ mạn đằng, Đại trà đằng, Hoàng đằng, Câu vẫn, Đoạn trường thảo... Tên khoa học là Gelsemium elegans Benth (Medica elegans Gardn) Họ Mã tiền (LOGANIACEAE)

Cây Lá ngón thuộc loại cây bụi, thân gỗ nhỏ thẳng, dựa vào cây khác dài 10 -12m. Cành non màu xanh lục nhạt không có lông. Cành già màu xám nâu nhạt. Lá mọc đối không có lông, xanh bóng, lá nguyên, hình trứng, thuôn dài về hai phía, mũi lá nhọn. Hoa mọc thành chùm ở kẽ lá hoặc đầu cành, hoa màu vàng, mùa hoa từ tháng 6 - 10. Quả nang thon dài 1cm x 0,5cm, màu nâu xỉn.  Hạt nhỏ, hình thận, màu nâu nhạt, có diềm mỏng giúp phát tán theo gió.
 
Mặc dù cây Lá ngón mọc tự nhiên, khá phổ biến ở miền rừng núi nước ta, Trung Quốc, Bắc Mỹ và có tên là Thuốc rút ruột nhưng nhân dân ta không dùng làm thuốc vì là cây cực độc (độc nhất trong các cây độc).  Tất cả các bộ phận rễ, thân, lá, hoa, quả và hạt đều chứa các chất độc nguy hại. Một người lớn chỉ ăn nhầm phải ba Lá ngón đã có thể bị ngộ độc chết. Người bị ngộ độc Lá ngón có các triệu chứng mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, chẩy nước bọt (xùi bọt mép), đau bụng dữ dội, mỏi cơ, đứng không vững, tim đập yếu, khó thở, đồng tử giãn và chết nhanh.
 
Sau đây là một số nét về những cây dễ nhầm lẫn với Lá ngón.
Mã tiền dây
Có tên khác là Hoàng đàn, Hoàng nàn, Vỏ dãn, Vỏ doãn. Tên khoa học là Strychnos gauthierana Pierre (Strychnos malaccensis Clarke).  Họ Mã tiền: LOGANIACEAE.
 
Cây Mã tiền thuộc loại thân gỗ nhỏ, mọc dựa theo cây khác dài tới 20m hoặc hơn nữa, cành mảnh, nhẵn, có những tua cuốn (không dùng để leo), mọc đơn hay mọc đối ở đầu cành non.  Cành non màu xanh lục hơi đậm, không có lông.  Cành già màu xanh vàng xỉn, có những đám màu vàng đỏ. Lá mọc đối không có lông, mép nguyên, nhẵn, dai, hình bầu dục, hơi thon về hai phía, mũi lá nhọn, ba gân chính, hai gân bên hình vòng cung ôm lấy gân giữa, nổi rõ ở mặt dưới lá. Hoa chùm ở đầu cành, màu hồng nâu hay vàng nâu đậm. Quả hình cầu, đường kính 5 - 6cm, vỏ cứng màu xanh khi còn non, khi chín màu đỏ cam. Hạt dẹt hình khuy áo, đen, ánh bạc, rất cứng.
 
Cây Mã tiền dây mọc tự nhiên ở vùng rừng núi nước ta, có nhiều ở Tuyên Quang, Vĩnh Phú, Lạng Sơn, Hoà Bình, Thanh Hoá, Nghệ An.
 
Hai bộ phận của cây được nhân dân ta thu hái về làm thuốc là vỏ với tên là Hoàng nàn, hạt với tên là Mã tiền. Cả Hoàng nàn và Mã tiền đều là những dược liệu có độc tính rất mạnh (xếp vào bảng độc A nguyên chất).  Thành phần hoá học của Hoàng nàn và Mã tiền tương tự nhau cả về số chất và hàm lượng từng chất. Theo những thầy thuốc Y học cổ truyền có kinh nghiệm thì Hoàng nàn và Mã tiền có thể dùng thay thế nhau. Hoàng nàn sống (chưa qua bào chế) chỉ dùng ngoài (không được uống), ngâm rượu làm thuốc xoa bóp giảm đau hay tán bột rắc vào chỗ da bị tổn thương để chữa hủi và các bệnh ngoài da khó chữa Hoàng nàn chế (xếp bảng độc B) là Hoàng nàn đã được bào chế, sao tẩm đúng quy cách dùng để chữa đau nhức cơ, xương, khớp, phong thấp, bại liệt, đau bụng, đi ngoài; liều dùng tối đa một lần là 0,10g, tối đa 1 ngày (24 giờ) là 0,40g; nhất thiết không được dùng quá liều lượng. Người bị ngộ độc Hoàng nàn, Mã tiền có các triệu chứng như ngáp, nước bọt nước dãi chảy nhiều, nôn mửa, đồng tử giãn rộng, gân cơ bị co rút, suy tuần hoàn, suy hô hấp, chết ngay. Có thể nói triệu chứng ngộ độc Lá ngón gần giống với triệu chứng ngộ độc Hoàn nàn, Mã tiền.
 
Có thể nêu ở đây một thực tế nhầm lẫn giữa cây Lá ngón và Mã tiền.  Những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ XX trước ngày giải phóng Sài Gòn, khi đi tìm kiếm và thu hái cây thuốc trong rừng, tôi tình cờ gặp những người dân địa phương cũng đi thu hái cây thuốc.  Qua chuyện trò, tôi tận mắt thấy một số người đã lấy rễ, cành (cả vỏ) cây Củ chi (Mã tiền) về làm thuốc không những chữa đau nhức mỏi cơ, xương, khớp, phong thấp, bại liệt mà còn làm thuốc bổ chữa suy nhược thần kinh, thiếu máu do sốt rét, yếu thận, yếu tim, huyết áp thấp.  Việc sử dụng rễ, cành cây Củ chi theo kinh nghiệm để chữa bệnh như vậy tương đối sát hợp với mục đích sử dụng Mã tiền theo Tây y.  Điều đáng lưu ý ở đây là liều lượng và cách bào chế.
 
Ds. Trần Hồng Hải_CTQ số 19
 

Đăng nhận xét