11 điều cần tránh khi sử dụng gừng

06:01am, 01/08/2013

(VietQ.vn) - Gừng được biết đến không chỉ như là một loại gia vị mà nó còn được dùng trong y học dân gian để điều trị hoặc làm giảm các triệu chứng bệnh lý thường gặp. Tuy nhiên, cũng có lúc gừng sẽ gây hại cho sức khỏe nếu sử dụng không đúng cách.

Không nên gọt vỏ

Có những người khi ăn gừng đều gọt bỏ vỏ đi, như thế sẽ không phát huy hết được công hiệu toàn diện của gừng. Bình thường, gừng tươi chỉ cần rửa sạch là có thể thái lát dùng.

Không nên ăn gừng trong thời gian dài

Nếu mắc một trong số những bệnh sau đây: âm hư hỏa vượng, nhiệt trong, mắc các bệnh mụn nhọt, viêm phổi, phù thũng phổi, hạch phổi, viêm dạ dày, viêm gan, viêm thận, bệnh tiểu đường… thì không được ăn gừng thường xuyên trong thời gian dài.

Không được dùng cho những người bị trúng nắng

Nước gừng tươi đường đỏ chỉ thích hợp với những người phong hàn cảm mạo, hoặc vị hàn phát nhiệt sau khi dầm mưa, không được dùng cho những người bị cảm mạo thử nhiệt hoặc cảm mạo phong nhiệt, càng không được dùng cho những người bị trúng nắng. Uống nước ép gừng tươi có thể trị buồn nôn do bị lạnh gây ra, còn buồn nôn do những nguyên nhân khác không nên sử dụng.

 

Không nên ăn gừng tươi đã bị dập

Gừng tươi đã bị dập dễ sinh ra một loại chất độc cực mạnh, nó có thể làm biến tính, hoại tử tế bào gan, từ đó dẫn đến bệnh ung thư gan, ung thư thực quản.

Không nên ăn nhiều

Mùa hè thời tiết nóng, cơ thể dễ bị khô miệng, khát nước, họng đau, mồ hôi nhiều, gừng tươi có tính ôn, thuộc loại thức ăn có tính nhiệt, nên không nên ăn nhiều.

Người bị bệnh dạ dày: Tránh xa gừng

Đối với người bị đau dạ dày, viêm loét dạ dày, loét tá tràng sẽ được các bác sĩ khuyên không nên ăn gừng, vì trong thành phần của gừng có những chất chủ yếu hoạt động trên các niêm mạc dạ dày. Từ đó, các niêm mạc bị kích thích, bào mòn và gây ra những vết loét. Ngoài ra, khi đã được chẩn đoán có bất kỳ triệu chứng ung thư ở đường tiêu hóa thì chống chỉ định tuyệt đối không được ăn gừng vì nó sẽ kích thích khối u phát triển rất nhanh. Cũng giống như niêm mạc dạ dày, nếu ăn gừng với số lượng nhiều có thể gây ra những viêm, loét bao phủ hết thành ruột và đại tràng.

Bệnh gan: loại gừng khỏi thực đơn

Người bị bệnh viêm gan cấp và mãn tính, xơ gan không nên ăn gừng vì nó kích thích sự bài tiết của các tế bào gan, vì những tế bào này sẽ bị hoại tử khi đang trong trạng thái được kích thích. Ngoài ra, người bị sỏi mật cũng được khuyên không nên ăn gừng vì nó sẽ làm cho các viên sỏi bị mắc kẹt trong đó, thậm chí trong nhiều trường hợp cần thiết phải phẫu thuật.

Không dùng cho người bệnh trĩ, xuất huyết:

Nếu bạn có tiền sử bị rối loạn chảy máu (trong đó có cả chảy máu cam, tử cung…) thì nên hạn chế ăn gừng ở bất kỳ dạng nào bởi nó sẽ làm tăng tình trạng chảy máu. Ngoài ra, bạn không được ăn gừng khi bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim, huyết áp cao hay đã có tiền sử đột quỵ, nhồi máu và thiếu máu cục bộ.

 

Hạn chế với phụ nữ mang thai:

Theo kinh nghiệm dân gian, gừng được dùng trong thời gian đầu của thời kỳ mang thai nhằm giảm các triệu chứng buồn nôn, tiết nước bọt và giảm các triệu chứng ngộ độc. Còn trong nửa cuối của thai kỳ nên hạn chế dùng gừng vì nó có thể làm tăng huyết áp gây nguy hiểm cho thai phụ. Và trong thời kỳ cho con bú cũng không nên ăn gừng vì nó có thể được bài tiết vào sữa mẹ gây ra chứng mất ngủ ở trẻ em.

Người thân nhiệt cao:

Trong trường hợp này không nên ăn gừng vì nó sẽ làm thân nhiệt tăng cao hơn. Tuy nhiên, nếu bị cúm virus mà không sốt hay sốt nhẹ vẫn có thể dùng gừng, nhưng khi đã có dấu hiệu sốt cao và có nguy cơ tổn thương các mạch máu và xuất huyết thì tuyệt đối không được dùng gừng.

Tương tác của thuốc và gừng:

Trong thực tế gừng có thể phù hợp và kết hợp được với nhiều loại thuốc. Nhưng cũng nên cẩn trọng hơn khi dùng thuốc phải có khuyến cáo của bác sĩ. Điều không nên làm là kết hợp gừng với những loại thuốc giảm huyết áp, chống loạn nhịp tim và thuốc kích thích cơ tim. Vì hoạt tính của những loại thuốc này sẽ tăng lên khi có sự kết hợp với gừng và gây ra tình trạng công thuốc, quá liều. Ngoài ra, gừng cũng không được dùng với thuốc hạ đường huyết vì gừng sẽ làm giảm lượng đường trong máu của bạn, điều này đã được quy định riêng cho bệnh tiểu đường.

Ngọc Anh (tổng hợp)

 

Cục Bảo vệ thực vật nói gì về gừng nhiễm hóa chất?

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã công bố kết quả kiểm tra sơ bộ các mẫu gừng Trung Quốc đang lưu thông trên thị trường trong nước.
 
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, trước thông tin về việc nông dân ở tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) sử dụng Aldicarb- một loại thuốc trừ sâu cực độc để sản xuất gừng, Cục BVTV đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra ATTP gừng nhập khẩu.
 
Đồng thời, Cục đã lấy mẫu gừng Trung Quốc đang bán tại 10 chợ có quy mô lớn của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để kiểm tra. Kết quả cho thấy, đã phát hiện 1 mẫu gừng trên tổng số 50 mẫu gừng được kiểm tra có dư lượng Aldicarb là 0,06ppm. Mức này cao hơn so với mức quy định của Uỷ ban Tiêu chuẩn thực phẩm Quốc tế (CODEX - 0,02ppm) và gấp 1,2 lần so với mức cho phép của EU và Nhật Bản (0,05ppm).
 
Căn cứ vào kết quả kiểm tra, Cục BVTV đã bổ sung Aldicarb vào danh mục các hoạt chất thuốc BVTV bắt buộc phải kiểm tra ATTP đối với gừng và các loại củ từ nước ngoài nhập vào Việt Nam.  Mẫu gừng phát hiện có dư lượng hoạt chất Aldicarb được Cục BVTV lấy tại chợ Bình Điền- TP Hồ Chí Minh.
 
"Nguy cơ mất ATTP của gừng Trung Quốc hiện đang bán trên thị trường Việt Nam do chứa hoạt chất Aldicarb là không cao (xét cả về tỷ lệ mẫu có chứa dư lượng và mức dư lượng phát hiện thấy). Vì vậy, người tiêu dùng trong nước có sử dụng gừng cũng không nên quá lo lắng", ông Nguyễn Xuân Hồng trấn an.
 
Tuy nhiên, để giảm thiểu nguy cơ mất ATTP, Cục BVTV khuyến cáo người sử dụng gừng nên rửa sạch và bóc kỹ vỏ củ gừng trước khi sử dụng. Trong thời gian tới, Cục BVTV sẽ tiếp tục kiểm tra và thông báo rộng rãi kết quả đến người tiêu dùng trong cả nước.
 
Theo ANTD

Đăng nhận xét