Amiăng, kẻ giết người thầm lặng

Lộ diện kẻ thù giấu mặt gây nhiều bệnh ung thư

soha.vn -theo Vnmedia | 18/07/2014 08:29

Có khoảng 1,25 triệu người trên toàn thế giới tiếp xúc trực tiếp với amiăng và mỗi năm hơn 107.000 người chết vì các bệnh liên quan đến vật liệu này trong đó có các bệnh ung thư.

Ngày 17/6, Bộ Y tế , Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức hội thảo khoa học "Amiăng với sức khoẻ", thu hút sự tham gia của các chuyên gia trong nước và nước ngoài.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Tổ chức Y tế thế giới và cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế khuyến cáo amiăng là một chất có khả năng gây ung thư và bệnh liên quan như bệnh bụi phổi - Amiăng, bệnh màng phổi, bệnh ung thư biểu mô.

Amiăng là chất độc hại trong danh mục các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động. Trước nguy cơ sức khoẻ của người lao động tiếp xúc với amiăng trong môi trường lao động, Bộ Y tế đã triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo sức khoẻ người lao động và phòng chống bệnh liên quan đến amiăng. Tuy nhiên, công tác giám sát và các hoạt động nghiên cứu về tác hại của amiăng lên sức khoẻ con người và môi trường còn gặp nhiều khó khăn.

Ảnh minh họa
Amiăng là một chất gây ung thư nghề nghiệp quan trọng nhất. Ước tính một nửa số ca tử vong do ung thư nghề nghiệp. Ảnh minh họa.

Kẻ giết người thầm lặng

Theo số liệu điều tra, trong vài năm qua, Việt Nam là một trong 10 nước sử dụng amiăng nhiều nhất thế giới và trong 5 nước châu Á sử dụng Amiăng vào năm 2012.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các tổ chức quốc tế khác, hiện đã có đủ bằng chứng cho thấy tất cả các dạng amiăng đều gây ra ung thư ở người như ung thư biểu mô, ung thư phổi, thanh quản và buồng trứng. Amiăng là một chất gây ung thư nghề nghiệp quan trọng nhất, ước tính gây ra một nửa số ca tử vong do ung thư nghề nghiệp.

Có khoảng 1,25 triệu công nhân trên toàn thế giới tiếp xúc trực tiếp với amiăng và mỗi năm, có hơn 107.000 người chết vì các bệnh liên quan đến vật liệu này. Theo các nhà nghiên cứu, việc sử dụng amiăng không gây bệnh ngay tức thì mà nó âm thầm gây bệnh trong thời gian rất dài.

Ở Việt Nam, theo kết quả nghiên cứu của Bộ Y tế, không chỉ những công nhân thường xuyên tiếp xúc, hít phải bụi amiăng trong quá trình nghiền amiăng khô, đóng bao, vận chuyển bột amiang... mà ngay cả những người sống trong môi trường gần nơi khai thác hoặc ở trong nhà có mái lợp amiăng cũng có khả năng bị ảnh hưởng.

Đại điện Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế cho biết, bệnh liên quan đến amiăng là bệnh ít có khả năng điều trị nhưng dự phòng được. Ở Việt Nam có nguy cơ phát sinh và phát triển bệnh liên quan đến amiăng. Bệnh thường phát triển chậm, từ 20 - 30 năm và riêng với bệnh ung thư trung biểu mô có thể xuất hiện sau 40 - 50 năm kể từ lần tiếp xúc đầu tiên. Người lao động thường phát hiện bệnh khi đã nghỉ hưu. Các triệu chứng bệnh biểu hiện muộn nên rất khó khám và phát hiện bệnh cho người lao động qua khám sức khoẻ định kỳ.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế, để loại bỏ các bệnh liên quan đến amiăng thì cần ngừng sử dụng amiăng, cung cấp thông tin về sản phẩm thay thế an toàn hơn; xử lý chất thải amiăng. Đồng thời giám sát y tế, cải thiện chẩn đoán sớm, điều trị, phục hồi chức năng và bồi thường các bệnh liên quan đến amiăng; thiếp lập cơ sở đăng ký cho những người đang hoặc có tiền sử tiếp xúc với amiăng.

Theo đó, Tổ chức Y tế thế giới phản đối việc mở rộng sử dụng amiăng làm vật liệu xây dựng sau năm 2020. Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức lao động quốc tế (ILO) khuyến nghị cấm tất cả các loại amiăng là cách hiệu quả nhất để loại bỏ các biện liên quan đến amiăng...

* Amiăng được sử dụng rộng rãi trong xây dựng, sản xuất tấm lợp amiăng - xi măng, ống dẫn nước, nồi hơi, các vật liệu cách nhiệt, các điện... Hiện nay, trên thế giới có khoảng trên 3.000 sản phẩm công nghiệp và dân dụng có chứa amiăng. Amiăng xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua đường hô hấp, đường tiêu hoá và đâm xuyên qua da gây nên một số bệnh như: bệnh bụi phổi - amiăng, ung thư đường hô hấp, ung thư trung biểu mô, dày màng phổi hoặc vôi hoá màng phổi...

Đăng nhận xét