Lần đầu tiên kết hợp nội soi và tế bào gốc chữa thoái hóa khớp

Ngày 8 tháng 10, 2014 | 22:02

SKĐS - Những cơn đau ở đầu gối, sợ phải lên xuống cầu thang, thậm chí ngồi không cũng đau – đó là những đặc trưng của bệnh thoái hóa khớp.

Tìm mọi cách chữa, từ châm cứu, bấm huyệt đến uống và tiêm thuốc tây y, nhưng phần lớn người bệnh không khỏi. Gần đây, liệu pháp ghép tế bào gốc mô mỡ tự thân điều trị căn bệnh này đang được nhiều nơi thực hiện. Tại BV đa khoa quốc tế Vinmec, lần đầu tiên các bác sĩ (BS) đã phối hợp liệu pháp tế bào gốc với nội soi khớp gối, đem lại hiệu quả điều trị rõ rệt với căn bệnh này.

Điều trị sau bao lâu có kết quả?

Chị Hoàng Anh (53 tuổi, ở Hà Nội) bị thoái hóa khớp đã 10 năm. Những cơn đau ở đầu gối khiến chân khuỵu xuống, chị thường xuyên phải đi lết. Sụn khớp thoái hóa, bị bào mòn, các mảnh sụn khớp bong ra từng mảnh trong khớp gối khiến đi lại ngày càng trở nên một cực hình. Cách đây 2 năm, chị Hoàng Anh đã mổ lấy dị vật khớp, nhưng mức độ đau không giảm nhiều. Tháng 3.2014, khi bệnh viện Vinmec bắt đầu áp dụng liệu pháp tế bào gốc điều trị thoái hóa khớp, chị Hoàng Anh đã là một trong những ca đầu tiên tham gia. Các BS đã lấy lượng mỡ nhất định ở bụng người bệnh, sau đó tách chiết ra tế bào gốc và tiêm trở lại đầu gối người bệnh.

Để tiến hành điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ Vũ Song Linh – Khoa chấn thương chỉnh hình, BV Vinmec đã tiến hành bước nội soi khớp trước cho người bệnh, sau đó mới tiêm tế bào gốc được chiết xuất từ mô mỡ bụng. Quá trình nội soi này loại bỏ các phần đã thoái hóa trong khớp, giống như làm sạch, tạo môi trường cho tế bào gốc biệt hóa tối đa, phát huy hết tác dụng. Tế bào gốc sẽ biệt hóa thành tế bào sụn mới, tái tạo lại khớp cho người bệnh. Toàn bộ quá trình điều trị kéo dài khoảng 4 giờ, bệnh nhân có thể ra viện ngay sau đó 1 ngày.

Liệu pháp tế bào gốc đã giúp chị Hoàng Anh thoát khỏi ám ảnh bệnh thoái hóa khớp gối 10 năm qua để có thể đi lại bình thường.

Liệu pháp tế bào gốc đã giúp chị Hoàng Anh thoát khỏi ám ảnh bệnh thoái hóa khớp gối 10 năm qua để có thể đi lại bình thường.

Chị Hoàng Anh cho biết: Sau 2 ngày điều trị, chị đã có thể đi từ từ với nạng. 10 ngày tiếp theo, chị bỏ được nạng. Kết hợp tập phục hồi chức năng, 2 tháng sau, đầu gối trái đã tiêm tế bào gốc không còn đau, chị đi lại bên chân này bình thường. Kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy sụn khớp sau 3 tháng đã dày thêm, tăng từ 1,4cm lên được 2,7cm. Do đó, khớp chân có độ vững vàng. Chị cho biết sẽ tiếp tục điều trị gối bên phải trong thời gian tới đây, để có thể hoàn toàn thoát khỏi những cơn đau do thoái hóa khớp gối ám ảnh 10 năm qua.

Cùng với chị Hoàng Anh, bà Hoàng Thị Là (68 tuổi, ở Hải Phòng) – cũng là một trong những bệnh nhân đầu tiên ở BV Vinmec chữa thoái hóa khớp bằng tế bào gốc – đã hết những cơn đau sau 6 tháng. Hai mươi năm bị bệnh, bà Là cũng từng vái tứ phương để chữa bệnh, nhưng chỉ khỏi được thời gian ngắn. Con cháu mua sữa bổ sung canxi cho bà, nhưng nhiều lúc bà vẫn thấy đầu gối mình sưng to. Vì thế, khỏi được 1 bên chân trái bằng tiêm tế bào gốc, bà Là rất mừng vì có thể đi lại tập thể dục với bạn bè, sinh hoạt bình thường như trước.

Ai có thể điều trị bằng tế bào gốc?

BS Vũ Song Linh cho biết: Kết quả điều trị thoái hóa khớp được đánh giá trên 3 tiêu chí: Mức độ giảm đau, chức năng khớp - người bệnh đi lại được một cách tự tin và độ vững của khớp. Tuy nhiên, liệu pháp tế bào gốc cũng chỉ áp dụng với thoái hóa khớp độ 2, 3, và người bệnh không bị mắc các bệnh phối hợp ở khớp, nhiễm trùng khớp, ung thư... Bị thoái hóa độ 1, điều trị thuốc vẫn có hiệu quả. Còn ở độ 4 thì phải thay khớp nhân tạo.

Bệnh nhân ghép tế bào gốc chữa thoái hóa khớp sẽ được theo dõi định kỳ 1 - 3 - 6 tháng và sau đó 1 năm/lần. Vì thế, những bệnh nhân đầu tiên ở Vinmec sau 6 tháng điều trị có kết quả khả quan cho thấy hiệu quả rõ rệt khi kết hợp với nội soi trước khi tiêm tế bào gốc. Đây là điều khác biệt trong điều trị căn bệnh này so với các biện pháp điều trị trước đây.

BS Linh cho biết thêm, thoái hóa khớp có thể xảy ra ở các khớp trên khắp cơ thể. Tuy nhiên, tế bào gốc điều trị thoái hóa khớp mới được y học thế giới chứng minh có tác dụng, đạt được những thành công bước đầu ở khớp gối.

Phim chụp cộng hưởng từ gối trái của bà Hoàng Thị La cho thấy: Sụn mặt khớp ở lồi cầu trong xương đùi dày lên sau 3 tháng tiêm tế bào gốc.

Phim chụp cộng hưởng từ gối trái của bà Hoàng Thị La cho thấy: Sụn mặt khớp ở lồi cầu trong xương đùi dày lên sau 3 tháng tiêm tế bào gốc.

Dấu hiệu nhận biết thoái hoá khớp

Thoái hóa khớp thường xảy ra ở người già. Đặc biệt phụ nữ sau tuổi mãn kinh, có sự thay đổi hormone, tăng khả năng mất xương dẫn đến loãng xương và có thể dẫn đến thoái hóa khớp. Tuy nhiên, hiện nay, bệnh cũng gặp ở người trẻ, chủ yếu do lười vận động hoặc làm việc quá sức, sai tư thế trong một thời gian dài.

Thoái hóa khớp tiến triển chậm, âm thầm, khó nhận ra dấu hiệu bệnh. Bệnh thường có những triệu chứng chính như sau:

- Trong hoặc sau khi vận động, hoặc sau một thời gian không vận động bệnh nhân có cảm giác đau khớp.

- Sưng cứng ở khớp, cảm giác rõ nhất sau khi vận động.

- Có gai xương ở giữa hoặc đầu các khớp ngón tay hoặc khớp bàn ngón tay cái.

- Độ vững của khớp bị giảm đáng kể, bệnh nhân cảm thấy khớp gối lỏng lẻo, đi không thật chân

Khi thấy có những biểu hiện trên, người bệnh nên đi khám bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để chẩn đoán đúng bệnh và giai đoạn đang diễn biến. Người bệnh không nên tự ý dùng thuốc, nhất là lạm dụng thuốc giảm đaucorticoid, có thể giảm đau tạm thời nhưng lại khiến bệnh diễn tiến nhanh hơn, đồng thời bị tác dụng phụ khác.

Nguyễn Hằng

Đăng nhận xét