(ĐVO) - Bác sĩ Khuất Thị Định - Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức Hà Nội tâm sự: "Tôi chẳng vui vẻ gì khi cầm tấm bằng khen của Sở Y tế Hà Nội trên tay. Tôi bật khóc bởi vì thương cho chính những đồng nghiệp đã đi lạc đường".
Ngoài ra, chị Hoàng Thị Nguyệt - Bác sĩ Khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội) cũng lý giải những giọt nước mắt của mình theo một nghĩa khác.
Ngày 16/8, Đại diện Sở Y tế Hà Nội đã xuống Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức Hà Nội tổ chức lễ tuyên dương, trao thưởng cho những cá nhân đã có hành động dũng cảm đứng ra tố cáo vụ việc "nhân bản" phiếu xét nghiệm của một người cho nhiều người tại bệnh viện này.
Ba cá nhân được Sở Y tế Hà Nội khen thường là chị Hoàng Thị Nguyệt, viên chức khoa Xét nghiệm; chị Phan Thị Nam Đông, viên chức Khoa Liên chuyên khoa và bác sĩ Khuất Thị Định, viên chức Khoa Sản. Trong buổi lễ, cả ba cá nhân được tuyên dương đều đã bật khóc không ngừng trước những lời cảm ơn, tuyên dương đến từ những vị lãnh đạo đầu ngành của TP. Hà Nội.
Chiều ngày 20/8, PV Báo Đất Việt đã có cuộc trao đổi với chị Hoàng Thị Nguyệt để nghe chị tâm sự về những điều ẩn chứa đằng sau những giọt nước mắt này trong lúc công an TP. Hà Nội công bố quyết định khởi tố 10 bị can liên quan tới vụ việc.
Chị Hoàng Thị Nguyệt, cô Khuất Thị Định, chị Phạm Thị Nam Đông (từ trái sang phải) đã bật khóc trong buổi lễ khen thưởng ngày 16/8. |
PV: Sáng ngày 16/8, Sở Y tế Hà Nội đã xuống bệnh viện tổ chức buổi lễ tuyên dương và khen thưởng cho những cá nhân có thành tích phát hiện ra những sai phạm của bệnh viện trong thời gian qua. Trái với những buổi lễ khen thưởng khác, buổi lễ tuyên dương các chị diễn ra trong sự chóng vánh, không có một bó hoa; ngoài giấy khen, số tiền thưởng, chị và hai đồng nghiệp nhận được là 320.000 đồng...dư luận cũng có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này. Chị suy nghĩ thế nào về dư luận?.
Bác sĩ Hoàng Thị Nguyệt: Nhiều ngày nay, tôi thấy báo chí thường phản ánh nhiều đến thái độ của những vị lãnh đạo trong buổi lễ khen thưởng và số tiền thưởng mà chúng tôi nhận được. Nhưng với tôi việc đó không quan trọng bằng việc sự việc đã được đưa ra ngoài ánh sáng.
Khi quyết tâm phản ánh sự việc lên các cơ quan chức năng tôi đã nhận được nhiều sự giúp đỡ từ bạn bè, đồng nghiệp. Nhiều người sợ bị ảnh hưởng nên không dám ra mặt nhưng đằng sau vẫn động viên, ủng hộ tôi.
Chị Định và chị Đông cũng đã giúp tôi rất nhiều, cả ba người chúng tôi không vì mục đích tuyên dương, khen thưởng mà vì muốn người dân không phải chịu khổ trước sự việc sai trái của một số cán bộ y bác sĩ trong bệnh viện.
Việc Sở Y tế Hà Nội tổ chức buổi lễ tuyên dương, khen thưởng là nguồn động lực rất lớn cho chúng tôi trong cuộc sống cũng như trong công việc hiện tại của mình. Còn việc số tiền thưởng bao nhiêu, món quà có những gì đều không phải là vấn đề chính.
Tấm bằng khen chính là tờ giấy chứng nhận cho công sức của chúng tôi đã cố gắng chịu kham khổ trong thời gian qua để sự việc nhân bản phiếu xét nghiệm được rõ ràng.
PV: Trong buổi lễ tuyên dương vào sáng ngày 16/8, chị đã bật khóc khi nhận được tấm bằng khen và số tiền thưởng từ Sở Y tế Hà Nội. Giọt nước mắt lăn trên má chị trong thời khắc đó đến từ đâu?
Tôi khóc vì người bên cạnh tôi lạc đường Nói về những giọt nước mắt trong ngày nhận bằng khen, bác sĩ Khuất Thị Định, cán bộ Khoa Sản - Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức Hà Nội tâm sự: "Tôi chẳng vui vẻ gì khi cầm tấm bằng khen của Sở Y tế Hà Nội trên tay. Tôi bật khóc bởi vì thương cho chính những đồng nghiệp đã đi lạc đường. |
Bác sĩ Hoàng Thị Nguyệt: Trong buổi lễ khen thưởng, cá nhân tôi có rất nhiều cảm xúc đan xen lẫn lộn. Vừa mừng lại vừa lo.
Mừng vì nhiều người dân đã được hưởng quyền lợi chính đáng, tôi được sống. Lo vì sự bị ông Liêm - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức cho người trù dập. Tôi bật khóc chính bởi vì cảm thấy ngậm ngùi.
Tôi và nhiều đồng nghiệp khác nữa đã phải trải qua bao khó khăn, áp lực, hy sinh... thì cuối cùng sự việc đã được cơ quan chức năng phanh phui.
Quãng thời gian bắt đầu quyết định tố cáo sự việc lên cơ quan chức năng, bản thân tôi đã phải chịu nhiều áp lực từ phía ông Liêm. Từ ngọt nhạt, dỗ dành, đến đe dọa, ông Liêm đều sử dụng nhằm ngăn cản tôi tố cáo sự việc. Nhiều bác sĩ trong bệnh viện ủng hộ tôi còn bị ông Liêm gây áp lực về tới gia đình, có bác sĩ bị chồng đánh vì giúp tôi làm sáng tỏ sự việc.
Khi đưa đơn tố cáo lên cơ quan chức năng, tôi đã nghĩ mình chỉ có hai con đường sống - chết.
Nếu sự việc được cơ quan chức năng làm sáng tỏ thì tôi sống, không thì ngược lại tôi sẽ bị "trù dập" cho đến...chết. Nhưng y đức của một người bác sĩ không cho phép tôi và mọi người dừng lại nên cố gắng tới cùng. Và khi nhận bằng khen tôi biết được rằng, cố gắng của mình đã thành công và òa khóc.
PV: Vấn đề y đức của bác sĩ và phong bì trong bệnh viện luôn được xã hội rất quan tâm. Bản thân chị là người đã có thành tích trong việc tố cáo những sai phạm tại bệnh viện, chị suy nghĩ gì về thực trạng này?
Bác sĩ Hoàng Thị Nguyệt: Đây là vấn đề đã được nhiều người nói tới. Theo tôi nghĩ thì với bất kỳ bác sĩ nào, ngoài trình độ nghề nghiệp ra thì đạo đức cũng được đặt lên ngang hàng.
Tôi không phủ nhận việc trong xã hội ngày nay vẫn tồn tại nhiều bác sĩ "thiếu đạo đức", đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu. Nhưng đó chỉ là những trường hợp hãn hữu, những "con sâu bỏ giàu nồi canh", những bác sĩ đó đáng bị lên án và cần phải loại ra khỏi ngành y.
Còn câu chuyện "phong bì" thì theo tôi ở bất kỳ bệnh viện nào cũng tồn tại, nhiều khi bác sĩ bị bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đặt vào thế khó khi cho rằng bác sĩ phải có phong bì mới nhiều tình, mới tận tâm tận lực cho công việc.
Xã hội không nên nặng nề quá về chuyện phong bì, nếu như bác sĩ nào lợi dụng sự khó khăn, đau đớn của bệnh nhân để đòi phong bì thì đáng lên án còn chuyện sau khi đã cứu chữa cho bệnh nhân thành công, người nhà có chút lòng đến cảm ơn bác sĩ, trong đó có kèm theo phong bì với số tiền không quá lớn thì bác sĩ có nhận thì cũng là chuyện dễ hiểu vì đó là lòng thành của người ta.
Bác sĩ Hoàng Thị Nguyệt. |
PV: Trong quãng thời gian bước chân vào nghề Y, chị đã bao giờ được bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân "cảm ơn" bằng phong bì?.
Bác sĩ Hoàng Thị Nguyệt (cười!): Cũng có chứ! Thời trước mới bước chân vào nghề, nhiều bệnh nhân còn mang cả ngô, khoai, sắn đến cảm ơn tôi. Sau này phát triển hơn thì có người ngỏ ý mời tôi bát phở hay bữa trưa để cảm ơn...Khi đó tôi cũng nhận để cho họ vui lòng.
PV: Thế khi người nhà cảm ơn chị bằng "phong bì" thì chị xử lý như nào?
Bác sĩ Hoàng Thị Nguyệt: Trước tiên tôi đều cảm ơn sự chân thành của họ nhưng nếu như họ nghĩ số tiền đó có thể làm ảnh hưởng đến thái độ làm việc, vi phạm tới đạo đức hay làm sai lệch các vấn đề gì đó thì tôi cũng kiên quyết từ chối.
PV: Quay trở lại với câu chuyện tố cáo những sai phạm trong Bệnh viện Hoài Đức trong thời gian vừa qua. Sau khi sự việc được phanh phui, chị tưởng tượng cuộc sống thời gian tới của mình như thế nào?
Bác sĩ Hoàng Thị Nguyệt: Sự việc đã dần được làm sáng tỏ nhưng bản thân tôi vẫn còn nhiều áp lực. Công việc ở bệnh viện ngày một nhiều đã đành nhưng bên cạnh đó vẫn sợ những thế lực xung quanh sự việc trù úm mình, sợ những người trong bản danh sách tố cáo thuê người làm hại tới bản thân và gia đình mình.
Chính vì thế, tôi đều tự nhủ bản thân và căn dặn những người trong gia đình mỗi khi ra đường đều phải cảnh giác cao hơn để tránh những điều đáng tiếc xảy ra.
Xin cảm ơn chị!
Sở Y tế không lý giải được vì sao 3 người khóc Trao đổi với PV báo Đất Việt, ông Nguyễn Văn Yên - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: "Trong buổi lễ tuyên dương, khen thưởng 3 cá nhân dũng cảm đứng lên đấu tranh, tố cáo sự việc mỗi người đều có cảm xúc khác nhau. Nguyên nhân khiến cả 3 cá nhân đều bật khóc trong buổi lễ tôi cũng không thể lý giải được... Giấy khen và số tiền thưởng chính là nguồn động viên tinh thần to lớn cho hành động dũng cảm, dám tố cáo sai trái, đứng ra bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người dân của 3 cá nhân Hoàng Thị Nguyệt, Phạm Thị Nam Đồng và Khuất Thị Định". |
Việt Thành (Thực hiện)
Đăng nhận xét