Phản ứng nhanh khi trẻ bị dị vật đường thở

Thứ Tư, 04/09/2013 - 11:05

(Dân trí) - Hóc dị vật đường thở có thể gây nên cái chết ngay tức thì cho trẻ. Nếu biết cách phản ứng nhanh, cấp cứu kịp thời thì trẻ bị dị vật đường thở vẫn có cơ hội cứu sống.

Dấu hiệu nhận biết

Trẻ rất dễ bị hóc dị vật đường thở (từ thức ăn, đồ chơi)… nếu người lớn không để ít. Cũng không ít trẻ bị hóc do sặc thức ăn vì người lớn pha trò để trẻ cười, tạo hứng thú cho trẻ ăn.

Dấu hiệu dễ nhận biết nhất khi trẻ bị sặc, đó là hội "chứng xâm nhập" như trẻ đang ăn, đang chơi đột ngột ho sặc sụa, mặt tím tái, vã mồ hôi, thở gắng sức. Nếu dị vật gây tắc nghẽn đường thở hoàn toàn (dị vật thanh quản) trẻ có thể ngừng thở ngay lập tức, tiếp đó là hôn mê và tử vong nếu không được xử trí đúng cách.

Hội chứng xâm nhập cũng có thể chỉ kéo dài một vài phút thì hết do dị vật đã di chuyển sâu vào bên trong đường thở gây tắc nghẽn đường thở không hoàn toàn. Tuy nhiên, sau khi vào sâu vào trong đường thở, tùy thuộc vào vị trí mắc kẹt dị vật mà trẻ có các biểu hiện khác nhau: nói khàn, thở rít, thở khò khè và khó thở (dị vật hạ thanh quản, khí quản); ho và thở khò khè, ho ra máu, khó thở, nghẹt thở, suy hô hấp, thở yếu, sốt và tím tái (dị vật phế quản).
 
Một trong những thao tác sơ cứu khi trẻ bị hóc dị vật.
Một trong những thao tác sơ cứu khi trẻ bị hóc dị vật. Nâng cằm (hình trên) và đẩy hàm (hình dưới)
 

Đáng nói là có khoảng 25 - 50% trẻ bị dị vật đường thở không có biểu hiện ra bên ngoài hoặc không được chẩn đoán trong vòng 24 giờ, phần lớn các trường hợp này là do dị vật ở phế quản lớn và phế quản nhỏ. Sau khi biểu hiện hội chứng xâm nhập ngắn, trẻ có thể trở lại bình thường trong nhiều giờ nên cha mẹ ít để ý. Sau đó các dấu hiệu của xẹp phổi, bội nhiễm (viêm phế quản, viêm phổi, áp xe phổi…) do dị vật có thể xuất hiện như: sốt cao, ho khan, ho máu, ho có đờm và mủ, khó thở tăng dần, suy hô hấp, tím tái… Nếu không biết trẻ bị sặc, khi trẻ có biểu hiện ho và sốt thì cha mẹ thường chủ quan không đưa trẻ đi khám sẽ làm bệnh tiến triển nặng thêm.

Cấp cứu sao cho đúng?

Thấy con hóc, việc người lớn hay làm đầu tiên là đưa tay vào cổ họng trẻ móc dị vật ra dù có nhìn hay không nhìn thấy dị vật. Điều này vô tình sẽ kích thích phản xạ co thắt thanh quản, phản xạ ho đẩy dị vật lên thanh quản gây tắc nghẽn đường thở hoàn toàn và có thể làm trẻ tử vong nhanh chóng.

Bị hóc dị vật, cấp cứu là thời gian vàng vì trong nhiều trường hợp, trẻ có thể bị mất não sau 3 - 5 phút khi bị tắc nghẽn đường thở hoàn toàn. Việc sơ cứu kịp thời sẽ quyết định việc có cứu sống được trẻ hay không.

Với những trẻ bị sặc đường thở do dị vật có kích thước lớn và nhiều góc cạnh thường dễ gây suy hô hấp, ngừng thở và có nguy cơ tử vong cao. Trong trường hợp này cha mẹ cần khẩn trương gọi ngay người hỗ trợ đồng thời tiến hành ngay các thao tác sau: đặt trẻ nằm ngửa trên nền cứng, mở miệng trẻ và thử móc họng trẻ lấy những dị vật nhìn thấy được ra, nâng cằm và/hoặc đẩy hàm để làm thông thoáng đường thở.

Cách thức thực hiện nâng cằm là dùng các ngón của một bàn tay được đặt dưới hàm dưới và nhẹ nhàng nâng lên để di chuyển cằm ra phía trước, ngón tay cái của bàn tay đó nhẹ nhàng ấn môi dưới để mở miệng, ngón tay cái cũng có thể được đặt phía sau răng cửa hàm dưới để nâng nhẹ cằm lên sao cho các răng cửa trung tâm hàm dưới ra trước hơn các răng cửa trung tâm hàm trên, tay còn lại có thể đặt lên trán của trẻ và nhẹ nhàng đẩy đầu ngửa ra sau nếu không có nghi ngờ chấn thương cột sống cổ.

Đối với trẻ nhũ nhi hoặc trẻ nhỏ, có thể chỉ cần dùng một ngón trỏ để nâng cằm. Với kỹ thuật đẩy hàm, ôm chặt các góc của hàm dưới bằng bàn tay ở cả hai bên và di chuyển hàm dưới ra trước (lên trên) sao cho các răng cửa trung tâm hàm dưới lên trước (cao hơn) các răng cửa trung tâm hàm trên, nếu không nghi ngờ tổn thương cột sống cổ thì nhẹ nhàng đẩy ngửa đầu khi thao tác đẩy hàm đơn thuần không làm đường thở thông thoáng được. Nếu các thao tác trên không có hiệu quả thì hãy cố gắng sử dụng ngay các biện pháp tống dị vật ra ngoài như: nghiệm pháp vỗ lưng và ấn ngực.

Vỗ lưng và ấn ngực là những phương pháp nhiều bậc cha mẹ sử dụng khi con trẻ bị hóc, sặc di vật nhằm tống bỏ dị vật ra ngoài và làm thông thoáng đường thở. Tuy nhiên thao tác này nên thực hiện sau khi không thể dùng tay móc họng lấy dị vật ra ngoài và khi thao tác nâng cằm và/hoặc ấn hàm không có hiệu quả. Ngược lại, không nên áp dụng các nghiệm pháp này cho trẻ bị sặc nếu có biểu hiện tắc nghẽn đường thở không hoàn toàn, tức là trẻ vẫn có thể nói hoặc ho được, nhằm tránh dị vật di chuyển ngược lên làm tắc nghẽn hoàn toàn đường thở.

Với nghiệm pháp vỗ lưng, đặt trẻ dọc theo cánh tay người cấp cứu, đầu trẻ thấp. Người cấp cứu đặt tay dọc lên đùi mình, bàn tay giữ vào cằm trẻ giúp cho đường thở của trẻ luôn được mở thông thoáng và dùng gót bàn tay còn lại vỗ lên lưng trẻ 5 lần liên tiếp. Nếu là trẻ lớn, đặt trẻ nằm ngang qua 2 đùi người ngồi cấp cứu và làm cùng biện pháp trên. Với nghiệm pháp ấn ngực, nếu dị vật không bật ra sau khi vỗ lưng, lật ngược trẻ lại, đặt nằm dọc trên đùi vẫn ở tư thế đầu thấp, ấn ngực ở 1/2 dưới xương ức 5 lần liên tiếp.

Trong trường hợp trẻ bị hóc sặc dị vật sau khi xử lý ban đầu nên sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra, có thể phải mở khí quản cấp cứu để làm thông thoáng đường thở, nội soi phế quản để lấy dị vật, và điều trị các biến chứng khác do sặc như xẹp phổi, viêm phế quản, viêm phổi, áp xe phổi…

Bác sĩ Lương Quốc Chính
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai

Đăng nhận xét