Dự trù mua thuốc không sát với thực tế nên tại BV Thanh Nhàn thường xuyên thiếu thuốc để cấp phát và sử dụng cho bệnh nhân đến đây khám chữa, điều trị, đặc biệt là thuốc sử dụng trong cấp cứu.
Thuốc thiếu, thuốc thừa, kê đơn "loạn xạ"
Phản ảnh với phóng viên PLVN, một số cán bộ, nhân viên khoa dược, BV Thanh Nhàn cho hay tình trạng "thuốc thiếu, thuốc thừa" diễn ra từ cuối năm 2011 và thể hiện rõ nhất vào cuối năm 2012 vừa qua. Hồ sơ, tài liệu mà các cán bộ, nhân viên này cung cấp cho nhóm phóng viên cho thấy do BV dự trù mua thuốc không sát với thực tế nên đã dẫn đến tình trạng có loại thuốc không đủ để dùng, có loại thuốc lại thừa, phải dùng quá nhiều dẫn đến việc kê đơn thuốc không an toàn.
|
Đề xuất xin thuốc của khoa cấp cứu BV Thanh Nhàn |
Đơn cử, loại thuốc corticoid dạng tiêm truyền, nhu cầu sử dụng của bệnh viện này mỗi tháng khoảng 1100 lọ, thế nhưng lãnh đạo khoa dược xác nhận loại thuốc nói trên luôn trong tình trạng không có và cũng không có thuốc thay thế.
Trong khi đó, có khoảng 272 loại thuốc được nhập về quá nhiều dẫn tới tồn kho. Đại diện lãnh đạo khoa dược phản ảnh: vì thuốc tồn kho nhiều ( năm 2012 tồn khoảng 20 tỉ tiền thuốc) nên đầu năm 2013 Ban giám đốc đã "hò" tất cả các khoa dùng thuốc."Đắc lực nhất trong việc sử dụng thuốc tồn kho là khoa khám bệnh. Những mặt hàng thuộc nhóm thuốc beta như Dorocardyl 40mg (propranolol) đều được các bác sỹ kê cho bệnh nhân từ 100 – 200 viên/ tháng (nhưng bệnh nhân chỉ dùng 1 viên/ ngày). Theo quy chế kê đơn thì các bệnh nhân mãn tính được cấp thuốc trong vòng 1 tháng. Các bệnh nhân được BHYT hỗ trợ thuốc chỉ được 30 viên, nếu vượt quá thì bệnh nhân phải bỏ tiền ra mua theo đơn của bác sỹ. Thế nhưng để "giải phóng thuốc tồn kho", các bác sỹ đã kê đơn cho bệnh nhân thành 200 ngày.
Thấy hiện tượng dùng thuốc ồ ạt, ngày 10/12/2012 khoa dược đã báo cáo ban giám đốc nhưng chỉ nhận được câu trả lời "ở bệnh viện này đã bao giờ sử dụng thuốc hợp lý an toàn bao giờ đâu", vị đại diện khoa dược bức xúc cho biết.
Trước sự thờ ơ của Ban lãnh đạo BV, khoa dược đã có đơn phản ảnh lên Thanh tra Sở Y tế Hà Nội. Thông báo kết quả xác minh đơn thư số 179 của Thanh tra Sở Y tế Hà Nội về "tình hình cung ứng và sử dụng thuốc tại BV Thanh Nhàn" khẳng định : nội dung phản ánh có mặt hàng thuốc thiếu, mặt hàng thuốc thừa, lúc không đủ để dùng, lúc dùng quá nhiều là đúng. Thanh tra Sở Y tế cũng xác định có việc bệnh nhân có thẻ BHYT, bệnh nhân cấp cứu nhưng phải mua thuốc ngoài vì thuốc BV không đủ. Nghiêm trọng hơn, công tác thanh tra cũng đã xác nhận việc BV Thanh Nhàn kê đơn thuốc không hợp lý, không an toàn là có thực.
Uẩn khúc hoạt động đấu thầu thuốc
Theo phản ảnh của khoa dược BV Thanh Nhàn, không chỉ để xảy ra tình trạng "thuốc thừa, thuốc thiếu" mà ngay cả hoạt động cung ứng, đấu thầu thuốc tại BV cũng "có vấn đề".
Cụ thể, ngày 01/11/2011, Hội đồng thuốc và điều trị bệnh viện Thanh Nhàn đã họp và đã thông qua danh mục thuốc (DMT) mua năm 2012, khoa Dược đã tập hợp và trình giám đốc BV ngày 10/11/2011. Thế nhưng, BV không thực hiện theo DMT đã được Hội đồng thuốc thông qua ngày 01/11/2011 mà lại tự ý mua thuốc theo tên biệt Dược (chỉ định thầu). Phát hiện của khoa dược cho thấy có tới 27 thuốc không có trong DMT Hội đồng thuốc và điều trị đã thông qua ngày 01/11/2011 nhưng vẫn được mua về. Điều này trái với Quy chế bệnh viện ban hành kèm theo Quyết định số 1895/1997/QĐ-BYT ngày 19 tháng 09 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về Lề lối làm việc của Hội đồng thuốc và Điều trị.
Thông báo xác minh đơn thư phản ánh những sai phạm của BV Thanh Nhàn trong hoạt động cung ứng, sử dụng thuốc của Thanh tra Sở Y tế Hà Nội |
Vẫn theo phản ảnh của khoa dược, chỉ tính riêng 05/27 thuốc trong DMT mua theo tên Biệt Dược (chỉ định thầu) là các thuốc khoa Dược không nhận được đề nghị được sử dụng của các khoa lâm sàng trong bệnh viện, chưa bao giờ được sử dụng tại BV Thanh Nhàn và không có bất cứ thành viên khoa Dược nào trong Hội đồng thuốc và điều trị biết và tham gia là: Fortum 1g; Rigofin 1g; Rigotax 1g; Albuminar 25%_50ml; Human albumin 20%_50ml Behring; Amigol 8,5%_500ml đã có trị giá: 5,096,612,000đ. Bệnh viện Thanh Nhàn mua với giá (82.000đ/lọ), cao hơn nhiều so với giá thuốc này trúng thầu tại Bắc Giang (67.500đ/lọ), BV Bạch Mai (62.160đ/lọ).
Với số lượng mua năm 2012 của bệnh viện Thanh Nhàn (35.766 lọ), số tiền chênh lệch cao hơn so với kết quả trúng thầu của Bắc Giang là: 518.607.000đ và so với kết quả trúng thầu của Bạch Mai: 709.597.440đ. Như vậy có nghĩa là giá trúng thầu của bệnh viện Thanh Nhàn 82.000đ/lọ, thì giá kế hoạch ít nhất cũng phải là 82.000đ/lọ.
Đây là một số tiền rất lớn và khoa dược đã có phản ảnh lên Sở Y tế đề nghị cần quy trách nhiệm rõ ràng. "Không chỉ một mặt hàng Rigofin 1g, toàn bộ các thuốc trong DMT mua theo tên biệt Dược bệnh viện Thanh Nhàn xác định giá kế hoạch trên cơ sở nào? Số tiền thực chênh lệch với kết quả trúng thầu của các cơ sở y tế công lập khác là bao nhiêu? Ai phải chịu trách nhiệm trong việc này? Có sự thông đồng với nhà thầu không", đại diện lãnh đạo khoa dược bức xúc phản ảnh.
Cứ lên tiếng là bị…trù dập?
Bức xúc trước những sai phạm trong việc đấu thầu, cung ứng thuốc, tình trạng thuốc thừa, thuốc thiếu, kê đơn không an toàn cho bệnh nhân, một số cán bộ, nhân viên khoa dược đã lên tiếng. Đáp lại họ là thái độ trù dập từ BGĐ, thậm chí một số người bị điều chuyển sang công việc khác không đúng chuyên môn. Bà B.T.A.V, khoa dược cho biết do bà không đồng ý với việc BGĐ tự ý thay đổi nhà thầu các gói thuốc khi gói thầu thuốc 6 tháng cuối năm 2011 đang thực hiện theo đúng quy định về đấu thầu, đã chấm, xét thầu xong nhưng chưa được phê duyệt nên từ cuối năm 2012 đến nay bà gần như bị vô hiệu hoá, "ngồi chơi xơi nước", bị trừ thi đua vô căn cứ và bị gây áp lực đủ bề.
Bà B.T.A.V còn cung cấp cho phóng viên PLVN bằng chứng về việc BGĐ BV Thanh Nhàn phân công bà Bùi Kim D một dược sỹ mới ký hợp đồng về làm thủ kho chính mặc cho trưởng khoa dược phản đối vì cho rằng dược sỹ này không đủ năng lực. Sau đó, chính dược sỹ D đã làm thất lạc 390 ống Golvaska và tự ý mua thuốc của công ty không có hợp đồng với BV, hàng không rõ nguồn gốc, không thông qua hội đồng kiểm nhập, đưa hàng vào sử dụng tại bệnh viện. Kết quả thanh tra của Sở Y tế Hà Nội xác nhận việc dược sỹ Bùi Kim D làm mất thuốc và mua thuốc ngoài bù vào là có thật và việc làm này không đúng quy định. Sở Y tế đã có chỉ đạo xử lý trách nhiệm cá nhân của dược sỹ D.
Thanh tra Sở Y tế tại văn bản số 179/TB-TTr cũng nêu rõ: đã chỉ đạo BGĐ BV Thanh Nhàn khắc phục, xử lý ngay những sai phạm trong hoạt động cung ứng, sử dụng thuốc tại BV và tổ chức kiểm điểm trách nhiệm những tập thể, cá nhân có liên quan tới những sai phạm đã được Thanh tra Sở kết luận.
Liên quan đến việc sử dụng thuốc trong khám chữa bệnh tại BV Thanh Nhàn, PLVN nhận được đơn tố cáo của ông Lê Văn Ngọc ở 76 Hàng Mã, Hà Nội về việc mẹ của ông Ngọc là cụ Nguyễn Thị Tâm, đã tử vong ở BV Thanh Nhàn năm 2012. Ông Ngọc cho rằng việc cụ Tâm tử vong có nguyên nhân từ việc sai sót của BV Thanh Nhàn khi sử dụng thuốc và phác đồ điều trị cho cụ Tâm. Hiện ông Ngọc đã khởi kiện vụ việc ra TAND Thành phố Hà Nội. |
Đăng nhận xét