Thạc sĩ Nguyễn Hoài Bắc, Phòng khám Nam học, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội cho biết, u phì đại tuyến tiền liệt là bệnh phổ biến ở nam giới, với tỷ lệ mắc cao và đồng hành theo tuổi tác.
Tuyến tiền liệt thường được coi là cơ quan sinh dục phụ của người đàn ông. Nó nằm bên dưới bàng quang, mặt trước của xương mu, đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc bài tiết các tinh dịch để nuôi dưỡng bảo vệ tinh trùng, giúp cho hoạt động tình dục được tốt hơn.
Trước tuổi dậy thì, tuyến tiền liệt rất nhỏ. Từ tuổi dậy thì, dưới sự tác động của hoóc môn sinh dục nam, tuyến tiền liệt bắt đầu phát triển mạnh, đến lúc 25-30 tuổi thì đạt khoảng 15-20 g và duy trì trong một thời gian dài. Sau khi nam giới bước sang tuổi 40, tuyến tiền liệt phát triển dần, tăng kích thước theo thời gian, theo sự già nua của cơ thể và gây ra tình trạng gọi là u phì đại tuyến tiền liệt.
Tiểu nhiều lần, tiểu dắt, tiểu khó... là những triệu chứng dễ nhận thấy của nam giới bị u phì đại tuyến tiền liệt. Ảnh minh họa: Wikihow.com. |
Theo bác sĩ Bắc, đã là nam giới ai cũng có nguy cơ mắc u phì đại tuyến tiền liệt và nó thường tỷ lệ theo tuổi tác. Một số người có thói quen ăn uống, sinh hoạt không tốt, hoạt động tình dục không đều đặn... khiến u này phát triển. Người thường xuyên nhịn tiểu, để nước tiểu tồn dư lại trong bàng quang nhiều, dẫn đến tình trạng viêm nhiễm thường xuyên cũng sinh u phì đại. Ngoài ra, hút thuốc lá, uống nhiều rượu, quan hệ tình dục không an toàn khiến mắc các bệnh lây nhiễm dẫn đến viêm đường tiết niệu, viêm tuyến tiền liệt... cũng là nguyên nhân kích ứng của u phì đại tuyến tiền liệt.
Dấu hiệu nhận biết u phì đại tuyến tiền liệt khá đơn giản. Bình thường tuyến tiền liệt bao quanh niệu đạo, khi nó phát triển mạnh lên sẽ kích thích cổ bàng quang đóng chặt, đồng thời tạo sự cản trở cơ học, dẫn đến các triệu chứng tắc nghẽn và kích thích đường tiểu dưới khiến nam giới đi tiểu khó, phải rặn, thời gian đứng tiểu lâu, tia nước tiểu nhỏ, từng giọt... Nhiều người mất ngủ vì đêm phải dậy đi tiểu nhiều lần.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Bắc cho biết, những triệu chứng trên không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sống mà còn tác động tiêu cực tới đời sống tình dục. Có tới 75-80% bệnh nhân bị u phì đại tuyến tiền liệt mắc triệu chứng về đường tiết niệu dưới nên sinh tâm lý lo ngại, sợ hoạt động tình dục có thể làm tình trạng nặng thêm. Hơn nữa, việc tiểu đêm nhiều, tiểu khó cũng ảnh hưởng tới sức khỏe chung, làm giảm đáng kể khả năng hoạt động tình dục. Các trục trặc tình dục hay gặp ở bệnh nhân là rối loạn cương, rối loạn xuất tinh (xuất tinh sớm hoặc ngược dòng)...
Theo bác sĩ, u phì đại tuyến tiền liệt có thể điều trị bằng ngoại khoa hay nội khoa nhưng không may là cả hai cách này đều có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tình dục của bệnh nhân. "Bởi vậy, điều quan trọng nhất là nam giới ngay từ khi còn trẻ cần rèn luyện sức khỏe tốt, duy trì chế độ sinh hoạt đều đặn, khoa học, phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời, tránh các biến chứng", bác sĩ Bắc chia sẻ.
Ông cho rằng, các quý ông trên 40 tuổi nên đi khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc u phì đại tuyến tiền liệt bằng siêu âm, khi có các triệu chứng tiểu khó, tiểu buốt, tiểu nhiều lần cần đi khám ngay. Khi đó, bác sĩ có thể đánh giá mức độ bệnh ra sao, ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống, chỉ định việc thực hiện các xét nghiệm sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt.
"Ung thư tuyến tiền liệt mức độ ác tính lớn, di căn khắp nơi, tổn thương nhiều phủ tạng khác, ảnh hưởng tới tính mạng người bệnh nên cần thận trọng", bác sĩ nói.
Ông cho biết, ung thư và u phì đại tuyến tiền liệt là hai bệnh lý khác nhau, xuất phát ở vùng khác nhau của tuyến tiền liệt, khả năng phát triển từ u sang ung thư rất ít. Tuy nhiên, khi có u phì đại cần tầm soát, sàng lọc vì có khả năng ung thư tuyến tiền liệt cũng phối hợp cùng với u.
Vương Linh
Ảnh: Bp.blogspot.com. |
Nghe bác sĩ kết luận mình bị u phì đại tuyến tiền liệt, vì không chữa kịp thời nên đã khá nặng, ông Toán mới giật mình.
Giáo sư Trần Quán Quán Anh, giám đốc Phòng khám đa khoa tiết niệu và nam khoa Tâm Anh (Lý Nam Đế, Hà Nội) cho biết, phòng khám đã tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân như trường hợp ông Toán.
Giáo sư cho biết, đây là bệnh hay gặp thứ 2 sau sỏi tiết niệu trong các bệnh về tiết niệu và thận học hiện nay. Bệnh chỉ có ở nam giới và chủ yếu ở người cao tuổi. Ở Việt Nam, người trẻ nhất là 47 tuổi, già nhất là trên 90 tuổi mắc bệnh này. Tuổi càng cao, nguy cơ mắc bệnh càng nhiều, phổ biến nhất khoảng 60 tuổi trở lên.
Trung bình, ở tuổi 60, có khoảng 60 % nam giới mắc bệnh u phì đại tuyến tiền liệt, ở độ tuổi 70 tỉ lệ là gần 80% và trên 90 tuổi thì cứ 10 người có tới 9 người mắc. |
Giáo sư Quán Anh cho biết, tuyến tiền liệt là bộ phận ôm quanh phía ngoài cổ bàng quang, có nhiệm vụ sản xuất ra tinh dịch để tinh trùng sống được. Người bị bệnh là khi tuyến tiền liệt to ra, chít lấy cổ bọc bàng quang.
Khi bị u này, bệnh nhân thường có các biểu hiện như đái khó, không thành tia, đi tiểu không hết dẫn đến bí tiểu. Một số người khác lại bị đái buốt, đái rắt, nhất là vào ban đêm.
Giáo sư Quán Anh cho biết, việc chẩn đoán bệnh này không khó, bác sĩ chỉ cần thăm khám phần trực tràng, siêu âm là có thể kết luận bệnh.
Những người dễ mắc bệnh thường là các quý ông có nội tiết tố nam mạnh với đời sống tình dục mạnh mẽ, có nhiều con. Nhóm thứ hai là do tuổi già, các tổ chức đã bị xơ hóa. Những người từng bị viêm nhiễm nhiều lần tuyến tiền liệt, thường do quan hệ tình dục bừa bãi là nhóm thứ ba dễ mắc bệnh này.
Theo giáo sư Quán Anh, ở Việt Nam, đa số người bị u phì đại tuyến tiền liệt đi chữa khi bệnh đã nặng, lúc họ không thể tiếp tục chịu đựng những phiền toái do bệnh gây ra (cảm giác bứt rứt, khó chịu, đi tiểu liên tục...). Thường là do họ không biết bệnh, hay cho rằng đến tuổi già thì bị rối loạn tiểu tiện và cố gắng chấp nhận tình trạng này.
Giáo sư khẳng định, bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi. Trước đây, trong thế kỷ 20, tiêu chuẩn vàng về điều trị bệnh là mổ cắt u bằng phương pháp nội soi. Tuy nhiên, hiện nay, bác sĩ khuyến khích bệnh nhân nên đi khám định kỳ để phát hiện sớm bệnh và có thể điều trị bằng thuốc.
Nếu không chữa kịp thời, bệnh có thể dẫn tới những biến chứng như tắc đái hoàn toàn (phải mổ cấp cứu) hay nước tiểu tồn dư dẫn đến sỏi đường tiết niệu. Việc ứ trệ nước tiểu nhiều còn gây viêm thận ngược dòng dẫn đến suy thận.
Minh Thùy
Cho đến nay, vẫn có nhiều tranh cãi quanh việc xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA). Nhiều ý kiến cho rằng nó không đáng tin cậy, cho ra kết quả dương tính giả có thể gây lo lắng không cần thiết, thậm chí dẫn đến điều trị cho người không có bệnh.
Tuy nhiên, một nhóm khoa học Thụy Điển mới đây cho rằng việc kiểm tra tất cả nam giới độ tuổi 45-49 sẽ dự báo được gần một nửa số ca bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
Ảnh: trialx.com. |
Giáo sư Hans Lilia và cộng sự từ Đại học Lund ở Thụy Điển và Trung tâm ung thư Memorial Sloan-Kettering ở Mỹ cho biết có mối liên hệ mạnh mẽ giữa kết quả xét nghiệm PSA định kỳ và bệnh ung thư tuyến tiền liệt ở đàn ông cuối tuổi 40.
Để chứng minh điều đó, họ tìm hiểu lại một khảo sát thực hiện giữa năm 1974 và 1984, liên quan đến 21.277 nam giới Thụy Điển tuổi từ 27 đến 52. Tất cả những người này đều hiến mẫu máu ở thời điểm đầu khảo sát.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng lại các mẫu máu này để xét nghiệm PSA (PSA dương tính, cao là chỉ số dự báo một người sẽ mắc ung thư tuyến tiền liệt). Sau đó, họ đối chiếu xem kết quả dự báo của PSA có đúng như những gì đã xảy ra với những người đàn ông này hay không.
Thực tế, những người có PSA cao cũng có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn.
Nhóm nghiên cứu sau đó kiểm tra lại kết quả để xem lứa tuổi nào xét nghiệm là tốt nhất cho đàn ông. Họ nhận thấy việc xét nghiệm quá sớm (trước 45 tuổi) phát hiện được quá ít các ca ung thư. Ngược lại, xét nghiệm sau tuổi 50 sẽ bỏ lỡ nhiều ca bệnh.
Trong khi đó, xét nghiệm ở nhóm tuổi 45-49 sẽ phát hiện gần một nửa (44%) các ca ung thư có thể dẫn đến tử vong.
Từ đây, nhóm nghiên cứu khuyến cáo tất cả nam giới nên xét nghiệm PSA trong khoảng 45-49 tuổi. Người có kết quả PSA cao nên kiểm tra lại thường xuyên và điều trị nếu cần thiết. Người có kết quả bình thường có thể chờ đến đầu những năm 50 tuổi để xét nghiệm tiếp PSA.
Thuận An (theo BBC)
Đăng nhận xét