Sa kê có tên khoa học Artocarpus altilis, thuộc họ dâu tằm (Moraceae) là loại cây được trồng nhiều ở miền Tây Nam bộ nước ta, cũng như một số tỉnh miền núi phía Bắc. Các bộ phận như trái, rễ, lá, vỏ và nhựa của cây sa kê có nhiều dược tính nên thường được sử dụng làm thuốc trị bệnh.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, quả sa kê có thành phần bột đường (25 gam trên 100 gam) cao hơn khoai tây và mỗi một lạng quả sa kê cung cấp 110 kcal. Quả sa kê được sử dụng để chế biến thành nhiều món ăn như chiên giòn, nấu cà ri, nấu với tôm, cá…
Theo Đông y, cây sa kê có tác dụng tốt đối với một số bệnh về chuyển hóa. Cụ thể: Thịt của quả sa kê có tác dụng bổ tỳ, ích khí; hạt sa kê thì có tác dụng bổ trung ích khí, lợi trung tiện; vỏ cây có tác dụng sát trùng tiêu viêm, tiêu độc, dùng để trị ghẻ; nhựa cây sa kê pha loãng trị tiêu chảy, lỵ; rễ sa kê có tính làm dịu, sát khuẩn, dùng để trị ho, hen suyễn, các chứng rối loạn dạ dày, đau răng hay bệnh về da rất hiệu quả; lá sa kê phối hợp với lá đu đủ non tươi, giã với vôi để đắp trị mụn nhọt. Trong dân gian còn sử dụng lá sa kê để trị phù thũng hay viêm gan vàng da bằng cách lấy lá già (còn tươi) nấu uống. Lá sa kê còn có thể phối hợp với một số vị thuốc khác trị sỏi thận, gút, tiểu đường, tăng huyết áp...
Dưới đây xin giới thiệu những phương thuốc trị bệnh từ cây sa kê.
- Chữa viêm gan vàng da: Lá sa kê tươi 100g, diệp hạ châu tươi 50g, củ móp gai tươi 50g, cỏ mực khô 20 -– 50g. Nấu chung, lấy nước uống trong ngày.
- Trị đau răng: Lấy rễ cây sa kê nấu nước ngậm và súc miệng.
- Trị bệnh gút, sỏi thận: Dùng lá sa kê già (còn tươi) 100g, dưa leo 100g, cỏ xước khô 50g, cho 3 thứ vào nồi nấu lấy nước uống trong ngày.
- Trị chứng tăng huyết áp dao động: Dùng lá sa kê vàng (vừa rụng) 2 lá, rau ngót tươi 50g, lá chè xanh tươi 20g, nấu chung lấy nước uống trong ngày.
- Trị tiểu đường týp 2: Lấy lá sa kê già 100g (khoảng 2 lá), quả đậu bắp tươi 100g, lá ổi non 50g, cho vào nồi nấu lấy nước uống hằng ngày.
Lưu ý, chỉ nên dùng lá sa kê sắc uống trong trường hợp phù thũng, bí tiểu hoặc viêm nhiễm, còn bình thường không nên uống thường xuyên, nhất là uống quá nhiều sẽ không có lợi, bởi vì ngoài tác dụng lợi tiểu, tiêu viêm, lá sa kê còn chứa độc tính nhất định.
Quả sa kê nhìn gần giống như quả mít tố nữ, tròn hoặc hình trứng, không có hạt, phần thịt bên trong có màu trắng ngà. Đây là loại cây được trồng nhiều ở miền Tây Nam Bộ. Bên cạnh lấy bóng mát, cây sa kê còn là một loại thuốc dân gian rất hiệu nghiệm. Vỏ cây sa kê dùng trị ghẻ; nhựa cây pha loãng trị tiêu chảy, còn lá sa kê tươi thì được dùng với lá đu đủ tươi, giã với vôi để đắp trị nhọt. Lá sa kê khi phối hợp với một số vị thuốc khác sẽ trị được một số bệnh như: trị bệnh gút, sỏi thận, tiểu đường, huyết áp cao…
Quả sa kê có màu xanh, hình dáng gần giống quả mít tố nữ. Ảnh: M.H. |
Ngoài ra, quả sa kê còn được người dân ở đây chế biến thành nhiều món ăn dân dã nhưng ngon miệng. Phổ biến và dễ chế biến nhất là sa kê chiên. Quả sa kê được gọt vỏ, thái thành từng lát nhỏ rửa sạch, để ráo, trong quá trình rửa phải cho một ít muối vào nước để sa kê không bị sẫm màu. Bắc chảo dầu lên bếp, khi dầu sôi thì thả từng miếng sa kê tẩm bột vào. Chiên đến khi miếng sa kê chín vàng hai mặt thì vớt ra, cho vào giấy thấm dầu và cuối cùng dùng đũa gắp ra dĩa là xong. Sa kê chiên bột có vị béo bùi, giòn rất lạ miệng.
Sa kê chiên bột. Ảnh: L.L. |
Trong những ngày trời trở nóng, sa kê hầm sườn non là món ăn vừa ngon miệng vừa có tác dụng giải nhiệt rất tốt. Nấu món này rất đơng giản, sườn non mua về rửa qua nước muối, sau đó rửa lại bằng nước sạch. Cho sườn non vào nồi nước đun sôi thì tắt bếp, đổ nước đó đi, cho nước sạch vào và tiếp tục đun sôi. Sa kê, gọt vỏ, thái lát dầy, khi nước sôi thì cho vào nồi. Nêm lại các loại gia vị cho vừa ăn, đợi nước trong nồi sôi lại thì tắt bếp. Múc canh ra bát, cho vào ít hành ngò và dùng nóng.
Sa kê nấu canh sườn non. Ảnh: M.H. |
Ngoài hai món ăn kể trên, quả sa kê còn được xay thành bột để chế biến nhiều món ăn ngon hằng ngày như làm bánh ngọt, nấu với tôm, cá... Bên cạnh đó, quả sa kê còn là nguyên liệu để chế biến nên nhiều món ăn chay ngon miệng được nhiều người ưa thích.
Hoàng Anh
Xa kê
Xa kê | |
---|---|
Xa kê trồng trên đảo Hawaii | |
Phân loại khoa học | |
Giới (regnum) | Plantae |
(không phân hạng) | Angiospermae |
(không phân hạng) | Eudicots |
Bộ (ordo) | Rosales |
Họ (familia) | Moraceae |
Tông (tribus) | Artocarpeae[1] |
Chi (genus) | Artocarpus |
Loài (species) | A. altilis |
Danh pháp hai phần | |
Artocarpus altilis (Parkinson) Fosberg |
Xa kê hay sa kê hoặc cây bánh mì (danh pháp hai phần: Artocarpus altilis) là một loài cây gỗ có hoa trong họ Dâu tằm (Moraceae), bản địa của bán đảo Mã Lai và các đảo miền tây Thái Bình Dương, nhưng hiện nay đã được trồng rộng khắp trong khu vực nhiệt đới, trong đó có miền Nam Việt Nam.
Miêu tả
Xa kê là cây gỗ có thể cao tới 20 m (66 ft). Các lá to và dày bản xẻ thùy sâu hình lông chim. Tất cả các phần của cây đều có chứa nhựa mủ, một loại nhựa cây có màu trắng sữa, được người ta dùng vào việc xảm thuyền.
Xa kê là loài cây đơn tính cùng gốc, với các hoa đực và hoa cái mọc trên cùng một cây. Các hoa đực ra đầu tiên và sau đó một khoảng thời gian ngắn là các hoa cái, mọc thành cụm hoa dạng đầu, chỉ có khả năng được thụ phấn sau đó 3 ngày. Động vật thụ phấn cho nó là các loài dơi ăn quả thuộc Cựu thế giới trong họ Pteropodidae). Quả giả, phức hợp phát triển lên từ bao hoa phình ra và bắt nguồn từ 1.500-2.000 hoa. Chúng được nhìn thấy trên lớp vỏ quả như là các đĩa giống hình lục giác.
Xa kê là một trong những loài cây lương thực có sản lượng cao, với một cây có thể ra tới trên 200 quả mỗi mùa. Tại miền nam Thái Bình Dương, cây sinh ra 50-150 quả mỗi năm. Tại miền nam Ấn Độ, sản lượng thông thường là 150-200 quả mỗi năm. SẢn lượng dao động trong các khu vực khô và ẩm. Tại Tây Ấn, ước tính dè dặt nhất là 25 quả một cây mỗi năm. Các nghiên cứu tại Barbados chỉ ra năng suất tiềm năng 16-32 tấn/ha (6,7-13,4 tấn/mẫu Anh). Quả hình trứng, kích cỡ to bằng quả bưởi chùm có bề mặt thô ráp và mỗi quả trên thực chất là tổ hợp của nhiều quả bế, mỗi quả bế được bao quanh bằng bao hoa dày cùi thịt và phát triển trên đế hoa dày cùi thịt. Một vài giống cây trồng đã qua chọn lọc có quả không hạt.
Xa kê có họ hàng gần với mít. Nó được gọi là "Kada Chakka" trong tiếng Malayalam và "Jeegujje"/"Geegujje"/"Jigujje" trong tiếng Tulu
Sử dụng
Xa kê là cây lương thực ổn định tại nhiều khu vực nhiệt đới. Nó được phổ biến ra xa khỏi quê hương bản địa của mình nhờ các thủy thủ Polynesia, những người đã chuyên chở các gốc ghép, cành giâm đi xa trên đại dương. Xa kê chứa nhiều tinh bột, và trước khi ăn nó có thể được quay, nướng, chiên, luộc. Khi được chế biến, nó có mùi vị giống như khoai tây hay tương tự như bánh mì mới nướng, vì thế mà có tên gọi cây bánh mì.
Do xa kê thường sinh ra một sản lượng lớn trong một khoảng thời gian nhất định trong năm nên việc bảo quản là một vấn đề. Một kỹ thuật bảo quản truyền thống là chôn các quả đã bóc vỏ và rửa sạch trong hố lót bằng lá để lên men trong vài tuần tạo ra một loại bột nhão dính và chua. Đượu lưu trữ như thế, sản phẩm có thể giữ troing một năm hay hơn thế, và một vài hố được thông báo là sinh ra sản phẩm ăn được sau trên 20 năm[2]. Các tên gọi cho sản phẩm quả xa kê được lên men như vậy bao gồm mahr, ma, masi, furo, bwiru v.v.
Quả xa kê có thể ăn sau khi nấu chín hoặc có thể chế biến tiếp thành các loại thức ăn khác. Một sản phẩm thông thường là hỗn hợp của khối nghiền nhừ thịt quả xa kê nấu chín hay lên men trộn với sữa dừa và nướng trong lá chuối. Quả còn nguyên có thể nướng, sau đó lấy lõi ra và nhồi bằng các thức ăn khác như sữa dừa, đường, bơ, thịt nấu chín hay các loại quả khác. Quả nhồi này có thể nấu tiếp để cho hương vị của các chất nhồi thấm vào cùi thịt của quả.
Một món ăn của người Hawaii gọi là poi làm từ củ khoai sọ nghiền nhừ có thể dễ dàng thay thế hay tăng thêm bằng xa kê nghiền nhừ. Món ăn này gọi là poi ʻulu. Tại Puerto Rico nó được gọi là "pana".
Quả xa kê chứa khoảng 25% cacbohydrat và 70% nước. Nó chứa trung bình khoảng 20 mg/100g là vitamin C và một lượng nhỏ khoáng chất (kali và kẽm) cùng thiamin (100 μg)[3].
Xa kê được sử dụng rộng rãi và đa dạng đối với những người dân trên các đảo trong Thái Bình Dương. Gỗ của nó có khả năng chống mối và các loài hà (họ Teredinidae) nên hay được sử dụng để làm các loại canoe[4]. Lõi gỗ của nó cũng được dùng làm giấy, gọi là breadfruit tapa[4]. Nó cũng được sử dụng trong y học dân gian trên các đảo để chữa bệnh, từ đau mắt tới đau thần kinh hông[4].
Trong Y học
Lá Xa kê có tác dụng kháng viêm, kháng sinh, lợi tiểu, trị tiêu chảy, tiểu đường, cao huyết áp, sỏi thận, bệnh gút và viêm gan vàng da. Thí nghiệm trên chuột tại Ấn Độ cho thấy cao khô (chiết bằng cồn 50 độ) của vỏ, lá Xa kê có tác dụng lợi tiểu ở liều 20 mg cao/kg khối lượng cơ thể, nhưng sẽ trở thành chất độc ở liều 80 mg/kg cơ thể. Liều lượng mỗi ngày dùng một lá dạng sắc uống, nhưng do lá có độc nên sau khi uống một tuần thì phải nghỉ một tuần, không được dùng liên tục như uống trà. Có thể dùng lá tươi hoặc là già, lá phơi khô đều được.[5]
Trong lịch sử
Xa kê được thu thập và phân phối bởi đại úy hải quân William Bligh (1754-1817) như là một trong các mẫu thực vật được thu thập bởi tàu HMS Bounty vào cuối thế kỷ 18, phục vụ cho nhu cầu tìm kiếm nguồn thức ăn giàu năng lượng và rẻ tiền cho các nô lệ của đế quốc Anh trong khu vực Caribe.
Trong văn hóa
Theo thần thoại Hawaii, xa kê có nguồn gốc từ sự hy sinh của thần chiến tranh Kū. Sau khi quyết định sống ẩn mình với những người dân thường như là một nông dân, Kū cưới vợ và có con. Gia đình ông sống hạnh phúc cho tới khi nạn đói kém xuất hiện trên đảo của họ. Khi không thể nhìn mãi cảnh các con mình phải chịu đau khổ, Kū nói với vợ của mình rằng ông có thể giải thoát các con khỏi cảnh đói nghèo, nhưng để làm được điều này thì ông phải rời xa họ. Vợ ông đành phải miễn cưỡng đồng ý và sau khi bà đồng ý thì Kū dbị chìm vào trong lòng đất nơi ông đang đứng cho tới khi chỉ còn nhìn thấy chỏm đầu của ông. Gia đình ông chờ đợi xung quanh nơi ông đã đứng này cả ngày lẫn đêm, họ khóc và làm ướt đẫm nơi này cho tới khi bỗng nhiên một chồi cây nhỏ xuất hiện tại chính nơi Kū đã đứng. Rất nhanh chóng, chồi cây nhỏ này lớn thành một cây cao, nhiều lá và quả. Gia đình Kū cùng hàng xóm ăn một cách ngon lành, giúp họ thoát khỏi cảnh chết đói[6].
Mặc dù xa kê phân bổ rộng khắp trong suốt Thái Bình Dương, nhưng nhiều loại giống cây trồng và cây lai ghép lại không hạt hay không có khả năng phát tán xa một cách tự nhiên. Vì thế, sự phân bổ của nó trong khu vực này rõ ràng là do con người, đặc biệt là các nhóm tiền sử, những người đã định cư trên các đảo trong Thái Bình Dương. Để điều tra mô hình di cư của con người trong Thái Bình Dương, các nhà khoa học đã sử dụng phương pháp xác định niên đại phân tử của các loại giống cây trồng hay lai ghép của xa kê có tính toán phối hợp với các dữ liệu nhân loại học. Các kết quả hỗ trợ giả thuyết di cư tây-sang-đông, trong đó người Lapita được cho là đã di chuyển từ Melanesia tới các đảo của Polynesia[7].
Xem thêm
- Mít (Artocarpus heterophyllus)
Chú thích
- ^ "Artocarpus altilis" . Germplasm Resources Information Network. USDA. 3 tháng 7 năm 2007. Truy cập ngày 21 tháng 2 năm 2009.
- ^ Balick M. & Cox P. (1996). Plants, People and Culture: The Science of Ethnobotany. New York: Scientific American Library HPHLP, trang 85
- ^ Nutrition Facts for Breadfruit
- ^ a ă â Viện Breadfruit, Vườn thực vật nhiệt đới quốc gia Hoa Kỳ
- ^ Bài viết của TSKH. Trần Công Khánh trên Tạp chí Thuốc và Sức khỏe, số 135 (1.9.2011), ISSN 1859-1922, trang 12
- ^ Loebel-Fried C. (2002): Hawaiian Legend of the Guardian Spirits. Nhà in Đại học Hawaii, Honolulu.Excerpted story online
- ^ Zerega N. J. C.; Ragone D. & Motley T.J. (2004). "The complex origins of breadfruit (Artocarpus altilis, Moraceae): Implications for human migrations in Oceania" . American Journal of Botany 91 (5): 760–766.
Đăng nhận xét