alobacsi.vn Thứ ba, 27/05/2014 18:36
Câu hỏi :
Bị bệnh nấm xoang có nhất thiết phải phẫu thuật?
Thưa bác sĩ,
Mẹ em 65 tuổi, vừa rồi có đi khám bệnh ở BV ĐHYD, BS bảo mẹ em mắc bệnh nấm xoang, bác sĩ cho thuốc uống 1 tuần và dặn tuần sau lên tái khám. Bệnh này muốn trị dứt điểm thì cần phải phẩu thuật.
BS cho em hỏi, bệnh nấm xoang có thể điều trị không cần phẫu thuật được không ạ? Vì mẹ em đã lớn tuổi sợ phẫu thuật sẽ làm giảm sức khỏe. Còn nếu phẫu thuật thì chi phí khoảng bao nhiêu? Thời gian phục hồi mất khoảng bao lâu? Bệnh viện tuyến tỉnh phẫu thuật có được không ạ?
Cảm ơn BS!
(Phước Hải - Đồng Tháp)
BS-CK1 TMH Nguyễn Hồng Dũng:
Bạn Phước Hải thân mến,
Xoang là những hốc nằm trong xương hàm, xương sàng, xương trán, xương bướm, do đó các xoang có tên gọi tương ứng với xương. Khi viêm xoang do nấm, hầu hết các trường hợp cần phải phẫu thuật. Bác sĩ mở rộng lỗ thông xoang, lấy hết ổ nấm ra khỏi hốc xoang, bơm rửa xoang thật sạch. Có số ít trường hợp ổ nấm nằm ở nông, ít xâm nhập vào các xoang ở sâu, khi ấy, có thể chỉ cần hút rửa cũng có thể lấy hết bào tử nấm.
Phẫu thuật viêm xoang nói chung cần thời gian từ 1g30- 2g. Sau phẫu thuật khoảng 7-10 ngày, sức khỏe người bệnh sẽ hồi phục.
Bệnh viện tuyến tỉnh nếu có bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng được đào tạo về phẫu thuật mũi xoang, có trang thiết bị phù hợp, có đội ngũ y bác sĩ gây mê hồi sức, có phòng mổ… có thể thực hiện phẫu thuật xoang. Chi phí ca phẫu thuật mũi xoang từ 6 triệu-12 triệu.
alobacsi.vn Thứ ba, 22/04/2014 08:21
Câu hỏi :
Bị viêm xoang đã 10 năm, mổ nội soi có hết hẳn?
Xin chào bác sĩ,
Em năm nay 23 tuổi, bị viêm xoang đã gần 10 năm nay rồi. Ngày xưa bệnh viêm xoang của em không bị nặng nên 1 năm chỉ bị sổ mũi, cúm mấy lần nhưng từ năm ngoái em bị viêm xoang + viêm mũi dị ứng nên ngày nào cũng phải uống thuốc Lorastad, nếu không uống thì bị sổ mũi rất khó chịu. Em có tham khảo trên mạng hình thức mổ nội soi viêm xoang. Em muốn hỏi BS là mổ nội soi viêm xoang có khỏi hẳn không? Em cảm ơn BS ạ!
(Nhung Nguyễn - nguyennhung…@gmail.com)
BS-CK1 TMH Nguyễn Hồng Dũng:
Chào bạn Nhung Nguyễn,
Khi bạn bị viêm mũi xoang dị ứng, niêm mạc mũi xoang bị xung huyết, phù nề, xuất tiết dịch trong, tăng tiết nhày nhớt... Đây là phản ứng của cơ thể với các tác nhân từ môi trường như phấn hoa, bụi nhà, một số thức ăn… Phản ứng này làm giải phóng nhiều loại hóa chất trung gian như histamine, serotonin… là những tác nhân trực tiếp gây ra các triệu chứng trên.
Viêm dị ứng làm cho khả năng đề kháng của lớp niêm mạc mũi xoang suy giảm, nên dễ bị nhiễm trùng, nhiễm nấm... làm cho viêm mũi xoang sẽ trầm trọng và nặng nề hơn. Tình trạng viêm mũi xoang kéo dài, lớp niêm mạc mũi xoang bị phù nề, tăng sinh và thoái hóa tạo nên những polyp, gây bít tắc các lỗ thông mũi xoang và nhiều rối loạn chức năng khác.
Từ những cơ chế bệnh sinh nêu trên, để điều trị viêm mũi dị ứng, bạn phải loại trừ các tác nhân gây dị ứng (dị nguyên) tác động vào cơ thể. Xác định, tránh và loại trừ dị nguyên là cách điều trị hiệu quả nhất, đồng thời tích cực phòng bệnh.
Phẫu thuật mũi xoang chỉ là giải pháp giải quyết các hậu quả của tình trạng viêm nhiễm. Do đó, những chỉ định thường gặp của phẫu thuật nội soi mũi xoang:
- Viêm xoang mạn tính, không thể điều trị dứt điểm bằng thuốc;
- Viêm xoang do nấm;
- Polip: mũi xoang;
- U nhầy xoang...
Với tường hợp của bạn, cần phải tới cơ sở khám chữa bệnh, bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng khám, nội soi mũi xoang, CTscan mũi xoang... xác định tình trạng bệnh, mức độ tổn thương. Nếu có chỉ định phẫu thuật, bạn tới bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố để được phẫu thuật nhé!
alobacsi.vn Thứ hai, 10/03/2014 07:17
Câu hỏi :
Vì sao viêm xoang và viêm dạ dày trị 1 năm không khỏi?
Thưa BS,
Tôi thường xuyên thấy chóng mặt, choáng, nhức đầu nhức mũi (không bị chảy nước mũi). Bụng đau và có cảm giác buồn nôn, thường xuyên đi đại tiện buổi sáng (4-5 lần), buổi chiều và tối ít đi.
Hiện tôi không thể chạy xe và ngồi lâu vì chóng mặt rất nhiều. Thường thì buổi sáng chóng mặt và nhức đầu nhiều, trưa và chiều ít hơn.
Tôi đi khám tổng quát: kết quả CT Scan bị dày nhẹ niêm mạc xoang sàng 2 bên, Polyp xoang hàm trái, quá phát cuốn mũi dưới 2 bên, vách ngăn vẹo sang trái. Kết quả nội soi viêm xung huyết niêm mạc hang vị- mức độ vừa.
Kết quả siêu âm và thử máu đều không phát hiện bệnh. BS kết luận tôi bị viêm xoang và viêm dạ dày.
Tôi bệnh 1 năm nay và uống rất nhiều thuốc tây nhưng bệnh không thuyên giảm.
AloBacsi cho tôi hỏi, kết quả chẩn đoán trên đúng không và tôi bị bệnh gì, cho tôi xin phác đồ điều trị tại nhà được không?
(Tống Phước - phuocm…@gmail.com)
BS-CK1 Bùi Thường Hương Thy:
Chào bạn Phước,
Qua các dấu hiệu bạn mô tả kèm kết quả cận lâm sàng (CT scan xoang, nội soi dạ dày) thì đúng là bạn bị viêm xoang kèm polyp, vẹo vách ngăn mũi và viêm dạ dày. Vấn đề ở đây là 2 bệnh lý này điều trị rất phức tạp, lại hay tái phát, và tùy theo từng giai đoạn cấp hay mạn mà thuốc điều trị sẽ khác.
Bên cạnh đó, khi tình trạng viêm xoang cứ tái đi tái lại liên tục kèm các dấu hiệu đau đầu, chóng mặt rất nhiều… thì cần giải quyết triệt để polyp mũi xoang và tình trạng vách ngăn bị vẹo bằng phẫu thuật.
Khi điều trị thuốc viêm xoang, BS hay sử dụng các loại kháng viêm mạnh (như corticoid) để khống chế tình trạng viêm và giảm nhanh các triệu chứng… Chính các loại kháng viêm này lại có ảnh hưởng lên dạ dày (dù là uống sau ăn no hay có uống kèm thuốc băng niêm mạc dạ dày…) Vì vậy mà bạn bị 2 bệnh lý này cùng lúc.
Bạn không nên tự ý uống thuốc tại nhà, đặc biệt là không nên nghe theo lời mách bảo mà uống các loại thuốc gia truyền không có nguồn gốc, hay thuốc bắc… rất nguy hiểm. Bạn nên tái khám chuyên khoa Tai mũi họng và Tiêu hóa, thay đổi lối sống, giữ ấm, vệ sinh mũi họng và răng kỹ… đặc biệt khi thay đổi thời tiết.
Chúc bạn mau khỏi bệnh.
AloBacsi hướng dẫn điều trị viêm mũi dị ứng khi thời tiết thay đổi?
Câu hỏi :
Chào bác sĩ,Con hay nghẹt mũi, sổ mũi, chảy đờm xuống họng, mỗi khi thay đổi thời tiết khoảng 3 năm rồi. Đi khám BS bảo là viêm xoang, rồi BS khác lại bảo là viêm mũi dị ứng và uống theo toa BS cho. Gần đây, sáng dậy khạc đờm màu sậm, như máu vậy. Đặc biệt là khi ngủ phòng máy lạnh. Đôi khi khạc đờm có lẫn tia máu tươi. Mong BS tư vấn giúp con với.
(Lam Binh, 20 tuổi – Cần Thơ)
BS-CK1 TMH Nguyễn Hồng Dũng:
Chào bạn Lam Binh,
Viêm mũi xoang dị ứng là tình trạng viêm do dị ứng của niêm mạc mũi xoang, là phản ứng của cơ thể với các tác nhân gây bệnh (khói bụi, nhiệt độ, độ ẩm, phấn hoa, rệp nhà....gọi là dị nguyên). Phản ứng này tạo ra các hóa chất trung gian, trong đó có chất: Histamin, Leucotriene... gây ra hiện tượng: chảy mũi, nghẹt, ngứa mũi, niêm mạc phù nề, xung huyết, xuất tiết dịch trong (khi nhiễm trùng thì có dịch vàng, xanh…).
Trường hợp của bạn, các triệu chứng kéo dài từ 3 năm nay, liên quan rõ rệt với sự thay đổi thời tiết. khi viêm dị ứng niêm mạc phù nề xung huyết, xuất tiết, đôi khi bị xuất huyết. Tuy nhiên cũng cần chẩn đoán loại trừ với các bệnh lý ho ra máu là bệnh phối hợp như lao phổi, viêm mũi xoang nhiễm trùng, u mạch máu...
Bạn cần tới bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng khám, điều trị tích cực và chủ động phòng bệnh nhé.
AloBacsi xin hướng dẫn những nguyên tắc điều trị và phòng ngừa sau:
- Làm sạch dịch mũi: Khi viêm dị ứng, dịch tiết nhiều kèm phù nề niêm mạc mũi, làm cho mũi nghẹt. Vệ sinh mũi xoang bằng cách: dùng chai nước muối 0.9% loại 500ml, treo cao khoảng 2 m, gắn dây dịch truyền dịch vào chai (tháo bỏ phần kim truyền, gắn ống hút vào thay thế), bạn ngồi trên ghế, đầu cúi về phía trước, dưới chân hứng chậu nước, mở khóa van cho nước muối xịt vào hốc mũi từng bên, như vậy các chất tiết nhầy sẽ loãng và bị trôi ra, làm cho sạch mũi từng bên. Ngày rửa mũi 1-2 lần tùy mức độ tiết dịch và sự khó chịu của mũi. Hoặc dùng bơm tiêm loại 20ml hút nước muối 0,9% và bơm thẳng vào từng bên mũi với mục đích như trên.
- Thuốc chống dị ứng tại chỗ: Sau khi mũi đã sạch và thoáng, dùng thuốc corticoid dạng xịt (Rhinocort, Flixonase…) bơm vào mũi mỗi ngày 1 lần, mỗi lần 2 nhát bóp, có tác dụng làm giảm phản ứng dị ứng tại chỗ, thuốc ít tác dụng phụ (súc miệng sau xịt thuốc). Thuốc có thể dùng nhiều tháng. Thuốc làm giảm phản ứng dị ứng vì vậy polyp mũi xoang sẽ không phát triển to thêm. Thuốc kháng sinh chỉ dùng khi có nhiễm trùng và có chỉ định của bác sĩ.
- Phòng ngừa: là bước rất quan trọng, do chính người bệnh phải thực hiện chủ động tích cực, lâu dài:
+ Tránh khói, bụi, lạnh, nóng… loại trừ các nguyên nhân và yếu tố phối hợp gây bệnh (nếu có thể được).
+ Vệ sinh môi trường sống: nhà cửa sạch, thoáng, grap giường phải thường xuyên giặt sạch, tránh nuôi chó mèo, chim…
+ Tập thể dục đều đặn, thường xuyên, tăng cường thể lực rất có tác dụng trong phòng ngừa dị ứng (chạy bộ, đi bộ, nhảy dây…).
- Chế độ ăn: không ăn những thực phẩm gây dị ứng: bản thân phải tự xác định những loại thực phẩm này, nếu ăn vào bị gây ngứa, gây sổ mũi thì lần sau không dùng.
- Nên tới bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng khám chẩn đoán tình trạng bệnh lý, đồng thời khám sức khỏe tổng quát, nhằm đánh giá tình hình sức khỏe chung.
Thân mến,
Đăng nhận xét