Thứ bảy, 24/5/2014 | 05:11 GMT+7
Kinh nghiệm của người cha kéo con khỏi bóng ma 'tự kỷ'
Bí quyết của thạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh là dù dạy theo cách nào thì luôn phải để cho bé trở thành nhân vật chính, khi bé đã biết rồi thì hãy để bé dạy lại bạn.
Hành trình đưa con trai tự kỷ hòa nhập cuộc sống / Giúp trẻ tự kỷ phát triển ngôn ngữ
Gia đình tôi sống và làm việc tại Hà Nội, cuộc sống bận rộn, có ít thời gian chăm sóc con, con thích xem TV đặc biệt là chương trình quảng cáo. Lúc bé được 28 tháng, một hôm tôi phát hiện con có các biểu hiện như không giao tiếp bằng mắt, gọi không thưa, không chủ động giao tiếp, không biết nói, chơi một mình, đi nhún chân và phát âm vô nghĩa. Trước đó ai cũng nói bé ngoan, sáng dạ, khỏe mạnh…không sao cả, cứ để bé lớn lên rồi bé sẽ nói.
Tôi đã đưa cháu đi khám tại Bệnh viện Nhi trung ương. Bác sĩ nói cháu có triệu chứng tự kỷ. Gia đình tôi rất hoang mang. Tháng 10/2007, tôi bắt đầu lên mạng tìm hiểu các bài viết, bài hướng dẫn can thiệp trong và ngoài nước. Lúc đó có người ở Sài Gòn nói thu khoảng 2.000-3.000 USD để dạy cho tôi phương pháp can thiệp, khoản tiền đó là quá sức với gia đình tôi.
Nhưng thật may mắn, sau nhiều năm tìm hiểu tài liệu, học hỏi từ các chuyên gia, tôi đã tìm ra được hướng can thiệp cho con và cháu đã nói được sau 6 tháng kiên trì áp dụng. Một năm sau cháu nói được câu 3 từ, rồi biết hát, tư duy tốt hơn, đi học, giao tiếp tự tin. Năm nay cháu đã học xong lớp 3 và chuẩn bị lên lớp 4.
Từ sự đồng cảm với những người có con bị triệu chứng tự kỷ, từ khi con tôi vào lớp 1 (tháng 6/2010), tôi bắt đầu chia sẻ kinh nghiệm của mình với các gia đình trong và ngoài nước có hoàn cảnh tương tự. Có nhiều cháu đã biết nói, tư duy tốt và được chấp nhận vào học mẫu giáo, tiểu học. Dưới đây là những gì tôi đúc rút được qua quá trình can thiệp thành công cho con mình:
Trẻ có triệu chứng tự kỷ cần can thiệp càng nhanh càng tốt bởi não của các cháu phát triển rất nhanh trước 3 tuổi. Đây là lý do tại sao các bác sĩ khuyên can thiệp trước 3 tuổi với trẻ tự kỷ là hiệu quả nhất. Càng để lâu càng, việc can thiệp càng khó và hiệu quả càng giảm.

Can thiệp cho trẻ tự kỷ tại Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh minh họa: MT.
Những nguyên nhân chính gây chứng tự kỷ ở trẻ
Con người phát triển giao tiếp là do quá trình tiếp xúc giữa người với người. Nếu không được giao tiếp thường xuyên thì các giác quan như thính giác, thị giác... sẽ hoạt động kém dần. Do vậy, một số cháu không được giao tiếp thường xuyên mà chỉ xem TV hoặc ở nhà một mình, dẫn đến khả năng giao tiếp của bé ngày càng yếu. Đây cũng là lý do bé không nói được đúng như người bình thường (hay phát ra từ vô nghĩa); và có một trong những triệu chứng tự kỷ. Còn có nhiều nguyên nhân khác như là di truyền, nhiễm xạ, uống sữa, thủy ngân, người mẹ mang thai bị nhiễm độc tố….
Triệu chứng tự kỷ
Triệu chứng tự kỷ của trẻ em khá đa dạng, mỗi trẻ có thể có các biểu hiện khác nhau nhưng có hai dạng chung là tiền tự kỷ và tự kỷ. Tiền tự kỷ - asperger (thường xuất hiện trước 3 tuổi) nhẹ hơn và có hy vọng phục hồi cao hơn tự kỷ - austim (thường xuất hiện sau 3 tuổi).
Phương hướng can thiệp cho trẻ tự kỷ
Có 5 con đường đưa thông tin lên não, là qua thị giác, xúc giác, thính giác, vị giác và khứu giác. Do đó, nếu muốn can thiệp tiến bộ nhanh chúng ta cần phải tích cực cho bé thực hiện các chức năng chính này qua các giác quan của cơ thể. Theo kinh nghiệm của tôi, cứ thực hành sẽ đạt kết quả cao nhất, đặc biệt là với thị giác, xúc giác, thính giác. Hãy cho bé thực hành những bài học, bé sẽ tiến bộ rất nhanh.
Trẻ trước 3 tuổi sẽ phải mất 1-2 năm để vực được cho bé biết nói, biết hát và trả lời các câu đơn giản. Sau đó, từ 5 tuổi, bé sẽ phát triển nhanh đến mức chính bố mẹ không tin được.
Các kinh nghiệm can thiệp cho trẻ tự kỷ
- Hầu hết trẻ tự kỷ không giao tiếp bằng mắt, đó là nguyên nhân gây khó khăn nhất cho các gia đình can thiệp cho trẻ. Muốn can thiệp đạt hiệu quả, chúng ta nên can thiệp mắt trước khi can thiệp ngôn ngữ và tư duy. Can thiệp mắt nghĩa là làm sao cho trẻ nhìn mắt ta mỗi khi ta gọi hay nói chuyện. Kỹ thuật khá đơn giản nhưng việc thực hiện lại khó khăn. Cụ thể là ta dùng mồi ăn hay đồ chơi để nhử bé nhìn vào mắt ta khi gọi tên bé. Ban đầu có thể trẻ chỉ nhìn vào đồ ăn. Bạn cũng nhìn vào đồ ăn đó rồi chỉnh làm sao cho mắt của mình và của trẻ chạm nhau. Ban đầu thời gian tiếp xúc mắt giữa hai người có thể chỉ là một cái chớp nhanh hoặc nửa giây, sau đó tăng lên 1 giây, hai giây... tập ít nhất 1 tháng, mỗi ngày ít nhất 3 lần mỗi lần 10-30 phút.
- Hạn chế cho trẻ xem TV, mỗi ngày chỉ cho xem 10-30 phút.
- Cho trẻ đi mẫu giáo gặp nhiều người, dạy trẻ nhìn vào mắt mọi người, phát âm và xếp hình. Ngồi trước gương: Tập lưỡi thè ra, thụt vào, đá sang trái, phải, trên dưới. Dùng thanh gỗ của bác sĩ nha khoa đẩy lưỡi lên, xuống.
- Dạy bé liên tục. Một ngày có thể dạy bé 5 đến 20 lần cùng một đồ vật (ví dụ để bé nhận biết con cá, có thể dạy bé 5, 10, 20 lần một ngày, ngày mai dạy con gà thì phải ôn lại con cá...).
- Cho trẻ vận động tích cực như đi bộ, chạy nhẹ cùng bố mẹ, anh chị...
- Đưa trẻ đi công viên, vườn thú, chụp ảnh quay video về cho trẻ xem lại (khôi phục trí nhớ): phương pháp của một gia đình ở Trung Quốc.
- Dạy trẻ xếp hình nhiều sẽ rất tốt (gia đình phải dạy, không để trẻ tự xếp). Dạy bé biết xếp các hình đơn giản từ một khối đến 2 khối, kết hợp dạy màu sắc: cách mà tôi luyện tư duy cho bé.
- Dạy bé theo phương pháp ABA (giao tiếp, bắt chước), hãy dựng cảnh và đóng kịch với bé.
- Kết hợp phần mềm công nghệ thông tin: Cách mà tôi luyện tư duy và phát âm cho bé.
- Nạp thông tin cho bé qua những giác quan của chúng ta như thị giác, thính giác và xúc giác (vật lý trị liệu), bạn hãy chọn trên mạng những video thích hợp với trình độ nhận thức của con. Đặc biệt các bài tập massage cho bé rất hữu ích (nếu cần mua dụng cụ thì tìm đến các trung tâm bán dụng cụ điện chẩn), giúp cho bé nhận thông tin đưa lên não bằng con đường massage này… Những cách này giúp kích thích các tín hiệu lên não, để phục hồi các chức năng trên bán cầu não phải (theo lời bác sĩ Dr. Vincent Do, MS, DC).
- Sử dụng phương pháp RDI: Dạy bé biết tư duy, ví dụ dạy bé biết thế nào là không, và thế nào là có, thế nào là hết xăng khi xe máy không chạy… Tôi thường cho con tôi ngồi ghế trước xe máy và cho bé lái xe, đến chỗ rẽ trái phải tôi đều dạy cháu bấm xi nhan và nói là rẽ trái, phải.. sau 3 tháng liền cháu đã biết trái phải và rất hay là cháu biết chân tay trái phải sau khi biết bấm xi nhan.
- Tích cực mỗi phút, mỗi giờ và mỗi ngày, không ngừng dạy bé, lúc bé ốm thì tập nhẹ nhàng hơn.
- Cho bé hát theo bố mẹ, đọc thơ, kể chuyện cho bé nghe. Trẻ tự kỷ khi nghe vẫn hiểu nhưng không thể nói ra. Tập hát cùng mọi người, vừa hát vừa vỗ tay các bài hát thiếu nhi.
- Bê các đồ vật từ nơi này sang nơi khác, tập xâu hạt vòng đeo tay, đeo cổ. Cho bé những việc này cũng là dạy bé. Kể cả các việc tự chăm sóc bản thân cũng phải tự làm như đi giầy, dép…
- Buổi tối cho bé nghe nhạc, hát hò. Nên có người dạy nhạc cho bé, chơi đàn các bài quen thuộc, để ông bà, bố mẹ và bé cùng hát theo nhạc. Cho bé nghe nhạc giao hưởng. Đọc chuyện cho bé ngủ.
- Trồng cây trong nhà sẽ làm cho không khí trong lành hơn.
- Nuôi mèo, thả cá trong khu vực sinh sống.
- Thường xuyên cho bé đến vườn bách thú để tiếp xúc với voi (phương pháp của Thái Lan).
- Nếu có điều kiện thì cho bé tiếp xúc với cá heo (phát biểu của các nhà khoa học).
- Nếu bé không chịu há miệng để nói thì bôi mật ong xung quanh miệng để bé liếm và bạn massage cơ hàm cho bé… dần dần bé sẽ há miệng và phát âm. Massage chân, tay, đầu… bằng cách chải đầu bằng lược, bằng dụng cụ massage, lấy cái búa gõ nhẹ lên các đầu ngón tay, mu bàn tay và các nơi nhạy với cảm giác. Cùng bé thổi bóng xà phòng.
- Dù dạy theo cách nào thì luôn phải để cho bé trở thành nhân vật chính và khi bé đã biết rồi thì phải cho bé dạy lại bạn, đây là bí quyết giúp tôi thành công.
Lời kết
Giai đoạn đầu, sau khi dạy bé nói được sẽ phải tăng cường can thiệp để trẻ vượt qua triệu chứng tự kỷ, sau đó sẽ dạy bé biết tư duy, biết trả lời, biết hỏi... Không phải phương pháp nào cũng can thiệp tốt cho tất cả các cháu. Khi can thiệp, bạn phải sáng tạo tìm hiểu tâm lý con mình, từ đó áp dụng phương pháp sư phạm phù hợp, kiên nhẫn, quyết tâm và luôn luôn hy vọng.
Can thiệp tích cực sẽ phục hồi chức năng cho trẻ. Trong quá trình can thiệp, chúng ta hãy hoạt động tích cực, tìm mọi cách, mọi kỹ thuật và thật quyết tâm là những việc cần thiết nhất. Mỗi ngày nên can thiệp 6-8 tiếng, thêm các bài của cô giáo ở lớp. Hy vọng với những kinh nghiệm nhỏ này sẽ có thể giúp các gia đình có con bị tự kỷ can thiệp hiệu quả và thành công.
Gia đình nào cần chia sẻ thêm hoặc khó khăn trong quá trình can thiệp, có thể liên hệ với tôi theo email:mdctuananh@yahoo.com, hoặc điện thoại: 046.682.4708
Thạc sĩ Nguyễn Tuấn An
Đăng nhận xét