Nguyên nhân của căn bệnh này là do tư thế ngồi không khoa học kết hợp với những yếu tố khác như thoái hóa cột sống cổ, co thắt cơ, dây chằng cột sống, do chấn thương... Người bệnh có thể gặp các dấu hiệu như đau tê vùng cổ gáy, lan ra cánh tay, đau thắt ngực. Có thể có những trường hợp tê bì vùng vai, lưng... làm cho người bệnh mệt mỏi, đau nhức, hạn chế khả năng làm việc... Nhiều người, chỉ sau một đêm ngủ dậy, bỗng nhiên thấy đau cổ gáy, thậm chí không quay được cổ.
Theo quan điểm của y học cổ truyền, khí huyết ngưng trệ là một trong những nguyên nhân gây đau. Vì vậy, để đạt được mục đích giảm đau thì có nhiều biện pháp nhằm lưu thông khí huyết như châm cứu, dùng thuốc, xoa bóp, bấm huyệt...
Có nhiều phương pháp chữa căn bệnh này, trong đó bấm huyệt là một trong những biện pháp điều trị mà có thể ngay chính bệnh nhân có thể tự thực hiện cho chính mình.
Phương huyệt được chọn gồm một số huyệt như huyệt á thị, đại trùy, kiên tỉnh, kiên ngung, kiên trinh, huyền chung... Theo y học cổ truyền, huyệt á thị còn được gọi là thiên ứng huyệt, có vị trí chính là điểm đau của bệnh. Nói như vậy là ở một người bệnh có thể tìm và xác định được vài huyệt á thị. Huyệt này có thể trùng với một số các huyệt khác. Khi tìm huyệt cần dùng đầu ngón tay day hoặc ấn nhẹ nhàng để phát hiện điểm đau cho chính xác.
Huyệt đại trùy là huyệt thuộc đốc mạch, nằm sau gáy, ngay chính giữa cột sống, khi người bệnh ngồi cúi đầu thì ngay dưới gồ cao nhất ở gáy là huyệt.
Huyệt kiên ngung là huyệt thuộc kinh thủ dương minh đại tràng, có vị trí ngay đầu xương cánh tay, chỗ tiếp giáp với bả vai. Là khe hõm ngoài bờ vai, khi nâng cánh tay lên lấy chỗ hõm là huyệt. Có tác dụng sơ phong tán thấp ở kinh lạc, thanh tiết hỏa nhiệt ở kinh dương minh, thông lợi các khớp, đuổi tà giải nhiệt.
Huyệt kiên tỉnh là huyệt thuộc kinh túc thiếu dương đởm kinh, có vị trí nằm ở trên bả vai, nằm giữa huyệt đại trùy và huyệt kiên ngung. Có tác dụng sơ phong tán thấp ở kinh lạc.
Huyệt kiên trinh là huyệt thuộc kinh thủ thái dương tiểu tràng, có vị trí cách lằn nách lên khoảng 1 tấc. Thường được phối hợp với kiên ngung chữa đau vai gáy.
Huyệt huyền chung là huyệt thuộc kinh túc thiếu dương đởm kinh, có tác dụng sơ phong trừ thấp ở kinh lạc. Có vị trí nằm trên mắt cá ngoài thẳng lên 3 tấc. Theo tài liệu cổ, huyền chung được coi là huyệt đặc trị cho các trường hợp đau cứng vai gáy.
Khi bấm huyệt, cần chú ý thực hiện tốt thao tác bấm: dùng đầu ngón tay cái hoặc ngón tay trỏ để bấm huyệt, cần bấm vuông góc với huyệt để tạo được lực bấm mạnh. Khi bấm có thể kết hợp dùng đầu ngón tay day, xoa các huyệt trên. Có thể bệnh nhân có cảm giác đau ở các huyệt được bấm dù lực bấm không mạnh, đây chính là cung phản xạ cảm giác đau ở người bệnh mà khoa học đã chứng minh. Ngoài việc bấm huyệt, còn có thể áp dụng dán cao salonpas vào các huyệt trên cũng có tác dụng tốt.
Bạn cần chú ý, nếu đau do nguyên nhân ngồi làm việc vi tính quá lâu thì cần phải phân bổ thời gian làm việc kết hợp với vận động, tập luyện để rèn luyện nhóm cơ vùng vai lưng, cánh tay... Cách luyện tập đơn giản là tập xà đơn, tập hít đất... chú ý sửa tư thế ngồi cho thoải mái, tránh gò bó sai tư thế cũng là một trong những nguyên nhân gây đau.
Có thể kết hợp dán cao salopas vào các huyệt nói trên để nâng cao tác dụng điều trị.
Trường hợp nếu bạn tự bấm huyệt, dán cao... không đỡ thì nên đến thầy thuốc khám và điều trị theo chỉ dẫn.
Ngồi làm việc trước màn hình vi tính của các công chức, ngồi học kéo dài nhiều giờ của học sinh sinh viên, làm việc ở tư thế ngồi theo dây chuyền công nghiệp của công nhân... dễ dẫn tới cảm giác căng thẳng, đau vai gáy, đau lưng mỏi mắt. Để giúp phòng tránh và cải thiện những rắc rối trên, người lao động cần phải bảo đảm tư thế làm việc và luyện tập đúng để nâng cao hiệu quả lao động, học tập và sức khỏe.
Tại sao cần phải bảo đảm tư thế đúng khi làm việc?
Để tiết kiệm năng lượng cho cơ.
- Giảm lực ép, tỳ đè lên cột sống: Cột sống của bạn giống như cột trụ chống đỡ cho cơ thể, bao gồm từ 32-33 đốt sống. Các đốt sống trên và dưới khớp với nhau tạo nên ống sống để bảo vệ tủy sống, ở giữa 2 đốt sống là đĩa đệm có tác dụng như bộ phận giảm xóc cho cơ thể (giảm sức ép lên cột sống trong khi lao động và trong sinh hoạt hằng ngày). Đĩa đệm được cấu tạo bằng một nhân nhày ở giữa, bao bọc xung quanh là vòng xơ.
Đĩa đệm được dinh dưỡng theo kiểu thẩm thấu. ban ngày đĩa đệm phải làm việc, bị mất nước, ban đêm được nghỉ ngơi (ở tư thế nằm lực ép giảm tạo thuận lợi cho việc tái hấp thu nước). Nếu chúng ta không biết bảo vệ cho đĩa đệm (chọn tư thế đúng, tránh tư thế có hại cho đĩa đệm, nghỉ ngơi hợp lý) thì đĩa đệm chóng bị thoái hóa, khi đó chức năng giảm xóc giảm sẽ kéo theo hàng loạt các rắc rối như thoát vị đĩa đệm, thoái hóa khớp sau... gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Lực ép lên cột sống thay đổi theo tư thế của bạn, lực ép ở tư thế ngồi cao hơn rất nhiều so với tư thế nằm và đứng. Trong các kiểu ngồi làm việc, tư thế ngồi mà phải duy trì giữ hai tay không có điểm tựa thì lực ép lên đĩa đệm là cao nhất. Tư thế ngồi tay có điểm tựa là tư thế được chấp nhận, vì bảo đảm cân bằng để làm việc và lực ép lên cột sống thấp, ở tư thế này, lưng được tựa, cẳng tay có điểm tựa.
Một số tư thế đúng để phòng tránh đau vai gáy
- Tư thế làm việc đúng trước máy vi tính:
Vai: Được thả lỏng, cẳng tay luôn ở trên mặt phẳng ngang, vuông góc với khuỷu, cổ tay thẳng trục với cẳng tay.
Cổ: Giữ ở vị trí trung tính, thẳng trục với cột sống.
Lưng: Giữ thẳng, ghế phải có tựa cho vùng thắt lưng.
Khi ngồi, tránh tư thế cong lưng, cần giữ lưng thẳng, cổ thẳng trục với chân, nên kê một gối mỏng ở đoạn thắt lưng. Nên giải lao khi phải ngồi kéo dài, cứ 45-60 phút giải lao một lần.
- Tư thế đúng khi lái xe: Khi lái xe, giữ thẳng lưng, kê gối ở đoạn thắt lưng, đầu và cổ giữ thẳng trục với thân, di chuyển ghế ngồi gần volant sao cho vai cánh tay không bị căng. Khi lái xe khoảng 150-200km nên nghỉ 1 lần.
- Tư thế nằm: Khi nằm không được gối quá cao, làm cột sống cổ không thẳng trục với thân. Nên gối phần đầu và cổ, không được kê gối xuống dưới vai.
- Khi làm việc nhà: Tránh các động tác ngửa cổ trong sinh hoạt hằng ngày như lau cửa, mắc quạt trần, lau đèn, lấy đồ trên cao, để giảm căng thẳng cho cổ vai hãy sử dụng ghế, thang khi làm những công việc này.
Một số động tác luyện tập khi bị đau vai gáy
- Ngồi thư giãn trên ghế, thẳng lưng, đầu, cổ. Xoay đầu từ từ sang 2 bên. Nghiêng đầu sang phải và trái. Thực hiện từ 3-5 lần.
- Ngồi thư giãn trên ghế, nhún 2 vai lên cao, hạ thấp vai và thư giãn, nhắc lại 3-5 lần.
- Ngồi thư giãn trên ghế, xoay vai từ từ ra trước, ra sau rồi xoay tròn.
- Đứng dựa lưng vào tường, chân rộng bằng hông, gót chân cách tường 2-5cm. Hai bàn tay đặt sau gáy, khuỷu hướng ra trước, sau đó dang 2 cánh tay.
- Đứng sát tường, đặt quả bóng cao su lên vùng cơ cổ và vai (không đặt lên cột sống và xương bả vai), từ từ lăn bóng từng bên (trái, phải) 2-3 lần.
Đau vai và các loại bệnh của cơ thể
Đau vai không phải là bệnh mà chỉ là một triệu chứng của rất nhiều bệnh khác nhau. Có bệnh ở ngay tại vai, cũng có bệnh ở ngoài vai (tim, gan…) với biểu hiện đau lạc chỗ ở vai. Điểm đau vai thường gặp nhất là ở phần dưới cơ delta, chính là chỗ bám của gân cơ trên vai. Đau ở trên khớp mỏm cùng vai - đòn có thể do tổn thương nội khớp, hay quanh khớp.
Đau những nơi khác ở cánh tay, vai hoặc cổ có thể do bệnh ở vai, cũng có thể là không phải. Đau ở hai vai thường do bệnh toàn thân hơn là bệnh tại chỗ. Để xác định đúng nguyên nhân gây đau vai, cần đi chụp, chiếu X-quang, chụp cắt lớp vi tính hay chụp cộng hưởng từ…
Đau vai xuất hiện đột ngột sau chấn thương hoặc vác nặng có thể do gẫy xương, sai khớp, rách cơ hoặc gân (chỏm các cơ xoay, gân cơ nhị đầu). Đau bán cấp ở một người làm nhiều cử động liên tiếp ở vai có thể do viêm gân hoặc viêm bao hoạt dịch, viêm khớp…
Đau một bên vai khi gắng sức có thể là do bệnh tim, nhưng cần đi khám để tìm thấy căn nguyên chính xác. Chứng đau này sẽ giảm đi khi nghỉ ngơi hoặc ngậm nitroglycerrin và có thể tái phát. Đau vai kèm theo sốt, rét run hoặc sốt nóng, nổi ban ở vai, cử động hạn chế có thể là hiện tượng của viêm khớp vai nhiễm khuẩn. Đau vai còn có thể do bệnh ở ổ bụng, viêm màng phổi, viêm màng ngoài tim…
Điều trị đau vai
Điều trị viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai bằng thuốc chống viêm không steroid, tránh cử động vai mạnh, nghỉ 2 tuần, sau đó tập những bài tập chuyên biệt. Tiêm corticoid vào trong bao hoạt dịch. Nếu không đỡ, 6-8 tuần sau có thể tiêm mũi thứ hai. Với trường hợp bị rách một phần chỏm các cơ xoay có thể điều trị bảo tồn như với viêm gân hoặc viêm bao, nhưng nếu rách lớn hơn thì phải phẫu thuật.
Trong trường hợp vai đông cứng, cách điều trị chủ yếu là vận động. Bên cạnh đó, cũng có thể tiêm corticod vào ổ khớp.
Điều trị viêm gân cơ nhị đầu cũng giống như viêm gân chỏm các cơ xoay, nếu điều trị không đỡ, tiêm corticoid quanh gân.
Với hội chứng đau teo cơ giao cảm, sử dụng corticoid liều cao, nếu tiến hành sớm sẽ có kết quả tốt, nếu thất bại sẽ phải làm bloc giao cảm và tùy trường hợp, có thể cắt dây thần kinh giao cảm.
Để tránh đau mỏi vai
Đối với một số người, do điều kiện làm việc và một số thói quen không tốt, dẫn đến đau vai gáy. Chứng đau vai này khiến cơ thể mệt mỏi, không làm việc tập trung và hiệu quả cao, nhưng cũng không khó điều trị vì có thể chữa khỏi bằng cách điều chỉnh thói quen hàng ngày.
Khi làm việc với máy vi tính nên thả lỏng vai, đặt cẳng tay trên mặt phẳng ngang, vuông góc với khuỷu, cổ tay thẳng trục với cẳng tay. Giữ cổ ở vị trí trung tính, thẳng trục với cột sống. Lưng giữ thẳng, ghế ngồi nên có tựa cho vùng thắt lưng. Khi ngồi, tránh tư thế cong lưng, cần giữ lưng thẳng, cổ thẳng trục với chân, nên kê một gối mỏng ở đoạn thắt lưng. Không nên ngồi kéo dài, 45-60 phút nên giải lao một lần.
Khi lái xe, cần giữ thẳng lưng, kê gối ở đoạn thắt lưng, đầu và cổ giữ thẳng trục với thân, di chuyển ghế ngồi gần tay lái sao cho vai cánh tay không bị căng. Không nên lái xe quá dài, khoảng 150-200km nên nghỉ 1 lần.
Nhiều người nằm thoải mái theo cảm giác của mình, nhưng kỳ thực không tạo sự thoải mái cho cơ thể, ví dụ nằm quá cao, sẽ làm cột sống cổ không thẳng trục với thân. Nên gối phần đầu và cổ, không kê gối xuống dưới vai.
Một bệnh lý ở khớp vai nhưng thường bị lầm là thoát vị đĩa đệm cổ.
Bệnh nhân đau nhiều đến mức khớp vai gần như bị tê liệt không hoạt động được gì, nhưng khuỷu tay và bàn tay hoạt động bình thường. Bệnh nhân được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cổ và được chỉ định mổ. Sau khi hội chẩn, bệnh nhân được chụp X-quang vai và MRI khớp vai cho thấy có cục canxi to ở khớp vai. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nội soi lấy canxi lắng tụ trong gân trên gai. Hai tuần sau xuất viện bệnh nhân cử động vai bình thường.
19% nhóm tuổi trên 30 mắc bệnh
Canxi hóa gân chóp xoay hay "sạn khớp vai" như một số bệnh nhân diễn tả được cho là do sự lắng tụ của canxi trên gân chóp xoay bị thoái hóa, thường thấy nhất là lắng tụ ở gân trên gai (là gân đóng góp vào động tác dạng vai). Tỉ lệ bệnh khá nhiều, ước tính khoảng 19% đối với nhóm tuổi trên 30, thường xảy ra ở phụ nữ hơn nam giới.
Tuy vậy không phải tất cả những người có sự lắng tụ canxi này đều bị đau. Rất nhiều trường hợp có cục sạn nhưng không đau. Ngoài ra, nhiều người có cục sạn gây đau nhưng khi chuẩn bị đi mổ thì hết đau và chụp X-quang thấy cục sạn biến mất một cách kỳ diệu.
Triệu chứng hay thấy của bệnh này là cơn đau xuất hiện ở vùng vai gây đau nhức, hạn chế vận động vai. Cơn đau có thể lan đến vùng gáy và cổ thấp, xuống mặt ngoài cánh tay. Đôi khi đau dữ dội làm bệnh nhân bị giả liệt khớp vai, nghĩa là vai không cử động được hoặc rất hạn chế do đau mà không phải liệt do tổn thương thần kinh.
Chụp X-quang sẽ thấy có một khối màu trắng nằm gần chỏm xương cánh tay. Khối này có thể tròn, đồng nhất hay bị nứt gãy, đôi khi gồm nhiều cục sạn nho nhỏ tạo nên. Khám thấy bệnh nhân có đau khi cử động tay hay khi bác sĩ vận động thụ động vai bệnh nhân.
Phẫu thuật nội soi lấy canxi
Thông thường, việc điều trị bằng thuốc sẽ làm giảm đau, cải thiện cử động vai. Nhưng trong một số trường hợp, bệnh nhân không giảm đau mà đôi khi tiến triển nặng hơn như trường hợp bệnh nhân của chúng tôi. Khi đó các bác sĩ sẽ mở khối canxi để canxi thoát ra ngoài. Việc mở khối canxi này có thể mổ mở nhưng ưu điểm nhất vẫn là nội soi. Nội soi khớp vai, tìm thấy ổ lắng tụ canxi, dùng kéo nội soi mở ổ canxi để canxi thoát ra ngoài sẽ làm bệnh nhân bớt đau. Tuy vậy không thể và cũng không cần thiết phải lấy hết khối canxi này.
Điều quan trọng là bệnh lý này gây ra cơn đau vùng vai có thể lan lên vùng cổ thấp và mặt ngoài cánh tay, nên rất hay chẩn đoán nhầm với thoát vị đĩa đệm cổ. Đôi khi bệnh nhân cũng có khối thoát vị đĩa đệm vùng cổ nhưng không tương xứng với triệu chứng của bệnh. Khi đó, chỉ cần chụp X-quang vai sẽ xác định được chẩn đoán.
Hiện nay rất nhiều cơ sở có thể thực hiện nội soi khớp vai để lấy canxi lắng tụ trong gân này. Ở miền Bắc là Bệnh viện 108, 103, Saint Paul, 19-8. Ở TP.HCM, bệnh nhân có thể khám và điều trị tại Bệnh viện Đại học Y dược, Chợ Rẫy, Chấn thương chỉnh hình, 115, Nguyễn Tri Phương.
Đau vai gáy do bệnh lý và do thói quen xấu
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên đau vai, gáy như thoái hoá, thoát vị đĩa đệm các đốt sống cổ với nhiều lý do khác nhau; do vẹo cổ bởi gối đầu cao, nằm sai tư thế hoặc vẹo cổ bẩm sinh; do dị tật; do viêm, chấn thương hoặc do các tác nhân cơ học như ngồi lâu, cúi lâu (đánh máy vi tính, công tác văn phòng... hoặc do mang vác nặng sai tư thế nhất là công nhân đội than, cát từ tàu thuyền lên bến. Ngoài ra, người ta cũng nhận thấy có một số yếu tố thuận lợi gây thiếu máu cục bộ vùng vai, gáy như thói quen ngồi lâu trước quạt, trước máy điều hoà nhiệt độ (máy lạnh), ra ngoài trời không đội mũ, nón để ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào vùng gáy...
Thời điểm xuất hiện đau vai gáy
Biểu hiện rõ nét nhất của hiện tượng tổn thương đốt sống cổ hoặc bị chèn ép dây thần kinh hoặc bị thiếu máu cục bộ đều có thể gây nên triệu chứng đau vai gáy. Đau vai gáy thường xuất hiện vào lúc sáng sớm vừa ngủ dậy hoặc ngồi làm việc ở bàn giấy nhiều thời gian như đánh máy, cúi xuống đọc văn bản hoặc sửa chữa văn bản hoặc soạn giáo án (các thầy cô giáo) trong một thời gian dài trong một buổi hoặc trong một ngày và có thể kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng... Nhiều trường hợp ngoài đau vai gáy còn gây mỏi ở tay, tê tay, nặng tay cho nên khi làm các động tác dùng một hoặc hai tay nâng đỡ hoặc khi lái xe (xe máy, xe ôtô) phải làm động tác đổi tay cầm lái vì tay kia bị mỏi, nặng rất khó chịu. Cũng có tác giả cho rằng có một tỷ lệ nhất định nào đó do đau vai gáy có thể gây nên liệt nửa người, thậm chí gây nhồi máu cơ tim do mạch máu nuôi dưỡng tim bị chèn ép. Nói chung, bệnh đau vai gáy là một loại bệnh gặp tỷ lệ khá cao, chủ yếu ở người trưởng thành hoặc gặp ở những đối tượng mang tính chất nghề nghiệp và nhất là người cao tuổi.
Có thể tự chẩn đoán đau vai gáy?
Một số trường hợp có thể tự chẩn đoán cho mình bị đau vai gáy với nguyên nhân gì, ví dụ nằm ngủ gối đầu cao, sáng dậy bị vẹo cổ, đau vai, mỏi tay hoặc do nằm sai tư thế kéo dài nhiều giờ như nằm co quắp, gối đầu cao hoặc tư thế nằm nghiêng sang một bên. Đa số các trường hợp không rõ nguyên nhân hoặc có nhiều nguyên nhân làm lẫn lộn không biết nguyên nhân nào là nguyên nhân chính gây nên đau vai, gáy thì cần đi khám bệnh. Tại cơ sở y tế có điều kiện ngoài thăm khám, hỏi bệnh, bác sĩ sẽ có chỉ định chụp Xquang đốt sống cổ, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp vi tính (CT) và cũng có thể đo điện não đồ, đo mật độ xương, xét nghiệm sinh hoá máu nếu có bệnh liên quan đến tim mạch...
Loại trừ nguyên nhân - bảo bối khắc phục đau vai gáy
Có rất nhiều người sau một đêm ngủ dậy bỗng thấy thấy đau nhức khắp mình, đặc biệt là đau tê dại vùng vai, gáy, nhiều khi đau lan xuống bả vai, làm tê mỏi các cánh tay, cẳng tay và ngón tay. Triệu chứng này có thể trong nhiều ngày thậm chí trong nhiều tháng... Hội chứng đau vai gáy thông thường không nguy hiểm, song có thể gây ra nhiều lo lắng, khó chịu, mệt mỏi cho người bệnh, làm giảm sút sức lao động và chất lượng cuộc sống.
Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến hội chứng đau vai gáy. Các nguyên nhân thông thường nhất có thể kể đến như ngồi làm việc sai tư thế trong thời gian dài, ngồi làm việc liên tục với máy tính, sai tư thế khi lái xe, gối đầu, ngủ tựa đầu lên ghế, nằm xem tivi...
Ngồi trước quạt, máy lạnh (máy điều hoà) lâu, dầm mưa dãi nắng lâu, ra ngoài trời không đội mũ, nón để ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào vùng gáy, tắm rửa ban đêm,... làm giảm sự cung cấp oxy cho các tế bào cơ, gây thiếu máu cục bộ ở các cơ dẫn đến hội chứng đau vai gáy.
Ngoài ra, hội chứng đau vai gáy còn có thể do các nguyên nhân bệnh lý như: thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, vẹo cổ bẩm sinh, dị tật, viêm, chấn thương vùng cổ. Đôi khi có những trường hợp hội chứng đau vai gáy xuất hiện tự phát mà không có nguyên nhân rõ rệt.
Người hay nằm nghiêng, co quắp, khi cơ thể yếu mệt, tốc độ hoạt động của hệ tuần hoàn giảm, việc lưu thông máu và trao đổi ôxy trong cơ thể giảm cũng sẽ dễ bị đau nhức khi ngủ dậy.
Thông thường, từ tuổi trung niên trở đi, hệ mạch máu đã giảm tính dẻo dai, đàn hồi nên hay mắc chứng đau cổ, vai, gáy nhất.
Người bệnh đau mỏi, khó chịu
Có thể có các điểm đau khi ấn vào các gai sau và cạnh cột sống cổ kèm hạn chế vận động cột sống cổ. Đau có thể xuất hiện tự phát hoặc sau khi lao động nặng, mệt mỏi, căng thẳng, nhiễm lạnh. Đau có thể cấp tính (xuất hiện đột ngột) hoặc mãn tính (âm ỉ, kéo dài). Đau thường có tính chất cơ học: tăng khi đứng, đi, ngồi lâu, ho, hắt hơi, vận động cột sống cổ; giảm khi nghỉ ngơi. Đau cũng có thể tăng khi thời tiết thay đổi. Để chẩn đoán nguyên nhân, người bệnh cần được thăm khám lâm sàng. Các phương tiện hỗ trợ chẩn đoán bao gồm chụp X-quang cột sống cổ, đo điện cơ và chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống cổ.
Nhiều trường hợp tình trạng đau vai gáy kéo dài dẫn đến người bệnh luôn cảm thấy vô cùng mệt mỏi, khó chịu, không tập trung, tư duy kém,... ảnh hưởng lớn tới tinh thần và hiệu quả lao động.
Bệnh có chữa được không?
Người bị hội chứng đau nhức cổ, vai, gáy khi đi khám nếu bác sĩ chuyên khoa thấy không có nguyên nhân chèn ép gây tổn thương thì người bệnh sẽ được chỉ định dùng thuốc giảm đau, cao dán,... hoặc dùng vật lý trị liệu, xoa bóp, ấn huyệt, châm cứu,.... tại các bệnh viện, phòng khám y học cổ truyền sẽ mang lại hiệu quả tốt.
Nếu chỉ bị nhẹ, cơn đau không kéo dài, bản thân người bệnh có thể tự điều trị bớt đau bằng cách dùng hai bàn tay xoa bóp, gõ, vuốt cho vùng cổ, vai, gáy nhiều lần có thể giảm đau.
Các thuốc thường dùng trong điều trị hội chứng đau vai gáy bao gồm thuốc giảm đau chống viêm, phong bế thần kinh, giãn cơ và vitamin nhóm B. Ngoài ra, các phương pháp vật lý trị liệu như nhiệt trị liệu, điện xung, sóng ngắn, siêu âm trị liệu, kéo dãn cột sống cổ, xoa bóp bấm huyệt, tập vận động cột sống cổ cũng giúp ích rất nhiều cho việc điều trị. Tuy nhiên, người bệnh cũng cần phải nhớ rằng không được xoa bóp bấm huyệt hoặc tập vận động trong giai đoạn cấp tính. Một số trường hợp người bệnh cần được điều trị bằng phẫu thuật: thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, vẹo cột sống...
Nên phòng đau cổ, vai, gáy từ khi chưa có biểu hiện thương tổn bằng cách khi ngồi hay đứng đều phải đúng tư thế. Cần chú ý không làm việc quá lâu tại bàn giấy, đặc biệt với máy vi tính, cứ mỗi 30 phút nên dừng lại để thực hiện các động tác vận động cột sống cổ, vai và tay. Cần giữ cổ luôn thẳng, tránh sai tư thế khi ngồi học, đọc sách hoặc đánh máy, không cúi gập cổ quá lâu. Không nằm gối đầu cao để đọc sách hay xem tivi sẽ làm sai tư thế của cột sống cổ. Khi ngủ chỉ gối đầu cao khoảng 10cm. Khi xem tivi nên tựa lưng vào đệm, đầu hơi ngửa ra sau thành ghế, cổ tựa vào một điểm phù hợp với độ cong sinh lý của cổ.
Không bẻ, lắc cổ kêu răng rắc, nhiều người có thói quen khi mỏi cổ thường bẻ cổ, lắc cổ cho kêu để hết mỏi cổ nhưng thực tế lại gây tác dụng hoàn toàn trái ngược, bởi nếu đĩa đệm đã bị thoái hóa gây mỏi cổ, khi bẻ hoặc vặn sẽ tạo đà cho đĩa đệm thoát vị ra ngoài và làm bệnh thêm trầm trọng.
Khi bị đau vai, gáy nên nghỉ ngơi, hạn chế vận động ít ngày, bổ sung một số khoáng chất cho cơ thể như canxi, kali và các vitamin C, B, E, xoa bóp giúp giãn cơ chỗ đau, tăng cường máu đến cơ bắp.
Theo SK&ĐS
Nhiều người sau một đêm ngủ dậy bỗng thấy đau nhức khắp mình, đặc biệt là đau tê dại vùng vai, gáy, nhiều khi đau lan xuống bả vai, làm tê mỏi cánh tay, cẳng tay và ngón tay. Triệu chứng này có thể trong nhiều ngày, thậm chí trong nhiều tháng... Hội chứng đau vai gáy thông thường không nguy hiểm, song có thể gây ra nhiều lo lắng, khó chịu, mệt mỏi cho người bệnh, làm giảm sút sức lao động và chất lượng cuộc sống.
Nguyên nhân gây đau?
Bệnh hay gặp từ tuổi trung niên khi cơ thể, hệ mạch máu đã giảm tính dẻo dai, đàn hồi.
Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến hội chứng đau vai gáy. Các nguyên nhân thường gặp nhất có thể kể đến là ngồi làm việc, học tập sai tư thế trong thời gian dài, lái xe, làm việc liên tục với máy tính...; bị nhiễm nóng lạnh đột ngột làm giảm sự cung cấp ôxy cho các tế bào cơ, gây thiếu máu cục bộ ở các cơ dẫn đến hội chứng đau vai gáy. Ngoài ra, hội chứng đau vai gáy còn có thể do các bệnh lý như: thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, vẹo cổ bẩm sinh, dị tật, viêm, chấn thương vùng cổ, ung thư, lao, u hố sau... Hay gặp ở những người hay nằm nghiêng, co quắp, ngồi làm việc, sinh hoạt sai tư thế; khi cơ thể yếu mệt, tốc độ hoạt động của hệ tuần hoàn giảm, việc lưu thông máu và trao đổi ôxy trong cơ thể giảm cũng sẽ dễ bị đau nhức khi ngủ dậy. Đôi khi có những trường hợp hội chứng đau vai gáy xuất hiện tự phát mà không có nguyên nhân rõ rệt.
Làm giảm chất lượng sống
Tùy theo từng mức độ của bệnh mà người bệnh có những biểu hiện khác nhau trong chứng bệnh này. Người bệnh có thể đau âm ỉ hoặc đau dữ dội ở vùng gáy lan ra tai, cổ ở một bên. Mức độ đau từ ít đến nhiều có ảnh hưởng tới tư thế đầu - cổ. Cũng có thể cơn đau từ gáy lan xuống bả vai, cánh tay ở một bên hay cả ở hai bên, có cảm giác nhức nhối như bị điện giật. Có trường hợp cơn đau bả vai cánh tay ở một bên, sau một thời gian, người bệnh có cảm giác tê mỏi ở tay bên đau - đây có thể là biểu hiện của rối loạn phản xạ gân xương. Cũng có những người bị đau lan sang hai bên và kèm theo cảm giác chóng mặt, hoa mắt, ù tai, đi đứng loạng choạng, khó nuốt.
Cơn đau nhức có thể xuất hiện tự phát hoặc sau khi lao động nặng, mệt mỏi, căng thẳng, nhiễm lạnh. Đau có thể cấp tính (xuất hiện đột ngột) hoặc mạn tính (âm ỉ, kéo dài). Đau thường có tính chất cơ học: tăng khi đứng, đi, ngồi lâu, ho, hắt hơi, vận động cột sống cổ; giảm khi nghỉ ngơi. Đau cũng có thể tăng khi thời tiết thay đổi. Để chẩn đoán nguyên nhân, người bệnh cần được thăm khám lâm sàng. Các phương tiện hỗ trợ chẩn đoán bao gồm chụp Xquang cột sống cổ, đo điện cơ và chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống cổ.
Nhiều trường hợp tình trạng đau vai gáy kéo dài dẫn đến người bệnh luôn cảm thấy vô cùng mệt mỏi, khó chịu, không tập trung, tư duy kém... ảnh hưởng lớn tới chất lượng sống của người bệnh.
Chữa trị có khó không?
Nếu bệnh nhẹ, cơn đau không kéo dài, bản thân người bệnh có thể tự điều trị bớt đau bằng cách dùng cao dán hoặc dùng hai bàn tay xoa bóp, gõ, vuốt cho vùng cổ, vai, gáy nhiều lần để giảm đau. Hoặc có thể đến các cơ sở vật lý trị liệu hoặc phòng khám Đông y để xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu.
Thuốc thường dùng trong điều trị hội chứng đau vai gáy bao gồm thuốc giảm đau chống viêm, phong bế thần kinh, giãn cơ và vitamin nhóm B. Tùy theo từng nguyên nhân, các bác sĩ sẽ có những phương pháp xử trí khác nhau. Nếu đã loại trừ được những nguyên nhân chèn ép, có tổn thương thì điều trị chủ yếu là dùng thuốc giảm đau thông thường, có thể bằng đường uống, bằng cao dán. Người bệnh cũng có thể dùng vitamin E 400mg, ngày uống 1 viên. Ngoài ra, có thể kết hợp biện pháp xoa, ấn, gõ nhẹ nhàng vùng gáy, bả vai, cánh tay. Tuy nhiên, người bệnh cũng cần phải nhớ rằng, không được xoa bóp bấm huyệt hoặc tập vận động trong giai đoạn cấp tính. Một số trường hợp người bệnh cần được điều trị bằng phẫu thuật: thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, vẹo cột sống...
Nên tập luyện để phòng tránh
Để phòng đau cổ, vai, cần ngồi, đứng, ngủ sinh hoạt... đúng tư thế. Không làm việc quá lâu tại bàn giấy, đặc biệt với máy vi tính, thỉnh thoảng nên dừng lại để thực hiện các động tác vận động cột sống cổ, vai và tay. Cần giữ cổ luôn thẳng, tránh sai tư thế khi ngồi học, đọc sách hoặc đánh máy, không cúi gập cổ quá lâu; không nằm gối đầu cao để đọc sách hay xem tivi sẽ làm sai tư thế của cột sống cổ. Nên gối đầu thấp khi ngủ, tốt nhất gối chỉ nên cao khoảng 10cm. Khi xem tivi nên tựa lưng vào đệm, đầu hơi ngửa ra sau thành ghế, cổ tựa vào một điểm.
Không nên bẻ khớp cổ, cánh tay, vai kêu răng rắc. Nhiều người cho rằng làm thế sẽ đỡ nhức mỏi nhưng thực tế lại gây tác dụng hoàn toàn trái ngược, bởi nếu đĩa đệm đã bị thoái hóa gây mỏi cổ, khi bẻ hoặc vặn sẽ tạo đà cho đĩa đệm thoát vị ra ngoài và làm bệnh thêm trầm trọng; Khi bị đau vai, gáy nên nghỉ ngơi, hạn chế vận động ít ngày, bổ sung một số khoáng chất cho cơ thể như canxi, kali và các vitamin C, B, E; tắm nước ấm, xoa bóp giúp giãn cơ chỗ đau, tăng cường lưu thông trong cơ thể.
Đăng nhận xét