Chứng sợ bệnh viện và liệu pháp chữa trị

Ngày 7 tháng 10, 2014 | 14:19

SKĐS - Chứng sợ bệnh viện - cũng như nỗi sợ uống thuốc và sợ phẫu thuật - đã và đang khiến cho nhiều người ngần ngại, không dám đến bệnh viện

Mặc dù bệnh viện là nơi chúng ta đến để điều trị bệnh tật và lấy lại sức khỏe, nhưng nhiều cuộc khảo sát cho thấy, trên thế giới có hàng triệu người sợ đi bệnh viện, sợ uống thuốc và phẫu thuật.

Trong đó, một số người trở nên quá âu lo sợ hãi đến nỗi những nỗi sợ này đã được gọi tên và miêu tả trong y văn. "Nosocomephobia" là tên gọi chứng sợ bệnh viện; đây là một từ có nguồn gốc Hy Lạp, được ghép từ hai thành tố nosokemeion nghĩa là bệnh viện và phobos nghĩa là nỗi sợ. Ngoài ra, chúng ta còn có từ "Tomophobia" là thuật ngữ chỉ nỗi sợ làm phẫu thuật, và "Pharmacophobia" là nỗi sợ uống thuốc.

Chứng sợ bệnh viện - cũng như nỗi sợ uống thuốc và sợ phẫu thuật - đã và đang khiến cho nhiều người ngần ngại, không dám đến bệnh viện hoặc đi khám bác sĩ để chữa dứt bệnh tật của mình. Nhiều bậc cha mẹ gặp khó khăn khi đưa con trẻ đi khám bệnh bởi vì trẻ luôn quấy khóc sợ hãi mỗi khi phải uống thuốc, tiêm thuốc hoặc đến bệnh viện. Một số người thậm chí để mặc cho bệnh tật trở nên trầm trọng hơn chỉ vì những nỗi sợ không đáng có này. Ngay cả một hành động tưởng chừng như đơn giản là uống thuốc để lành bệnh cũng có thể khiến nhiều người sợ đến toát mồ hôi mỗi khi thực hiện.

3 nguyên nhân chính của chứng sợ bệnh viện

Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều người ngại đến bệnh viện nằm ở nỗi sợ mất quyền kiểm soát. Việc giao phó sức khỏe - thậm chí mạng sống của mình - cho người khác vốn không thuộc về bản năng tự nhiên của con người, kể cả khi đó là điều cần thiết. Thẳm sâu trong tiềm thức, chúng ta luôn cho rằng người duy nhất có quyền làm chủ và chữa trị cho cơ thể của mình phải là chính chúng ta chứ không được phép là bất kỳ ai khác. Vì lý do này, nhiều người cảm thấy hồi hộp và âu lo mỗi khi phải vào viện, đặc biệt khi bị gây mê - tình trạng mà con người mất hoàn toàn khả năng kiểm soát bản thân.

Nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều người ngại đến bệnh viện nằm ở nỗi sợ mất quyền kiểm soát

Nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều người ngại đến bệnh viện nằm ở nỗi sợ mất quyền kiểm soát

Nguyên nhân thứ hai liên quan đến điều mà tất cả con người đều khao khát: một cuộc sống tốt đẹp và khỏe mạnh hơn. Chúng ta đã đầu tư, thậm chí hy sinh quá nhiều cho cuộc sống của mình và để có được những gì mình đang có: sự nghiệp, gia đình, tài sản hay sự giàu có, các mối quan hệ... Do vậy, đến khi phải nằm trên giường bệnh hoặc chuẩn bị lên bàn mổ, chúng ta lo sợ việc rằng mình sẽ có thể mất tất cả nếu việc điều trị gặp bất trắc hoặc không mang lại kết quả.

Nguyên nhân cuối cùng của chứng sợ bệnh viện, sợ uống thuốc cũng như sợ phẫu thuật chính là sợ chết - một nỗi sợ mang tính chất bản năng sống còn của mọi con người. Bệnh viện khiến nhiều người trong chúng ta liên tưởng đến những bệnh nan y, tai nạn và thương vong chết chóc. Nhiều người hình thành nỗi sợ bệnh viện bởi họ đã từng có những trải nghiệm quá khứ không vui khi phải nằm viện, từng chứng kiến bệnh nhân khác nằm viện và tử vong cũng ngay tại bệnh viện. Thậm chí, do nỗi sợ có tính chất lây lan, một người đang bình thường cũng có thể bỗng dưng sợ bệnh viện khi nhìn thấy những người khác trong đó sợ hãi hoặc la khóc khi phải nằm viện, thế là người này tiếp thu những phản xạ đó trong vô thức và hình thành chứng sợ bệnh viện trong chính mình.

5 cách để khắc phục

1. Tin tưởng bác sĩ:

Đây là niềm tin quan trọng nhất bạn cần phải rèn luyện được để khắc phục và loại bỏ dần chứng sợ bệnh viện. Cảm giác lo sợ vì mất quyền kiểm soát bản thân chỉ tan biến khi bạn tin tưởng vào người chữa bệnh cho mình. Khi bạn đặt trọn niềm tin vào người thầy thuốc, tự khắc bạn sẽ cảm thấy yên tâm về bản thân. Thay vì lo lắng sợ hãi, hãy biết ơn những người thầy thuốc, các y tá, gia đình và những người thân của bạn khi họ đã và đang cố gắng hết sức để giúp bạn chữa dứt bệnh tật.

2. Tin vào bản thân:

Về mặt tâm lý, sự lo âu hồi hộp đồng nghĩa với việc bạn không tin tưởng mọi người. Và sự không tin tưởng người khác kỳ thực chỉ là sự phản ánh nỗi sợ bên trong chính bản thân bạn: bạn không tin vào chính mình, không tin rằng mình có thể vượt qua bệnh tật. Hãy tập thói quen tin tưởng vào bản thân và lắng nghe cơ thể của mình. Thay vì ngồi một chỗ lo sợ, hãy tin rằng bạn có thừa khả năng làm mọi thứ để giúp cơ thể mau lành bệnh.

Bạn có thể tưởng tượng ra cảnh mình sẽ vui sướng như thế nào khi khỏi bệnh để sau đó, mình có thể tha hồ làm những gì mình thích. Liệu pháp tưởng tượng này cũng là một bí kíp hiệu quả giúp bạn quên đi những nỗi sợ và tập trung vượt qua bệnh tật.

3. Rèn luyện những thói quen tích cực:

Đừng đợi đến khi mắc bệnh hoặc vào viện rồi thì mới khắc phục chứng sợ bệnh viện. Bạn hoàn toàn có thể và nên làm điều này ngay trong cuộc sống hàng ngày của mình. Hãy làm và tận hưởng tất cả những công việc hoặc thú vui giúp bạn cảm thấy khỏe mạnh hơn như: thiền định, ăn uống vệ sinh, luyện tập thể dục thể thao để đảm bảo sức khỏe và sức đề kháng. Ngoài ra, bạn cũng có rèn luyện cho tâm trí và tinh thần của mình được khỏe khoắn hơn bằng cách dành thời gian cho những người thân yêu, vui cười nhiều hơn, cầu nguyện những điều tốt lành, chơi với thú cưng, có những thú vui sáng tạo cho mình, dọn dẹp nhà cửa hoặc tham gia các hoạt động tình nguyện nhiều ý nghĩa. Hãy giữ cho tâm trí và cơ thể bạn năng động và tập trung vào những suy nghĩ tích cực, để bạn không có thời gian rỗi cho những nỗi sợ lấp vào.

4. Bổ sung kiến thức cho bản thân:

Một trong những lý do khiến chúng ta sợ bệnh viện cũng như ngại việc phẫu thuật hay uống thuốc chính là vì chúng ta không biết điều gì sẽ xảy đến với mình trong quá trình trị liệu. Do vậy, hãy tự nâng cao kiến thức của mình về những bệnh tật khiến bạn lo lắng bằng cách đọc sách báo và tìm hiểu thêm từ internet. Đối với nhiều người, việc tiên liệu trước được những gì có thể xảy ra giúp họ cảm thấy tự chủ và bình tĩnh hơn trong mọi hoàn cảnh, và bệnh tật cũng không ngoại lệ. Hẳn là bạn sẽ yên tâm hơn khi biết rằng việc trải qua những phương pháp trị liệu đó là bình thường, và rất nhiều người khác đã vượt qua thành công suôn sẻ. Vậy nên, tội gì bạn không thể vượt qua kia chứ?

5. Lập kế hoạch cho quá trình chữa trị và phục hồi:

Khi bạn đang phải uống thuốc hoặc nằm viện dài ngày để điều trị bệnh, hãy tập trung cả cơ thể lẫn trí óc của mình vào việc phục hồi. Chẳng hạn, nếu bạn sắp phải phẫu thuật, bạn có thể lập kế hoạch cho những công việc của mình sau khi điều trị xong. Nếu như việc ngồi không một chỗ để cho những nỗi sợ có cơ hội lấn át, việc lên kế hoạch và thực hiện kế hoạch sẽ giúp bạn không có thời gian để bi quan. Sẽ chẳng hay ho gì nếu bạn xuất viện về nhà chỉ để đối mặt với một đống công việc bộn bề chưa hoàn thành! Do vậy, hãy sắp xếp công việc ở nhà và chỉ định những người thân có thể giúp đỡ bạn thực hiện những công việc đó. Trong thời gian chờ đến ngày phẫu thuật, bạn có thể nhờ người thân mang đến cho mình những thứ vật dụng có thể giúp mình duy trì tinh thần lạc quan - chẳng hạn như sách báo, máy nghe nhạc, máy tính bảng xem phim - bên cạnh những vật dụng cần thiết cho việc nằm viện như cốc nước, khăn giấy, xà phòng,... Nếu bạn có con đang trong độ tuổi đến trường, hãy căn dặn những điều cần thiết cho trẻ và đảm bảo có người trông nom chúng.

Bệnh viện, thuốc men cũng như các cuộc phẫu thuật là những phát minh nhằm giúp con người chữa dứt được bệnh tật của mình để có sức khỏe tốt. Thay vì sợ hãi, hãy suy nghĩ tích cực và rèn luyện lòng biết ơn, vì nhờ chúng mà bạn sẽ khỏi bệnh và có một cuộc sống viên mãn như ý muốn. Chưa kể, nhiều nghiên cứu khoa học đã cho thấy, một khi bạn có được cái nhìn thân thiện hơn đối với bệnh viện, thuốc men, thiết lập được những mối giao cảm thân tình với thầy thuốc cũng như với chính bản thân mình, sức mạnh tinh thần đó sẽ giúp gia tăng tốc độ và hiệu quả hồi phục của bạn lên gấp nhiều lần so với những bệnh nhân chỉ biết bi quan lo sợ.

PHAN NGUYỄN KHÁNH ĐAN

(Tổng hợp từ Internet)

Đăng nhận xét