Các chuyên gia Tổng Cục lâm nghiệp phối hợp với Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật về Quảng Ngãi tìm nguyên nhân rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều.
Các chuyên gia thu thập mẫu vật rắn lục đuôi đỏ do người dân ở xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, phát hiện trong vườn nhà.Ảnh: Trí Tín. |
Ngày 5/12, đoàn công tác đã về huyện Mộ Đức, địa phương có hàng chục người dân bị rắn cắn phải cấp cứu trong hai tháng qua. Các chuyên gia lần lượt ghi nhận thông tin từ những nạn nhân bị rắn cắn và thu thập mẫu vật để phân tích nguyên nhân loài rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều bất thường ở khu dân cư.
Ông Nguyễn Văn Đoàn, Chuyên gia Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết, đoàn về miền Trung lần này là để xác định sinh cảnh sống của loài, nguyên nhân khiến rắn tấn công, thời điểm chúng gây ảnh hưởng cuộc sống người dân... Sau chuyến công tác, các chuyên gia tập trung phân tích, nghiên cứu để đề xuất giải pháp phù hợp cho người dân ứng phó với loài rắn lục đuôi đỏ.
"Chúng tôi kết hợp hướng dẫn địa phương, người dân cách phòng tránh, ngăn chặn và sơ cứu ban đầu khi bị rắn cắn đề phòng nguy hiểm tính mạng", ông Đoàn nói.
Rắn lục đuôi đỏ mang thai do người dân bắt được ở giữa khu dân cư huyện Mộ Đức. Ảnh: Trí Tín. |
Liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Quảng Trường, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, cho hay muốn biết rõ nguyên nhân vì sao rắn lục đuôi đỏ xuất hiện bất thường trong thời gian gần đây cần phải có nghiên cứu cụ thể. Song, giả thuyết được đặt ra là nguồn thức ăn dồi dào và sinh cảnh sống phù hợp đã kích thích sự phát triển của rắn lục, đặc biệt là ở các khu dân cư ven rừng, khu vườn rậm rạp.
TS Trường cho rằng, nọc độc của rắn lục không tác động lên hệ thần kinh mà thường tác động lên hệ tuần hoàn, gây rối loạn đông máu, sưng nề hoặc hoại tử. Đáng ngại hơn là một con rắn chết, thậm chí đầu rắn bị cắt rời vẫn có thể cắn và phóng nọc độc theo phản xạ đến 90 phút sau khi nó chết.
Khi bị rắn cắn, cần hạn chế vận động để tránh làm tăng nhanh quá trình tác động của nọc đến các phần khác của cơ thể, không nên rạch vết thương vì có thể làm mất máu cấp.
Vị chuyên gia này cũng khuyến cáo, không được ga-rô bằng dây cao su vì dễ gây hoại tử do thiếu máu cung cấp đến phần cơ thể dưới ga-rô. Không đắp các loại thuốc không rõ nguồn gốc, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.
Các chuyên gia thu thập thông tin từ người dân Quảng Ngãi bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Ảnh: Trí Tín. |
Các chuyên gia cũng đặt giả thuyết, có thể đợt mưa lũ lịch sử năm 2013 đã đưa loài rắn này từ các đồi cao về khu vực đồng bằng trú ngụ. Đến mùa mưa năm nay, thời tiết thuận lợi giúp chúng sinh sản nhanh, đi tìm thức ăn vô tình "trùng khớp" gần sát các khu dân cư.
Thống kê của các bệnh viện khu vực miền Trung, hai tháng qua, ít nhất 400 người đã bị rắn lục đuôi đỏ cắn, may mắn chưa có trường hợp nào tử vong. Quảng Ngãi là địa phương có rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều bất thường, khoảng 150 người bị cắn nhập viện cấp cứu thời gian qua. Riêng huyện Mộ Đức của tỉnh này, trong tháng qua, chính quyền địa phương cùng người dân đã phát hiện, giết chết hơn 300 con rắn lục đuôi đỏ ở các khu dân cư.
Trí Tín
Đăng nhận xét