Ngày 15 tháng 4, 2014 | 13:26
SKĐS - Đặt stent mạch vành là biện pháp hữu hiệu đối với người bệnh bị tắc nghẽn động mạch vành.
Đặt stent mạch vành là biện pháp hữu hiệu đối với người bệnh bị tắc nghẽn động mạch vành. Tuy nhiên, đặt stent mạch vành để giải quyết vị trí tắc nghẽn của dòng máu mạch vành chứ không giúp chấm dứt tình trạng xơ vữa động mạch. Do vậy, muốn tránh tái cơn nhồi máu cơ tim, ảnh hưởng tính mạng, người bệnh phải có cuộc sống lành mạnh, nhất là tuyệt đối tuân thủ sự hướng dẫn của bác sĩ.
Xơ vữa động mạch là bệnh lý xuất phát từ tình trạng lắng đọng của mỡ máu trên thành mạch dẫn đến hẹp lòng mạch, ảnh hưởng lên động mạch toàn thân, trong đó có động mạch vành. Đặt stent giúp giải quyết vị trí tắc nghẽn của dòng máu mạch vành, nhưng không giúp điều trị được tình trạng xơ vữa động mạch. Sự tắc nghẽn động mạch vành có thể tiếp tục xảy ra ở những vị trí khác của hệ thống mạch vành. Do vậy, sau khi được đặt stent, người bệnh phải dùng một loại thuốc đặc biệt chống tạo cục máu đông tại vị trí stent, chống tái hẹp trong lòng động mạch vành hoặc thuốc điều trị các căn bệnh mạn tính khác (nếu có) như đái tháo đường…
Việc uống thuốc chỉ một lần/ngày và để phát huy tối đa tác dụng của thuốc, người bệnh không được quên - không được bỏ cữ và phải uống thuốc đúng giờ sau bữa ăn. Ví dụ, uống vào 8 giờ sau bữa sáng hoặc sau bữa ăn trưa thì phải giữ đều đặn như vậy. Phải luôn có sẵn thuốc trong túi để khi đi công tác, đi chơi xa thì vào giờ đó vẫn nhớ và vẫn có thuốc để uống.
Trong chế độ dinh dưỡng phải dùng nhiều trái cây, rau quả và ngũ cốc thô là những loại hạt còn lớp vỏ lụa bên ngoài. Giảm ăn mỡ và muối, nên ăn cá thường xuyên. Không nên ăn quá no vì gây chèn ép cơ hoành, nhịp tim sẽ tăng hơn bình thường. Không nên ăn cơm sau 18 giờ, chỉ nên uống sữa hoặc các chế phẩm của sữa. Không nên thức khuya. Khi ngủ nên tập tạo thói quen có giấc ngủ sâu. Tránh bị táo bón. Nếu có đái tháo đường đi kèm, người bệnh nên tuân thủ chế độ ăn của bệnh nhân đái tháo đường để kiểm soát tốt đường huyết. Nên kiểm soát huyết áp bằng cách làm dân gian, đơn giản là tự bắt mạch ở cổ tay trái, huyết áp tốt nhất là 65 nhịp tim/phút.
Phải tập thói quen tự "bắt mạch" mỗi ngày như thói quen uống thuốc đúng giờ. Nhiều trường hợp người đặt stent trong độ tuổi lao động, nên sau khi đặt stent, người bệnh phải từng bước thích nghi với cuộc sống, như: không nên khuân vác hoặc các hoạt động thể lực nặng. Đặc biệt, trong tháng đầu tiên, bệnh nhân cố gắng nghỉ ngơi, đi bộ không quá 20 phút/ngày; được làm bếp, nấu ăn nhưng không nên đứng lâu quá 20 phút. Điều quan trọng nhất là người đã đặt stent phải luôn giữ tâm lý ổn định, tự kiểm soát căng thẳng; trường hợp gặp tình huống căng thẳng, nên hít thở sâu, tự bình ổn tâm lý.
Bác sĩ Nguyễn Văn Út
"Vũ khí" đối phó với suy mạch vành
suckhoedoisong.vn - Ngày 21 tháng 11, 2013 | 08:00
Cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế, các bệnh không lây nhiễm cũng không ngừng gia tăng.
Cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế, các bệnh không lây nhiễm cũng không ngừng gia tăng. Các bệnh lý tim mạch được coi là nguyên nhân số một của các nguy cơ tử vong và đột quỵ. Suy mạch vành là một trong những nguyên nhân của đột quỵ do nó gây nên nhồi máu cơ tim. Vậy cần phải đối phó ra sao với bệnh này?
Thuốc làm giảm mức tiêu thụ oxy của cơ tim
Nhóm thuốc giảm tiền gánh là các thuốc làm giảm gánh nặng hay giảm công co bóp của tế bào cơ tim. Các thuốc này gồm chủ yếu là các dẫn chất của nitrat. Có 2 loại nitrat chủ yếu: tác dụng nhanh và tác dụng chậm, kéo dài, trong đó một số biệt dược được sử dụng chủ yếu như nitroglycerin.
Cũng có tác dụng làm giảm mức tiêu thụ oxy của cơ tim còn có các thuốc làm giảm hậu gánh, giảm sức cản ngoại vi, do đó làm giảm công của tim nên giảm lượng tiêu thụ oxy của tế bào cơ tim. Các thuốc này bao gồm thuốc như chẹn kênh canxi, nitrat, ức chế thụ thể bêta giao cảm...
Các thuốc làm giảm sức co bóp của cơ tim, do vậy làm giảm mức tiêu thụ oxy của cơ tim như các chất ức chế thụ thể bêta giao cảm (một số thuốc như propranolol, bisoprolol, metoprolol, atenolol...), các thuốc chẹn kênh canxi (verapamil, diltiazem).
Các thuốc làm giảm nhịp tim là các chất ức chế thụ thể bêta giao cảm, các thuốc chẹn kênh canxi, amiodaron.
Vùng cơ tim bị tổn thương màu sẫm. |
Thuốc phân bố lại máu
Lớp cơ nằm sát với buồng chứa máu của tim (nội tâm mạc) bị áp lực của tim trực tiếp dễ bị thiếu máu so với lớp cơ ngoài cùng (ngoại tâm mạc). Do vậy, khi lớp cơ tim này bị thiếu, cần phải dùng đến thuốc giúp phân bố lại máu có lợi cho vùng cơ tim bị thiếu. Một số thuốc, đặc biệt là dẫn chất nitrat, các chất ức chế thụ thể bêta giao cảm có tác dụng làm thay đổi sự phân phối máu giữa các cơ dưới nội tâm mạc và ngoại tâm mạc, tạo điều kiện cho lớp dưới nội tâm mạc được ưu tiên phân phối máu nhiều hơn nhờ vào những cơ chế khác nhau, do vậy làm cải thiện được tình trạng thiếu máu cơ tim ở lớp dưới nội tâm mạc.
Thuốc tăng cung cấp lượng oxy
Tăng cung cấp oxy nghĩa là phải tăng cường lượng máu đến tế bào cơ tim hay nói cách khác là làm tăng cung lượng máu của động mạch vành. Đó chính là vai trò của các thuốc làm giãn động mạch vành. Khi động mạch vành giãn ra có thể sẽ xảy ra hiện tượng vùng tế bào cơ tim lành, do động mạch vành còn tốt nên giãn nhiều hơn gây nên hiện tượng "cướp máu" của vùng cơ tim bị thiếu máu, làm vấn đề thiếu máu lại trở nên nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, những khuyến cáo gần đây nhất về điều trị bệnh thiếu máu cơ tim vẫn nêu lên tác dụng tốt của các thuốc giãn mạch vành, do vậy, thuốc vẫn được chỉ định điều trị cho các bệnh nhân thiếu máu cơ tim. Nhóm thuốc này chủ yếu là các dẫn chất của nitrat, dipyridamol.
Thuốc bảo vệ tế bào cơ tim
Thuốc này có tác dụng bảo vệ chức năng của tylạp thể (là nơi cung cấp năng lượng cho tế bào cơ tim hoạt động), do vậy kéo dài được thời gian chịu đựng thiếu oxy của các tế bào cơ tim. Nhiều nghiên cứu gần đây đã cho thấy nhóm thuốc này có tác dụng làm giảm số cơn đau thắt ngực và tăng khả năng gắng sức của bệnh nhân. Biệt dược được dùng rất phổ biến hiện nay là vastarel (hoạt chất trimetazidin).
Ngoài các thuốc tác động trực tiếp lên cơ tim bị thiếu máu, ngày nay, người ta ngày càng chú trọng đến vai trò của thành mạch và tiểu cầu trong cơ chế bệnh sinh của hội chứng mạch vành cấp - một diễn biến cấp tính và nguy hiểm của bệnh suy mạch vành. Nguyên nhân là do sự nứt hoặc đứt gãy của mảng vữa xơ động mạch vành, giải phóng các yếu tố tăng đông, hoạt hóa tiểu cầu và nhanh chóng hình thành cục máu đông gây nên tắc một phần hoặc hoàn toàn động mạch vành cấp tính. Chính vì vậy, trong điều trị suy mạch vành không thể không nhắc đến 2 nhóm thuốc: các thuốc chống kết tập tiểu cầu và các thuốc có tác dụng làm ổn định hay thoái triển mảng vữa xơ động mạch.
Các thuốc chống kết tập tiểu cầu: đại diện là aspirin và các dẫn chất của thienopyridin, có tác dụng ngăn chặn không cho tiểu cầu kết dính vào tổn thương động mạch vành và kết dính với nhau, do vậy ngăn cản sự hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn động mạch vành.
TS. Nguyễn Đức Hải
Nguyên nhân gây bệnh mạch vành
suckhoedoisong.vn - Ngày 22 tháng 10, 2013 | 10:45
Động mạch vành có chức năng cung cấp máu nuôi quả tim. Khi động mạch vành bị hẹp, có khi tắc hoàn toàn hoặc do co thắt mạch,
Đau thắt ngực là dấu hiệu thường gặp và điển hình
Khi vùng cơ tim bị thiếu máu sẽ gây ra những cơn đau ngực. Người bệnh cảm giác đau như bó chặt hoặc đè nặng, đôi khi đau như nhói, nóng rát ở vùng ngực. Đau thường lan tỏa, lan xuyên xuống cẳng tay, lan ra phía sau ngực hoặc hai vai. Đau ngực thường xuất hiện khi gắng sức và người bệnh nghỉ ngơi sẽ đỡ đau. Đôi khi bệnh nhân chỉ thấy hồi hộp, hụt hơi và mệt, kèm theo các dấu hiệu chóng mặt, hoảng hốt.
|
Nguyên nhân do đâu?
Bệnh mạch vành liên quan nhiều đến chế độ ăn, sinh hoạt và làm việc. Ở nước ta, điều kiện kinh tế đang dần cải thiện, vì vậy số bệnh nhân mạch vành ngày càng tăng. Ðể phòng tránh bệnh, cần tuân thủ chế độ ăn hợp lý: hạn chế ăn mỡ động vật, không hút thuốc lá, tránh béo phì, tập thể dục đều đặn. Khi phát hiện các bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu... cần điều trị và kiểm soát thường xuyên. |
Yếu tố nguy cơ
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh mạch vành, trong đó hay gặp nhất những người có tiền sử hút thuốc lá, tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, béo phì, ít vận động, cuộc sống có nhiều căng thẳng và hay gặp ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, đây là những nguy cơ có thể phòng ngừa được.
Chẩn đoán dễ dàng
Việc chẩn đoán bệnh mạch vành ngày nay đã trở nên dễ dàng. Ngoài các phương pháp thăm dò đơn giản như điện tim đồ, siêu âm tim đến các phương pháp hiện đại như xạ hình tưới máu cơ tim, chụp cắt lớp vi tính đa dãy (MSCT) và chụp động mạch vành. Phương pháp chụp động mạch vành là phương pháp quan trọng nhất, cho biết chính xác động mạch vành có bị hẹp hay không, vị trí, mức độ hẹp... từ đó giúp thầy thuốc chuyên khoa có phương pháp điều trị thích hợp. Đây là phương pháp có xâm lấn, bác sĩ chuyên khoa can thiệp mạch sẽ luồn một ống nhỏ vào động mạch ở bẹn lên đến động mạch vành, sau đó bơm thuốc cản quang và chụp bằng tia Xquang ở các tư thế khác nhau. Hiện nay, các bệnh viện tuyến Trung ương và một số bệnh viện tuyến tỉnh đã có các trung tâm tim mạch để chụp được mạch vành.
|
Lời khuyên của bác sĩ
Khi bác sĩ chuyên khoa tim mạch chẩn đoán bệnh mạch vành, người bệnh cần được điều trị bằng thuốc và phải thay đổi lối sống. Bỏ thuốc lá, giảm cân nếu có béo phì, tập thể dục điều độ, giảm thiểu những căng thẳng, áp lực trong công việc. Nếu người bệnh có các bệnh kèm theo như đái tháo đường, tăng huyết áp thì cần được điều trị tích cực.
Khi mạch vành bị hẹp đáng kể, cần có các can thiệp sớm. Có hai phương pháp:
Phương pháp nong và đặt giá đỡ (stent) động mạch vành: Bác sĩ sẽ đưa một ống thông có quả bóng ở đầu đến chỗ hẹp, sau đó bơm căng quả bóng, ép các mảng xơ vữa lại làm rộng lòng động mạch. Có thể stent trong lòng mạch tại chỗ hẹp. Phương pháp này người bệnh không phải mổ, thời gian nằm viện ngắn (1 - 2 ngày). Hiện nay, nong và đặt stent động mạch vành đang phát triển và được chọn lựa nhiều.
BS. Ngô Tuấn Anh
Món canh thuốc hỗ trợ trị bệnh mạch vành
suckhoedoisong.vn - Ngày 7 tháng 10, 2013 | 13:07
Thường tuổi từ 40 trở lên dễ phát sinh bệnh động mạch vành và hay gặp ở những người lao động trí óc, nam mắc nhiều hơn nữ; đặc biệt là người mắc bệnh mỡ máu cao, huyết áp tăng, xơ vữa thành mạch, người nghiện thuốc lá... là dễ mắc chứng động mạch vành.
Thường tuổi từ 40 trở lên dễ phát sinh bệnh động mạch vành và hay gặp ở những người lao động trí óc, nam mắc nhiều hơn nữ; đặc biệt là người mắc bệnh mỡ máu cao, huyết áp tăng, xơ vữa thành mạch, người nghiện thuốc lá... là dễ mắc chứng động mạch vành.
Đông y cho rằng, bệnh động mạch vành thuộc chứng tâm thống (tức đau tim, đau ngực). Bệnh phát sinh phụ thuộc vào sự thịnh suy của các tạng tâm, can, thận và tỳ; kết hợp với sự điều hòa khí huyết bất thường gây nên hiện tượng huyết ứ, khí trệ, đàm trọc. Ngoài việc dùng thuốc, dưới đây chúng tôi xin giới thiệu một số món ăn, bài thuốc có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh mạch vành để bạn đọc tham khảo và áp dụng khi cần thiết:
Chuối tiêu chấm vừng đen: chuối tiêu 500g, vừng đen (hắc chi ma) 15g. Vừng đen rang chín, bóc chuối tiêu chấm ăn hết chuối và vừng đen. Ngày ăn 1 - 2 lần. Cần một thời gian sẽ có tác dụng hạ huyết áp do trong chuối tiêu có chứa nhiều kali và có lợi cho mạch vành.
Mộc nhĩ trắng (ngân nhĩ): có công hiệu làm giảm mỡ máu, hạ huyết áp, lợi cho động mạch vành nếu thường xuyên dùng. Mộc nhĩ trắng 4g ngâm vào nước cho nở, rửa sạch, cắt bỏ chân, cho vào sắc lấy nước, thêm đường vừa ngọt, ăn cái, uống nước; ngày 2 lần.
Rau chân vịt cách thủy: có công hiệu làm hạ huyết áp, phòng bệnh mạch vành. Rau chân vịt 200g, rửa sạch cho vào 200ml nước đem hấp cách thủy chín trong 10 phút, mang ra gạn lấy nước uống hết vào sáng, chiều.
Canh mộc nhĩ đen: trị mạch vành và mỡ máu cao hay tăng huyết áp thuộc chứng ứ trệ, huyết ứ. Mộc nhĩ đen 6g, đường vừa đủ. Ngâm mộc nhĩ cho nở, rửa sạch, cắt bỏ chân, sau cho nhỏ lửa nấu nhừ, tra đường trắng đủ ngọt, ăn mộc nhĩ uống nước canh, ngày 1 - 3 lần.
Cá trắm cỏ nấu bí đao tốt cho bệnh mạch vành. |
Cá trắm cỏ, bí đao: có công hiệu trị mạch vành. Cá trắm cỏ cả con chừng 250 - 500g, bí đao 250 - 500g. Làm sạch cá rán vàng bằng dầu, sau cho bí đao đã thái miếng vào, ninh nhừ bằng lửa nhỏ trong 3 - 4 giờ liền, nêm muối vừa miệng ăn cả cái lẫn nước, ngày 1 lần.
Trà sơn tra - lá sen: hạ huyết áp, giảm mỡ máu, có lợi cho mạch vành. Sơn tra 30g, lá sen 20g, cho cả vào sắc lấy 1 bát nước thuốc uống, ngày uống 1 thang này.
Nước sắc đan sâm: đan sâm 20g, sắc lấy nước uống trong ngày. Uống thường xuyên có công hiệu trị bệnh mạch vành, tắc mạch máu não.
Nước sắc xuyên khung: xuyên khung 10g, sắc lấy nước uống trong ngày có công hiệu phòng trị bệnh động mạch vành và tắc mạch máu não.
Điều trị bệnh mạch vành như thế nào?
suckhoedoisong.vn - Ngày 3 tháng 10, 2013 | 07:26
Bố tôi 60 tuổi và hay bị cơn đau thắt ngực. Vừa rồi đi khám bệnh mới biết là bị mắc bệnh lý động mạch vành. Xin hỏi bệnh lý động mạch vành có những thể bệnh gì và có thuốc gì để chữa? Tôi xin cảm ơn!
Trần Minh Khoa (Thái Bình)
|
Đau thắt ngực là dấu hiệu cơ bản và quan trọng nhất để nhận biết bệnh động mạch vành. Có hai loại đau thắt ngực, đó là đau thắt ngực ổn định và hội chứng mạch vành cấp; hội chứng mạch vành cấp gồm có đau thắt ngực không ổn định và nhồi máu cơ tim. Đau thắt ngực ổn định là do mảng vữa xơ gây hẹp lòng động mạch vành, xuất hiện lặp đi lặp lại khi người bệnh gắng sức đạt đến một mức độ nào đó hay trong cùng một hoàn cảnh.
Còn hội chứng mạch vành cấp khi đau thắt ngực xảy ra bất kỳ, cả lúc nghỉ ngơi hay khi gắng sức nhưng không đỡ khi ngừng gắng sức. Cơn đau thắt ngực không ổn định sẽ tự hết hoặc sau khi dùng các thuốc nitroglycerin và có nguy cơ dễ chuyển thành nhồi máu cơ tim. Nhồi máu cơ tim xảy ra khi một nhánh của động mạch vành bị tắc hoàn toàn với biểu hiện của cơn đau thắt ngực xuất hiện khi nghỉ, đau thường dữ dội, kéo dài và không hết sau khi dùng nitroglycerin.
Đau thắt ngực không ổn định rất nguy hiểm nếu không được xử trí kịp thời vì dễ chuyển thành nhồi máu cơ tim. Do đó, khi bị đau thắt ngực cần được nghỉ ngơi ngay, dùng thuốc nitroglycerin dạng ngậm hoặc xịt dưới lưỡi và đến bệnh viện càng sớm càng tốt để có thể được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
Về thuốc điều trị, hiện nay có nhiều loại thuốc và có thể dùng một loại hay phối hợp nhiều thứ thuốc với nhau như: các thuốc chống kết vón tiểu cầu (aspirin, ticlide, plavix); các thuốc ức chế thụ thể beta (như tenormine, betaloc...); các thuốc chẹn kênh calci (amlordipin, tildiazem...); các thuốc hạ cholesterol máu (nhóm statin như zocor, crestor, lipitor...hay nhóm fibrat như lipanthyl, lopid...). Và một điều rất quan trọng là sửa chữa các yếu tố nguy cơ tim mạch, đặc biệt là bỏ thuốc lá; điều trị tốt bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp...
Ngoài các thuốc ra thì có thể điều trị bằng biện pháp can thiệp động mạch vành qua da nhằm tái lưu thông dòng máu trở lại bình thường ở đoạn động mạch vành bị hẹp mà không phải mổ. Nếu bệnh nặng hơn thì có thể phẫu thuật bắc cầu nối mạch vành.
Phòng bệnh còn hơn chữa bệnh. Do vậy phải thay đổi các thói quen xấu và lối sống tĩnh tại là các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Bằng cách bỏ thuốc lá (nếu hút thuốc); tập thể dục thường xuyên và thích hợp (tốt nhất là >1 giờ/ngày); tránh các stress (căng thẳng trong cuộc sống, công việc); ăn giảm muối, không ăn mỡ và các phủ tạng động vật (đặc biệt là lòng hay dạ dày lợn...); hạn chế ăn nhiều đồ ngọt... là biện pháp tốt nhất để dự phòng các bệnh mạn tính nói chung và bệnh lý tim mạch nói riêng.
TS. Hải Anh
Bỏ thuốc lá làm giảm mắc bệnh động mạch vành
suckhoedoisong.vn - Ngày 3 tháng 5, 2013 | 10:09
Tại phòng khám tim mạch, mỗi ngày các bác sĩ thường dặn cho tất cả người bệnh đang mắc bệnh lý tim mạch: "Hãy bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt", trước khi chúng ta bị bệnh động mạch vành.
Tại phòng khám tim mạch, mỗi ngày các bác sĩ thường dặn cho tất cả người bệnh đang mắc bệnh lý tim mạch: "Hãy bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt", trước khi chúng ta bị bệnh động mạch vành. Bởi vì nếu bạn còn hút thuốc lá kéo dài thì khi bạn bị bệnh động mạch vành, thường bạn sẽ bị hẹp cả 3 nhánh, hẹp lan tỏa, hẹp rất sớm (<50 tuổi). Hơn nữa, khi bạn bỏ thuốc lá thành công thì phải mất 3 - 15 năm, yếu tố nguy cơ đối với bệnh mạch vành mới ngang bằng người không hút thuốc. Vậy ngay từ bây giờ, nếu bạn còn trẻ tuổi "nói không với thuốc lá" là phòng ngừa bệnh động mạch vành.
|
Tại sao thuốc lá gây bệnh động mạch vành?
- Thuốc lá làm tăng kết tập tiểu cầu, tăng tình trạng tắc mạch.
- Thuốc lá gây tổn hại chức năng lớp nội mạch, làm giảm tiết NO là một chất gây giãn mạch.
- Thuốc lá gây xơ vữa động mạch vì: làm tăng cholesterol LDL-C, giảm HDL-C, tăng các yếu tố gây viêm như bạch cầu, CRP, fibrinogen.
- Thuốc lá gây tăng stress oxy hóa, làm giảm các chất chống oxy hóa mà cơ thể cần thiết để bảo vệ thành mạch.
- Thuốc lá làm tăng nồng độ Epinephrine và Norepinephrine trong máu dẫn đến, tăng áp lực động mạch, tăng nhịp tim, tăng co bóp cơ tim, tăng nhu cầu oxy cơ tim.
Hậu quả hút thuốc lá dài lâu:
- Bệnh tim mạch: bệnh động mạch vành, đột quỵ, bệnh động mạch ngoại biên.
- Bệnh phổi: tạo điều kiện cho viêm phổi do phế cầu hay virút, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, ung thư phổi - phế quản, gây đột tử trẻ sơ sinh.
- Bệnh khác: giảm thính lực, ung thư thực quản, ung thư bàng quang, ung thư tụy.
Bỏ thuốc lá như thế nào?
- Với thuốc lá bỏ là bỏ hẳn, đừng nên có ý nghĩa giảm từ từ số điếu hút trong ngày.
- Bỏ thuốc lá sẽ có hiện tượng tăng cân, cho nên phòng ngừa tăng cân bằng cách: ăn nhiều rau xanh, trái cây, giảm đồ ăn dầu mỡ; tăng cường vận động thể lực như chơi tennis, bơi lội, cầu lông, đi bộ nhanh, thể dục nhịp điệu, dưỡng sinh. Đừng lấy lý do tăng cân, mà hút thuốc lá lại.
- Có hai loại thuốc giúp cai nghiện thuốc lá: Chantix và Zyban, hai loại này không chứa nicotine. Chantix kích thích receptors nicotine ở não gây giảm hứng thú hút thuốc, còn Zyban gây tăng dopamine ở não (dopamine làm tăng khoái cảm). Tuy nhiên "Nghị lực từ bỏ thuốc lá của chính người hút lá quan trọng nhất", khỏi phải lạm dụng thuốc giúp cai nghiện thuốc lá.
BS. MẠNH HÀ
Đăng nhận xét